Luân hồi ký sự : Chu Tử tầm chân (2)

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Nhìn thấy người ăn mày, sư phụ của cô bé bước đến hỏi thăm mười mấy năm qua sinh sống ra sao. Người ăn mày cũng kể về những gì bản thân đã trải qua, sau cùng nói: “Ta chẳng phải đã nói phải tác hợp cho mối nhân duyên của cô bé và cậu ấy hay sao!”. Cô bé nghe thấy thế thì trong lòng không được vui, vẻ mặt trầm hẳn xuống. Thấy vậy người ăn mày liền nói: “Vậy hai đứa tự nói chuyện với nhau đi”, rồi bảo sư phụ của cô bé cùng đi ra ngoài.

Trong động giờ chỉ còn lại cô bé và người nam tử xấu xí. Bao năm nay cô bé đã gặp rất nhiều thần tiên, cũng đã gặp rất nhiều người nên trong lòng cảm thấy có chút tự phụ. Do đó cô mới nói với người nam tử rằng: “Ngươi có đọc sách không? Ngươi từng gặp ‘Hải Thần’ chưa?”. Người kia trả lời rằng: “Sách, ta đã đọc mười lăm năm rồi, sách mà ta đã đọc (thẻ tre) đủ để chất cao bằng hai thân người; ta đã đi qua mấy cung điện của Hải Thần ở Nam Hải, cũng ở lại cung điện của họ vài ngày.” Cô bé nghe thấy thế cảm thấy đối phương đang khoác lác liền nói rằng: “Đọc sách bao nhiêu thì ta không kiểm tra ngươi nữa, nhưng mấy vị Hải Thần ấy thấy bộ dạng ngươi thế này sớm đã bỏ chạy rồi, làm sao có thể dung chứa ngươi nghỉ lại mấy hôm được chứ?” Lời này có chút khó nghe. Người nam tử bình thản đáp: “Trước mặt chư Thần không mang nhân tâm thì ta rất tuấn tú đấy, còn trước mặt kẻ còn mang nhân tâm thì ta quả là rất xấu xí.” Lời nói cũng rất sắc bén, dù trong lòng cô bé có phần rung động, nhưng vẫn còn bán tín bán nghi.

Nam tử xấu xí thấy cô bé chưa hoàn toàn tin tưởng, liền dẫn cô ra cửa động, đến bên bờ biển, anh bèn niệm chú ngữ, không lâu sau, một tòa cung điện đẹp đẽ từ trong biển hiển hiện ra trước mặt. Người nam tử lúc ấy mới nói: “Chúng ta qua đó xem.” Chưa đợi cô bé kịp phản ứng gì, thì bọn họ đã cùng ở trong cung điện rồi, nhưng nhìn cung điện này không thể dùng vẻ đẹp và sự tráng lệ của nhân gian mà có thể hình dung ra được. Dùng “Tiên vận thập túc” (mang theo tiên vận mười phần đầy đủ), “ Linh lung vạn thiên” (vô cùng lộng lẫy, thần tiên) mà hình dung thì cũng có thể nói ra chút ý tứ đó.

Đối với mỗi thứ ở bên trong đó, người ta ắt phải đạt đến trạng thái không có bất kì nhân tâm nào thì mới có thể chạm đến, mới có thể dùng được, mới có thể cảm thụ được chỗ huyền diệu đặc biệt của nó.

Sau khi cô bé và vị nam tử hành lễ với Hải Thần xong, cô bé liền thuật lại toàn bộ một lượt chuyện nhìn thấy các Hải Thần ở vịnh Giao Châu triển hiện thần tích khi trước và những lời mà người thanh niên tuấn tú cầm quạt lông vũ đã nói. Vị Hải Thần ấy liền nói: “Sau đó ta cũng có nghe bọn họ kể về chuyện đó. Cũng chính vì chuyện này, mà ta cũng muốn gặp ngươi và sư phụ của ngươi.” Lúc này sư phụ của cô bé cùng người ăn mày cũng đến giữa đại điện rồi, mọi người cùng nói chuyện rất vui vẻ. Không biết tự lúc nào, nhân tâm của cô bé dần dần biến mất. Khi nhìn lại nam tử xấu xí khi nãy, thì mới phát hiện ra lúc này anh đã biến thành một người vô cùng điển trai. (Thực ra “nam tử xấu xí” vốn dĩ không xấu, chỉ là biến thành hình dạng “xấu xí” để dò thử và điểm hóa cô bé mà thôi.)

