Truyền thuyết: Nguồn gốc của Quan Âm Thi Dược

Tác giả: Như Chi

[ChanhKien.org]

Tương truyền Quan Âm Bồ Tát có 33 hóa thân, Quan Âm Thi Dược là một trong số đó.

Một hôm, Quan Âm Bồ Tát đến Đăng Châu ở Sơn Đông. Khi đó đúng vào giữa mùa hè, thời tiết nóng nực, có một loại bệnh đang lây nhiễm rất nhanh, rất nhiều người không trị khỏi mà chết. Quan Âm Bồ Tát từ bi không nỡ nhìn thấy cảnh tượng này. Nên hóa thành một cụ ông bán thuốc đến khám cho bách tính. Khám cho vài bệnh nhân xong, Bồ Tát hiểu rằng nguyên nhân của dịch bệnh là do thân thể con người bị hư tổn chính khí mà bị tà ác bên ngoài xâm nhập, chỉ có hoắc hương mới có thể chữa khỏi.

Bồ Tát liền lên núi hái lượm hoắc hương, sau đó mang ra chợ bố thí. Người dân địa phương tuy bệnh tật khốn khổ nhưng vì ông lão bán thuốc là người ở nơi khác đến nên mọi người cũng không dám tùy tiện sử dụng. Sau đó một số người nghèo bèn nghĩ liều một phen uống thuốc của ông lão. Không ngờ rằng bệnh lại khỏi. Cứ như vậy một truyền mười, mười truyền trăm, mọi người tấp nập đến xin thuốc. Rất nhiều người được cứu.

Đến khi bệnh dịch hoàn toàn biến mất, Bồ Tát mới hiển lộ pháp tượng cho pháp sư Ưu Đàm chùa Trí Lâm và truyền phương pháp trị bệnh cho ông. Pháp sư Ưu Đàm kể cho dân chúng về sự thánh thiện của Bồ Tát, mọi người tự đáy lòng cảm kích ơn cứu mạng của Bồ Tát nên đã quyên tiền xây dựng chùa Quan Âm và thờ tượng Quan Âm. Tượng Quan Thế Âm không phải tay cầm bình liễu mà cầm một cây thuốc, cho nên thế gian gọi là “Quan Âm Thi Dược”.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/52096