[ChanhKien.org]
Quá trình diễn tiến của văn tự Trung Quốc cũng hàm chứa những huyền cơ lịch sử, sự chuyển đổi từ triện văn, trứu văn (đại triện), lệ thư đến khải thư sau mỗi cuộc biến động lớn đã khiến văn tự càng lúc càng dễ viết hơn, tuy nhiên những điều thần kỳ của chữ viết cũng theo đó mà ẩn tàng đi, phản ánh vào xã hội nhân loại chính là sắc thái về Thần đã trở nên mờ nhạt, thay vào đó lại nhấn mạnh loại văn hóa truyền kỳ đa nguyên, nhiều màu sắc lấy con người làm chủ thể.
Triện văn và trứu văn thuộc về thể cổ tự, quá trình cải biến thành chữ lệ thư kỳ thực là một chuyển biến lớn, tuy nhiên đại biến hóa này lại không phải là một quá trình tự nhiên, chậm rãi, càng không phải do kết tinh trí huệ của quần chúng mà thành. Sử sách ghi chép rằng: Vào thời nhà Tần có một tù nhân tên Trình Mạc, trong mười năm lao tù đã miệt mài nghiền ngẫm, sáng tạo ra 3.000 chữ lệ thư, sau đó dâng tấu lên vua Tần Thủy Hoàng và được trọng dụng thăng làm ngự sử. Lại có một thuyết khác kể rằng: Vương Thứ Trọng - một thần nhân sống ở núi Hạ thời Chiến Quốc, được mệnh danh là “bút trát sở tiên” (người tiên phong trong việc dùng bút lông) nhìn thấy thời kỳ con người dùng bút để viết sắp đến gần, do đó ông đã cải biến triện văn và trứu văn thành chữ lệ thư nhằm chuẩn bị trước cho thời đại mới. Sau khi Tần Thủy Hoàng bình định thiên hạ, ông cho rằng người tạo ra chữ viết có công lao lớn nên đã sai sứ giả đi triệu kiến, tuy nhiên lại bị khước từ. Tần Thủy Hoàng nổi trận lôi đình, hạ lệnh cho sứ giả đi thêm một chuyến nữa, dặn rằng nếu vẫn không tuân lệnh thì cứ giết chết ông ta. Do đó, Vương Thứ Trọng lúc ở trước mặt sứ giả đã hóa thành một con chim lớn bay lên trời, lưu lại ba chiếc lông vũ để sứ giả mang về hồi báo.
Những ai có con mắt tinh tường đều nhìn ra được chỗ thần kỳ trong hai thuyết này, Vương Thứ Trọng hiển nhiên là câu chuyện Thần tiên, mà Trình Mạc cũng ly kỳ chẳng kém. Thời đó, sách vở chủ yếu được chép trên thẻ tre, chữ viết lại chưa hề phổ cập, tại nơi lao ngục mà có thể nghiên cứu văn tự, tham khảo tư liệu và khắc chữ thành thục dường như là điều không thể. Phải chăng mười năm huyền bí ấy có ẩn chứa một cuộc kỳ ngộ, một phút điểm hóa, ngộ đạo hay một thành tựu siêu thường nào đó?
Các nhà sử học đời sau tất nhiên đã chọn thuyết về Trình Mạc, hơn nữa khía cạnh huyền bí trong câu chuyện cũng phần nào bị ‘làm mờ’ đi. Lịch sử vốn nên là những ghi chép chân thật, tuy nhiên do ảnh hưởng từ sự dịch chuyển của thời không, cũng như trình độ nhận thức của các nhà chép sử nên việc xuất hiện những sai lệch là điều dường như không thể tránh khỏi. Trở về điểm khởi nguyên sẽ dễ dàng nhìn ra sự thật, chỉ cần nghiên cứu Hán tự đôi chút, ai cũng đều biết được sự sâu sắc và nghiêm cẩn của nó. Như đã nói từ trước, âm vận, hình phù và ý tượng ẩn tàng trong văn tự Trung Quốc quán xuyến đến các không gian và tầng thứ cao, do đó một người bình thường căn bản không thể tùy ý cải biến. Theo văn tự mệnh lý (thuật luận giải vận mệnh từ chữ viết) còn được lưu truyền đến thời hiện đại, thì ngay cả mỗi nét bút cũng đều ẩn chứa điều huyền diệu ở trong, ví như bộ Thảo đầu không thể viết là “艹” mà phải viết là “艸”, một khi dùng sai thì “Thiên-Địa-Nhân cách” sẽ theo đó mà lệch vị, mất đi tính chuẩn xác. Từ góc độ này mà xét, thuyết về Vương Trọng Thứ có lẽ vẫn sát với sự thật hơn.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/74797