Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (12): Ngày Mậu thứ năm cúng Thần Đất

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên Văn chữ Hán và Chú âm

五(ㄨˇ) 戊(ㄨˋ) 雞(ㄐㄧ) 豚(ㄊㄨㄣˊ) 宴(ㄧㄢˋ) 社(ㄕㄜˋ),

處(ㄔㄨˇ) 處(ㄔㄨˋ) 飲(ㄧㄣˇ) 治(ㄓˋ)聾(ㄌㄨㄥˊ) 之(ㄓ) 酒(ㄐㄧㄡˇ);

七(ㄑㄧ) 夕(ㄒㄧ) 牛(ㄋㄧㄡˊ) 女(ㄋㄩˇ) 渡(ㄉㄨˋ) 河(ㄏㄜˊ),

家(ㄐㄧㄚ) 家(ㄐㄧㄚ) 穿(ㄔㄨㄢ) 乞(ㄑㄧˇ) 巧(ㄑㄧㄠˇ) 之(ㄓ) 針(ㄓㄣ)。

Bính âm

五(Wǔ) 戊(wù) 雞(jī) 豚(tún) 宴(yàn) 社(shè),

處(chù) 處(chù) 飲(yǐn) 治(zhì) 聾(lóng) 之(zhī) 酒(jiǔ);

七(qī) 夕(xì) 牛(niú) 女(nǚ) 渡(dù) 河(hé),

家(jiā) 家(jiā) 穿(chuān) 乞(qǐ) 巧(qiǎo) 之(zhī) 針(zhēn)。

Âm Hán Việt

Ngũ mậu kê đồn yến xã,

xứ xứ ấm trị lung chi tửu;

thất tịch ngưu nữ độ hà,

gia gia xuyên khất xảo chi châm.

Giải nghĩa từ ngữ (1) 五戊 (Ngũ Mậu): Ngày Mậu thứ năm sau lập Xuân hoặc lập Thu, được gọi là Xuân xã, Thu xã. (2) 豚 (Đồn) : con lợn con, cũng là chỉ lợn nói chung. (3) 宴 (Yến): Mời ăn tiệc, yến tiệc. (4) 社 (Xã): Xã nhật, chỉ Xuân Xã, Thu Xã (tức cúng Thần Đất vào mùa xuân và mùa thu). (5) 治聋之酒 (Trị lung chi tửu): Tương truyền uống rượu ngày cúng Thần Đất có thể trị bệnh điếc. (6) 七夕 (Thất tịch): Đêm ngày mùng 7 tháng 7 lịch truyền thống. (7) 牛 (Ngưu): Ngưu Lang (Chàng trai chăn trâu). (8) 女 (Nữ): Chức Nữ (Cô gái dệt vải). (9) 针 (Châm): Kim.

Bản dịch tham khảo

Vào ngày Xuân Xã và Thu Xã nhà nhà đều cúng gà, lợn cho Thần Thổ Địa, mời tiệc khách, và uống rượu cúng Thần có thể chữa bệnh điếc. Đêm ngày mùng 7 tháng 7, Ngưu Lang Chức Nữ qua sông để gặp nhau, những người phụ nữ đều đứng hướng mặt về phía trăng sáng xỏ chỉ ngũ sắc vào lỗ kim (cũng có thể 5 lỗ hoặc 9 lỗ), để cầu xin được khéo tay dệt vải thêu hoa.

