Hành trình thời không nghệ thuật (13): Nghiên cứu kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống (Phần 6)

Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Trong hội họa, kích thước lớn nhỏ của các nhân vật so với bức tranh cũng tuân theo một tỷ lệ nhất định, tuy rằng điều này không có quy định cụ thể, nhưng trong tình huống thông thường thì kích thước lớn nhỏ khác nhau của nhân vật có thể khiến bức tranh đạt được hiệu quả biểu đạt khác nhau. Trong các bức tranh lấy cảnh quan làm chủ đạo, các nhân vật thường không lớn, nhưng những thể loại như tranh trần nhà, tranh bích họa quy mô lớn thì khác. Còn với thể loại tranh lấy nhân vật làm chủ đạo thì nhân vật thường chiếm diện tích lớn trong bức tranh nhằm tạo ra hiệu ứng tương tự như các vở kịch trên sân khấu. Tác phẩm loại này thường thấy trong thời kỳ Chủ nghĩa Tân cổ điển, ví dụ bức tranh “Những phụ nữ Sabine” của David và các bức tranh tương tự đều sử dụng thủ pháp này. Những tác phẩm như vậy thường có góc nhìn tập trung, cảm nhận về tình huống mạnh, có bối cảnh có thể thay đổi linh hoạt quy mô, tạo ra những hiệu ứng hoàn cảnh khác nhau. Điều này không chỉ làm nổi bật chủ thể mà còn triển hiện ra bầu không khí của bức tranh, đây là một phương pháp bố cục rất thuần thục.

“Những phụ nữ Sabine” (“Les Sabines”), sơn dầu trên vải, 385 x 522cm, được họa sỹ tân cổ điển người Pháp Jacques-Louis David vẽ vào năm 1799. Khí thể thiên binh vạn mã trên bức tranh khổng lồ thực ra không tiêu tốn nhiều tinh lực của tác giả, bởi vì chúng hầu như đều bị che lấp bởi một vài người ở tiền cảnh. Nhờ vậy, tác giả chỉ cần tập trung miêu tả một số ít các nhân vật chính, đồng thời việc vẽ thêm một số ngọn giáo và bối cảnh ở phía xa sẽ đỡ tốn công vẽ thêm cả nghìn người. Tác phẩm này hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Louvre.

Cũng có những bức tranh mà chủ đề chính là toàn bộ bức tranh. Những bức tranh vẽ khung cảnh rộng lớn và có rất nhiều nhân vật thì rất khó để tìm ra người hay vật nào khiến tác giả tiêu tốn nhiều tinh lực và thời gian nhất, giống như những bức tranh phong cảnh góc rộng. Những bức tranh toàn cảnh này cũng rất bắt mắt nếu được vẽ đẹp, chẳng hạn như bức tranh vẽ cảnh chiến tranh của Altdorfer đã thành công nhờ vào lực nhẫn nại phi thường của họa sỹ. Tuy nhiên, những tác phẩm loại này thường là ở thời kỳ tương đối sớm, vì những họa sỹ về sau này thường thích sử dụng kỹ thuật phối cảnh tiêu điểm, lấy nhân vật ở tiền cảnh che lấp hầu hết cảnh vật và nội dung phía sau, điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và tinh lực.

“Trận đánh của Alexandros” (“La Bataille d’Alexandre”), 158,4 × 120 cm, được vẽ năm 1529 bởi Albrecht Altdorfer, họa sỹ đại biểu cho trường phái hội họa Danube của Đức. Bức tranh chiến trận mà Altdorfer đã dùng ngòi bút tỉ mỉ để miêu tả quả là chưa từng có, cảnh tượng khiến người xem chấn động. Trong bức tranh có vô số binh sĩ và ngựa chiến, đòi hỏi người họa sỹ phải dùng sự nhẫn nại vô tận để khắc họa kỹ lưỡng, phong cách nghiêm khắc, cẩn trọng của người Đức được bộc lộ đầy đủ qua bức tranh. Tác phẩm này hiện lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật ở Munich, Đức.

