Hành trình thời không nghệ thuật (12): Nghiên cứu kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống (Phần 5)

Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Sau khi xác định nội dung tổng thể cũng như hình dáng và màu sắc của bức tranh, vấn đề mà người họa sỹ phải đối mặt là đi sâu vào chi tiết cụ thể. Đây là một công việc phức tạp và có nhiều cách triển khai. Có phương pháp vẽ tranh đòi hỏi người họa sỹ phải nhẫn nại vẽ đi vẽ lại nhiều lần, trong khi có phương pháp chỉ cần cẩn thận vẽ hai lượt là thành công rồi. Tất nhiên, hiệu quả đạt được sau cùng không phụ thuộc vào thời gian vẽ tranh dài hay ngắn.

Ở giữa chừng của quá trình vẽ một bức tranh sơn dầu thì không thể chỗ nào cũng được vẽ tinh tươm chuẩn xác. Trước hết, việc vẽ chuẩn xác ngay từ đầu sẽ gây trở ngại nhất định cho việc đi sâu vẽ chi tiết sau này, khiến người họa sỹ không dám vẽ vì sợ làm hỏng các chi tiết đã được vẽ trên lớp nền. Ngoài ra, trong hội họa cũng phải có tiết tấu, nhịp điệu, phải có lỏng có chặt, có hư có thực bổ sung cho nhau. Rất nhiều phần cần có sự chuyển tiếp, nếu đều vẽ “chết cứng” như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự chuyển tiếp. Nếu trong bức tranh mà hoàn toàn không cần xử lý những phần chuyển tiếp thì thật thuận tiện; trái lại, nếu có những chỗ phải chuyển tiếp về màu sắc, sáng tối, sắc điệu, nét cọ, kết cấu, v.v. thì cần bỏ chút công phu để xử lý tốt phần này. Tuy nhiên trên thực tế rất ít có bức tranh mà không có chỗ chuyển tiếp nào. Vậy nên, cần phải cân nhắc cẩn thận những chỗ chuyển tiếp hay tiếp nối. Mặc dù vậy, khi bắt đầu đi vào vẽ cụ thể, không thể đòi hỏi chi tiết nào cũng phải được vẽ toàn diện, chuẩn xác như vậy. Có nhiều chỗ có thể vẽ nhẹ nhàng, lỏng tay hơn một chút, để sau này khi cần vẽ chặt tay tỉ mỉ thì vẫn có đủ không gian.

Vậy cụ thể cần vẽ như thế nào, cần có một mạch tư duy xuyên suốt từ đầu, sau đó yêu cầu người họa sỹ dựa vào đó để thực hiện quá trình vẽ cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình đi sâu vào vẽ chi tiết, việc luôn đứng trên góc độ tổng thể để sáng tạo không có nghĩa là không dám vẽ cái gì một cách rõ ràng chắc chắn. Bởi vì lúc đầu khi xác định các mối quan hệ lớn của bức tranh (quan hệ sáng tối, quan hệ không gian và quan hệ kết cấu), người họa sỹ sẽ chú ý nhường chỗ cho công đoạn sau, vậy nên gắng hết sức không vẽ chết cứng nhiều phần, như vậy có thể hình thành thói quen chỉ vẽ các hình tượng đại khái, chỉ vẽ khoảng 20 – 30% bức tranh. Tuy nhiên, nếu trong suốt quá trình vẽ cứ luôn vẽ đại khái không cụ thể như thế, thì việc vẽ đi vẽ lại sẽ khiến người ta có cảm giác rằng bức tranh không bao giờ hoàn thành. Nếu cứ tiếp tục, quá trình sáng tác sẽ bị kéo dài bởi quan niệm con người, điều này trái lại là không tốt.

Trong tác phẩm phác thảo bằng màu nước, hiện tượng này rất hiếm gặp. Nguyên nhân là do chất liệu màu nước mỏng nhẹ có thể bị bẩn nếu sơn đi phủ lại quá ba bốn lần, nên các tác giả thường vội vàng hoàn thành mọi thứ trong một hoặc hai lượt lên màu. Vì vậy vẽ màu nước có xu hướng vẽ được rất nhanh. Có thể thấy, vẽ nhanh không phải là điều gì xấu.

Qua đó có thể thấy, hiệu suất và chất lượng hoàn toàn có thể đồng thời được nâng cao. Khi có thể loại bỏ các định nghĩa, giữ đầu não thanh tỉnh lý trí, hiểu rõ được giai đoạn nào cần làm việc gì, thì sẽ giảm được tối đa sự tổn thất và lãng phí, giúp phát huy hơn nữa tài năng của người nghệ sỹ.

Việc chỉnh sửa hình khối tại những chỗ đã thực hiện chuyển tiếp màu sắc là rất khó khăn. Thông thường khi xử lý chuyển màu thì hầu hết màu sắc trên bức tranh cần được sơn phẳng đều rồi, cũng có thể do họa sỹ trong lúc vô ý hay hữu ý theo quy tắc phân bổ bình quân đã sơn phẳng đều màu lên lớp nền cơ bản. Nếu muốn chỉnh sửa lại hình khối thì phải điều chỉnh và phân bố lại độ dày của lớp sơn mới được vẽ thêm vào, đây là việc làm rất gian khổ. Nhưng thường thì tác phẩm của các họa sỹ người Ý (đặc biệt là sau thời kỳ Văn nghệ Phục hưng) có đặc điểm là hình khối và màu sắc xuất hiện đồng thời, khiến tranh của họ nhìn không được bằng phẳng mịn màng.

