Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 33): Hoa và quả dù đẹp đến mấy cũng đến lúc héo tàn

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Tuy rằng trong chương “Luận công bình”, Ngụy Trưng đã nhắc nhở Đường Thái Tông rằng sự trị và loạn, hưng và vong của quốc gia là không thể dựa vào pháp luật, nền tảng vẫn phải dựa vào đức hạnh của con người, mà đức hạnh của con người xét cho cùng lại phụ thuộc vào giáo dục dẫn dắt của nhà vua, ý tứ là muốn Thái Tông nhất định phải mười phần chú trọng đến giáo dục, nhưng trọng tâm mà Ngụy Trưng nhắm đến lại hoàn toàn trái ngược với quan niệm ngày nay. Vậy rốt cuộc ông hướng đến điều gì? Chúng ta hãy xem chương “Luận văn sử” thì sẽ minh bạch.

Văn sử ở đây mọi người có thể tách ra thành văn học và lịch sử, hoặc là văn chương và lịch sử, bất luận là giải thích thế nào, đều không quá khác. Chúng ta xem xét cách nhìn của Thái Tông và các quan đại thần đối với văn chương/văn học và lịch sử, tự nhiên sẽ minh bạch được rằng sự thịnh vượng rực rỡ nhất mà thời đại Trinh Quán đạt được chính là nhờ giá trị định hướng mà họ đặt vào văn học và lịch sử. Cũng chính là nói, đầu tiên chúng ta cần minh bạch mục đích căn bản mà cổ nhân soạn sử và viết văn là gì. Nếu như không hiểu được điểm này, thì giáo dục chính là đã bỏ gốc lấy ngọn. Về điểm này Thái Tông đặc biệt hiểu rõ.

Đoạn một chương “Luận văn sử”

Năm Trinh Quán thứ nhất, Thái Tông nói với Phòng Huyền Linh, người chủ trì biên soạn quốc sử:

“Gần đây thấy sách sử Tiền Hán thưHậu Hán thư có chép các bài phú “Cam tuyền”, “Vũ liệp” của Dương Hùng; “Tử hư”, “Thượng lâm“ của Tư Mã Tương Như; “Lưỡng đô” của Ban Cố; những bài văn này ngôn từ phù phiếm, không ích lợi khuyến cáo răn dạy đối với hậu thế, thì sao lại đưa vào sử sách? Từ nay về sau, nếu có người dâng bài nào luận về chính sự, ngôn từ đạo lý luận thuật chân thành thẳng thắn, đúng trọng tâm, có lợi cho việc trị quốc, thì dù trẫm có tiếp thu hay không, cũng đều phải ghi lại vào sử sách”.

Mục đích của việc tu sử là để khuyên răn lòng người

Từ đoạn một chương “Luận văn sử”, chúng ta có thể thấy, cho dù tác giả đang biên soạn lịch sử thì cũng tuyệt đối sẽ không đơn thuần ghi chép lại những cuộc thảo luận của quân thần vào thời điểm đó một cách không trình tự hay không mục đích. Thái Tông hiểu rất rõ rằng, ngoài việc cần phải chân thực, thì việc chép sử còn cần phải mang lại lợi ích cho việc giáo dục đối với hậu thế, vì thế bất kỳ nội dung nào được lưu lại cũng đều phải là mười phần nghiêm túc. Qua đoạn đầu tiên, mọi người có thể thấy tác dụng của khai tông minh nghĩa, mặc dù đoạn thoại này chỉ có lời nói của Thái Tông, nhưng nội dung trong đoạn thứ nhất này có thể thấy là rất trọng yếu. Bởi vì khi Thái Tông thăng triều hoặc khi triệu kiến đại thần, thì ngài không thể chỉ nói mấy câu này với các đại thần.

Tuy rằng những điều được thảo luận ở đây là văn học và lịch sử, nhưng đầu tiên cần phải cho người ta hiểu được mục đích của việc tu đính và phê duyệt văn học và lịch sử là cái gì, mà nhận thức đối với văn học và lịch sử này sẽ định hướng cho người soạn sử và người viết văn, những thứ viết ra như thế nào sẽ có ảnh hưởng như thế ấy đối với hậu thế. Bởi vậy nhìn nhận của quân vương là vô cùng trọng yếu.

