“Tây du ký”: Tam thừa giải Pháp (9)
Tác giả: Lăng Ngộ
[ChanhKien.org]
(Ba mươi chín)
Lần này, bốn thầy trò Đường Tăng đã thực sự đến được Linh Sơn bảo địa. Dưới chân Linh Sơn, Kim Đỉnh Đại Tiên của Ngọc Chân Quán đón tiếp họ. Sau khi tắm rửa thay y phục, họ được dẫn đi qua cửa sau chính điện của đạo quán, rồi tự mình lên Linh Sơn bái kiến Như Lai Phật Tổ. Bốn người họ đi được năm, sáu dặm, chỉ thấy có một dòng nước sâu rộng, phía trên có một cây cầu độc mộc để bước qua. Không biết phải làm sao, Đường Tăng và Trư Bát Giới không ai dám đi qua. Đúng lúc này, Tiếp Dẫn Phật Tổ chèo một chiếc thuyền không đáy đến bến “Lăng Vân Độ” để tiếp dẫn họ sang sông và thuận lợi đặt chân lên bờ bên kia, đích thân diện kiến Như Lai Chí Tôn Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Như Lai đáp ứng ban cho Đường Tăng “Ba tạng kinh: Một tạng ‘Pháp’, bàn về trời; một tạng ‘Luận’, nói về đất; một tạng ‘Kinh’, dùng để độ quỷ. Tổng cộng có ba mươi lăm bộ, gồm mười lăm nghìn một trăm bốn mươi bốn quyển. Quả đúng là chân kinh, con đường thiện chính đạo để tu luyện”. Sau đó, Phật Như Lai ra lệnh cho hai vị đệ tử là A Nan và Ca Diếp dẫn thầy trò Đường Tăng đi nhận kinh. Ban đầu, vì Đường Tăng không đưa lễ vật cho A Nan, nên chỉ nhận được năm nghìn không trăm bốn mươi tám quyển kinh, mà tất cả đều là vô tự chân kinh (kinh không chữ). Họ không hề nhận ra điều này, nhưng khi đi được nửa đường, Bạch Hùng Tôn Giả, người do Nhiên Đăng Cổ Phật phái đến đã tạo ra một cơn gió lớn thổi bay vô số quyển kinh. Lúc này, Đường Tăng mới phát hiện sách không có chữ. Thế là thầy trò bèn quay lại Linh Sơn, đến gặp Phật Như Lai để thưa chuyện. Phật Tổ biết rõ mọi sự, bèn một lần nữa sai A Nan và Ca Diếp dẫn họ tới lấy những tạng chân kinh có chữ. Lúc này, A Nan vẫn tiếp tục đòi lễ vật. Đường Tăng không còn cách nào khác, đành dâng chiếc bát tử kim cho A Nan, mọi việc mới suôn sẻ, lấy được chân kinh, trở về cố quốc Đại Đường.
Đầu tiên, hãy nói về việc tắm gội của bốn vị thánh tăng thầy trò Đường Tăng. Điều này thể hiện rằng họ đã thoát thai hoán cốt, trở nên thuần khiết vô tà. Như câu nói: “Rửa sạch bụi bẩn tâm vô nhiễm. Phản bổn hoàn nguyên thân bất hoại”. Tiếp theo, khi đến bến Lăng Vân Độ, ban đầu họ gặp khó khăn khi phải đi qua một cây cầu độc mộc, sau đó lại được một con thuyền không đáy tiếp dẫn. Trong sách có đoạn tổng kết: “Quả thực là trí huệ rộng lớn, Pháp vô cực đưa đến bờ bên kia”. Điều này có thể ám chỉ rằng, sau khi người tu luyện công thành viên mãn, họ phải vượt qua ngưỡng cửa đầu tiên để trở về thế giới thiên quốc của chính mình. Ngoài ra, còn có chi tiết một thi thể chết trôi dạt trên sông, Tôn Ngộ Không nói: “Sư phụ đừng sợ, đó vốn dĩ là người”. Trư Bát Giới, Sa Tăng và người chèo thuyền cũng đồng thanh phụ họa, đều nói: “Là người, là người đó! Chúc mừng, chúc mừng!” Điều này chứng tỏ rằng Đường Tăng đã thoát khỏi phàm thai, cái giả ngã đầy nghiệp đã chết đi, còn chân ngã đã sống lại, khôi phục bản lai diện mục của chính mình. Ông đang dùng hình tượng của một Giác Giả đứng sừng sững giữa trời đất vũ trụ, nổi bật trước tầm mắt độc giả. Hơn nữa, ba tạng kinh mà Như Lai Phật Tổ truyền là “Pháp”, “Luận”, “Kinh”, điều này khác biệt với kinh, luật, luận trong Phật giáo mà chúng ta biết hiện nay, hoàn toàn là hai việc khác nhau, không thể đánh đồng, cũng không thể coi là như nhau. Còn việc A Nan yêu cầu Đường Tăng dâng vật phẩm không phải vì tham tài, bởi vì một bậc Giác Giả đương nhiên biết tự cung tự cấp, không cầu xin người. Cách làm này của A Nan thực chất là giúp Đường Tăng buông bỏ nốt một tâm chấp trước còn lưu lại trong giai đoạn tu luyện cuối cùng, từ đó đạt đến trạng thái vô lậu. Đồng thời, nó cũng đặt ra chuẩn mực phương thức cúng dường cho những người đời sau khi bái Phật, kính Phật. Hiện nay, trong các ngôi chùa, hành vi dâng hương, cúng tế, bái lạy chính là một trong những phương thức đảm bảo đời sống sinh hoạt hằng ngày của tăng ni xuất gia.