Từ góc độ mỹ học và nghệ thuật mà nói, những tác phẩm phân rõ tính chủ yếu và thứ yếu, hư và thực thường có sức hấp dẫn nghệ thuật đáng kể. Kết hợp tốt những yếu tố này có thể làm nổi bật vẻ đẹp của tác phẩm cũng như kỹ năng của tác giả. Vì vậy, các nghệ sỹ khi sắp xếp bố cục, lựa chọn vị trí phải có hiểu biết và suy nghĩ trầm tĩnh, không được hễ cứ hứng lên là vội vàng hành động. Cần biết rằng, một tác phẩm có giá trị cần sáng tạo trong một khoảng thời gian nhất định, mà trong quá trình sáng tác tranh, điều có thể thúc đẩy tác giả bám sát bố cục ban đầu mà tiếp tục đi sâu vào chi tiết chính là giá trị của những ý tưởng tuyệt vời và sức mạnh của cái đẹp.

Giữa lý tưởng và thực tế thường có một khoảng cách nhất định. Những điều mà người họa sỹ muốn biểu đạt trong tư tưởng khi vẽ ra lại thường biến đổi, đây là lý do tại sao có họa sỹ luôn không hài lòng với tác phẩm của mình, nên vẽ không ngừng, hy vọng vượt qua trình độ hiện có. Thông thường, việc trình bày hết mọi khía cạnh ý tưởng hay nội dung trong một bức tranh luôn có độ khó nhất định, do vậy cần có những bức tranh khác nhau đứng từ các góc độ khác nhau để biểu hiện những nội hàm khía cạnh khác nhau. Điều này rất hợp lý. Vì lý do này, phải lựa chọn chủ đề và nội dung cho bức tranh, mỗi bức tranh có một chủ đề và trọng tâm khác nhau chứ không thể bao quát hết mọi thứ. Chỉ bằng cách này nghệ thuật mới có thể đa dạng, mới có thể phong phú.

Nhiều tác phẩm xuất sắc thường có chất lượng cao. Chúng đều có một đặc điểm chung là thiết kế nhân vật và bố cục trong tranh đã được cân nhắc nhiều lần, để mỗi cá thể trong bức tranh đều có thể phát huy được ý nghĩa và vai trò của mình. Giả sử có người hoặc vật nào đó trong bức tranh chưa được cân nhắc kỹ, không có giá trị cao đối với bức tranh thì tác giả chắc chắn sẽ xóa nó đi khi điều chỉnh bố cục. Nói cách khác, mỗi cá thể trong bức tranh đều phải khởi tác dụng rất lớn, giống như viết một bài thơ, không có câu nào là vô nghĩa. Mọi thứ trên bức tranh không thể tồn tại một cách tùy tiện mà phải có giá trị riêng, có ý nghĩa riêng. Tuy nhiên, nhiều họa sỹ thời hiện đại khi vẽ tranh nhân vật thường là vẽ một nhóm người lớn, tình huống này tạo thành một số thói quen thô tháo, cẩu thả. Bởi vì bức tranh có nhiều nhân vật cũng đòi hỏi chất lượng.

Có họa sỹ phân chia các nhóm nhân vật thành từng nhóm từng đoàn dựa trên khoảng cách co cụm hay phân tán của các nhóm nhân vật trong tranh, coi mỗi nhóm nhân vật là từng cá thể riêng lẻ, coi mỗi nhân vật cụ thể trong mỗi nhóm là chi tiết của cá thể. Tuy nhiên, các chi tiết cũng có vị trí cụ thể trong tranh, có thành phần quan trọng, bố cục, tính chính phụ… trong cá thể, vì vậy, chúng ta vẫn không thể tùy tiện, những nhân vật cần phải “chìm” thì phải “làm mờ” để làm bật phần “nổi” của chủ thể bức tranh. Một bức tranh luôn đòi hỏi người họa sỹ phải trải qua suy xét rất cẩn thận để có được những lựa chọn tốt nhất cho tác phẩm.