Đọc sách luận bút

1. Về ngày Mậu thứ năm

Thời cổ đại, người ta dùng mười thiên can và mười hai địa chi ghép lại với nhau để chỉ năm, tháng, ngày, giờ. Có mười thiên can đó là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ, Canh, Tân, Nhâm, Quý; có mười hai địa chi là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Cũng như biểu thị năm, Can Chi ghi ngày cũng là Thiên Can đặt ở trước (bắt đầu từ giáp), Địa Chi ở phần sau, bắt đầu từ Tý, phối hợp lẫn nhau. Lần lượt như Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần v.v. Dùng Can chi ghi ngày bắt đầu là Giáp Tý, bởi vì Thiên Can so với Địa Chi ít hơn hai cái, vì vậy sự kết hợp như thế cuối cùng sẽ kết thúc ở Quý Hợi, cũng chính là ngôi cuối cùng của Địa Chi kết hợp với ngôi cuối cùng của Thiên Can, kết hợp hết sẽ trải qua 60 ngày, vì vậy cứ 60 ngày là một chu kỳ Giáp Tý. Ngày Mậu thứ năm sau Lập Xuân tức là bắt đầu từ ngày Lập Xuân, ngày thứ năm lấy Thiên Can là Mậu phối hợp với Địa Chi nào đó để ghi ngày. Sau ngày Lập Thu cũng tính như vậy.

2. Về ngày cúng Thần Đất (Xã nhật)

“Xã” là Thần Thổ Địa. Người xưa gọi Trời là Hoàng Thiên, Đất là Hậu Thổ, nên có cách gọi là Hoàng Thiên Hậu Thổ, gọi Hoàng Thiên Hậu Thổ là vì cùng nhau sinh ra và nuôi dưỡng sinh mệnh và vạn vật, do đó mọi người sùng kính Thiên Địa, cho rằng, đất đai là có Thần cai quản, như Mẹ Trái Đất, do đó vào thời Tiên Tần đã có hoạt động cúng bái Thần Thổ Địa. Cho nên ngày cúng Thần Thổ địa được gọi là “Xã nhật”. Thời đó ngày cúng Thần Thổ Địa không cố định.

Vào thời Đường Tống, Xã nhật được cố định lại, hai lần một năm. Đó cũng chính là ngày Mậu thứ 5 sau ngày Lập Xuân hoặc Lập Thu gọi là Xuân Xã hoặc Thu Xã mà trong bài nói đến. Ngày Xuân Xã đúng dịp vạn vật sinh sôi phát triển, phù hợp với mùa cày bừa trồng trọt, chủ yếu là cầu ngũ cốc, cầu Thần Đất ban phúc và ngũ cốc bội thu. Vì vậy ngày cúng Thần Đất Xuân Xã mục đích là để cầu xin sự phù hộ của Thần. Ngày Thu Xã là mùa thu hoạch, mục đích là để báo đáp Thần, sau khi thu hoạch mùa màng bội thu thì báo tin mừng với Thần Đất, mục đích là để đáp tạ Thần Đất, bày tỏ lòng cảm tạ đối với Thần Thổ Địa.

Vào ngày cúng Thần Đất này, mọi người tập trung trong các đền thờ Xã Thần và dâng rất nhiều thức ăn để cúng, đại khái như có rượu Xã, thịt Xã, cơm Xã, mỳ Xã, bánh Xã, cháo Xã, v.v., các nơi khác nhau đều có đặc điểm riêng, cúng xong chia thức ăn cho mọi người cùng hưởng.

Rượu Xã là rượu dùng để cúng Thần Đất, theo truyền thuyết uống rượu Xã có thể chữa được bệnh điếc nên mọi người uống cho say xỉn mới về.

Thịt Xã là loại thịt dùng để cúng Thần Đất, cúng Thần xong, thịt được chia cho các hộ gia đình tham gia tế lễ. Mọi người nghĩ rằng được chia thịt Xã là nhận được sự ban ân của Thần. Chính vì vậy trong bài thơ “Xã nhục” của Lục Du có câu: “Tuý quy hoài dư nhục, triêm di biến chư tôn”. Nghĩa là ông đem thịt dư về nhà chia cho con cháu, để cả nhà già trẻ đều có thể nhận được ân huệ của Thần.

Cơm Xã là cơm dùng để cúng Thần Đất. Làm cơm trước, sau đó lấy thịt lợn, thịt cừu, cật, phổi, dạ dày, bánh xèo, dưa chuột, gừng v.v., thái thành từng lát mỏng, trộn ngũ vị hương rồi rải lên trên cơm. Đựng trong hồ lô (quả bầu) rồi tặng cho nhau.

