Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 7): Thời kỳ Mãn Thanh
Tác giả: Như Chi
[ChanhKien.org]
Tính hình thức hóa và lễ nghi trong vũ điệu cung đình từ thời Minh đã có thêm những đặc điểm mới sau khi đế quốc Mãn Thanh được thành lập. Triều đại nhà Thanh cũng là một vương triều do người dân tộc thiểu số kiến lập nên, cho nên vũ điệu cung đình của thời kỳ này ngoài việc kế thừa những đặc điểm của các triều đại trước, còn dung nhập những nét đặc sắc của người Mãn và các dân tộc thiểu số khác.
Trong “Thanh Sử Cảo – Nhạc Chí” ghi chép, vũ điệu cung đình thời Thanh “có hai loại: vũ điệu dùng trong các dịp cúng tế Thần gọi là Dật vũ, vũ điệu dùng trong các dịp yến tiệc gọi là Đội vũ. Trong Dật vũ, múa võ thường dùng thuẫn và rìu, múa văn thường dùng vũ dược (bộ nhạc cụ dùng trong múa văn, vũ là một cây gỗ nhỏ đầu có gắn lông chim trĩ, dược là cây trúc hình dáng giống ống sáo). Dùng thuẫn và rìu gọi là vũ công chi vũ (vũ điệu múa võ), dùng vũ dược gọi là văn đức chi vũ (vũ điệu văn đức). Trong tế tự, lễ sơ hiến (dâng lễ tế lần đầu) sẽ biểu diễn múa võ, lễ á hiến (dâng lễ tế lần thứ hai) và lễ chung hiến (dâng lễ tế lần cuối cùng) biểu diễn múa văn. Riêng tế tự miếu Tiên sư, miếu Văn Xương, thì cả lễ sơ hiến, á hiến và chung hiến đều thực hiện vũ điệu múa văn. Nếu là trong lễ Đại vu (lễ cầu mưa), thì có mười sáu bé trai mặc y phục màu đen, tay cầm quạt lông vũ, ca múa điệu ‘Hoàng vũ’, tất cả những điều này đều thuộc về Dật vũ”.
Thời Thanh, yến nhạc được chia làm chín loại, tất cả đều là vũ điệu của các dân tộc thiểu số. Chín loại này gồm: Đội vũ nhạc, Ngõa Nhĩ Khách Bộ nhạc [1], Triều Tiên nhạc, Mông Cổ nhạc, Hồi Bộ nhạc, Phiên Tử nhạc, Khuếch Nhĩ Khách Bộ nhạc [2], Miến Điện quốc nhạc, An Nam quốc nhạc.
Loại thứ nhất, “Đội vũ nhạc” là vũ điệu của người Mãn, gồm có ba loại: một là Khánh Long vũ, biểu diễn trong các cuộc hội họp triều đình, cung điện hoặc yến tiệc trong cung; hai là Thế Đức vũ, biểu diễn trong các dịp yến tiệc của hoàng tộc; ba là Đức Thắng vũ, biểu diễn trong các buổi tiệc mừng chiến thắng. Ba vũ điệu này đều có cùng cấu trúc, nhưng mỗi loại lại có những bản nhạc khác nhau.
Ban đầu Khánh Long vũ có tên gọi là Mãng Thức vũ hoặc Mã Khắc Thức vũ. “Mãng Thức vũ” là một điệu múa truyền thống của người Mãn, tư thế múa chủ yếu là “nâng một tay áo lên ngang trán, tay áo còn lại đưa ngược ra sau lưng, thực hiện các tư thế xoay tròn”. Trong điệu Khánh Long vũ “chia thành Đại và Tiểu Mã Hộ, gọi là ‘Dương Liệt vũ’, là điệu múa võ. Các đại thần múa để chúc thọ được gọi là ‘Hỉ Khởi vũ’, là điệu múa văn. Biểu diễn điệu Dương Liệt vũ, có 32 người đeo mặt nạ, một nửa trong số đó mặc trang phục vải bố màu vàng có vẽ hoa văn, một nửa còn lại mặc trang phục da dê màu đen. Họ nhảy nhót vờn quanh, tượng trưng cho những con thú kỳ lạ. Còn có tám người cưỡi ngựa, mặc áo giáp đội mũ trụ, cầm cung tên, chia thành hai cánh tiến lên, hướng về phía Bắc dập đầu, rồi đứng dậy. Sau đó cưỡi ngựa đuổi bắt vòng quanh, tượng trưng cho quân đội Bát Kỳ. Một con thú bị trúng tên, đàn thú bị hàng phục, tượng trưng cho sự thành công về sức mạnh vũ lực và quân sự. Biểu diễn điệu Hỉ Khởi vũ, có 22 đại thần mặc triều phục và đeo nghi đao tiến vào, dập đầu ba lần rồi đứng dậy, lùi về vị trí phía Đông đứng hướng về phía Tây. Từng cặp tiến lên, múa xong dập đầu ba lần, rồi lui ra. Đội tiếp theo tiếp tục tiến lên theo nghi thức như vậy”.
Loại thứ hai: “Ngõa Nhĩ Khách Bộ nhạc”, là âm nhạc và vũ điệu của dân tộc thiểu số phía Đông. Khi múa, vũ công mặc áo dài bằng gấm vân đỏ viền gấm hoa, đội mũ lớn bằng da cáo. Có tám vũ công, chia thành hai người một đội.
