Một chút thể ngộ về “học Pháp giao lưu tập thể”

Tác giả: Vô Ngân

[ChanhKien.org]

Tất cả chúng ta đều biết rằng luyện công tập thể, học Pháp và giao lưu tập thể là những hình thức mà Sư phụ lưu lại có thể thúc đẩy việc tu luyện của chúng ta một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình này, xuất hiện một số vấn đề phổ biến, ví như sau khi học Pháp không có việc ở lại để giao lưu chia sẻ nghiêm túc. Theo thời gian, chỉ đơn thuần là việc học Pháp và rất ít chia sẻ. Dần dần, nhiều người cảm thấy học Pháp tập thể so với học Pháp cá nhân không có nhiều khác biệt nên không tham gia nữa. Tôi thường tự hỏi mình còn tâm chấp trước nào đã góp phần tạo nên một hoàn cảnh tu luyện như vậy.

Hướng nội là Pháp bảo trong tu luyện, nhưng tôi thường thấy rằng nhiều chấp trước của tôi hình thành một cách tự nhiên, bất tri bất giác mà biểu hiện ra, chẳng hạn như hướng ngoại nhìn, không đủ chính niệm, và thậm chí tồn tại những hành động rất người thường. Chính những nhân tâm và hành vi này đã khởi tác dụng hoặc ít hoặc nhiều trong việc tạo nên hoàn cảnh tu luyện của chỉnh thể.

1. Bảo hộ bản thân và tâm lý sợ phơi bày bản thân

Khi giao lưu với các đồng tu, dù là nhóm lớn hay nhỏ, hiếm khi tôi là người chia sẻ. Một lý do quan trọng là vì tính tôi không thích nói hoặc không biết chia sẻ điều gì là đúng đắn. Đằng sau cái cớ này chính là chấp trước bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương, tránh gây chuyện bất hòa, sợ phiền phức và truy cầu sự an nhàn thoải mái.

Hướng nội sâu hơn nữa, tôi thấy nhân tố đằng sau cái tâm này là nghiệp lực không muốn bị tiêu trừ, bởi vì một khi tôi bị tổn thương thì nghiệp lực sẽ bị tiêu trừ. Thậm chí nó còn tạo một giả tướng là “Tôi muốn bảo vệ bản thân”, thực chất nó bảo vệ chính nó khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Vì vậy, đối với người tu luyện thì bị tổn thương là việc tốt, và bảo vệ bản thân là điều xấu.

Khi giao lưu với các đồng tu, tôi thường sẽ hữu ý hoặc vô ý né tránh những vấn đề của bản thân, để không trở thành mục tiêu cho mọi người bàn luận, như thế sẽ không bị mất thể diện và lòng tự trọng. Tôi né tránh việc bị người khác đàm luận hay coi thường. Thực chất, ẩn sau đó chính là những chấp trước cá nhân của tôi về tính ngạo mạn, tâm hư vinh, tâm cầu danh, v.v. Đôi lúc tôi nói về những vấn đề của bản thân, nhưng tôi tránh hoặc bỏ qua những điểm quan trọng, che giấu những tư tưởng bất hảo, nói lướt qua mà không động đến những chấp trước ẩn sâu nhất.

Che giấu chấp trước của chính mình là đang gia cường chúng, càng che giấu thì nó càng mạnh hơn. Nhân tâm càng sợ bị phơi bày thì càng cần phải phơi bày. Đồng thời, khi nói ra những chấp trước của mình, chủ ý thức của tôi sẽ mạnh hơn và sẽ xoáy sâu vào nó. Khi chủ ý thức mạnh mẽ thì sẽ dễ dàng vượt quan.

Nhân tâm của rất nhiều người chỉ là một tờ giấy dán cửa sổ tưởng chừng chắc chắn không thể chạm tới, nhưng kỳ thực chỉ cần chọc nhẹ một cái là có thể xuyên qua và phá vỡ. Một khi tôi muốn động đến nó, nó sẽ phản kháng mạnh mẽ và phản ánh trong đầu tôi là “không thể bị phơi bày bản thân”.

