Huyền mộc ký (4-12)
Tác giả: Thoại Bản tiên sinh
[ChanhKien.org]
Lại nói Huệ Hy vừa từ Hội chơi cờ trở về, mình đầy thương tích. Lại nghe được mấy lời nói đau lòng, liền ngất lịm đi, cô dường như không muốn tỉnh lại chút nào.
“Tiểu thư! Tiểu thư! Thầy lang tới rồi! Tiểu thư cố gắng kiên trì một chút!” Tịnh Nhi gọi to.
“Mũi tên chưa làm tổn thương đến tim cô ấy, cho nên vẫn có thể cứu chữa được, chỉ là cô nương này dường như không có ý chí muốn sống tiếp đó. Điều này thật không ổn. Bên cạnh cô ấy có người thân nào không? Nhanh đến lay gọi cô ấy đi!” Thầy lang lo lắng giục.
Tịnh Nhi khóc nói:
“Tiểu thư mệnh khổ, không có người thân nào bên cạnh, chỉ có mỗi một nha đầu vô dụng là tôi ở bên cạnh cô ấy thôi”.
Thầy lang vội giục:
“Vậy cô mau lay gọi cô ấy đi!”
“Tiểu thư! Tiểu thư! Tiểu thư ơi!…”
Cho dù Tịnh Nhi có gọi bao nhiêu lần tiếng “Tiểu thư ơi” thì Huệ Hy vẫn không nghe được dù chỉ một tiếng nào.
Bỗng nhiên, lúc này Huệ Hy dù đang mê man bất tỉnh, vẫn loáng thoáng nghe được giọng nói vừa thân thuộc lại cũng rất từ bi, giọng nói ấy gọi to:
“Huệ Hy, Huệ Hy, Hồi Hy, Hồi Hy…”
Trong vô thức, Huệ Hy lần theo tiếng gọi, tìm đến nơi phát ra giọng nói kia, ở đó, cô nhìn thấy một vị Phật Đà tóc xanh lam.
Mái tóc vị Phật Đà có màu xanh lam đậm, áo cà sa trắng muốt, gương mặt rất đỗi hiền từ mà lại vô cùng thân quen. Chỉ thấy vị Phật Đà tóc xanh lam biến thành vị Hoàng đế mặt người thân rồng, đôi mắt long lanh ngấn lệ, giống như một người cha đầy ắp tình yêu thương con gái nhưng lại phải chứng kiến đứa con gái bé bỏng của mình đang phải chịu thống khổ giày vò, Ngài gọi cô:
“Huệ Hy, Huệ Hy, Hồi Hy, Hồi Hy”.
Gọi xong, Ngài liền biến trở về hình dạng vị Phật Đà tóc xanh lam.
Trong lúc đau buồn u uất, Huệ Hy nằm phủ phục dưới chân Đức Phật khóc lóc thảm thương.
Khi cô vẫn đang vật vã khóc than, vị lang y xem xét bệnh tình, nói:
“Mũi tên này nếu găm sâu hơn nửa tấc, đầu mũi tên xuyên qua thì tốt hơn, lúc đó có thể cắt đầu mũi tên mà rút nó ra được, thì cô ấy sẽ không phải chịu đau đớn quá mức. Nhưng ở đây đầu mũi tên đã đâm khá sâu mà lại chưa xuyên qua. Giờ mà rút mũi tên ra thì so với lúc bị tên bắn còn đau đớn bội phần. Không chỉ máu thịt bị đầu mũi tên lôi sống ra, mà ngay cả lúc rút nó ra, có lẽ sẽ đau đớn như khoan xương đục tủy, và phải chịu đựng như thế mất mấy ngày mấy đêm…”
Huệ Hy đưa tay lên ngực, không thấy mũi tên đâu, cô ngẩng đầu lên, nhìn thấy mũi tên này đã ghim sâu vào ngực vị Phật tóc xanh lam!