Từ đoạn văn này, chúng ta có thể thấy được nhận thức của Thái Tông đối với văn học và lịch sử, ông cho rằng lịch sử, văn chương hay văn học nhất định phải khởi được tác dụng đối với việc khuyên răn con người; những văn chương thể loại phú với lời văn hoa mỹ đó không có tác dụng khuyên răn con người, vậy thì cho dù ngòi bút có ưu mỹ thế nào, tác giả có danh tiếng ra sao, cũng đều không thể ghi vào sử sách. Vậy điều khuyên răn là gì đây? Tất nhiên là đức hạnh của con người, tự nhiên phải khởi được tác dụng khiến con người trọng đức hướng thiện, bỏ đi những thói hư tật xấu. Đây mới là mục đích mà người xưa nhận định về việc tu sử, và đây cũng là cách nhìn nhận của người xưa trên phương diện giáo dục về tác dụng của lịch sử. Nhưng nhiều người sẽ thắc mắc, đây chẳng phải là điều cốt yếu của việc trị quốc hay sao? Chẳng phải Thái Tông đã nói, chỉ cần có ích cho việc trị quốc, thì bất kể ông đồng ý hay không, đều phải được ghi chép vào sử sách sao? Những gì được nói ở đây nên chăng là lời khuyên dành cho các hoàng đế, quốc vương và các quần thần?

Không phải vậy, sách Tiền Hán thưHậu Hán thư mà Thái Tông đề cập đến, cũng không phải là cuốn sách lịch sử chuyên dùng để giáo dục đế vương, mà là cuốn chính sử để cho người đọc sách đương thời và các nho sinh phổ thông học tập, chỉ cần là người đọc sách, chỉ cần là người đã vào học đường thụ giáo, nhất định sẽ đọc những cuốn sử ký này, trong mắt cổ nhân, đây là những tài liệu giảng dạy chính thống. Đó là tài liệu dùng để dạy con người những giáo huấn làm người, đương nhiên đạo lý trị loạn hưng vong của quốc gia đều nằm trong đó. Chính sử lựa chọn các nhân vật có thân phận và địa vị khác nhau để ghi lại thành truyện, dùng phương pháp truyện ký để chép thành sử, nhằm mục đích khởi tác dụng tuyên dương cái thiện răn đe điều ác, từ bài học lịch sử của người đời trước để bước đi cho chính con đường nhân sinh của mình. Theo cách đó, từ thời nhà Hán trở về sau, lịch sử đã không còn chỉ ghi chép lại ngôn hành của các bậc đế vương, thông qua Sử ký của Tư Mã Thiên chúng ta có thể thấy điều này. Chỉ có điều, những ví dụ cụ thể mà Thái Tông đề cử ra là nhận thức của ông về vấn đề quản lý quốc gia, với tư cách vua của một quốc gia, ông tự nhiên sẽ lấy việc của mình làm ví dụ để giảng, lấy đó để nhắc nhở các đại thần, những quan lại phụ trách biên soạn lịch sử này phải mười phần rõ ràng rằng việc tu sử viết văn phải vì mục đích tối quan trọng là giáo dục người đời sau làm người như thế nào. Đây mới là nội dung nhắm thẳng vào việc trị quốc, nhắc nhở họ chú ý lựa chọn những thứ có giá trị.

Mặc dù Thái Tông từ ví dụ việc trị quốc để nhắc nhở các quan đại thần, nhưng giá trị định hướng đối với văn chương và lịch sử mà Thái Tông nêu ra đã mười phần thể hiện rõ cách nhìn nhận của Thái Tông đối với văn chương và lịch sử, ngài phản đối việc mọi người theo đuổi quá độ lối viết văn chương hoa lệ, quá chú trọng bút pháp ưu mỹ mà xem nhẹ trách nhiệm chân chính nên có của văn chương và lịch sử là giáo dục hậu nhân đạo lý làm người. Nếu mất đi giá trị định hướng thì không nên đưa vào sử sách. Nhận thức này cũng không phải chỉ là nhận thức riêng của cá nhân Thái Tông, mà là nhận thức của toàn bộ nền giáo dục cổ đại. Thái Tông chỉ nhắc nhở các đại thần chớ quên điều này.