Tôi nghĩ nếu tôi dám chia sẻ những chấp trước của mình, và vượt qua nỗi sợ hãi bị phơi bày với các đồng tu, thì tôi có thể đột phá và loại bỏ chấp trước nhanh hơn. Thần sẽ không nhìn xem có bao nhiêu chấp trước dơ xấu bị phơi bày, mà xem ai đã loại bỏ được chấp trước. Hơn nữa, tôi thấy rằng những người dám bộc lộ chấp trước của mình thì họ càng can đảm, thâm trầm và tinh tấn trong tu luyện. Ngược lại, những người càng che giấu chấp trước của mình thì họ lại càng cố chấp hơn, họ sẽ không thể loại bỏ được chúng, nếu không thanh tỉnh họ sẽ trượt ngã trên con đường tu luyện. Vì vậy, tôi tự nhủ phải nỗ lực vượt qua nỗi sợ hãi bị phơi bày này, hy vọng rằng tôi có thể chia sẻ thẳng thắn hơn với các đồng tu.

Sau khi suy nghĩ và cố gắng làm như vậy, tôi thấy việc hướng nội và nhận ra những thiếu sót của bản thân trở nên dễ dàng hơn, và tôi không còn hướng ngoại chỉ nhìn những thiếu sót của người khác nữa. Dần dần, tôi bớt chỉ trích hoặc phàn nàn về người khác. Tôi dễ dàng đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét vấn đề, nghĩ cho người khác và quan tâm đến người khác. Đồng thời, tôi phát hiện bản thân cũng trở nên khiêm tốn hơn, bởi vì một khi phơi bày những điểm thiếu sót trong tu luyện, tự nhiên cũng không còn tâm cao ngạo nữa, còn lại chỉ là thực thực tại tại mà tu khứ chấp trước.

Đôi khi tôi vẫn còn một quan niệm là, khi phát hiện mình có một chấp trước nào đó thì bản thân mình biết là được, rồi tự nhắc nhở bản thân sẽ dần dần loại bỏ nó, không cần phải chia sẻ với đồng tu khác. Việc này có vẻ không sai, nhưng thực chất ẩn giấu sau đó là nỗi sợ bị phơi bày. Đồng thời, điều đó cũng phản ánh rằng liệu người tu luyện đó cởi mở, có đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân không. Một người tu luyện tốt luôn luôn có sự thẳng thắn và có thể chia sẻ bất cứ điều gì một cách thẳng thắn. Sư phụ lưu lại cho chúng ta hình thức luyện công và học Pháp tập thể, chẳng phải để chúng ta thông qua chia sẻ và học hỏi lẫn nhau, cùng giúp nhau đề cao trong tu luyện? Tất nhiên, một người có thể dùng phương pháp độc tu, nhưng việc đề cao thì tương đối chậm hơn. Do đó, nếu bạn đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân, bạn có thể dũng cảm phơi bày bất kỳ chấp trước nào và không khoan nhượng với chúng. Tôi nghĩ đó cũng là biểu hiện của việc tu luyện dũng cảm và tinh tấn.

Tôi nghĩ rằng các học viên mới có xu hướng làm tốt hơn tôi rất nhiều ở điểm này. Họ rất thoải mái và không ngại phơi bày chấp trước của mình, bởi vì họ nghĩ mình mới tu và có nhiều chấp trước mà người khác có thể hiểu được. Ngược lại, học viên tu lâu đã dần trở nên giảo hoạt trong quá trình tu luyện, thậm chí còn tự cao tự đại, cho rằng mình tu luyện đã nhiều năm như vậy mà vẫn còn tâm hiển thị, tâm danh lợi, tâm tật đố, tâm sắc dục,.. nếu nói ra thì mất mặt; sẽ xấu hổ nếu chia sẻ khi không vượt quan nghiệp bệnh, xấu hổ nếu nói rằng mình đã dành quá ít thời gian học Pháp và luyện công. Đó là vì chấp trước vào danh, tâm hư vinh, sợ bị người khác coi thường, đó cũng là do không hiểu Pháp mà thành. Từ Pháp, tôi hiểu rằng bất kể là đã tu luyện bao nhiêu năm, người tu luyện vẫn có những nhân tâm bất hảo của người thường cho đến khi viên mãn. Không phải là sau nhiều năm tu luyện thì tất cả chấp trước đều được loại bỏ và không cần phải tu luyện nữa. Sau nhiều năm hồng Pháp và giảng chân tướng, ít nhiều giữa các học viên lâu năm cũng có những mâu thuẫn và gián cách, thậm chí chúng là rất gay gắt và còn là công kích những thiếu sót của nhau, vậy nên không dám chủ động phơi bày chấp trước bản thân. Ngại rằng đối phương có thể nhân cơ hội này mà nói: “Nhìn xem những gì vị ấy đang thừa nhận về chấp trước của mình v.v”, thế nên tôi muốn bảo vệ bản thân, tránh bị nắm thóp. Ngược lại mà nói, hành vi và tâm lý của một học viên là cực kỳ nham hiểm, dơ bẩn, và thấp kém khi sử dụng việc đồng tu hướng nội, phơi bày chấp trước để tấn công, chế nhạo họ. Đây là sự ô uế đối với việc hướng nội thiêng liêng nhất và gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường tu luyện và bầu không khí hướng nội. Nếu không có môi trường và bầu không khí hướng nội, cho dù bạn có học Pháp và giảng chân tướng bao lâu đi nữa thì cũng chỉ là hình thức ở bề mặt và sẽ không khác gì người thường tham gia các việc của Đại Pháp.

