Câu chuyện thành ngữ: Lưỡng tụ thanh phong

Tác giả: Hoằng Nghị

[ChanhKien.org]

Thành ngữ “Lưỡng tụ thanh phong” (gió mát trong ống tay áo) ý là ví với việc làm quan thanh liêm, trong tay áo ngoại trừ có gió mát ra thì không còn gì hết. Nó bắt nguồn từ cuốn sách “Đô công đàm soạn” của Đô Mục đời Minh.

Vu Khiêm là anh hùng dân tộc và thi nhân nổi tiếng đời Minh. Ông 24 bốn tuổi đậu Tiến sĩ, không lâu sau thì đảm nhiệm chức Giám sát ngự sử. Vua Minh Tuyên Tông rất khen ngợi tài năng của ông, liền đặc cách thăng cấp cho ông làm Tuần phủ tỉnh Hà Nam và tỉnh Sơn Tây. Mặc dù thân làm quan lớn, ông sinh hoạt vô cùng tiết kiệm, ăn ở đều hết sức giản dị.

Sau khi vua Minh Tuyên Tông qua đời, thái tử 9 tuổi kế vị, trong sử sách gọi là Minh Anh Tông. Lợi dụng hoàng đế tuổi nhỏ, hoạn quan Vương Chấn chuyên quyền. Ông ta cấu kết với quan lại khắp trong ngoài thành làm mưa làm gió, đại thần đều gọi ông ta là “ông phụ” (ông cha). Vu Khiêm không ưa việc ông ta chuyên quyền triều chính, cũng không phụ họa theo ông ta. Vì thế, Vương Chấn hết sức ghen ghét, đố kỵ với Vu Khiêm.

Thời đó, quan viên ở tỉnh ngoài vào kinh thành triều kiến Hoàng đế hoặc xử lý công việc đều phải hối lộ những kẻ có thế lực trong triều, bằng không nhón chân đi đến đâu cũng bị làm khó dễ. Lúc Vu Khiêm đi làm tuần phủ trở về kinh, trợ tá của ông kiến nghị nên mua mấy loại đặc sản như nấm, khăn lụa, hương sợi để biếu giới quyền quý. Vu Khiêm không làm theo, ông lắc lắc hai ống tay áo rộng, nói: “Ta mang gió mát trong hai ống tay áo này!”

Về đến nhà, Vu Khiêm viết một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt có nhan đề “Vào kinh”. Trong thơ ông viết:

Quyên mạt ma cô dữ tuyến hương,
Bản tư dân dụng phản vi ương.
Thanh phong lưỡng tụ triêu thiên khứ,
Miễn đắc lư diêm thoại đoản trường.

Tạm dịch:

Khăn lụa, nấm này với sợi hương,
Chẳng phải dân dùng tất tai ương.
Gió lùa tay áo đi triều kiến,
Tránh miệng dân gian nói đủ đường.

Dịch từ: http://zhengjian.org/node/41115