Hữu đức tự nhiên hương: Nữ đức – dạy con

Tác giả: Lan Nhược

[ChanhKien.org]

Hai chương trước chúng ta đã cùng nhau chia sẻ về hai đức hạnh của người phụ nữ (nữ đức) là “tu thân” và “tương trợ chồng”, hôm nay chúng ta cùng điểm lại trong các sách cổ về yêu cầu đối với một người mẹ tốt cũng như khuôn thước dạy dỗ con cái, xem xem người xưa làm thế nào giữ vững phép tắc giáo dục phụ nữ, lưu lại những câu chuyện về đức hạnh của người mẹ để lại tiếng thơm muôn đời.

Thái cô (tôn xưng của phụ nữ cổ đại) nói: “Con người được giáo dục theo ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), sinh ra đã có thói quen, tính cách, chịu ảnh hưởng của thiện thì thiện, chịu ảnh hưởng của ác thì ác. Dù là thai nhi trong bụng mẹ, lẽ nào không dạy bảo sao! Phụ nữ ngày xưa khi mang thai không nằm nghiêng, không ngồi lệch, không đứng vẹo vọ; không ăn những thứ có vị khác thường, không làm điều sai trái, thịt giết mổ bằng phương thức không nhân đạo không ăn, chiếu trải không thẳng không ngồi, mắt không nhìn những điều không tốt, tai không nghe những lời bại hoại, miệng không nói lời ngạo mạn, tay không cầm hung khí, tối muộn đọc kinh thư, sáng sớm luận lễ nhạc. Như vậy đứa trẻ sinh ra sẽ có tướng mạo đoan chính, tài đức hơn người, đây là kết quả của thai giáo”.

Từ đó có thể thấy, người xưa coi trọng và đặt yêu cầu đối với thai giáo thậm chí còn cao hơn người hiện đại. Người hiện đại đối với thai giáo chỉ tập trung vào phát triển trí tuệ mà xem nhẹ việc giáo dục đạo đức cho con cái ngay khi còn trong bụng mẹ. Thời xưa các thục nữ vốn đã được giáo dục nữ đức rất nghiêm khắc, khi mang thai thì yêu cầu lại càng khắt khe hơn. Để con cái sinh ra được đoan chính và tài đức, người mẹ thậm chí không được nằm nghiêng, đứng ngồi, ăn uống, nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hành đều không dám có chút sơ xuất, đoan trang đứng đắn, lúc nào cũng giữ cho bản thân thuần khiết, đồng thời còn bầu bạn với kinh thư, học tập lễ nhạc. Trước khi đứa trẻ ra đời người mẹ đã liên tục tạo dựng cho chúng một hoàn cảnh tinh thần và điều kiện vật chất thuần chính. Những yêu cầu thai giáo như vậy thì người hiện đại còn lâu mới theo kịp.

Thậm chí chế độ ăn uống khi mang thai cũng có yêu cầu đặc biệt, nhiều phụ nữ khi mang thai mắc bệnh kén ăn, đột nhiên đặc biệt thích ăn một loại thức ăn nào đó và lầm tưởng rằng thai nhi cần những thứ đó, cho nên họ không kiêng kỵ trong ăn uống. Theo y học cổ đại Trung Quốc, nếu muốn sinh ra một thai nhi có tướng mạo đoan chính, có trí huệ thì nhất định phải giới cấm một số loại thức ăn, chẳng hạn thích ăn thịt gia súc thì trẻ dễ bướng bỉnh, tính không nhanh nhạy. Thích ăn thịt gia cầm sẽ khiến thai nhi sau này tính cách nóng nảy, kiêu ngạo. Những thức ăn có vị nồng đậm như hành, gừng, tỏi sẽ khiến người phụ nữ sinh ra khí nhơ bẩn và làm trẻ nhỏ bị ngu đần. Còn như nghiện ăn cay sẽ gây mụn nhọt cho trẻ sơ sinh, nghiện ăn chua thì trẻ sơ sinh xương cốt yếu nhược, nghiện ăn ngọt thì trẻ sơ sinh dễ bị tăng động, v.v.. Mối quan hệ nhân quả trên cũng đã được khoa học hiện đại chứng minh rồi. Ví dụ, Trung tâm nghiên cứu trí tuệ não bộ của trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ đã từng so sánh hành vi của trẻ em bị chấn thương não sau khi ăn thực phẩm có đường và không ăn thực phẩm có đường. Kết quả là nhóm trẻ chập chững được cho ăn dưa hấu nhanh chóng trở nên bất an và nóng nảy, trong khi nhóm không được cho ăn thực phẩm có đường lại rất an tĩnh. Con người hiện đại cũng biết tác hại do ăn quá nhiều đường gây ra, từ đó có thể thấy thai giáo trong văn hóa truyền thống Trung Quốc hàm chứa nội hàm khoa học sâu sắc, so với khoa học thực chứng phương Tây thì phát triển trước hàng nghìn năm.