Thông qua các hoạt động cúng Thần Đất, mọi người khi thưởng thức những món ăn phong phú sẽ không bao giờ quên được ân đức của Thần Đất. Đời đời sẽ có tấm lòng cảm ân, tuyệt đối không bao giờ tự cao tự đại, phá hoại trật tự của thiên nhiên.

Về Thất Tịch, các bạn có thể tham khảo thêm câu chuyện sau đây.

Kể chuyện

Truyền thuyết về Thất tịch

Ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm là Thất Tịch, còn có tên là Khất Xảo tiết, Thất Xảo tiết hoặc Thất Thư Đản, là một trong những ngày tết truyền thống của Trung Quốc. Ngày tết này có quan hệ vô cùng mật thiết với truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ .

Ngưu Lang Chức Nữ đã xuất hiện từ rất sớm trong “Kinh Thi – Tiểu Nhã”: “Hoặc dĩ kỳ tửu, bất nhận kỳ tương, sao sao bội tùy, bất nhận kỳ trường. Duy thiên hữu hán, giám diệc hữu quang; giao bỉ Chức Nữ, chung nhật thất tương, tuy tắc thất tương, bất thành phục chương; nghễ bỉ Khiên Ngưu, bất nhận phục tương. Đông hữu Khải Minh, Tây hữu Trường Canh, hữu cứu thiên tất, tái thi chi hành”. (Dịch nghĩa: Người nước chư hầu phía Đông (1) lấy rượu mà cho, Thì người kinh kỳ phía Tây chê không cho đó là vật để uống. Người phía Đông xâu ngọc toại dài ba thước mà cho, Thì người phía Tây chê không cho đó là dài. Chỉ trời có sông Ngân, tỏa sáng lấp lánh như tấm gương sáng. Chòm sao Chức Nữ ba góc, Suốt ngày đêm chuyển dịch bận rộn. Sao Chức Nữ tuy trải qua bảy lần chuyển dịch, cũng không dệt thành bức gấm nào. Còn sao Khiên Ngưu (Ngưu Lang chăn trâu) lấp lánh kia, cũng không dắt đến con trâu nào để thắng vào xe, Phía đông thì có sao Khải Minh, phía tây thì có sao Trường Canh, hay là sao Thiên Tất uốn cong, xếp thành hàng quanh co bên giải Ngân hà). Ngưu Lang Chức Nữ thời đó là chỉ các chòm sao trên trời.

Vào thời Tây Hán, Ngưu Lang Chức Nữ được miêu tả là hai vị Thần Tiên, trong bài Tây Đô phú của Ban Cố từng có đoạn miêu tả: “Lâm hồ côn minh chi trì, tả khiên ngưu nhi hữu chức nữ, tự vân hán chi vô nhai”. (Dịch nghĩa: Đến hồ Côn Minh, thấy Khiên Ngưu bên trái, Chức Nữ bên phải, sông Ngân Hà dường như vô bờ). Mãi đến về sau có “cổ thi thập cửu thủ” (19 bài thơ cổ) của thời Đông Hán, giữa Ngưu Lang và Chức Nữ mới có thêm câu chuyện tình ái. Thời Nam và Bắc triều, trong “Thuật Dị Ký” của Nhậm Phảng mô tả: “Đại hà chi Đông, hữu mỹ nữ lệ nhân, nãi thiên đế chi tử, cơ trữ nữ công, niên niên lao dịch, chức thành vân vụ quyên kiêm chi y, tân khổ thù vô hoan duyệt, dung mạo bất hạ chỉnh lý, thiên đế liên kỳ độc xử, gia dữ hà Tây khiên ngưu vi thê, tự thử tức phế chức nhâm chi công, tham hoan bất quy. Đế nộ, trách quy hà Đông, nhất niên nhất độ tương hội”. (Dịch nghĩa: Phía Đông con sông lớn có một mỹ nhân, là con của Thiên Đế, làm công việc dệt vải, làm lụng vất vả năm này qua năm khác, dệt nên những bộ y phục lụa như mây, vất vả khổ cực không có niềm vui, không có thời gian rỗi chỉnh trang dung nhan. Thiên Đế thương xót cô đơn độc một mình, bèn gả cho anh chàng chăn trâu bên bờ Tây con sông. Từ đó cô bỏ bê công việc dệt vải, vui vẻ lưu luyến không trở về. Thiên Đế nổi giận, phạt đưa về bờ Đông con sông, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần). Có thể thấy câu chuyện truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ đã thành hình.