Vị Phật Đà cầm chắc phần cán của mũi tên, cứ thế nhổ sống, lôi nó ra ngoài, mũi tên rút ra kéo theo một khối bầy nhầy máu thịt lẫn lộn dính ở đầu mũi tên…
Huệ Hy sợ hãi tột độ giương hai mắt tròn xoe nhìn trân trối!
“Rút ra được rồi! Ra được rồi!” Vị thầy lang trán vã mồ hôi, reo lên mừng rỡ, thấy Huệ Hy đã tỉnh lại, ông động viên: “Cô nương đã chịu khổ rồi!”
Khi Huệ Hy nhìn thấy một khối máu thịt bầy nhầy ở đầu mũi tên, cô sợ hãi quay vội nhìn đi hướng khác.
Huệ Hy dần dần hồi tỉnh lại, cố gắng cảm thụ nỗi đau đớn do tên bắn nơi ngực mình nhưng không cảm thấy chút đau đớn nào, toàn thân cũng không còn mỏi mệt đớn đau gì nữa, bây giờ, ngoại trừ cảm giác yếu ớt suy nhược ra, cô không còn cảm thấy bất kỳ thống khổ nào nữa.
Huệ Hy hỏi thầy lang, giọng rất yếu ớt:
“Đại phu, chắc ngài cho tôi dùng thuốc giảm đau phải không?”
Vị thầy lang vội trả lời:
“Đang chuẩn bị dùng! Đang chuẩn bị dùng đây! Cô nương chịu khó thêm chút nữa, vẫn còn mấy chỗ miệng vết thương phải xử lý cho xong”.
Nhưng ngay lúc này Huệ Hy lại không hề cảm thấy đau đớn nữa.
Sau khi thầy lang băng bó vết thương cho Huệ Hy xong, ông dặn dò cô chịu khó săn sóc dưỡng thương cho tốt, rồi rời đi.
Huệ Hy nằm trên giường, thần sắc hư nhược xanh xao, lẩm bẩm:
“Huệ Hy, Hồi Hy (có nghĩa là trở về thôi). Thì ra tên của mình là có ý nghĩa như này”.
Tịnh Nhi khuyên nhủ:
“Tiểu thư chịu khó dưỡng thương, đừng nói mấy chuyện này nữa!”
Huệ Hy sắc diện xanh xao yếu ớt, tiếp tục lẩm bẩm:
“Huệ Hy Hồi Hy quy về đâu? Trước khi làm người ta là ai?”
Tịnh Nhi không hiểu tiểu thư đang nói gì, chỉ thấy nước mắt của cô không ngừng tuôn ra từ khóe mắt, làm ướt cả vỏ chiếc gối đầu.
Tịnh Nhi òa khóc to, vừa khóc vừa nói:
“Hu hu… Nếu tiểu thư không muốn sống nữa, em cũng không thiết tha sống tiếp một mình, em cũng sẽ chết theo thôi! Cũng không muốn tiếp tục ở lại cái nơi chết tiệt này mà chịu khổ thêm nữa!”
Huệ Hy thấy Tịnh Nhi tỏ vẻ bi thương quá đỗi bèn đưa tay ra, lau những giọt nước mắt cho cô.
Tịnh Nhi cảm nhận bày tay của tiểu thư rất ấm áp liền ngừng khóc, hỏi:
“Nghe nói người mất máu nhiều thì tay chân thường lạnh, sao tay tiểu thư lại ấm áp thế này?”
Huệ Hy nhớ đến cảnh tượng trong giấc mộng… thì nước mắt lại trào ra, nói:
“Tịnh Nhi, ta bây giờ 17 tuổi rồi, được gọi là ‘Dương Huệ Hy’ đã 17 năm nay, đến giờ ta mới biết được ý nghĩa chân chính của cái tên này”.
Tịnh Nhi cảm thấy khó hiểu, nghi hoặc nhìn cô, thấy ánh mắt cô sáng lên lấp lánh, cười nói:
“Từ nay về sau ta sẽ không gọi là Dương Huệ Hy nữa”.
“Không gọi là Dương Huệ Hy, vậy gọi là gì?”