Thời xưa, những người phụ nữ có đức hạnh khi mang thai đều ăn thức ăn thanh đạm để tốt cho con của họ, họ hoàn toàn không ăn những đồ ăn có mùi vị cực đoan hay ăn để thỏa mãn cảm giác thèm ăn. Theo cách đó, bào thai trong bụng mẹ sẽ luôn lớn lên trong trạng thái nhẹ nhàng, lương thiện, cung kính, giản đơn, bình hòa, điều này cũng tạo nền tảng tốt cho sự chăm sóc dạy bảo sau này. Đạo lí vật chất và tinh thần là nhất tính đã được thể hiện trong thai giáo từ xưa như vậy.

Nếu các bà mẹ trẻ hiện đại biết rằng những thứ mà họ cảm thấy không thể từ bỏ như trà sữa, sa tế, thịt nướng, cà phê, đồ uống lạnh, kem, đậu phụ thối, cá quế thối.. sẽ gây hại cho trí tuệ và ngoại hình đứa con yêu của mình như thế nào, thì họ nhất định sẽ kiềm chế ham muốn của bản thân. Vẫn là câu cảm thán ấy: thật đáng sợ khi văn hóa truyền thống đã bị đánh mất, con người hiện đại không được văn hóa truyền thống giáo dục mới đáng thương làm sao!

Từ đó tôi có thể ngộ rằng, là đệ tử Đại Pháp tôi có lý giải sâu sắc hơn đối với yêu cầu của Sư tôn:

“Thực nhi bất vị Khẩu đoạn chấp trước”

Diễn nghĩa:

“Thực (ăn) mà chẳng [theo] vị — miệng dứt hết chấp trước”

(Hồng Ngâm – Đạo Trung)

Nếu như thân thể sau khi tu thành của chúng ta bao dung trong đó vô số sinh mệnh, vậy thì việc chọn lựa thức ăn và kỷ luật trong ăn uống của chúng ta có giống như thai giáo của người xưa hay không? Việc phóng túng dục vọng, ham mê ăn uống của chúng ta nơi nhân gian có ảnh hưởng trực tiếp đến tướng mạo và phẩm hạnh của những chúng sinh có liên quan đến chúng ta hay không? Đồng thời, trạng thái của họ (những người thân, đồng nghiệp và bạn bè xung quanh chúng ta có thể là chúng sinh trong “cơ thể” (vũ trụ) của chúng ta) ngược lại cũng ảnh hưởng đến chúng ta. Điều này cũng giải thích cho việc tôi luôn quan sát thấy nhưng không thể lý giải tại sao sức khoẻ và ngoại hình của những người xung quanh tôi lại thay đổi theo trạng thái tu luyện của tôi. Khi bản thân tôi diện mạo đoan chính, thân thiện, hoà ái hoặc khi tôi đang trong trạng thái tu luyện tốt, thì những người xung quanh tôi cũng sẽ có tinh thần sung mãn, còn khi trạng thái tu luyện của tôi không tốt, tất cả mọi người xung quanh tôi cũng sẽ trông uể oải, chậm chạp.

Khi những người xung quanh chúng ta tỏ ra bướng bỉnh, nổi loạn, nóng nảy, nhu nhược, có phải một trong những nguyên nhân là do chúng ta phóng túng dục vọng ăn uống hay không? Phóng túng dục vọng ăn uống chính là tham dục, chính là tâm cầu an nhàn, chính là tìm cầu sự kích thích, chán ghét sự bình hòa, càng không thể chịu đựng được sự cô đơn, muốn mượn việc ăn uống để đốt thời gian vô vị hoặc xoa dịu một chút sự khổ đau, thỏa mãn tư tâm. Với tâm tính như vậy, phản ảnh ra vẻ bề ngoài chắc hẳn không có gì tốt đẹp.

