Bàn về bài thơ “Giang trung vũ vọng” của Huyền Diệp
Tác giả: Lâm Vũ
[ChanhKien.org]
Người Trung Quốc gọi hoàng đế là chân long thiên tử, trong truyền thuyết cũng có sự tồn tại của giao long. Hoàng đế Khang Hy (tức Huyền Diệp) trong một bài thơ của mình cũng nhắc đến giao long, nhưng nội hàm lại vô cùng đặc biệt. Toàn bài thơ “Giang trung vũ vọng” (Ngắm mưa trên sông) có tổng cộng 28 chữ:
“Yên vũ liên giang thế tối kỳ,
Mạn thiên vụ hắc ảnh mê ly.
Thiêm phiên ba lãng tam thiên xích,
Nghi thị giao long xuất một thì”.
Tạm dịch nghĩa:
“Khói mưa giăng khắp mặt sông thế rất lạ kỳ,
Khắp trời sương đen hình bóng mập mờ.
Sóng nổi cuồn cuộn ba ngàn thước,
Nghi là lúc giao long thoắt ẩn hiện”.
“Yên vũ liên giang thế tối kỳ, Mạn thiên vụ hắc ảnh mê ly”. Câu này nói “yên vũ liên giang” khói mưa giăng khắp mặt sông cũng không có gì đặc biệt, chỉ có chữ “kỳ” là có chút đặc biệt. Trong mắt của thi nhân, mưa có nội hàm ẩn trong đó. Không phải kiểu thú vui tình tứ trong mắt của thế nhân, mà là biến hóa khôn lường, ẩn tàng sát cơ. Trong “mạn thiên vụ hắc” ấy tràn đầy tính bất định, “mê ly” càng làm tăng thêm vẻ thần bí khó lường. Bài thơ này của thi nhân lại không phải là đang miêu tả cảnh mưa trước mắt, mà là mượn cảnh để miêu tả một cơn nguy biến đang chầm chậm tiến gần. Cái hình bóng đen ở trong sương chính là chỗ nguy hiểm tiềm tàng.
“Thiêm phiên ba lãng tam thiên xích, Nghi thị giao long xuất một thì”. Trong thơ, tác giả đưa ra cảnh tượng cuồng phong nổi lên những cơn sóng cao ngàn thước, tựa như có giao long đang tác oai tác quái. Vậy “giao long” là loài vật nào? Giao long là sinh vật cùng tộc với rồng, nhưng lại là loài vật phản diện. Ở đây, thi nhân mượn hình ảnh sóng gió để ví với phản nghịch làm loạn, mà kẻ làm loạn lại chính là người cùng tộc của mình. Hoàng đế Khang Hy từng bắt sống kẻ phản loạn là Ngao Bái, “giao long” ở đây có lẽ là chỉ những kẻ như Ngao Bái.
Khang Hy đế tám tuổi đăng cơ, mười bốn tuổi nắm quyền triều chính, nhưng hầu như bị Ngao Bái thao túng mọi việc. Trước mắt ông quả thật là “Mạn thiên vụ hắc ảnh mê ly”, cảnh tượng phía trước không mấy lạc quan. May thay, ông lâm nguy không loạn, dùng mưu trí bắt sống Ngao Bái. Bài thơ này nhìn thì dường như miêu tả cảnh tượng trong mưa, nhưng đúng hơn là đang miêu tả cảnh tượng dùng mưu trí để bắt sống Ngao Bái.
Hoàng đế Khang Hy của triều Thanh là một trong những vị hoàng đế khai sáng và minh triết nhất trong lịch sử, suốt một đời đã trải qua biết bao phong ba bão táp. Có thể giữ được sự thản đãng không sợ hãi như vậy, thực sự là trên đời khó tìm được mấy người.
Kỳ thực, bất kể là ai, có thể điềm tĩnh trong lúc nguy nan thì đều vô cùng đáng quý. Đó chính là bản sắc của bậc đại tướng. Trong con mắt của rất nhiều người, thơ từ là một loại nhã hứng, dùng để miêu tả cảnh ly biệt hay nỗi nhớ quê hương. Nhưng nhà thơ trong bài “Giang trung vũ vọng” này lại nói về sự điềm nhiên và không sợ hãi trước nguy nan, một kiệt tác cực kỳ hiếm gặp. Là người tu luyện, lại càng cần có dũng khí và khí tiết chân chính không sợ hãi trước tà ác.
Một bài thơ, tái hiện một cảnh tượng kinh tâm động phách. Nhìn thì dường như không có đao quang kiếm ảnh, nhưng hiểm nguy bốn bề mai phục, phúc họa khó lường. Ung dung kiên định trước sóng to gió lớn mới là ung dung kiên định thực sự.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/274802