Vì sao mù mắt lại may mắn?

Tác giả: Vũ Văn Long chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Sách Liệt tử – Thuyết phù đệ bát [1] có ghi lại một câu chuyện như sau: Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc ở nước Tống có một người sống rất nhân nghĩa, cả ba đời nhà ông đều kiên trì làm nhiều việc nhân nghĩa. Một lần nọ, con trâu đen trong nhà bỗng đẻ ra một con nghé trắng, cảm thấy rất lạ ông bèn đi hỏi Khổng Tử, Khổng Tử nói đó là điềm lành.

Chưa đến một năm, đôi mắt của ông bỗng bị mù mà không rõ nguyên do. Cùng lúc đó, con trâu đen lại sinh thêm một con nghé trắng, ông bèn sai con đến hỏi Khổng Tử rốt cục là chuyện gì. Con ông đáp: “Lần trước cha đã đi hỏi, sau đó thì bị mù mắt, cha còn hỏi để làm gì nữa?” Ông cười bảo con: “Lời của thánh nhân trước sai sau đúng. Chuyện này vẫn chưa xong xuôi, ta nên hỏi thêm lần nữa”. Người con chỉ còn cách đi hỏi Khổng Tử, đáp án vẫn là “điềm lành”. Khổng Tử còn dặn anh nhớ phải tế trời. Người con trở về nhà thuật lại, cha anh nói: “Hãy theo lời của Khổng Tử mà làm”. Qua một năm nữa thì người con trai cũng vô duyên vô cớ bị mù mắt.

Không lâu sau nước Sở tiến đánh nước Tống, bao vây thành, người dân trong thành bị mất hết lương thực, phải đổi con cho nhau mà ăn thịt, còn đào cả xác chết lên để nấu mà ăn (Đây là cuộc chiến rất khốc liệt xảy ra vào năm 595 TCN. Nước Sở vây khốn thành Thương Khâu – kinh đô của nước Tống trong chín tháng, khiến người dân trong thành phải đổi con cho nhau mà ăn thịt, cuộc sống vô cùng bi thảm). Tất cả đàn ông đều phải sung quân đi đánh trận, trong chiến tranh số người chết quá nửa. Hai cha con người đàn ông nhân nghĩa kia vì bị mù nên được miễn ra trận.

Sau khi chiến tranh kết thúc, đôi mắt của hai cha con họ đã được chữa sáng lại.

[1] Sách Liệt Tử còn được tôn xưng là Xung Hư Chân Kinh, tương truyền do một người thuộc phái đạo gia là Liệt Ngự Khấu (430-349 TCN) viết.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/26484