Văn hóa truyền thống thực sự chứa đầy bí ẩn, Đại Pháp của Sư tôn đích thực là chí giản chí dị mà lại vô cùng bác đại tinh thâm! Hết thảy mọi điều tốt xấu đều phụ thuộc vào ngộ tính và sự thực tu chúng ta thôi.

Quay lại chủ đề chính, làm thế nào để dạy con thì trong các lời dạy của cổ nhân có nhiều yêu cầu cụ thể, chẳng hạn: chương “Mẫu nghi” trong “Nữ hiếu kinh” có viết: “Người làm mẹ phải hiểu rõ lễ nghĩa. Sống hoà thuận bằng ân nghĩa yêu thương, đồng thời cũng thể hiện sự nghiêm khắc, cương nghị, nhất cử nhất động phải phù hợp lễ nghĩa, ngôn từ phải phù hợp với giáo huấn trong kinh sách. Con trai sáu tuổi phải dạy chữ số và phương hướng, lên bảy tuổi trẻ trai gái không ngồi chung, không ăn chung, lên tám tuổi học chữ, mười tuổi theo học thầy. Đi phải thưa, về phải trình, ra ngoài học tập hay làm việc phải có nơi đến cố định, đi làm thì phải có nghề ổn định. Không được ở nơi của bậc tôn trưởng, không được ngồi giữa chiếu, không được đi giữa đường, không được đứng giữa cửa. Không leo trèo chỗ cao, không tuỳ tiện chỉ trích, không cười nhạo người khác. Không giấu tiền của riêng, đi đứng chính trực, không nghiêng ngó dò la, nam nữ có sự tách biệt, ở xa nhau tránh hiềm nghi, không dùng chung lược và khăn mặt. Con gái bảy tuổi bắt đầu cần được dạy dỗ tứ đức (nữ đức, nữ ngôn, nữ dung, nữ công), đây đều là nghĩa vụ của người mẹ”.

Ở đây mô tả rất cụ thể các yêu cầu khác nhau đối với việc giáo dục bé trai và bé gái. Đối với bé trai, khi lên sáu tuổi bắt đầu học kiến thức số học và phương hướng, lúc bảy tuổi bắt đầu hình thành khái niệm nam nữ khác biệt, không ngồi chung chiếu, không ăn chung mâm, không dùng chung đồ dùng vệ sinh tắm giặt. Con trai tuy không bắt buộc phải ở nhà, nhưng ra ngoài du ngoạn phải cố định nơi đến, thay đổi nơi đến cần phải báo trước với cha mẹ, vị trí ngồi trên chiếu của bề trên thì không được ngồi, giữa đường là dành cho bề trên đi lại không được đi, không được trèo cao, không được đến gần nơi nước sâu, không được cất giấu tiền riêng v.v… Có thể nói bao hàm mọi thứ từ động đến tĩnh, từ học hành làm việc đến chuyện tiền bạc. Mọi thứ đều có quy tắc, có yêu cầu, khiến những suy nghĩ phóng túng, hành vi tùy tiện của phía phụ diện trong nhân tính không có chỗ ẩn giấu, phát triển.

Tóm lại, người xưa dạy con không tách rời “đức” và “từ”. Trong sự ràng buộc của “đức” có nghĩa (lễ nghĩa), có tốn (nhường nhịn), có cần (chuyên cần), có kiệm (tiết kiệm), nam nữ đều như vậy, mọi việc đều dựa trên “đức”. Trẻ em trai phải lấy “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” làm nguyên tắc sống. Còn trẻ em gái phải tu tốt “nữ đức”, có bản lĩnh tương trợ chồng, giáo dục con, hiếu thân hòa thích.

