Tác giả: Ngọc Minh
[ChanhKien.org]
Y học Trung Quốc không chỉ nghiên cứu về cơ thể con người mà còn bao gồm những hiểu biết hoàn chỉnh về thế giới vật chất, rất nhiều khái niệm trong đó khi nghĩ kỹ đều có ý vị sâu xa.
Ví dụ, Trung y nói về chữ “象” (tượng), có nghĩa là “态” (hình dạng, thần thái). Những sự vật giống nhau đều tương thông với nhau, sự giống nhau về hình dạng tức là sự giống nhau về thần thái. Mọi người đều biết rằng ăn gì bổ nấy, ăn gan bổ gan, ăn thận bổ thận và ăn xương bổ xương. Ngoài ra, tâm sen (tim sen) có thể thanh lọc tâm hỏa (nóng trong tim), tim sen cũng giống như tim người; hoa cúc có thể làm cho mắt sáng, hoa cúc và đôi mắt rất giống nhau! Vỏ đậu xanh có thể thanh trừ phế hỏa (nóng trong phổi), phế chịu trách nhiệm bên ngoài bề mặt da (nơi ngoại tà xâm nhập vào cơ thể); mướp đắng có thể thanh nhiệt dạ dày thanh trừ vị hỏa (nóng trong dạ dày), nó có thể giúp chúng ta hình dung dạ dày của con người hình dáng như thế nào. Những sự vật có hình dạng giống nhau đều có mối liên hệ nội tại. Kỳ thực, mối liên hệ này là do chính bản thân chúng vốn là mắt, tim và da của thực vật, chúng là những sinh mệnh sống và do đó chúng tương thông với cơ thể con người.
Thực vật chẳng những có sinh mệnh mà còn có tư duy có tình cảm. Những người thu thập thảo dược thời xưa có thể nói chuyện với các loài cây cỏ. Tôi thường nghe người già kể rằng ngày xưa hái nhân sâm là một việc rất long trọng, suốt cả chặng đường lên núi đều hát, những người tìm đường đi trước nếu tìm thấy một cây nhân sâm, trước tiên họ sẽ báo cáo có bao nhiêu lá, từ số lá người ta có thể biết tuổi của nhân sâm. Nhân sâm sinh trưởng đến bảy tuổi thì sẽ biết chạy trốn. Nếu có người muốn hái nó, nó biết thì nó sẽ chạy trốn đi. Người hái nhân sâm trước tiên nhanh chóng buộc chặt nhân sâm bằng một sợi dây màu đỏ để không cho nhân sâm chạy trốn, sau đó đào từ từ. Thường có những động vật lớn đang chờ đợi gần nơi nhân sâm tốt mọc lên, nếu chúng không lấy được nhân sâm, chúng sẽ đợi người ta đến hái rồi nhân cơ hội mà chộp lấy.
Chữ “象” (tượng) trong Trung y còn bao gồm những điểm tương đồng trừu tượng về ý nghĩa, ví như màu sắc, mùi vị, khí, v.v. Những thứ màu đỏ thường có tác dụng bổ huyết, chẳng hạn như đậu đỏ, táo đỏ, rễ rau chân vịt v.v.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778