2. Dùng việc giảng chân tướng cứu người làm bình phong

Tôi cũng phát hiện rằng khi tôi không muốn phơi bày những chấp trước của mình nhưng lại muốn giao lưu hoặc cần phải giao lưu, những lúc ấy tôi thường tìm điều gì đó to tát để nói. Bởi vì các đồng tu không muốn nói về những chuyện người thường, nên tôi sẽ nói về những sự tình được cho là trọng yếu trong tu luyện, hoặc những điều thể hiện rằng tôi có nhận thức cao, hoặc những điều biểu hiện rằng tôi tinh tấn tu luyện và giảng chân tướng tốt… Trong những chủ đề này thì nói về giảng chân tướng là bình phong phổ biến nhất của tôi. Đệ tử Đại Pháp đều biết rằng giảng chân tướng cứu người là việc quan trọng nhất trong thời kỳ Chính Pháp. Ai có thể ngăn tôi nói về điều đó chứ? Giảng chân tướng là một chủ đề tốt để đàm luận. Tuy nhiên, một khi chúng ta bắt đầu nói về nó, chúng ta hoàn toàn quên mất việc hướng nội. Giảng chân tướng không thể thay thế cho tu luyện, dù đó là một phần trong tu luyện. Lúc bình thường, Pháp lý này khá rõ ràng, nhưng trong khi làm việc, tôi không phân biệt rõ mối quan hệ giữa giảng chân tướng và tu luyện, đem việc giảng chân tướng thành việc tu luyện. Vì vậy, khi nói về giảng chân tướng, tôi thao thao bất tuyệt và thường dẫn dắt người khác coi trọng việc giảng chân tướng hoặc kiến nghị xem người khác nên làm như thế nào. Ví dụ, tôi có thể nói: “Chúng ta phải coi trọng việc giảng chân tướng cứu người. Chúng ta phải cứu thật nhiều người. Chúng ta có thể cứu người như thế này thế này…” Những lời đó có vẻ rất dễ hiểu. Trên thực tế, đằng sau những lời hùng biện nghe có vẻ cao siêu thì đó là tâm muốn dạy bảo và chỉ dẫn cho người khác. Ẩn sau đó là chấp trước muốn cải biến người khác, tôi đã cố chấp tranh đấu với người khác khiến nhiều sự tình trở nên rối tung.

Ngoài ra, tôi còn thấy rằng trong lúc giao lưu phàm là những từ như “chúng ta”, “mọi người”, “mỗi cá nhân”… về cơ bản để chỉ vào người khác, muốn dẫn dắt hoặc cải biến người khác thay vì bản thân mình. Dường như “chúng ta” đã bao gồm chính mình, nhưng chủ yếu lại là nói về người khác và cải biến người khác, nếu không thì không nói về nó trước mặt mọi người.

3. Lấy việc giao lưu về các Pháp lý làm bình phong

Trong quá trình chia sẻ, tôi thường háo hức khám phá các Pháp lý. Tất nhiên, là một người tu luyện thì nên hiểu rõ Pháp lý, nhưng tôi không nên dành quá nhiều thời gian để thảo luận mà không nói về việc buông bỏ chấp trước. Trong giai đoạn đầu của tu luyện, các học viên muốn thảo luận về các Pháp lý với người khác, điều đó có thể hiểu được. Đối với các học viên tu lâu, tôi nghĩ chúng ta nên chú ý hơn tới việc đề cao tâm tính và giảng chân tướng cứu người.