Cuối cùng, hãy nói về mối quan hệ giữa “Chân kinh không chữ” và “Chân kinh có chữ”. “Chân kinh có chữ” chính là chân kinh mà Đường Tăng đã mang từ Tây Thiên về Đại Đường. Bất kỳ ai biết chữ đều có thể đọc được, từ trong đó mà ngộ ra chân Pháp, chân Đạo. Đây chính là Phật ân hạo đãng của Như Lai Phật Tổ, Ngài phát đại từ bi muốn độ hết thảy chúng sinh, vì thế đã mở ra cánh cửa thuận tiện lớn. Còn “Chân kinh không chữ”, tuy nói trong “Tây Du Ký” đề cập thoáng qua, nhưng cuối cùng lại không được truyền lại (hoặc không thể biết). Có thể thấy độ nhân là việc khó nhường nào. Khi đã bàn đến phổ độ, thì cần có chữ viết, có văn tự ghi chép lại. Nhưng chữ viết là một dạng vật chất nơi thế gian, thuộc về ngôn ngữ thế gian, nên cũng có những hạn chế khó nói của nó. Ý tức là ngôn ngữ vật chất ở tầng thấp nhất làm sao có thể diễn đạt trọn vẹn được Phật Pháp cao tầng? Loại trở ngại và hạn chế này khẳng định là có. Nhưng lại phải khiến quảng đại chúng sinh trong thế gian con người đều có cơ hội tiếp xúc với Phật Pháp, nên mới dùng phương thức “Chân kinh có chữ” để truyền Pháp độ nhân. Cuối cùng là vì để chuẩn bị công việc trải thảm cho việc độ nhân Chính Pháp vào thời kỳ Phật Di Lặc hạ thế. Bởi vì Phật Pháp là vô biên, bậc Đại Giác Giả ắt có biện pháp.
