Cuộc đời của “Thần kinh doanh” Nhật Bản – Matsushita Kōnosuke (Phần 3)
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Người đời sau bình luận về sự việc bán thuốc lá của Matsushita Konosuke như sau: Tìm thấy cơ hội kinh doanh từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và công việc có thể gọi là thông minh; dám ngay lập tức đưa ý tưởng vào thực hiện có thể gọi là người có phẩm chất của nhà kinh doanh thực thụ; nhưng trước những lời chỉ trích bất công mà vẫn có thể hoàn toàn bỏ qua lỗi lầm của người khác, bình tĩnh thản nhiên suy ngẫm về những thiếu sót của bản thân và nhận ra giá trị kinh doanh là cần phải chia sẻ lợi ích kiếm được với người khác thì quả là không tầm thường. Hơn nữa đây còn là suy nghĩ độc lập xuất phát từ một cậu thiếu niên 11 tuổi, nếu không phải là cách nghĩ của Thần, thì tôi cũng không biết giải thích thế nào cho hợp lý. Do vậy rất nhiều nhà kinh doanh của Nhật Bản ca ngợi Matsushita Konosuke từ trong tâm rằng: Thực sự không hổ danh là “Thần kinh doanh”.
Năm năm học nghề lần thứ hai, chính là giai đoạn quan trọng giúp ông củng cố và hình thành những giá trị quan và nhân sinh quan của mình. Ông cứ như vậy, nghiêm túc thiết thực và chăm chỉ làm việc từ những công việc tưởng chừng không quan trọng và không ngừng lĩnh hội ra những đạo lý cao thâm trong kinh doanh với tâm thái tích cực.
Lần đầu một mình bán xe đạp, được trời ban phúc báo
Sau khi sự việc thuốc lá qua đi, Konosuke vẫn tiếp tục chạy đi chạy lại mua thuốc lá cho khách hàng của “Thương hội xe đạp Ngũ Đại” (tên cửa hàng bán xe đạp) mà không có chút oán hận nào, hai năm sau, cậu thiếu niên lương thiện đã nhận được phúc báo từ trên trời rơi xuống. Sự việc đã làm chấn động sâu sắc tới trái tim của cậu thiếu niên này và từ đó trở đi cậu đã xác định được con đường và đạo lý trong kinh doanh của mình là lấy con người làm gốc.
Xe đạp là một mặt hàng đắt tiền vào thời điểm đó và giá cả gần như không khác nhiều so với bây giờ. Bởi vì Konosuke tuổi còn nhỏ, nên luôn phải làm đủ mọi loại việc lặt vặt, và hầu như không bao giờ đến lượt ông bán xe đạp hay đàm phán trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có lúc trong cửa hàng không có ai thì khách hàng sẽ trực tiếp tìm ông. Năm đó khi ông 13 tuổi, có một hôm may mắn gặp được cơ hội như thế này, các nhân viên trong cửa hàng vừa mới đi ra ngoài, chủ cửa hàng đành phải gọi ông tới thương lượng với khách hàng.
Lúc đó có một cuộc điện thoại gọi tới cửa hàng và khách hàng yêu cầu mang xe đạp qua cho họ xem thử. Konosuke nghe thấy chủ cửa hàng bảo mình một mình qua thương lượng với khách hàng thì rất vui mừng, đây là lần đầu tiên ông một mình đi bán xe đạp kể từ khi vào học việc ở đây và đây cũng là công việc mà ban đầu ông mong muốn làm. Vì vậy, ông nhìn nhận việc này vô cùng nghiêm túc. Sau khi gặp khách hàng và giới thiệu những tính năng của xe đạp một cách rất tận tình và chi tiết, khách hàng thấy ông có trách nhiệm và nhiệt tình với công việc bán xe đạp như vậy, hơn nữa mới chỉ là một cậu bé 13 tuổi thì vô cùng xúc động, do vậy trả lời ngay lập tức rằng sẽ mua xe đạp, tuy nhiên hy vọng giá bán có thể giảm xuống 10%.
Konosuke hết sức vui mừng, nhanh chóng báo cho ông chủ biết, ông cảm thấy nhất định ông chủ sẽ đồng ý, bởi vì trước đây ông từng nhìn thấy ông chủ giảm 10% giá bán cho khách hàng. Ông cho rằng lần này ông chủ sẽ khen ngợi mình cho mà xem. Không ngờ khi ông chủ biết được sự việc, đã mắng ông thậm tệ: “Đồ ngốc, nào có ai lại chủ động nhượng bộ lợi ích ngay từ đầu như thế chứ”. Thế nhưng Konosuke vừa nghe xong đã bật khóc nức nở, nghĩ tới khuôn mặt hài lòng và vui mừng của khách hàng, ông vừa khóc vừa cầu xin ông chủ thay cho khách hàng: “Mong ông đừng từ chối, hãy đồng ý giảm giá 10% và bán cho họ nhé, cháu không thể để cho khách hàng thất vọng được”. Chủ cửa hàng bị cậu bé đang khóc ầm lên làm cho không biết phải làm sao cho phải.