Trong khi học Pháp giao lưu tập thể, tôi cũng phát hiện một số tâm bất hảo, ví như:

(1) Thích nói về chuyện người thường

Không phải là tôi quan tâm đến danh lợi nơi người thường. Tôi phát hiện rằng mình quan tâm nhiều hơn về hình thế xã hội, biến hóa của hình thế Chính Pháp, cuộc bầu cử và các vấn đề chính trị hiện tại khác, những vấn đề đạo đức và loạn tượng trong xã hội. Khi đàm luận về vấn đề này thì không phải là vấn đề lớn, nhưng nói quá nhiều thì không cần thiết. Đôi khi, tôi thích đưa ra bình luận về những người xung quanh mình, điều đó thật không nên. Sư phụ cũng đã nhấn mạnh về điều này khi Ngài giảng về vấn đề tu khẩu.

(2) Công kích và chế nhạo người khác bằng những chấp trước mà họ phơi bày thông qua hướng nội

Điều này tôi đã đề cập ở trên. Khi người khác phơi bày những chấp trước mà họ hướng nội ra thì tôi lại lấy đó làm cơ hội để cười nhạo họ. Khi nhận ra tâm thái và hành động đó, tôi không thể tha thứ cho mình. Tôi bị mắc kẹt trong cảm giác tội lỗi và tự trách trong một thời gian dài. Tôi thấy mình đã làm một điều cực kỳ tồi tệ, làm tổn thương đồng tu và hủy hoại môi trường tu luyện hướng nội. Tôi đã khiến các đồng tu ngừng chủ động giao lưu và chia sẻ về các chấp trước của họ. Tôi đã cô phụ lời giáo huấn của Sư phụ. Sư phụ bảo chúng ta hướng nội, nhưng tôi lại lấy điều này để chế giễu và báng bổ sự việc thần thánh như vậy.

(3) Tâm bài xích

Trong quá trình chia sẻ trải nghiệm và lắng nghe các đồng tu, thỉnh thoảng tôi có một số cảm giác không tốt. Ví như, khi tôi thấy các đồng tu hào hứng nói về hình thế và việc giảng chân tướng, nhưng không chia sẻ suy nghĩ hay chấp trước của họ, tôi cảm thấy bài xích và phản cảm trong tâm. Bề ngoài tôi tỏ ra bình tĩnh và không có bất kỳ biểu cảm nào nhưng trong lòng tôi không muốn nghe những điều đó. Tôi cảm thấy những gì họ nói không có tác dụng khích lệ hoặc không chạm được đến tâm mình, thật lãng phí thời gian. Khi suy nghĩ kĩ hơn, tôi nhận ra rằng mặc dù điều đó không giúp ích gì cho tôi nhưng có có thể hữu ích với người khác, đặc biệt là với những học viên mới, vì vậy tôi nhắc nhở bản thân không truy cầu vào việc đạt được những ý tưởng mới. Tất nhiên, tôi cũng tự nhắc mình rằng chỉ nên chia sẻ những điều hữu ích cho việc đề cao của người khác hoặc hữu ích cho việc giảng chân tướng. Ngoài ra, những chia sẻ vô ích có thể làm mất thời gian của người khác.

(4) Tâm tật đố, tâm hiển thị…

Trong quá trình giao lưu, các loại nhân tâm đều xuất hiện, mà rất nhiều khi biểu hiện ra chỉ là một tư một niệm tại một thời khắc nào đó. Chỉ khi bản thân hướng nội tìm thật tốt mới có thể nhận ra, người khác không thể biết. Vì vậy, khi thấy xuất hiện một tư một niệm thuộc về nhân tâm, tôi sẽ tiếp tục đào sâu cho đến khi loại bỏ được nó.

Lời kết

Vì bảo hộ bản thân và sợ bị phơi bày, tôi miễn cưỡng mở lời, khi chia sẻ thì dùng việc hạng mục cứu người hoặc việc thảo luận về các Pháp lý như một tấm bình phong; vì vậy mọi người cảm thấy việc chia sẻ không có hiệu quả, không có thu hoạch, không chạm đến được tâm chấp trước chưa buông bỏ. Hình thức giao lưu như vậy không thể trợ giúp đề cao hoặc loại bỏ các chấp trước trong tu luyện, khiến chúng ta không còn hào hứng chia sẻ.

Nếu tất cả chúng ta có thể chân tâm trong việc loại bỏ các chấp trước, có lẽ những chia sẻ dựa trên Pháp đó sẽ thu hút nhiều người chân tu hơn.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/264966

http://www.pureinsight.org/node/7614