(Bốn mươi)
Lại nói đến những vị Thần âm thầm bảo hộ Đường Tăng đến ngày hôm nay khi hành trình đã viên mãn, đó là các vị Ngũ Phương Yết Đế, Tứ Trực Công Tào, Lục Đinh Lục Giáp, Hộ Giáo Già Lam, họ đã trình lên Quan Âm Bồ Tát cuốn sổ ghi chép những kiếp nạn mà Đường Tăng đã trải qua. Trên đó ghi rõ hành trình dài mười vạn tám ngàn dặm, phải chịu tám mươi kiếp nạn. Tuy nhiên, trong Phật môn có thuyết “Cửu cửu quy chân”, vì thế Quan Âm Bồ Tát đã quyết định bổ sung thêm một nạn nữa cho bốn thầy trò. Nạn này xảy ra khi họ đang đằng vân bay lên trời thì đột nhiên bị rơi xuống đất. Và trong lúc vượt qua sông Thông Thiên, lão Bạch Quy bởi vì Đường Tăng thất tín nên đã hất tất cả họ rơi xuống dòng sông. Khi họ vừa lên được bờ, bỗng nhiên gió lớn nổi lên, sấm sét vang trời, chớp giật loang loáng, sương mù dày đặc xuất hiện. Kỳ thực, đây là do bốn âm quỷ gây ra, hòng đoạt lấy chân kinh. Chúng quấy nhiễu một đêm, mãi đến khi trời sáng mới chịu dừng lại. Tôn Ngộ Không liền giải thích: “Sư phụ, người không biết đó thôi. Chúng con hộ tống người đi thỉnh kinh này, công đức này trời đất không dung, quỷ thần ghen ghét, nên chúng mới tìm cách ngăn cản. Nhưng có ba lý do. Một là kinh sách này bị nước làm ướt hết. Hai là chính pháp thân của người đã trấn giữ, khiến sấm không thể đánh, chớp không thể chiếu, sương mù không thể làm mê. Lại có Lão Tôn vung thiết bảng, dùng tính thuần dương để che chở. Cho đến lúc trời sáng, dương khí lại thịnh, do đó bọn chúng không thể đoạt được”. Sau khi qua sông Thông Thiên, họ lại gặp các vị phụ lão hương thân của Trần Gia Trang. Hai ông lão Trần Trừng và Trần Thanh dẫn họ vào trong nhà tiếp đãi nồng hậu, rồi lại dẫn bốn thầy trò Đường Tăng đi xem ngôi chùa mà dân làng đã xây cho bốn người họ, đặt tên là Cứu Sinh Tự, trong chùa còn tạc tượng bốn người. Đến nửa đêm, Đường Tăng cùng các đồ đệ mới lặng lẽ rời khỏi cổng núi, rồi lại được tám vị Đại Kim Cang từ trên không trung đón đi, cưỡi gió bay lên trời.
Ở đây trước tiên hãy nói về hàm nghĩa của câu “Cửu cửu quy chân”: cửu cửu quy chân kỳ thực chính là cửu cửu quy nhất. Nhất là chí tôn. Có thuyết nói rằng nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Trong tu luyện cũng thường nhắc đến bất nhị pháp môn và dụng tâm chuyên nhất. Đúng vậy, tu thành nhất tâm, hợp thành nhất thể. Có thể thấy rằng, một niệm chính, tức chí chân chí tính (chỉ sự chân thật và thuần khiết trong bản tính con người). Còn nữa, tuy khi đi qua sông Thông Thiên chỉ vì một nguyên nhân mà lão Bạch Quy đã khiến họ rơi xuống nước, kỳ thực, điều này cũng ứng với ý nghĩa “phản bổn hoàn nguyên”. Nước là nguồn cội của sự sống, hơn nữa đây còn là nước của con sông Thông Thiên. Vì vậy nói, kiếp nạn này cũng chính là cơ hội để mỗi người họ đắc Pháp, tự ngộ, tự hành để trở về cảnh giới tiên thiên vốn có của mình. Bốn ma âm gồm gió, sương mù, sấm và chớp muốn cướp đoạt kinh thư, điều này cũng nói lên rằng việc tu luyện, ngộ đạo quả thực không dễ dàng. Nếu không có sự bảo hộ của thượng sư thì quyết không thể công thành viên mãn, cũng có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Còn nữa, dân làng Trần Gia Trang đã dựng bốn bức tượng cho thầy trò Đường Tăng và xây dựng ngôi chùa Cứu Sinh Tự, điều này cũng có ý nghĩa rằng bậc Đại Giác Giả đang phổ độ chúng sinh, cứu độ thế nhân, Phật quang phổ chiếu. Như vậy, những chúng sinh và thế nhân được cứu độ tất sẽ mang trong mình tấm lòng cảm ân, để báo đáp sự từ bi vô lượng và Phật ân hạo đãng của chư Thần, chư Phật.