“Thánh Mẫu thăng thiên” (“Assomption de la Vierge”), tranh bích họa, 1093 x 1195 cm, do họa sỹ người Ý Antonio Correggio sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1526 đến năm 1530, trang trí cho mái vòm Đại Giáo đường San Giovanni ở thành phố Parma. Tận dụng triệt để luật phối cảnh xa gần, họa sỹ đã chia các nhóm nhân vật trong tranh thành từng lớp từng tầng xa gần khác nhau rồi vẽ từng nhóm một. Nhờ vào nguyên lý phối cảnh “gần rõ, xa mờ”, các thiên sứ ở chỗ xa tầm nhìn nhất trở thành gần như “chìm” hoàn toàn trong ánh sáng vàng kim, đã thể hiện thành công khung cảnh tráng lệ của từng tầng trời hướng lên tận đến thiên đường quanh minh.

Những phương pháp bố cục lợi dụng luật xa gần như thế này, chẳng hạn như vẽ các nhân vật ở tiền cảnh với diện tích lớn để che đi các nhân vật hậu cảnh, có liên quan trực tiếp đến tốc độ vẽ, nhưng tốc độ vẽ cũng có quan hệ mật thiết với đặc điểm của bản thân kỹ thuật hội họa. Thời gian để vẽ một bức tranh đối với từng người khác nhau là khác nhau. Một số người có thể hoàn thành một bức tranh sơn dầu rộng một mét vuông trong hai, ba tuần, trong khi có người phải vẽ mất nửa năm. Khi các họa sỹ Ý cổ đại và các họa sỹ Hà Lan thời kỳ đầu cùng vẽ tác phẩm có cùng kích thước, cùng nội dung, thì do đặc điểm kỹ thuật vẽ chi tiết tinh xảo nên các họa sỹ Hà Lan có thể phải mất thời gian lâu hơn gấp mấy lần so với các họa sỹ Ý. Tất nhiên, hầu hết những người vẽ tranh ngày nay đã không còn vẽ được tinh tế như thời đó nữa, nhưng vẫn có một số người đam mê “Chủ nghĩa cực thực” (tức là “chủ nghĩa tả thực siêu tưởng”) (Hyperrealism, bức tranh được vẽ giống như một bức ảnh chụp có độ phân giải cao), do đó cũng theo đuổi sự tinh tế của các chi tiết. Tất nhiên, vẽ chân thực là điều đương nhiên, cả Jan van Eyck và Rogier van der Weyden đều vẽ rất kỹ càng tỉ mỉ, đi sâu vào chi tiết, tuy nhiên, về vấn đề này thì những người theo chủ nghĩa cực thực đã đâm đầu vào tường rồi, đã đi sang cực đoan, vì họ đề cao việc vẽ giống như thật nhưng lại phớt lờ những điều căn bản như xây dựng ý tưởng và chủ đề, không để mắt đến chỗ lớn, đường đường chính chính nghiên cứu nghệ thuật mà thay vào đó những gì họ vẽ ra là góc hư tường vỡ, linh kiện máy móc kỳ dị, ghế hỏng chân gãy, v.v., hao tốn quá nhiều thời gian sức lực để miêu tả những thứ không có ý nghĩa tích cực, đó là lãng phí sinh mệnh. Bức tranh dù chân thực đến đâu cũng không có nghĩa tác phẩm đó là một kiệt tác. Ví dụ, một đống phân dù có được vẽ tỉ mỉ tinh tế đến mấy cũng chỉ khiến người ta mất hứng. Đồng thời, tác phẩm một mực nhấn mạnh vào việc “cực giống” trong mọi chi tiết cũng làm mất đi những điều mà nghệ thuật hội họa cần phải có như sự chắt lọc, tính hư thực, mất đi cảm giác về không gian. Ở nhiều chỗ trong bức tranh có thể áp dụng các loại thủ pháp xử lý nghệ thuật, nhưng nghệ sỹ lại mất tập trung, ngược lại để các sự vật hình tượng dắt mũi. Trên thực tế, những thứ được vẽ chính xác như ảnh chụp này có xu hướng trông phẳng và thiếu tính lập thể, trông giống như được làm bằng giấy. Đôi khi ngay cả những tấm ảnh chụp nhân vật được mượn dùng để vẽ tả thực cũng không giống nhân vật được chụp, không truyền tải được cái thần của nhân vật… Vì vậy, kỹ thuật hội họa chính thống phục vụ cho việc biểu hiện mục đích và ý nghĩa của tác phẩm là để biểu hiện cảm quan của người nghệ sỹ đối với nghệ thuật, là biểu hiện thăng hoa của đạo đức con người trong nghệ thuật, còn những hành vi đi đến cực đoan trong kỹ thuật thì không thích hợp.