Điều này liên quan đến vấn đề chi tiết, kỳ thực chính là cần đứng từ góc độ nào mà vẽ các chi tiết. Theo nguyên lý thấu thị, cảm giác về không gian phụ thuộc vào luật xa gần, từ đó hình thành các cảm thụ thị giác như gần lớn xa nhỏ, gần rõ xa mờ. Điều này đòi hỏi người nghệ sỹ phải chú ý tới mối quan hệ rõ – mờ trong bức tranh. Đồng thời, các sự vật hiện tượng thường có sự vận động, biến đổi ở một mức độ nhất định, thế giới cũng vẫn luôn thay đổi, do đó, nếu chỗ nào cũng vẽ một cách cứng nhắc bất động sẽ làm mất đi tính chân thực của tác phẩm, khiến bức tranh cứng đờ khó coi. Hơn nữa, vẫn có sự khác biệt giữa cảm giác về tiểu tiết tỉ mỉ và tiểu tiết tỉ mỉ thực sự, giống như một họa sỹ xuất sắc không thể vẽ hàng triệu sợi tóc trên đầu một người mà không bỏ sót một sợi nào.

Đây là bức chân dung tự họa do họa sỹ người Đức Albrecht Dürer sáng tác vào năm 1500. Họa sỹ áp dụng kỹ thuật vẽ phủ nhiều lớp khắt khe và tinh tế khiến hầu hết các chi tiết trong bức tranh được miêu tả vô cùng tỉ mỉ, đến mức có thể đếm được từng sợi tóc. Một yếu tố quan trọng tạo nên cảm giác chân thực cho bức tranh này nằm ở cách xử lý tinh tế phần chuyển tiếp ánh sáng, đổ bóng, màu sắc… Ngay cả từng sợi tóc, từng sợi râu nhỏ cũng được chuyển tiếp một cách tỉ mỉ từ phần sáng mạnh dần dần sang phần sáng trung bình, rồi lại chuyển tiếp dần sang tông xám, rồi dần dần xuyên qua giao giới giữa sáng và tối đến phần phản quang, cho đến phần đổ bóng. Toàn bộ bức tranh sáng sủa, tinh khiết, mịn màng, màu vẽ được phủ đồng đều khắp cả bức tranh, thậm chí không nhìn thấy nét cọ nào. Tuy nhiên, sự tinh xảo, mịn màng của các lớp vẽ phía trên lại được vẽ trên các lớp nền có phần sơ sài, lỏng lẻo bên dưới. Nếu chú ý quan sát cẩn thận góc dưới bên phải của bức tranh, xuyên qua tầng tầng các lớp màu trong suốt, chúng ta có thể thấy được lớp nền dưới cùng được sơn lỏng lẻo chứ không cứng nhắc. Vì vậy, giống như rất nhiều họa sỹ, Albrecht Dürer bắt đầu việc vẽ tỉ mỉ dần dần từ các lớp giữa trở lên nhằm tạo ra các chi tiết chính xác và tạo hình khắt khe.

Đôi khi, trên bức tranh có quá nhiều nội dung, không những không tạo thành nhóm chỉnh thể các chi tiết mà còn trông lốm đốm như “hoa”, một phương pháp rất thiết thực là dùng màu bán trong suốt phủ nhiều lớp để che đi những chi tiết thừa đó. Điều này có thể nhanh chóng tạo tổng thể cho bức tranh, đồng thời khiến bức tranh mang lại cảm giác thông thoáng cùng cảm giác chuyển tiếp phong phú trong một tổng thể hài hòa. Các màu bán trong suốt cũng có tác dụng tốt trong việc xử lý tiếp nối các lớp màu sau này. Bởi vì màu bán trong suốt vừa có thể trộn với các màu đục tạo nên sự chuyển biến từ từ trong kết cấu màu, vừa có thể dùng màu trong suốt phủ lên màu bán trong suốt để làm tăng độ trong suốt. Như vậy các kỹ thuật sử dụng sau này có thể thay đổi linh hoạt hơn.

Một bức tranh sơn dầu có thể có rất nhiều lớp màu, trong suốt quá trình vẽ cũng có thể sơn vẽ nhiều lần, tuy nhiên, trong mỗi lớp màu cụ thể thì tốt nhất không nên vẽ tác phẩm thành bức phù điêu (trừ màu phù điêu bằng chất liệu chuyên dụng). Phần chuyển tiếp và tiếp nối trong tác phẩm tái hiện vẻ đẹp chân thực tự nhiên và cũng thể hiện thần thái chân thực của tâm hồn, vậy nên sự chuyển tiếp này không nên bị ảnh hưởng bởi màu sắc quá nhân tạo. Tác phẩm có thể có màu sắc đục và dày, có thể chồng nhiều chất liệu màu trong một phạm vi nhất định, nhưng những tác phẩm tương đối dày và khá xuất sắc là kết quả của việc các lớp màu mỏng được tích lũy dần dần trong quá trình vẽ, chứ không phải là chồng nhiều chất liệu màu một cách giả tạo, đây là nguyên nhân vì sao có một số tác phẩm cũng khá dày nhưng vẫn toát lên vẻ chân thực.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/49776