Vừa hay khách hàng vì lo lắng về chuyện này nên đi tới cửa hàng, nghe thấy tiếng khóc và tiếng la mắng lớn liền bước vào cửa hàng. Sau khi biết được toàn bộ nguyên do câu chuyện, khách hàng đã nhanh chóng chủ động nhượng bộ, bởi khách hàng cũng không muốn vì yêu cầu của mình mà làm khó cho cậu bé. Bởi vậy, khách hàng thỏa thuận giảm giá 5%, giảm một nửa so với 10%, và đạt được giao dịch mua bán. Cậu bé lúc này mới yên tâm, không khóc và cầu xin ông chủ nữa.
Lúc này, một sự việc bất ngờ xảy ra. Khách hàng đột nhiên lên tiếng, nói: “Từ nay về sau, chỉ cần cậu bé này còn làm việc ở đây, thì tôi sẽ không đến cửa hàng khác nữa, tôi sẽ luôn chọn mua xe đạp của cửa hàng này”, rõ ràng khách hàng đã bị tấm lòng chân thành, luôn biết nghĩ cho người khác và thái độ có trách nhiệm của cậu bé làm cho cảm động. Bởi vì vị khách đã nghe được rõ ràng, mặc dù cậu bé bị chủ cửa hàng trách mắng thậm tệ nhưng vẫn ra sức cầu xin cho mình. Cảnh tượng này có vẻ như là tình cờ nghe được, nhưng lại giống như được ông trời trợ giúp vậy. Vì thế, Konosuke đã nhận được phúc báo và vinh dự to lớn. Danh dự và sự tín nhiệm có được là hồi báo vô giá của ông.
Thương đạo chính là đạo làm người
Lần đầu tiên một mình bán xe đạp, ông lại nhận được sự công nhận và ưu ái to lớn của khách hàng đến như vậy. Từ sau sự việc lần này, ông đã hiểu ra một đạo lý: Thương đạo (con đường kinh doanh) chính là nhân đạo (con đường làm người). Nhân cách được công nhận và khẳng định còn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.Trong lúc giao dịch làm ăn, sản phẩm dĩ nhiên quan trọng nhưng nhân phẩm còn quan trọng hơn. Chỉ dựa vào chất lượng tốt và giá cả thấp thôi thì người khác chưa chắc sẽ mua sản phẩm của bạn. Phẩm chất của con người mãi mãi vẫn là bảo bối vô giá. Làm bất cứ việc gì thì đều phải nhớ rằng, hãy luôn đối xử với người khác bằng tấm lòng chân thành.
Như vậy, Konosuke về cơ bản đã định hình được các giá trị quan trong kinh doanh cho mình.
Khổng Tử nói: “Nhân giả nhân dã, thân thân vi đại”, chính là nói, làm người thì phải có tấm lòng nhân ái, (khi tạo chữ, hai chữ Nhân (仁) và Nhân (人) là chữ đồng âm, cũng không phải ngẫu nhiên), cần phải lấy việc yêu quý người làm hạt nhân, đầu tiên phải hiếu kính cha mẹ, trên cơ sở này mở rộng ra sự yêu mến với hết thảy mọi người trong thiên hạ. Do đó nhân đạo (人道 – Đạo của con người) chính là nhân đạo (仁道- Đạo nhân ái, yêu thương). Những điều mà Konosuke áp dụng trong khi làm kinh doanh sau này chính là đạo lý này: Lấy sự nhân ái và lòng yêu thương con người làm căn bản.
Giao xe đạp, lập đại chí
Ở Nhật Bản, người ta thường hay nói rằng: Trong cuộc đời không có bất kỳ một sự việc nào chúng ta làm là hoài công vô ích. Cuộc đời của Konosuke vừa hay đã chứng minh được điều này. Thời gian năm năm ông ở cửa hàng bán xe đạp, mặc dù không có liên quan trực tiếp gì với ngành điện khí, nhưng đã hình thành nên những giá trị quan của bản thân và ông cũng hiểu ra con đường mình muốn đi trong tương lai.
Do ông thường xuyên đi giao xe đạp cho khách hàng, nên hay bị xúc động bởi sự tiện lợi của những chiếc tàu điện. Thế nên, ông nhìn thấy những chiếc tàu điện thì bỗng nhiên có dự cảm: Tương lai khẳng định sẽ phát triển theo hướng điện khí hóa, sau này mình phải làm việc trong ngành điện khí. Kể từ đó ông đã bước chân vào ngành công nghiệp điện khí.
Chí hướng của cậu thiếu niên chắc chắn sẽ phải trải qua muôn vàn gian nan trắc trở, trong sóng to gió lớn mà được thử thách và rèn luyện, để rồi từng bước vượt qua, lưu lại cho con người thế gian một con đường kinh doanh chân chính, không bị ràng buộc bởi lợi ích.
(Còn nữa)