“Gọi là ‘Dương Hồi’, Hồi trong chữ ‘Hồi quy’ (quay về chốn cũ)”.
…
(Lại thêm một cái tên khác rất quen thuộc với người Trung Quốc xuất hiện, Dương Hồi. Cái tên này được nhắc đến trong “Dậu Dương Tạp Trở – Nặc cao ký thượng (những ký hiệu kỳ lạ trong đó)” của Đoàn Thành Thức thời đại nhà Đường (1) hay trong “Thông Nhã – Tính danh” của Phương Dĩ Trí (2) cuối thời nhà Minh. Bao gồm “Tập Tiên Truyện” cho đến các thần thoại truyền thuyết dân gian khác cũng thường nhắc đến cái tên “Dương Hồi” này.
Tuệ Hy, Huệ Hy, Hồi Hy, Hồi Hy, cô không ngờ rằng sau khi lưu lạc ở nhân gian, đã ngộ ra Sư phụ thực sự của cô, đã đặt cho cô cái tên mang ý nghĩa chân chính nhường này…)
“Công tử, ngài đang tìm gì vậy?”
Trương Hữu Nhân lúc đó lại đang cặm cụi lục tìm các rương tủ, nhẩn nha đáp:
“Đang tìm quà”.
A Đào nghĩ một lát rồi nói:
“Đúng rồi, lần này đi hỏi thăm phu nhân thì không thể nào đi tay không được”.
Trương Hữu Nhân tìm hồi lâu nhưng chỉ tìm được hai đồng tiền, anh ta cầm lấy hai đồng tiền nói với A Đào:
“Ngươi cầm lấy hai đồng tiền này đi ra phố mua quà đi”.
A Đào cầm lấy hai đồng tiền đi xuống lầu, vừa đi vừa lẩm bẩm:
“Mấy đồng lẻ này thì có thể mua được cái gì đây? Quá ít mà…”
A Đào đi đến cửa hàng trang sức, cửa hàng thời trang, cửa hàng mỹ phẩm… phát hiện ra ngay cả những món đồ rẻ tiền nhất cũng phải có giá mười đồng, không thể mua được. Đột nhiên, mắt anh ta sáng lên, một ý nghĩ lóe lên trong đầu…
“Thẻ tre, thẻ tre! Hai đồng một quyển!”
“Ông chủ! Cho tôi một cuốn sách!”
“Tiểu ca ca, đệ thích đọc loại nào? Có truyện truyền dị, truyện luận đàm thế sự, cũng có cả sách về tu luyện nữa… Đệ muốn loại nào?”
“Hi hi… Tôi cũng không biết nhiều chữ đâu, tôi mua về cho chủ nhân thôi. Chọn loại nào cũng được, đều như nhau cả ấy mà”.
“Được, vậy đệ cầm đi”.
Một ngày kia, Dương Hồi còn đang rất yếu, từ từ mở mắt ra, liếc nhìn xung quanh một lượt thì thấy bên cạnh giường có một cuốn sách thẻ tre.
Cô cầm nó lên, hờ hững nhìn dòng chữ viết trên bìa:
“Trừng Nguyên Đạo Pháp”.
Bên trái đề:
“Nguyên Thủy Đạo Nhân”.
Dương Hồi sau khi nhìn thấy chữ “Nguyên Thủy Đạo Nhân” thì đôi mắt đang lờ đờ mệt mỏi đột nhiên có chút tỉnh táo. Cô nghĩ:
“Nguyên Thủy Đạo Nhân chẳng phải là vị Đạo gia chân nhân từng chữa bệnh cho mình ngày nhỏ hay sao? … Ông lão ở Minh Thử Kỳ Xã chẳng phải đã từng hỏi mình: ‘Trương Hữu Nhân tu luyện, còn cô vì sao không tu luyện?’ Xem ra, hôm nay, cơ duyên tu luyện của ta đã đến rồi”.
Dương Hồi khó nhọc đứng dậy, ngồi xếp bằng, cầm sách lên bắt đầu đọc “Trừng Nguyên Đạo Pháp”.
