Truyền thuyết dân gian: Câu chuyện về cầu Tư Đức
Tác giả: Ngải Khấu
[ChanhKien.org]
Cách thành phố Kỳ Châu, tỉnh Hà Nam vài kilômét về phía Bắc, có một cây cầu mang tên Tư Đức. Cây cầu này đã tồn tại hàng trăm năm, và gắn liền với một câu chuyện truyền thuyết cảm động được lưu truyền ở địa phương.
Câu chuyện xảy ra vào thời vua Nhân Tông nhà Tống, khi đó người dân Trung Nguyên rất thuần phác. Một năm nọ, đúng vào dịp triều đình tổ chức khoa thi, có một thư sinh tên là Lý Mậu đến từ Tương Châu (nay là huyện Lâm Thao), cưỡi lừa lên kinh đô Biện Lương dự thi. Vượt qua dòng nước xanh biếc của sông Kỳ, gần trưa anh đến bên một hồ nước nhỏ.
Bầu trời quang đãng bỗng nhiên từ đâu bay đến một đám mây đỏ, nổ một tiếng sét “xoẹt” ngay trên đỉnh đầu, bầu trời bỗng chốc mây đen mù mịt, sấm sét đùng đùng, trút mưa xuống trắng xóa. Chàng thư sinh vội vàng lấy chiếc ô từ sau lưng, nhưng chưa kịp lấy ra che mưa thì mây đã tan, trời quang mây tạnh, Mặt Trời lộ ra. Đang chưa hết ngạc nhiên, anh bỗng nghe thấy tiếng hét từ phía trước cây cầu: “Có người bị sét đánh chết rồi! Có người bị sét đánh chết rồi…”
Thư sinh Lý Mậu vội vã thúc lừa tiến lên phía trước, quả nhiên thấy trên cầu đá có khoảng bảy, tám người vây quanh. Một ông lão hơn 60 tuổi nằm bất động ở đó, không còn chút hơi thở nào, một người đàn ông hơn 30 tuổi đang bỏ ống quần ông lão xuống.
“Thiên lý ở đâu!” Một bà lão đứng bên cạnh khóc nức nở: “Cả đời sửa cầu vá đường, cuối cùng lại nhận lấy kết cục như vậy”.
Những người khác cũng lắc đầu thở dài.
“Chuyện gì vậy?” Lý Mậu tò mò hỏi những người xung quanh.
“Ôi chao! Sỹ tử à! Ông thợ đá họ Triệu này cả đời làm việc thiện tích đức. Cây cầu chúng ta đang đi đây chính là do ông ấy dành mười năm tâm huyết xây dựng. Ai ngờ mới hoàn thành được một tháng thì…” Người dân địa phương vốn rất tôn trọng người có học nên vội vã trả lời câu hỏi của Lý Mậu.
Lý Mậu trong tâm có chút bất bình: Chẳng lẽ lời người ta nói “người tốt không sống thọ” là đúng? Đang suy tư, bỗng có người nhờ anh viết vài chữ cho người đã khuất. Không chần chừ, anh lấy bút nghiên ra, suy nghĩ một lát rồi viết một dòng chữ lên cánh tay trái của ông lão: “Hành thiện không tốt, làm ác tốt”. Viết xong, Lý Mậu bỗng thấy không ổn, những người xung quanh cũng thở dài. Anh lại viết thêm lên cánh tay phải của ông lão: “Làm việc thiện tốt hơn làm việc ác”. Sau đó, anh chào mọi người và lên đường đến kinh thành. Trên đường đi, tâm trạng anh bồn chồn, trăn trở mãi câu hỏi: Làm việc thiện hay làm việc ác tốt?
Hai ngày sau, Lý Mậu đến kinh thành, tìm một nhà trọ ở lại, đêm đó không có vấn đề gì. Sáng hôm sau, anh rửa mặt chải đầu xong, một mình ra khỏi quán trọ đi dạo quanh kinh thành. Kinh thành quả thật vô cùng náo nhiệt, phồn hoa lộng lẫy. Đang lúc Lý Mậu chìm trong suy tư, bỗng nhiên từ đầu đường xuất hiện vài con ngựa phi nước đại, trên lưng là những binh lính hô to: “Có thông báo của Hoàng thượng, có thông báo của Hoàng thượng!”, rồi thúc ngựa phóng đi vun vút.
Lý Mậu ngước mắt nhìn lên, quả nhiên thấy một đám người đang tụ tập xem. Trong đám người, có một người trông giống nho sinh đang cất cao giọng đọc: “… Ba ngày trước Thái tử ra đời, trên mỗi cánh tay của cậu bé đều có một hàng chữ: ‘Hành thiện không tốt làm ác tốt’; ‘Làm việc thiện tốt hơn làm việc ác'”. “Nay trẫm triệu tập các bậc kỳ nhân dị sỹ đến đây giải đáp mối nghi hoặc trong lòng trẫm. Ai có thể nói rõ nguyên nhân trước sau, trẫm sẽ…”
Lý Mậu vô cùng kinh ngạc: “Sao có chuyện kỳ lạ như vậy xảy ra trên đời, nếu không phải hai ngày qua tận mắt chứng kiến thì dù có nói thế nào cũng không ai tin”. Vì vậy, anh không chút do dự đến điện Kim Loan thuật lại với vua Nhân Tông những gì mình đã trải qua trong hai ngày vừa rồi. Vua Nhân Tông yêu cầu anh viết ra hai dòng chữ trên tay Thái tử để các quan văn võ hai bên đối chiếu bút tích. Quả nhiên, hai dòng chữ hoàn toàn giống nhau, không sai một ly. Vua Nhân Tông bèn sai người đi truy tìm thợ đá họ Triệu. Khi biết được ông Triệu vừa mới qua đời, vua bèn tin tưởng hoàn toàn vào lời của Lý Mậu và phong cho anh làm thám hóa, tức Đình nguyên bảng nhãn, áo gấm trở về.
Trên đường trở về quê nhà, Lý Mậu lại đi qua cây cầu đá. Anh dừng kiệu lại, đặt tên cho cây cầu là “cầu Tư Đức” (suy tư về đức) và kể cho người dân trong làng nghe câu chuyện về ông thợ đá họ Triệu. Anh nói với họ rằng ông thợ đá họ Triệu đã tích đức cả đời, sau khi chết được chuyển sinh vào hoàng thất. Lý Mậu muốn mọi người biết rằng ông Trời có mắt, thiện ác hữu báo, để mọi người lưu truyền câu chuyện có hậu này.
Câu chuyện này vẫn được lưu truyền ở địa phương cho đến ngày nay.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/37999