Sau khi rời khỏi cung điện của Hải Thần, mọi người cùng trở về đất liền, sư phụ của cô bé và người ăn mày ở bên cạnh họ một thời gian nữa, sau đó căn dặn nam tử xấu xí rằng: cho dù bất kể chuyện gì xảy đến, cũng không được để cô bé mất đi tín tâm tìm Pháp.

Sau đó vợ chồng hai người họ trở về Lang Nha Đài thăm cha mẹ, cha mẹ của cô bé vui mừng khôn tả, cô bé cũng khởi lên rất nhiều nhân tâm. Kết quả là mười ngày sau, toàn thân cô bé đau nhức, không cách nào khống chế được, gia đình đã tìm đến rất nhiều lang trung nhưng cũng không tìm ra căn nguyên của bệnh. Cha của cô bé sốt sắng gọi người đi tìm người ăn mày đó nhưng người ăn mày không hề xuất hiện!

Lúc cô bé đau quá không chịu được, liền bảo cha cõng mình đến bên cạnh miệng giếng lúc nhỏ đã từng dạo chơi. (Thực ra cô bé là muốn tìm đến cái chết) Cha cô không hề hay biết nên đã cõng cô bé đi, nhân lúc cha không để ý, cô bé liền lao mình vào trong giếng. Cha cô vươn tay ra chụp nhưng không giữ được, chỉ có thể gọi người tìm sợi dây thừng để cứu cô bé lên. Nhưng cô bé ở bên trong giếng lại không có động tĩnh gì. Cha cô hối hận vô cùng, liền gieo mình xuống giếng. Vì ở đây rất tối, ông mất nửa ngày mới định thần lại được, thì ra ở đây là lớp bùn lắng sâu chưa đến cổ, sờ một cái thì cô bé cũng ở đây, do đó ông để người ta đưa cô bé lên trước rồi leo theo sau ra khỏi miệng giếng.

Ba ngày sau, cô bé tỉnh lại, cơn đau bệnh hoàn toàn biến mất. Những ngày tháng sau này có thể xem như rất mỹ mãn, họ thường cùng nhau ra ngoại dạo chơi, nhưng sau lần này, cô bé không còn động lòng với những chuyện hồng trần nữa.

Trong những lần chuyển sinh sau này của cô bé, cũng trải qua rất nhiều ma nạn, bị hạ độc chết, bị tra tấn hành hình, bị lưu đày, nhưng bất luận thế nào thì dưới sự trông coi bảo hộ của chư Thần cô chưa từng quên đi việc tìm kiếm Đại Pháp của vũ trụ sẽ hồng truyền vào thời kỳ mạt kiếp. Cuối thời Tam Quốc, khi Gia Cát Vũ Hầu khăn the quạt lông vũ phong thái tuyệt thế, cô và các Hải Thần năm đó cũng khoác lên những “trang phục” khác nhau, diễn nên vở kịch trung nghĩa đặc sắc.

Ngày nay cô bé đắc Pháp tại Sơn Đông, cô làm công việc giảng dạy, trong số học sinh của cô đương nhiên là có cả Sơn Thần năm đó nữa.

Vào thời Đông Hán (ở đây không bao gồm thời Tam Quốc), là thời kỳ Phật Pháp bắt đầu truyền vào Trung thổ, sự dung hợp giữa dân tộc Trung Nguyên với dân tộc Hung nô Phương Bắc và vùng Tây Vực càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, cùng với việc phát minh ra kỹ thuật làm giấy đã khiến việc truyền bá văn hóa càng thêm thuận tiện.

Câu chuyện sau kể ra là từ những năm đầu của Đông Hán.

Cô là hậu thế (con cháu) của một vị tướng quân khai quốc, mặc dù hoàn cảnh gia đình rất tốt, từ nhỏ cô đã lớn lên trong gấm lụa ngọc ngà, nhưng cô không thích những điều này, cô chỉ thích thanh tịnh, một mình lặng lẽ đọc sách, thưởng nguyệt; nhưng vì là con cháu của võ tướng nên cô cũng biết cưỡi ngựa, võ nghệ cũng rất giỏi. Khi lớn lên, gia đình gả cô cho con cháu của một vị võ tướng khác trong triều. Trước ngày thành thân, cô đã bỏ trốn, người nhà không biết làm sao đành nói cô lâm bệnh trọng mà qua đời, dấu diếm cho qua chuyện.