Tương truyền từ thời xa xưa Thiên Thượng và nhân gian chỉ cách biệt một con sông Ngân Hà rất nông, Chức Nữ là Tiên nữ xinh đẹp trên trời, cô có đôi tay tinh xảo, có thể dệt những bộ quần áo thiên biến vạn hoá. Ở nhân gian có một chàng trai tốt bụng tên là Ngưu Lang. Vì cha mẹ mất sớm, nên anh sống với anh trai và chị dâu. Người chị dâu đối xử rất hà khắc với anh, thậm chí còn xúi giục hai anh em ra ở riêng, tự mình chiếm hết gia sản, chỉ chia cho Ngưu Lang một con trâu già. Con trâu già này hóa ra là Kim Ngưu Tinh trên bầu trời, vì phạm thiên luật nên bị giáng hạ xuống phàm trần làm trâu. Ngưu Lang tốt bụng siêng năng, chăm chỉ chăm sóc con trâu già rất tốt nên trâu quyết định giúp anh. Dưới sự chỉ dẫn của trâu, Ngưu Lang đã gặp được Chức Nữ và lấy cô làm vợ. Sau khi hai người kết hôn, họ hạ sinh một cặp con cái, lại tiếp tục cuộc sống nam thì đi cày, nữ thì dệt vải. Chẳng bao lâu, con trâu già trung thành chết, trước khi chết, trâu dặn Ngưu Lang rằng sau khi nó chết, hãy lột lấy da, phòng khi gặp khó khăn thì sử dụng.

Thiên Đế rất tức giận khi biết Chức Nữ tự tiện hạ phàm kết hôn với Ngưu Lang, liền phái Vương Mẫu Nương Nương hạ phàm dẫn Chức Nữ về thiên giới. Trong lúc cấp bách, Ngưu Lang dùng sọt gánh hai con, phủ tấm da trâu lên rồi vội vàng đuổi theo Vương Mẫu Nương Nương và Chức Nữ. Thấy Ngưu Lang sắp đuổi kịp, lúc này Vương Mẫu Nương Nương dùng chiếc trâm cài tóc trên đầu vẽ ra một con sông Ngân Hà sóng lớn dâng trào, từ đó hai người cách nhau ở hai bên dải Ngân Hà. Ngưu Lang và hai con đứng bên sông khóc, tiếng khóc đã làm kinh động đến Thiên Đế, nên Ngài cho phép họ cứ tới ngày mùng 7 tháng 7 hàng năm được gặp nhau một lần.

Tương tuyền, hàng năm đến ngày Thất Tịch, có vô số con chim Hỉ Thước bay lên trời, bắc thành cây cầu Ô Thước để gia đình Ngưu Lang Chức Nữ qua sông gặp nhau.

Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “ Ấu Học Quỳnh Lâm” của zhengjian.org


(1) Vào thời Tây Chu lấy Cảo Kinh (Kinh Đô nhà Chu ở Tây nam Tây An Thiểm Tây TQ) làm trung tâm, tất cả các nước chư hầu ở phía Đông gọi chung là Đông quốc, chia theo khoảng cách gần xa, gần là Tiểu Đông, xa là Đại Đông (chú thích của người dịch).

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/247819