Trần duyên nhã tư: Học cách buông bỏ

Tác giả: Tiểu Liên

[ChanhKien.org]

Rất nhiều việc trên thế gian này có thể hội tụ được với nhau đều là nhờ một chữ “duyên”, duyên hết thì tan rã. Không có việc gì tồn tại mãi (vô thường), nhưng con người lại ở trong cái vô thường ấy mà vui buồn.

Kỳ thực nếu chúng ta suy ngẫm thật kỹ thì sẽ thấy hà tất phải như vậy!

Khi chúng ta lạc vào cõi hồng trần bao la này, trong những kiếp luân hồi vô tình, hoặc đã tạo ra nghiệp lực to lớn hoặc đã tích được phúc đức cao như núi, hoặc đã cứu được hằng bao nhiêu sinh mệnh, hoặc đã làm hại rất nhiều người v.v… Chúng ta đã từng trải qua bao đời như thế, nên đời này mới vừa có sướng lại vừa có khổ!

Thế nên tôi xin khuyên mọi người, khi gặp phải bất kể tình huống gì chúng ta đều cần học cách buông bỏ, buông bỏ chấp trước, thứ mà chúng ta cần buông bỏ chính là nghiệp lực, là cái tự ngã được hình thành hậu thiên! Khi buông bỏ được thì tâm sẽ nhẹ nhõm, tâm sẽ thanh tịnh, mà càng thanh tịnh thì tâm càng trong sáng. Tâm ngoại vô vật [1], tĩnh lặng như tử thủy vậy, không biến không động! Ngược lại nếu như vì những điều của thế tục mà tranh mà đấu, thì ngay cả khi có được điều ta muốn rồi, tâm cũng sẽ rất phiền lụy! Biết đâu một ngày nào đó ta lại đột nhiên đổ bệnh, có đáng vậy không?

“Có thể buông bỏ” là một loại cảnh giới siêu nhiên; là trạng thái của người không vì những việc của hồng trần mà xao động, và là điều trân quý lớn nhất trong hết thảy những thứ thực sự thuộc về chúng ta!

Khi buông bỏ được mọi thứ rồi thì mới thực sự có được hết thảy những thứ thuộc về mình! Vạn sự tuỳ duyên! Tâm ngoại vô vật! Đóa hoa mỹ lệ trong tâm chúng ta đang bừng nở giữa khung vũ bao la này!

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/60407

Chú thích:

[1] Tâm ngoại vô vật: Là một câu của Vương Dương Minh, ý là tâm và vật là cùng một thể, vật không thể rời tâm mà tồn tại, tâm cũng không thể rời vật mà tồn tại.