— Chú thích của người dịch:

  • Theo truyền thuyết La Mã, việc những người La Mã bắt cóc phụ nữ Sabine đưa về La Mã làm vợ vào năm 750 TCN đã gây ra cuộc chiến tranh giữa La Mã và Sabine. Cuộc chiến chỉ chấm dứt khi những người phụ nữ Sabine này ném con, tự đứng ra ngăn cản cuộc chiến của hai đạo quân. Trong tranh David vẽ nàng Hersilia đang dang tay ngăn chồng mình, Vua La Mã Romulus (người đang định phóng lao bên phải), đánh lại cha mình là Vua xứ Sabine Titus Tatius (người cầm gươm và giơ khiên bên trái).
  • Bức tranh “Trận đánh của Alexandros” (tiếng Đức: Alexandrosschlacht) miêu tả trận đánh tại Issus vào năm 333 TCN, Alexandros Đại đế đã giành chiến thắng quyết định trước Vua Darius III của Ba Tư và đã đạt được đòn bẩy quan trọng trong chiến dịch chống lại đế chế Ba Tư. Trong bức tranh, hàng ngàn binh lính ngựa và hòa mình trong biển giáo rừng thương ở tiền cảnh. Binh sĩ và ngựa của Alexandros mặc giáp nặng, binh sĩ Darius đội khăn xếp và cưỡi ngựa trần. Thi thể các binh sĩ chết trận nằm dưới chân. Kỵ binh của Alexandros ở trung tâm bức tranh đang đẩy lùi lực lượng đang suy yếu của Darius ở phía bên trái. Vua Darius của Ba Tư tham trận trên cỗ xe ba ngựa kéo và bị truy đuổi sát sao bởi Alexandros và đội kỵ binh Macedonia, tầm mút của các binh đoàn dẫn đến cảnh khu trại binh và thành phố sát biển, trọng tâm nghiêng về phía ngọn núi ở trung tâm. Ngoài xa hơn là Địa Trung Hải và đảo Síp. Sông Nile uốn khúc ở phía xa, đổ bảy nhánh vào Địa Trung Hải ở đồng bằng sông Nile. Phía Nam đảo Síp là Bán đảo Sinai, tạo thành cầu nối đất liền giữa châu Phi và Tây Nam Á. Xa hơn nữa là Biển Đỏ nối liền với các dãy núi từ trái qua phải hợp nhất vào đường chân trời. Hình ảnh bầu trời dữ dội chiếm ⅓ bức tranh với những đám mây nặng hạt quây quanh Mặt Trời và Mặt Trăng lưỡi liềm ở hai bên – bị ngăn cách bởi sự bình yên của vùng vịnh ở giữa. Ánh sáng từ bầu trời chiếu xuống cảnh quan phía trước: trong khi lục địa phía Tây và sông Nile tắm trong ánh sáng Mặt Trời, phía Đông và Tháp Babel chìm trong bóng tối. Chủ đề của bức tranh được giải thích trong tấm bảng treo lơ lửng trên trời, ghi: “Alexandros Đại đế đánh bại Vua Darius cuối cùng, sau khi 100.000 bộ binh và hơn 10.000 kỵ binh bị giết trong hàng ngũ quân Ba Tư. Trong khi đó, Vua Darius có thể chạy trốn với không quá 1.000 kỵ binh thì mẹ, vợ và các con của ông đều bị bắt làm tù binh.”

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/50067