Sau khi bỏ trốn khỏi nhà, cô tiến thẳng đến biên giới Hung nô, tuy là phận nữ nhi, nhưng từ nhỏ đã nghe người lớn kể về vùng đất Hung nô có rất nhiều chuyện thần kỳ. Cô hết sức hiếu kì, dù rằng lúc đó đường đi đến Hung nô rất khó khăn nguy hiểm, nhưng cô vẫn cứ đi.

Khi đến được biên giới, cô tiến vào trong vùng đất Hung nô một cách thuận lợi, sau đó cô cải trang thành một người bản địa, đi dò hỏi khắp nơi về những chốn thần kỳ đó. Khắp các vùng núi cao và thảo nguyên rộng lớn đều lưu lại dấu chân cô. Trong khi cô cưỡi ngựa đến núi Khangai, không hiểu sao ngựa cứ đi thẳng vào trong núi sâu, rồi lạc đường.

Lúc này cô chợt nghĩ đến cả quãng đường phong trần của mình, là muốn đời này kỳ ngộ điều chi, thậm chí có thể tìm được Pháp mà có thể chấm dứt việc sinh tử. Kết quả đi xa như thế mà vẫn không gặp được gì, còn gây nên bao tội lỗi như vậy, nghĩ đến đây trong lòng cô chợt thấy bi ai, cô bất giác bật khóc thành tiếng.

Trong lúc ấy chợt nghe thấy từ xa có một âm thanh rất rắn rỏi nói vọng lại: “Là ai đang khóc ngoài đó, làm gián đoạn giấc mộng của ta?”. Cô giật mình gạt nước mắt rồi nhìn ngó xung quanh. Một lúc sau cô phát hiện ra một ông lão có bộ dạng nhếch nhác từ sau núi bước đến, vừa đi vừa vươn vai, miệng không ngừng lầm bầm: “Giấc mộng đẹp thế lại bị làm hỏng mất rồi…”

Lúc ấy thấy có người xuất hiện cô quên cả đói khát, bước đến trước cụ già nghênh đón, cung kính hành lễ: “Xin hỏi ông có biết nơi nào có chuyện thần tiên hay là Pháp mà có thể chấm dứt việc sinh tử không?” “Cái này, ta cũng không rõ lắm, ta chỉ biết có người chỉ cần một ngày là có thể đi từ đây đến Lạc Dương.” “Người đó giờ ở đâu? Con muốn đến thăm hỏi người đó.” “Nghe nói đã đến vùng núi Altai rồi.” Cô vội nhảy lên ngựa toan đi tìm. Ông lão nói: “Ngươi chớ vội đi tìm, ngươi nên nán lại ở đây mấy hôm, qua mấy hôm nữa, mấy người bạn của ta sẽ tới tụ họp, có lẽ đến lúc đó họ cũng có thể giải đáp giúp ngươi vài điều.”

Cô nghĩ vậy cũng đúng nên đã đi theo ông lão vào trong động núi ở phía sau và lưu lại nơi này. Khi đến nơi mới phát hiện ra, thì ra ông lão cũng có ba cô con gái, đều trạc tuổi cô. Vậy nên bọn họ trò chuyện cùng nhau rất hòa hợp.

Qua chừng mười hôm, mấy người bạn của ông lão đến thăm, họ có người là hiệp khách vân du bốn bể, có người là Sơn Thần ở Dương Sơn, cũng có người là thương nhân ở Trung Á, cô trông bọn họ cảm thấy họ vốn không phải là người cùng một thể hệ, làm sao có thể ngồi cùng nhau được? Đang lúc hồ nghi, thì thấy vị hiệp khách chắp tay cung thủ (một tay nắm lại một tay bao lấy tay kia đặt trước ngực) nói: “Mấy người huynh đệ chúng tôi năm ấy phụng mệnh sư phụ xuống núi, mỗi người tự tìm con đường đi riêng, sau 50 năm thì lại tụ họp, xem coi chúng tôi đều tìm được Pháp mà có thể chấm dứt được sinh tử hay không?” Ông lão nói: “Ta từ sau khi xuống núi, vẫn luôn tìm kiếm, nhưng đều không tìm được, cho nên ẩn cư tại nơi đây, còn lập gia đình, có được ba cô con gái.” Vị Sơn Thần lên tiếng: “ Từ sau khi xuống núi, ta vân du đến Dương Sơn, nhìn thấy Sơn Thần ở đó bị yêu tinh bất hảo mê hoặc, làm ra bao việc xấu, ta liền đem chuyện của ông ta báo lên Thiên Đế, kết quả Thiên Đế để ta làm Sơn Thần ở đó, còn căn dặn quản lý cho tốt Dương Sơn, tương lai lúc kết thúc đại chiến lịch sử ắt có chỗ cần dùng.” “Câu cuối ta nghe không hiểu gì, có vẻ trong lời của Thiên Đế có ẩn ý.” Sơn Thần Dương Sơn nói thêm.

