Chuyện cổ Phật gia: Những điều Phật Thích Ca Mâu Ni phải chịu đựng trước khi nhập niết bàn

Tác giả: Lục Văn

[ChanhKien.org]

Bất kỳ một vị Giác Giả hay vị Thần nào khi độ nhân, đều sẽ phải thay các đệ tử mà mình cứu độ gánh chịu một phần nghiệp lực. Phật Thích Ca Mâu Ni và Chúa Jesus đều như vậy, nhưng cũng chính vì điều này mà họ cũng đều gặp phải những khổ nạn. Ví dụ như trong tín ngưỡng Cơ Đốc giáo phương Tây có nói thẳng rằng: Chúa Jesus chịu khổ vì tội lỗi của thế nhân, vì muốn chuộc tội thay cho con người mà bị đóng đinh chết trên thập tự giá. Kỳ thực, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từng vì gánh chịu thay nghiệp lực cho các đệ tử mà trải qua rất nhiều khổ nạn, đặc biệt là trước khi nhập niết bàn, ngài phải chịu đựng nỗi thống khổ vô cùng lớn. Trong kinh Phật cũng có ghi chép về việc này.

Theo ghi chép trong kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Trường A Hàm, kinh Bát Niết Bàn, kinh Phật Bát Niết Bàn và các kinh điển khác, vào năm cuối cùng thọ mệnh thân người của Phật Thích Ca Mâu Ni, Ông dẫn theo tôn giả A Nan cùng các đệ tử rời khỏi nước Ma Kiệt Đà, đi đến nước Bạt Kỳ. Tại đây, thân thể của Phật Thích Ca bắt đầu xuất hiện biểu hiện giống như mắc bệnh, toàn thân đều vô cùng đau đớn. Loại thống khổ này khiến ngay cả Phật Thích Ca Mâu Ni cũng cảm thấy hết sức khó nhẫn chịu, dẫn đến việc từng có ý định sẽ nhập niết bàn sớm hơn. Tuy nhiên, sau khi suy xét đến việc cần phải để lại những lời dạy cuối cùng cho các đệ tử, Ông mới dùng định lực đả tọa, kiên trì tiếp tục nhẫn chịu thống khổ.

Trong kinh Phật có ghi chép về tình hình khi ấy: “Hiện nay, khắp người ta đều đau đớn”, “Thân thể thống khổ vô cùng, muốn nhập bát niết bàn”, “Lúc ấy, thân thể Phật bị bệnh, toàn thân đau đớn. Phật nghĩ rằng, nỗi thống khổ này thật quá lớn, mà các đệ tử đều không có mặt bên cạnh, cần phải đợi mọi người đến đầy đủ rồi mới có thể nhập niết bàn”.

Phật Thích Ca Mâu Ni vì muốn giúp các đệ tử tiêu trừ nghiệp lực ở mức độ lớn nhất, nên đã tiếp tục gánh chịu nghiệp lực, kiên trì nhẫn chịu nỗi thống khổ kéo dài suốt hai, ba tháng liền. Dùng sự thống khổ cự đại của bản thân để thay cho các đệ tử tiêu giảm đi rất nhiều nghiệp lực. Đến khi những thống khổ biểu hiện trên thân thể Phật Thích Ca Mâu Ni được giảm bớt đi một chút, có thể tiếp tục đi lại, Ông liền cùng A Nan và các đệ tử khác tiếp tục lên đường, tiến về thành Xá Vệ của nước Câu Tát La.

Chẳng bao lâu sau, khi đi ngang qua một ngôi làng, có một người thợ rèn tên là Thuần Đà. Khi nghe tin Phật Thích Ca Mâu Ni đi qua nơi đó, ông liền chuẩn bị một bữa cơm trưa để cung kính thỉnh mời Phật Thích Ca cùng các đệ tử đến dùng bữa, bày tỏ lòng thành kính. Tương truyền rằng, trong số các món ăn mà Thuần Đà dâng cúng hôm ấy, có một loại nấm được gọi là chiên đàn nhĩ. Trước khi dùng bữa, Phật Thích Ca đã căn dặn Thuần Đà rằng, hãy đem hết phần chiên đàn nhĩ ấy dâng cho một mình Ông dùng, còn các món ăn khác thì phân phát cho mọi người, hơn nữa phần chiên đàn nhĩ mà Ông không ăn hết phải đem chôn xuống đất, tuyệt đối không được để cho bất kỳ người nào khác ăn. (Có người suy đoán rằng loại chiên đàn nhĩ này có thể là một loại nấm độc nào đó, và Phật Thích Ca đã cố ý ăn vào để gánh chịu nghiệp lực thay cho chúng sinh).

Phật Thích Ca sau khi ăn chiên đàn nhĩ, liền bắt đầu đau đớn dữ dội. Ông nói với A Nan rằng phải đến Câu Thi Na gấp. Vì nỗi thống khổ quá lớn, đi được nửa đường thì Đức Phật không còn đủ sức tiếp tục bước đi nữa, kinh Phật có ghi chép rằng, lúc ấy “toàn thân Phật Thích Ca đau nhức”. Ngài liền nằm nghỉ dưới gốc cây Sa La Song Thọ cách thành Câu Thi Na chừng vài dặm về phía Đông. Tại đây, Ông căn dặn chúng sinh: “Người nào có thể tiếp nhận Pháp, có thể thực hành đúng theo Pháp, thì người ấy chính là đang cúng dường Như Lai”. Sau khi giảng dạy những lời giáo huấn cuối cùng cho các đệ tử và những chúng sinh có duyên, Phật Thích Ca nhập niết bàn với tư thế đầu hướng về phương Bắc, mặt quay về hướng Tây.

Nếu nhìn vào những gì Phật Thích Ca Mâu Ni và Chúa Jesus phải gánh chịu trong lịch sử, ta có thể biết được rằng việc cứu độ chúng sinh không phải là lời nói suông, mà là một việc vô cùng gian khổ, cực kỳ khó khăn. Kỳ thực, bậc Đại Giác Giả cứu độ chúng sinh ngày nay, những gì Ngài phải gánh chịu và phó xuất vượt xa bất kỳ một vị Giác Giả, Thần, Phật nào trong lịch sử. Chúng ta là người tu luyện trong thời đại này, nhất định phải trân quý sự gánh chịu và phó xuất của Sư phụ. Không được cô phụ trọng trách lịch sử cứu độ chúng sinh của chúng ta, phải trân quý cơ duyên tu luyện Đại Pháp.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/238448