Khi đọc đến câu:
Đức nghiệp tương chuyển
Hóa nhân khứ quả
Phản lý chính hành
Hắc Bạch hỗ hoán
Cô đột nhiên hiểu ra hết thảy mọi thứ mình đã trải qua ở Hiệp hội cờ Minh Thử, nào là đen trắng đối địch, nào là nguyên lý phản cờ mới có thể thắng luật cờ thông thường, và sự bồi hoàn thống khổ…
“Tiểu thư! Đến giờ ăn rồi!” Tịnh Nhi vui vẻ bước vào.
Dương Hồi vừa cầm cuốn sách thẻ tre xem vừa ăn canh nóng do Tịnh Nhi đút cho, càng ăn càng thấy ngon, sao hôm nay bát canh này lại ngon vậy nhỉ? Cô cúi xuống nhìn, ngạc nhiên hỏi:
“Canh tủy hươu nấu với hoa bách hợp và hoa phù dung đúng không? Ở đâu ra lại có thứ này?”
Tủy hươu có tác dụng bổ dương tráng cốt, hoa bách hợp dưỡng âm sinh tân khiến ăn uống ngon miệng, hoa phù dung khử tanh tăng vị. Món canh tủy hươu nấu chung với bách hợp phù dung có thể gọi là món ăn bổ dưỡng tuyệt phẩm cho người ốm bệnh.
“Em không giết nai con đấy chứ?”
“Không có, không có, em thậm chí còn không dám giết gà, làm sao dám giết một con nai con? Ừm… đây là tủy hươu khô em lấy được ở căn lều sau hậu viện này…”
“Ừm, vậy thì được, mấy người sau này chớ có sát sinh đó, những gì phải hoàn trả sau sát sinh không phải là chuyện đùa đâu”.
Tịnh Nhi cười hi hi, trả lời:
“Biết rồi, biết rồi, nào, tiểu thư thử ăn thêm món này đi!”
Dương Hồi nhìn xuống, thì thấy một đĩa món nam hạnh đề hồ chiên, món ăn được chế biến từ quả hạnh nam với đề hồ, giúp kiện thân khỏe tâm cho người mới ốm dậy.
Món nam hạnh đề hồ này còn được chế biến kỹ càng phức tạp hơn. Bước đầu tiên là sấy khô hạnh nhân, rồi đem hạnh nhân và đường nâu tán thành bột. Lại lấy lúa nếp, cũng chính là gạo nếp thơm, hồi đó gọi là lúa nếp, cũng tán mịn thành bột. Đem cả ba loại này rây bỏ phần hạt to, rồi trộn chúng lại với nhau. Bước thứ hai là dùng vải mỏng. Cắt miếng vải mỏng này thành từng miếng nhỏ, cho hỗn hợp bột hạnh nhân gạo nếp đã trộn đường vàng bên trên vào miếng vải, dùng dây buộc lại, rồi ép thành từng viên bánh nhỏ. Chiếc bánh này không được dày quá hay mỏng quá, và cũng không được quá lớn hay quá nhỏ.
Bước thứ ba là dùng sữa chua lên men. Sữa chua lên men là loại sữa gì? Lấy sữa dê đem đun cách thủy đến sôi ở lửa nhỏ, cô cho đến khi sánh lại, rồi gom những hạt sương buổi sớm đọng trên cánh hoa hạnh, hòa vào sữa đã cô rồi ủ trong vò, sau một thời gian, nó sẽ lên men thành sữa chua mà chúng ta biết, hơn nữa nó còn có vị thơm đặc trưng của hoa hạnh. Nếu bạn muốn thưởng thức nó với vị của hoa mai thì hãy dùng hạt sương của hoa mai ủ cùng, chính là nếu muốn thưởng thức mùi vị gì thì lấy những giọt sương sớm của hoa đó để ủ lên men.