Người xưa coi trọng giáo dục con gái hơn cả giáo dục con trai, việc bồi dưỡng và giáo dục người con gái ảnh hưởng trực tiếp đến bồi dưỡng người vợ, người mẹ của gia đình trong tương lai. Việc giáo dục con gái bằng sự từ ái và nghiêm khắc phải bắt đầu từ khi còn nhỏ. Cần phải “dùng đạo đức, lễ nghĩa mà dạy bảo, bồi dưỡng bé gái đức tính liêm khiết, biết nhường nhịn, bản thân người mẹ là hình mẫu về tính cần kiệm để bé gái noi theo, tấm lòng từ ái nhưng yêu cầu cần nghiêm khắc, để giúp cho bé gái trở thành người đoan chính, bồi dưỡng nên phẩm đức tốt đẹp” (Nội huấn).

Cổ nhân không chỉ nói rõ những gì nên làm, mà còn chỉ ra nhiều điều bé gái “không được làm”, trong “Nữ luận ngữ” có viết:

“Mạc túng kiều si, khủng tha đề nộ.

Mạc tòng khiêu lương, khủng tha khinh vũ.

Mạc túng ca từ, khủng tha dâm ô.

Mạc túng du hành, khủng tha ác sự.

Kham tiếu kim nhân, bất năng vi chủ.

Nam bất tri thư, thính kỳ lộng xỉ.

Đấu nháo tham bôi, âu ca tập vũ.

Quan phủ bất ưu, gia hương bất cố.

Nữ bất tri lễ, cường lương ngôn ngữ.

Bất thức tôn ti, bất năng châm chỉ.

Nhục cập tôn thân, hữu điểm phụ mẫu.

Như thử chi nhân, dưỡng trư dưỡng thử”.

Tạm dịch [1]:

Chớ nuông chiều con thơ, sợ con khóc giận.

Chớ nuông con ngang ngược, sợ con kinh nhờn.

Chớ nuông con ca hát, sợ con dâm ô.

Chớ nuông con rong chơi, sợ sinh ác sự.

Cười người ngày nay, không biết coi trọng.

Nam không đọc sách, nghe điều nông cạn.

Đánh lộn uống rượu, ca hát nhảy múa.

Phủ quan không lo, quê nhà không nhớ.

Nữ không biết lễ, ăn nói ngang ngược.

Không biết tôn ty, không rành kim chỉ.

Ô nhục cha mẹ, tiếng xấu lan truyền.

Người mà như thế, nuôi lợn nuôi chuột.

Theo cách nói thông thường, nếu con gái không có đức hạnh thì đó là lỗi của người mẹ đã quá thương yêu dung túng. Vì vậy, không thể nuông chiều sự nũng nịu ngây thơ của con, vì sợ rằng sau này con sẽ dưỡng thành tính cách hay khóc lóc và giận dữ vô cớ. Đừng để con gái dưỡng thành thói quen cãi vã đánh nhau, để tránh sau này bất kính với cha mẹ chồng và khinh nhục chồng. Không thể buông lung việc con gái thích nghe ca hát, kẻo con sinh lòng dâm dục. Không thể cho con gái du lịch tứ phương, để tránh con làm các việc tà ác. Những điều “không nên” này thực sự đáng để những người làm mẹ chúng ta tham khảo. Sự ngạo mạn thái quá của con cái chúng ta chẳng phải ít nhiều đều đến từ việc chúng ta cho phép chúng làm những điều trên hay sao? Con hư tại mẹ là như vậy!

Trong “Nữ phạm tiệp lục” có viết: “Cha trời mẹ đất, trời ban cho đất sinh thành. Khí phách giống cha, tính khí giống mẹ. Nữ nhân hiền minh thời xưa mang thai, phương diện thai giáo tất cẩn trọng. Vậy nên việc giáo dục làm mẹ phải ưu tiên hơn giáo dục làm cha, sự giáo dục của người mẹ cần nghiêm túc hơn quy tắc pháp luật”. Đó là tổng kết hay nhất của người xưa về giáo dục con cái, đặc biệt là con gái.

Hãy đọc kỹ những lời dạy cổ trên đây, thêm vào suy nghĩ như một người tu luyện, chúng ta sẽ thực sự đắc được những điều bất ngờ, đối chiếu với sự tu luyện của bản thân tất có lợi ích.

[1] Tham khảo Bản dịch Nữ luận ngữ tiếng Anh: http://bit.ly/3mbklGm

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/279231