Ôn cổ minh kim: Khổng Tử giảng: Học vấn quan trọng hơn tướng mạo

Tác giả: Tần Như Sơ

[ChanhKien.org]

1. Học vấn quan trọng hơn tướng mạo

Có một lần, Khổng Tử nói chuyện với con trai của mình là Bá Ngư, ông nói: “Điều có thể khiến con người cả ngày chìm đắm vào trong đó mà không cảm thấy buồn chán, có lẽ chỉ có việc học tập thôi. Có người tướng mạo không nổi bật, sức vóc cũng không quá lớn, lại không có gia thế tốt hoặc tài sản do tổ tiên để lại để có thể dựa dẫm; nhưng lại có thể vang danh thiên hạ, lưu danh trăm đời, đều bởi vì họ có học vấn”.

2. Tử Lộ vác gạo

Tử Lộ nói với Khổng Tử: “Người vác vật nặng đi đường xa sẽ không kén chọn chỗ nghỉ ngơi; người có cha mẹ già mà gia cảnh khốn cùng sẽ không kén chọn bổng lộc và địa vị cao hay thấp. Ngày trước khi cha mẹ trò còn tại thế, gia cảnh khốn cùng, hái rau dại để lót dạ sống qua ngày, trò còn thường đi bộ đến nơi xa trên trăm dặm, vác gạo về phụng dưỡng cha mẹ. Sau khi cha mẹ qua đời, trò đi về phương Nam tới nước Sở, bây giờ đã có bổng lộc, địa vị, lúc ra ngoài có gần một trăm cỗ xe, gạo tích ở trong nhà có đến hơn vạn chuông, chỗ ngồi lót hai tầng chiếu, lúc ăn cơm có cá có thịt, nhưng nghĩ muốn cùng cha mẹ ăn rau dại thêm một lần nữa, giúp cha mẹ vác gạo, lại không thể được nữa rồi”.

Khổng Tử nói: “Lúc cha mẹ tại thế, có thể tận tâm phụng dưỡng, sau khi cha mẹ qua đời, có thể nhớ mãi không thôi, Tử Lộ quả là một người con có hiếu!”

3. Sợ không còn cơ hội gặp lại người quân tử

Khổng Tử tới nước Đàm, trên đường đi gặp Trình Tử, hữu ý dừng xe lại, hai người cùng nói chuyện với nhau rất hợp ý.

Khổng Tử quay lại nói với Tử Lộ:“Trò hãy mang một tấm lụa tới đây tặng cho Trình tiên sinh (chỉ Trình Tử)”.

Tử Lộ rất không phục, nói: “Con nghe nói, quân tử kết bạn, nếu không có người giới thiệu, nữ tử xuất giá, nếu không qua người mai mối, thì không tặng lễ vật”.

Đợi một lát sau, Khổng Tử thấy Tử Lộ không có động tĩnh gì, lại căn dặn thêm một lần, Tử Lộ lại dùng lời lẽ trước đó để cự tuyệt.

Khổng Tử nói: “Tử Lộ à, con chưa đọc qua Kinh Thi đúng không? “Vô tình ở trên đường đi, lại có thể gặp được một người phụ nữ dịu dàng và xinh đẹp, đã đủ khiến ta toại nguyện nửa đời người”. Trình tiên sinh nổi tiếng trong thiên hạ là một người quân tử, lúc này không tặng ông ấy lễ vật, ta e rằng sau này cả một đời không gặp lại được ông ấy. Con không cần nhiều lời nữa, mau mang tấm lụa tới đây”.

4. Dựa vào trung và tín, có thể thông hành nhân gian!

Trong lúc Khổng Tử từ nước Vệ trở về nước Lỗ, dừng xe ở trước một con sông lớn, nước sâu tới 30 nhẫn (đơn vị đo lường thời xưa, 1 nhẫn tương đương 2,4 mét), xoáy nước rộng khoảng 90 dặm (1 dặm tương đương 500 mét), tôm cá đều không thể sinh sống được.

Lúc này, có một người đàn ông muốn qua sông, Khổng Tử vội vàng muốn cản trở anh ta: “Dòng nước sâu và dữ như vậy, đến tôm cá đều không dám bơi qua, anh qua sông như thế thật quá nguy hiểm!”

Người đàn ông đó không để tâm, qua sông một cách bình thường.

Khổng Tử hỏi: “Anh làm sao có thể qua sông vậy, có phương pháp đặc biệt gì chăng?”

Người đàn ông đó nói: “Không có gì cả, tôi chỉ là tin rằng bản thân có thể qua sông, tận tâm tận lực mà hoàn thành. Chỉ vậy thôi”.

Khổng Tử nghe xong, quay lại nói với các học trò: “Các trò nghe rõ chưa? Ý nghĩa của việc tin vào bản thân chính là chữ “tín”; ý nghĩa của việc tận tâm tận lực chính là chữ “trung”. Có thể dựa vào trung và tín mà hành động, thì đến dòng nước đáng sợ như vậy cũng có thể tự do đi lại, nói chi đến các việc khác ở nhân gian?”

(Theo Khổng Tử gia ngữ)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/144269