(Bốn mươi mốt)
Năm Trinh Quán thứ 27, vào một ngày nọ, Đường Thái Tông đang dạo quanh Vọng Kinh Lâu thì bỗng thấy phương Tây đầy rẫy ánh sáng lành, hương thơm ngào ngạt lan tỏa. Bốn thầy trò Đường Tăng từ trên mây đáp xuống bên lầu Vọng Kinh Lâu, mang chân kinh trở về, giao lại cho chủ nhân chân chính của Phật Pháp – Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Từ đây, Phật Pháp lan truyền mạnh mẽ khắp vùng đất Trung Hoa, đặt nền móng vững chắc cho sự hoằng Pháp chân chính đời sau. Đường Thái Tông xúc động khôn nguôi, thao thức suốt đêm, bèn sáng tác bài văn “Thánh Giáo Tự” để kỷ niệm sự kiện này. Sau đó, Đường Tăng kiến nghị nói: “Bệ hạ muốn truyền chân kinh khắp thiên hạ, trước tiên cần sao chép lại nhiều bản, sau đó mới có thể phổ biến. Bản gốc cần được cất giữ cẩn thận, không thể xem nhẹ”. Đường Thái Tông lập tức đồng ý, bèn triệu tập các quan trong Hàn Lâm Viện và Trung Thư Khoa đến để sao chép chân kinh. Đồng thời, ngài còn cho xây dựng một ngôi chùa ở phía đông thành Trường An, đặt tên là “Đằng Hoàng Tự”. Sau đó, Đường Thái Tông sai Đường Tăng đến chùa Nhạn Tháp để giảng giải một lần chân kinh. Khi Đường Tăng đang thuyết giảng, giữa không trung hiện ra tám vị Đại Kim Cang, đến đón bốn thầy trò Đường Tăng, rồi đằng vân bay đi. Thời gian tu luyện của bốn thầy trò Đường Tăng vừa vặn khớp với con số 5048 ngày, đến lúc này, công thành viên mãn, ngũ thánh thành chân. Như Lai Phật Tổ luận công ban thưởng: Phong Đường Tăng làm Chiên Đàn Công Đức Phật, phong Tôn Ngộ Không làm Đấu Chiến Thắng Phật, phong Trư Ngộ Năng làm Tịnh Đàn Sứ Giả, phong Sa Ngộ Tĩnh làm Kim Thân La Hán, phong Bạch Long Mã làm Bát Bộ Thiên Long. Tất cả đều đắc quả vị, trở về bản nguyên chân như.
Cuối cùng, bàn một chút về quả vị mà họ đã được phong: Đường Tăng được phong làm Chiên Đàn Công Đức Phật. Đường Tăng là chủ nguyên thần, là bản nguyện, thành tựu ý niệm Phật. Tu luyện cốt yếu ở việc tu tâm tính, công đức viên mãn thì tự nhiên trở thành Giác Giả, tức đạt được “phản bổn quy chân”, ngộ được bản lai tiên thiên. Tôn Ngộ Không trước đó tu Đạo, vốn đã tự giác ngộ, sau này lại phò tá Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh, truyền bá Đại Thừa Phật Pháp, thực hành giác tha, tức phổ độ chúng sinh, tế thế cứu người, Đấu Chiến Thắng Phật đã thành tựu một tâm Phật, ông sinh ra để bảo vệ Phật Pháp, vì Phật Pháp mà vào sinh ra tử, xả mệnh hiến thân, ý nghĩa tức là người bảo hộ chân lý của vũ trụ. Trên con đường chính pháp độ nhân, ông đóng vai trò mang tính quyết định. Trư Ngộ Năng được phong làm Tịnh Đàn Sứ Giả, mang ý nghĩa trọng đại. Nếu giải thích ở tầng sâu hơn, bản chất của Chính Pháp trong thế giới mười phương của đại khung vũ trụ chính là thanh lý sạch sẽ, quy chính hết thảy các sinh mệnh cũng như nhân tố bất chính, từ đó đạt đến mục đích trùng tổ đại khung. Còn sứ giả chính là nói rằng mang theo sứ mệnh mà đến, là năng lực của Phật, là sự thể hiện như ý năng lực và trí huệ. Sa Ngộ Tĩnh được phong làm Kim Thân La Hán, là sự thể hiện của Phật tính. Bạch Long Mã được phong làm Bát Bộ Thiên Long Hộ Pháp, là sự thể hiện của Phật ý. Họ đều là tự mình phó xuất, tự mình viên mãn và đắc được chính hành, chính quả. Trời xanh không phụ lòng người có tâm, gieo trồng bao nhiêu thu hoạch bấy nhiêu; phó xuất bao nhiêu, đắc được bấy nhiêu. Trên con đường tu luyện đại Đạo, mọi người đều cần dũng mãnh tinh tấn, sớm ngày viên mãn chính quả, trở về gia viên thánh khiết tốt đẹp ban đầu. Đây chính là:
“Kinh truyền khắp thiên hạ, ân vô lượng,
Ngũ Thánh ngự nơi cao, bất nhị môn”.
(Hết)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/57010