Hoa quả tuy đẹp rồi cũng tàn

Như mọi người đã biết, ở Trung Quốc khi chỉnh lý thư tịch, người xưa phân thành tứ khố toàn thư, thế nào là tứ khố? Chính là “kinh, sử, tử, tập”, được xếp lên hàng đầu chính là hai loại kinh thư và lịch sử. Đối với kinh thư, tuy mỗi triều đại có những nhận thức khác nhau, nhưng tối thiểu các nho sinh thời cổ đại đều phải học lục kinh hoặc ngũ kinh, như vậy kinh thư đã được công nhận từ các thượng cổ thánh vương. Vậy, học xong kinh thì sẽ học đến lịch sử, người xưa nghiên đọc và tu sử tuyệt đối không phải là làm học thuật, mà là dùng sách sử để tham chiếu cái được cái mất, để luôn luôn nhắc nhở bản thân, khuyến cáo bản thân, và rút ra những bài học về trị loạn hưng suy. Như vậy, quân vương chính là đối tượng đầu tiên cần tiếp thụ giáo dục, đức hạnh của đế vương chính là tham chiếu của bách tính, vì vậy lịch sử luôn lấy những ghi chép về lời nói và việc làm của đế vương là quan trọng nhất, cho nên, sau khi Thái Tông nói về giá trị định hướng của văn học và lịch sử là phải lấy việc có lợi cho việc trị quốc hay không để đưa ra những ví dụ cụ thể, đây là điều khá bình thường.

Mà “tử” dùng để chỉ những tác phẩm mà các học giả từ các trường phái Nho và Đạo ghi lại những nhận thức của họ trong các lĩnh vực và đối với trị quốc và làm người, ví dụ như các cuốn sách Mạnh Tử, Trang Tử, Tôn Tử, Quản Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử … Chúng được sử dụng làm tài liệu tham chiếu từ nhiều góc độ khác nhau. Còn “tập” là các sách về văn học (bao gồm cả các tác phẩm hiện nay), âm nhạc, hý khúc, tiểu thuyết, thơ từ ca phú của các thế hệ sau, y học, các loại công trình khoa học kĩ thuật công nghiệp, nông nghiệp…, ngoài kinh thư và sử thư cũng như các tác phẩm của chư tử ra, thì những sách còn lại đều quy về tập. Tập là những thư tịch hàng cuối trong phân loại “kinh, sử, tử, tập”, nên đương nhiên hoa lệ nhất, số lượng khổng lồ nhất.

Cũng chính là nói, những sách kinh sử giảng thuật về đạo lý làm người là gốc rễ, phần nhiều là chất phác thực chất không hoa lệ, còn các sách văn nghệ và kĩ thuật là hàng cuối, là ngọn, hoa mỹ lộng lẫy nhất, bỏ cội rễ mà chọn ngọn ngành là cách làm ngu xuẩn, lẫn lộn đầu đuôi. Đây là nhận thức sáng suốt nhất của Thái Tông.

Hàng cuối không phải là không quan trọng, nếu như không quan trọng nó sẽ không được liệt vào tứ khố toàn thư, nhưng với giáo dục thì tất phải đặt sách kinh sử lên hàng đầu. Con người không trọng đức mà chỉ có tài hoa kĩ thuật và văn nghệ, thì sẽ khiến cho kĩ thuật và văn học nghệ thuật biểu đạt ma tính, phát triển ma tính, phóng túng cái ác, sẽ dẫn tới nguy hại cho quốc gia, trở thành vũ khí lợi hại làm bại hoại đạo đức. Nếu không có đạo đức làm nền tảng để dẫn dắt, thì cây đại thụ của toàn xã hội (văn học nghệ thuật) sẽ không nở hoa đẹp trái thơm, điểm cuối cùng của cây đại thụ là đơm hoa và kết trái, một cây đại thụ có đơm hoa kết trái xum xuê hay không, hoàn toàn phải nhìn xem gốc rễ của nó có thẳng hay không.

Gốc của nhân loại xã hội chính là đạo đức, văn nghệ kĩ thuật chính là đầu ngọn, văn nghệ kĩ thuật dù có phát triển mỹ lệ, phồn thịnh thế nào, vì cũng vẫn là đầu ngọn, vẫn phải phụ thuộc vào gốc rễ chất phác thuần hậu (đạo đức), tuyệt đối không thể lẫn lộn đầu đuôi, gốc rễ một khi bị cắt đứt, bóp méo, cảnh hoa lệ tất sẽ không lâu dài, kết cục tất nhiên sẽ đến suy vong. Nhân loại hôm nay, nếu muốn giải quyết các vấn đề của xã hội, dẫn dắt quốc gia đi đúng hướng, nhất định phải trở về giáo dục chính thống của cổ nhân, dĩ đức vi bản, dĩ sử vi chứng (tức là lấy đức làm gốc, lấy lịch sử làm chứng nghiệm).

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/25154