Loại thứ ba: “Triều Tiên nhạc”, có ba nhạc công, một người “Bài trưởng”, mười bốn vũ công nhảy múa nhào lộn. Người “Bài trưởng” đi ra từ phía bên phải, đứng quay mặt về hướng Bắc, đọc lời giới thiệu bằng tiếng Cao Ly. Các nhạc công thổi sáo, kèn, đánh trống đi ra từ phía bên phải, đứng quay mặt về hướng Đông Bắc. Các vũ công nhào lộn đi ra từ phía bên trái, từ phía Đông hướng về phía Tây, mỗi người biểu diễn kỹ năng của mình.
Loại hình thứ tư: “Mông Cổ nhạc”, các nhạc công mặc mãng phục (áo mãng bào thêu hình rồng), diễn tấu nhạc khúc Mông Cổ.
Loại hình thứ năm: “Hồi Bộ nhạc”, ngoài tám nhạc công diễn tấu nhạc cụ, còn có hai vũ công chính và hai vũ công múa khay của nhóm múa. Đợi sau khi đội múa của nước Triều Tiên trình diễn xong, thì hai vũ công múa chính bắt đầu múa, hai vũ công múa khay cũng múa theo.
Loại thứ sáu: “Phiên Tử nhạc”, là âm nhạc và vũ đạo của người Tạng. Bao gồm các điệu múa sư tử “A Nhĩ Tát Lan” (tiếng Tạng là ‘Tăng Cách Ất’); điệu múa “Đại Quách Trang” (tiếng Tạng là ‘Đại Lạp Cát Địa’) gồm mười người múa, từng cặp hai người cùng nhau múa; điệu múa “Tứ Giác Lỗ” (tiếng Tạng là ‘Đặc Lặc Bố’) do sáu vũ công đội mũ trụ múa; còn có vũ điệu “Trát Thập Luân Bố” (tiếng Tạng là ‘Bách Lạp Cát’) do mười nhi đồng người Tạng, mình khoác dải lụa dài, tay cầm rìu biểu diễn v.v.
Loại thứ bảy: “Khuếch Nhĩ Khách nhạc vũ” là âm nhạc và vũ đạo của Nepal ngày nay. Ngoài những nhạc công, còn có hai vũ công, đều mặc áo lụa màu đỏ xanh, đội mũ nỉ màu đỏ tươi, choàng khăn lụa thêu kim tuyến, đi giày đỏ, đeo thắt lưng vải bố nhiều màu. Mỗi chân của vũ công đeo một chuỗi chuông đồng nhỏ, gọi là “công cổ lý”, khi nhảy múa sẽ phát ra âm thanh, vừa ca vừa múa.
Loại thứ tám: “Miến Điện quốc nhạc”, được chia thành hai loại: Thô Miến Điện nhạc và Tế Miến Điện nhạc. Loại Thô Miến Điện có năm nhạc công, sáu người hát, đều thả tóc dài được buộc bằng khăn đỏ, mặc trang phục và mũ Miến Điện. Tế Miến Điện nhạc: có bảy nhạc công, đều thả tóc dài được buộc bằng khăn đỏ, mặc áo đuôi ngắn bằng gấm xanh. Có bốn vũ công, đều mặc áo đuôi ngắn bằng gấm lấp lánh, váy nhiều màu, dùng đai lưng gấm bản lớn, đầu quấn khăn. Khi hát thì kết hợp với Thô nhạc, múa thì kết hợp với Tế nhạc.
Loại thứ chín “An Nam quốc nhạc”. Ngoài các nhạc công, còn có bốn vũ công, mặc mãng bào, tay cầm quạt lụa màu múa.
Thời kỳ Càn Long là thời kỳ hưng thịnh của âm nhạc và vũ điệu cung đình triều Thanh. Vào thời đó, số lượng người quản lý và các nghệ sỹ biểu diễn ở Nhạc bộ có tổng cộng 1.038 người. Âm nhạc và vũ điệu được chia thành hai loại là “Ngoại triều” và “Nội đình”. Âm nhạc và vũ điệu Ngoại triều bao gồm các vũ điệu biểu diễn trong tế tự, nghị triều, yến tiệc và nghi thức; âm nhạc và vũ điệu Nội đình chỉ bao gồm các vũ điệu mang tính giải trí, tế tự và nghị triều. Cho đến thời kỳ Quang Tự nhà Thanh, trong cung đình vẫn duy trì thông lệ biểu diễn âm nhạc và vũ điệu trong các buổi yến tiệc.
Cùng với văn hóa phương Tây du nhập vào Trung Quốc, âm nhạc và vũ điệu của phương Tây cũng bắt đầu xuất hiện trong cung đình Trung Quốc. Đến giai đoạn nửa cuối thời kỳ nhà Thanh, cung đình triều Thanh đã có dàn nhạc phương Tây đầu tiên, nhưng các vũ điệu phương Tây lại không được cung đình nhà Thanh tiếp nhận, những vũ điệu này chỉ như một luồng gió nhẹ thoảng qua.
Vũ điệu cung đình Trung Quốc đã trải qua hàng nghìn năm, cuối cùng đã kết thúc lịch sử huy hoàng của mình trong ánh chiều tà của thời kỳ cuối nhà Thanh.
Chú thích:
[1] Ngõa Nhĩ Khách: là cộng đồng người Warka thuộc tộc người Nữ Chân sống ở vùng Mãn Châu.
[2] Khuếch Nhĩ Khách: là cộng đồng người thiểu số Gurkha sống ở Nepal.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/43910