Lại lấy sữa chua này trộn với chút nước suối trên núi cao, đun sôi, sau đó đặt những chiếc bánh nhỏ kia lên bề mặt, chưng chậm ở lửa nhỏ cho đến khi mở lớp vải xô ra thấy bánh đã thành hình. Sau đó không gỡ miếng vải ra, cứ để vậy đem bánh đi làm nguội.
Bước cuối cùng sẽ dùng đến đề hồ, đề hồ là sau khi đem sữa dê chế biến thành sữa chua, trên mặt hũ sữa chua là lớp váng mỏng dầu béo, hớt lớp dầu béo này, dùng nó để chiên những chiếc bánh hạnh nhân khi nãy, chiên thật chậm nhỏ lửa cho đến khi bánh giòn bên ngoài và mềm mịn bên trong. Cuối cùng, xếp cánh hoa hạnh vào lòng đĩa, đặt bánh chiên nam hạnh đề hồ lên trên những cánh hoa, rưới chút mật ong lên, vậy mới được tính là hoàn thành công đoạn chế biến.
Dương Hồi cầm miếng bánh đề hồ chiên lên, cắn thử một miếng, mùi hương thơm phức quyện vào từng chân răng, vị béo ngậy của sữa dê và vị ngọt hơi đắng nhẹ của hạnh nhân hòa quyện bổ sung cho nhau tạo ra những chiếc bánh có mùi vị đặc trưng vô cùng hoàn hảo, vả lại khi được chiên vừa chín tới, nó trở nên giòn nhưng vẫn giữ được sự mềm mịn bên trong rất hài hòa.
Dương Hồi nghĩ:
“Không biết xú nha đầu này lấy nó ở đâu đây, chắc chắn mấy thứ này không phải cô nàng làm rồi”.
“Tiểu thư chẳng phải thích ăn nhất là món này sao? Vậy ăn thêm vài miếng nữa đi!”
Khi Dương Hồi định hỏi về nguồn gốc của món đề hồ chiên này thì nhìn thấy Trương Hữu Nhân đi xuống lầu.
“Đây là quà anh tặng tôi à?” Dương Hồi giơ cuốn sách thẻ tre lên hỏi.
Trương Hữu Nhân mỉm cười gật nhẹ đầu.
“Cảm ơn”, Dương Hồi vẻ mặt không có bất kỳ biểu cảm gì tỉnh bơ nói lời cảm ơn, sau đó không nói thêm gì nữa, tiếp tục cúi đầu đọc sách.
Còn khuôn mặt của Trương Hữu Nhân kia xưa nay vẫn thế, giống như một đầm sâu nước chết, tĩnh lặng lạnh lùng.
Anh ta lại thư thả chậm rãi đi lên lầu…
(còn tiếp)
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/295625
Chú thích của người dịch:
(1) Dậu Dương Tạp Trở (酉陽雜俎) của Đoàn Thành Thức (段成式): Cuốn sách kỳ lạ được viết từ thời vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân, viết rằng có hơn 80.000 người ngoài hành tinh “sửa chữa Mặt Trăng” và biết những bí mật về Mặt Trăng trước Galileo cả 800 năm! Trong cuốn sách này có nhắc đến một nhân vật “Dương Hồi, 楊回”, Bà họ “Dương” tên húy là “Hồi”, là hiện thân của Tây Vương Mẫu, cai quản cả vùng Tây Bắc Côn Luân, mất ngày Đinh Sửu.
(2) Thông nhã (通雅) của Phương Dĩ Trí (方以智) Cuốn sách này được viết cuối thời nhà Minh, gồm 24 chương từ Ngữ âm, thi ca, thiên văn, địa lý, nghi thức, âm nhạc, khiêu vũ, món ăn, chạm khắc, số học, vạn vật v.v… Nói chung, nó giống một cuốn từ điển bách khoa toàn thư vậy. Trong sách ghi chép rằng Tây Vương Mẫu là nữ thần, bà họ Dương 楊, tên Hồi 回, tự “Uyển Cẩm 婉妗, là vợ của Ngọc Hoàng, sống cạnh hồ Dao Trì trên núi Côn Luân.