Vị thương nhân Trung Á nói rằng: “Ta từ khi xuống núi đi đã nhiều năm như vậy, cũng tiếp xúc với bao người có chút bản sự, hỏi họ có biết phương pháp có thể giải thoát sinh tử hay không? Kết quả bọn họ đều nói, tương lai có lẽ tại nhân gian sẽ có một loại phương pháp truyền xuất ra, nhưng cụ thể chuyện ra sao bọn họ cũng không rõ lắm.”

Vị hiệp khách vân du bốn bể nói rằng: “Ta đi qua núi Côn Lôn, trên núi Côn Lôn ta nghe một vị tu Đạo đã ngàn năm nói rằng, ở nhân gian, tương lai sẽ có đại biến hóa, khi mà loại xe bằng sắt chạy khắp nơi, có lẽ cũng chính là lúc mà Đại Pháp chân chính giải thoát sinh tử được truyền xuất ra. Núi Côn Lôn đến lúc đó cũng sẽ có đại biến hóa đó. Rất ít người đến đây có cái tâm cầu đắc Chân Đạo, đến chỉ để thăm thú, đi xe bằng sắt cũng sẽ rất đông.” Cô nghe vậy cảm thấy đời này dường như không cách nào gặp được Pháp, nhưng cũng lại nghĩ mặc kệ thế nào, tương lai vẫn có cơ hội gặp được.

Đúng vào lúc này, ông lão nói với mấy người khác rằng: “Mấy hôm trước ta nằm mộng, mộng thấy ta biến thành một đứa trẻ, được mẹ ôm trong lòng, cùng đi tham gia một lớp học, cảm giác thầy giáo ở trên lớp chính là đang giảng Pháp mà có thể giải thoát sinh tử, ta vừa muốn nghe rõ chút thì bị tiếng khóc bên ngoài đánh thức, ta đi ra thì phát hiện đó là cô nương đến đây muốn tìm kiếm Pháp có thể giải thoát sinh tử, nhìn qua là biết cô ấy từ Trung Nguyên đến, căn bản không phải là người Hung nô, đi một quãng đường xa như vậy chính là muốn tìm được Pháp có thể giải thoát sinh tử, khó mà có được người như vậy!”

Nghe thấy lời này, những người khác cũng nhìn cô với ánh mắt kính phục, sau đó mọi người đều muốn nhận cô làm đồ đệ, cô trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi khéo léo khước từ. Bởi vì cô cảm thấy ở cạnh bọn họ cũng không biết thêm được bao nhiêu. Sau khi nán lại đây một thời gian, cô hướng về phía Bắc mà đi, sau ở lại bên hồ Baikal, lưu lại đó cho đến lúc cuối đời.

Sau này vào thời Tam Quốc, cô chuyển sinh thành đại tướng của nước Ngụy, thời nhà Đường chuyển sinh thành vợ của Quách Tử Nghi, thời nhà Tống chuyển sinh thành nghệ nhân làm gốm nổi tiếng, thời nhà Minh chuyển sinh thành họa sĩ danh tiếng, thời nhà Thanh chuyển sinh thành một nhà thư pháp, ngày nay cô sinh ra trong một gia đình học giả, lại dùng thân nữ nhi đắc Pháp. Mặc dù đã trải qua rất nhiều khổ nạn, nhưng chân nguyện kéo dài cả ngàn năm đó chưa từng thay đổi.

Đây chính là :

Lễ lạc băng hoại Chư tử hiện

Truy tầm giải thoát thiên niên tiền

Lịch tận vạn nan kinh vạn hiểm

Kim triều đắc Pháp vĩnh hướng tiền!

Tạm dịch:

Lễ nghi băng hoại Chư tử xuất hiện

Đi tìm giải thoát cả ngàn năm trước

Trải bao gian nan nguy hiểm

Thời nay đắc Pháp tinh tấn không ngừng.

(Hết)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/280606