Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (6): Hoàng Đế phân chia lãnh thổ

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn chữ Hán

黄帝画野,

始分都邑。

夏禹治水,

初奠山川。

Chú âm

黄(ㄏㄨㄤˊ) 帝(ㄉㄧˋ) 画(ㄏㄨㄚˋ) 野(ㄧㄝˇ) ,

始(ㄕˇ) 分(ㄈㄣ) 都(ㄉㄨ) 邑(ㄧˋ) 。

夏(ㄒㄧㄚˋ) 禹(ㄩˇ) 治(ㄓˋ) 水(ㄕㄨㄟˇ) ,

初(ㄔㄨ) 奠(ㄉㄧㄢˋ) 山(ㄕㄢ) 川(ㄔㄨㄢ)

Bính âm

黄(Huáng) 帝(dì) 画(huà) 野(yě),

始(shǐ) 分(fēn) 都(dū) 邑(yì).

夏(Xià) 禹(yǔ) 治(zhì) 水(shuǐ),

初(chū) 奠(diàn) 山(shān) 川(chuān).

Âm Hán Việt

Hoàng đế họa dã,

thủy phân đô ấp.

Hạ Vũ trị thủy,

sơ điện sơn xuyên.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 黃帝 Hoàng Đế: còn gọi là Hiên Viên thị, Hữu Hùng thị, Đế Hiên thị hoặc Đế Hồng thị. Theo truyền thuyết ông là tổ tiên của dân tộc Trung Hoa.

(2) 畫 Họa: Phân chia, phân định.

(3) 都邑 Đô ấp: 5 làng thành 1 ấp, 10 ấp thành 1 đô.

(4) 夏禹 Hạ Vũ: còn được gọi là Vũ, Đại Vũ, được Đế Thuấn chọn làm người kế vị vì có công trong việc trị thuỷ.

5) 奠 Điện: Đặt định.

Bản dịch tham khảo

Hoàng Đế đã phân chia lãnh thổ của Trung Quốc, từ đó phân ranh giới và quy mô của các đô ấp mới được rõ ràng. Hạ Vũ đã bình ổn trận hồng thủy, rồi mới đặt định vị trí của sông núi Cửu Châu.

Đọc sách luận bút

Trung Quốc là Thần Châu, văn hoá và lịch sử đương nhiên bắt nguồn từ Thần thoại, cổ nhân tin chắc rằng đó là cội nguồn của lịch sử thực sự của Hoa Hạ, và họ tự xưng mình là con cháu Viêm Hoàng. Vì là hậu duệ của Thần Nông và Hoàng Đế một cách tự hào như vậy, tất nhiên họ có một nền văn hóa Thần truyền, bởi vậy trong bài học này, điều chủ yếu cần kể cho các em bé Trung Hoa chính là cội nguồn văn hóa và địa lý núi sông của mảnh đất Thần Châu, ghi nhớ những công lao chính của hai vị Thánh vương tổ tiên. Làm người chớ quên nguồn gốc cơ bản của mình.

Đại Vũ là huyền tôn (cháu nội của cháu nội) của Hoàng Đế, là con trai của Cổn, Cổn đã dùng phương thức đào chỗ cao lấp chỗ thấp để trị thủy, nhưng cuối cùng vẫn thất bại, nhưng Đại Vũ trị thuỷ đã làm ngược lại và đã tạo nên một đại nghiệp kỳ diệu, đặt định ra Cửu Châu, đây chính là nguồn gốc vùng đất Thần Châu của Hoa Hạ.

Nữ Oa tạo ra con người, Bàn Cổ mở ra trời đất, Thần Nông nếm bách thảo, Đại Vũ trị thủy v.v., những thần thoại này chính là lịch sử thời viễn cổ, nhưng khi thuyết tiến hóa xuất hiện thay thế thuyết Thần tạo ra con người thì những câu chuyện này dần dần bị chúng ta lãng quên, nhưng điều không ngờ đến là câu chuyện về chiếc thuyền Noah được ghi lại trong “Kinh Thánh” của phương Tây ngày càng thu hút nhiều sự chú ý của mọi người, nhiều người bắt đầu tin trận đại hồng thuỷ đó thực sự tồn tại. Theo nghiên cứu, trận đại hồng thủy đó thời gian về cơ bản trùng khớp với đợt trị thủy của Đại Vũ vào 4000 năm trước, đó là thời kỳ xa xưa khi hai nền văn minh hoàn toàn cách biệt mà đều có những ghi chép giống nhau, thật khó mà tưởng tượng rằng chúng chỉ là sự trùng hợp! Tất nhiên những nghi vấn này để lại cho mọi người tự mình suy ngẫm.

Kể chuyện

Truyền thuyết Thần thoại về Hoàng Đế

(Hoàng ở đây là màu vàng, giống như chữ vàng trong sông Hoàng Hà)

Văn hóa Trung Quốc là nền văn hóa bán Thần. Từ rất lâu rất lâu trước đây, ranh giới giữa “Thần” và “người” không nghiêm ngặt lắm, Thần trên trời có thể hạ phàm bất cứ lúc nào, và người dưới đất có thể lên trời để cầu xin sự giúp đỡ của Thần.

Hoàng Đế là cộng chủ (là vị chủ chung) của thiên hạ, đứng đầu trong Ngũ Đế, là thiên đế trung ương, và là người thống trị cao nhất của “Thần” và “con người”. Tương truyền rằng Hoàng Đế là con trai của Thiếu Điển thị, có dung mạo rất kỳ lạ, có bốn khuôn mặt, có thể đồng thời nhìn bốn mặt tám phương. Con cháu của Viêm Đế Thần Nông ở phía nam là Xi Vưu muốn giành lấy vị thế trung tâm của Hoàng Đế nên đã đánh một trận lớn với Hoàng Đế ở Trác Lộc.

Tướng mạo Xi Vưu cũng rất đặc biệt, mặt người thân thú, đầu bằng đồng và trán bằng sắt, có tám tay tám chân, thích ăn cát, đá và viên sắt. Ông có 70, 80 anh em, tất cả đều giống như thế. Họ rất giỏi chế tạo những vũ khí lợi hại, khi chiến đấu họ cầm dao vàng và rìu đồng, rất lợi hại.

Hai bên giao chiến với nhau, Xi Vưu đã há to mồm thổi ra khói, tạo ra sương mù dày đặc đầy trời, liên tục ba ngày ba đêm, quân của Hoàng Đế bị vây trong sương mù dày đặc, mất phương hướng, tình thế hết sức nguy cấp. Hoàng Đế ra lệnh cho Phong Hậu làm Chỉ Nam Xa (xe chỉ nam), cho dù xe đi về hướng nào, hình nhân nhỏ trên xe vẫn luôn hướng về phía nam. Dưới sự hướng dẫn của Chỉ Nam Xa, đại quân của Hoàng Đế mới có thể đột phá ra khỏi vòng vây.

Hoàng Đế đã biến nguy thành an, ông cho triệu hồi Ứng Long, có thể phun mưa, sải rộng đôi cánh, chuẩn bị thi triển thần thông hô mây gọi mưa. Nhưng Xi Vưu đã đi trước một bước, mời được Phong Bá và Vũ Sư có khả năng hô mưa gọi gió, bất ngờ gọi đến một trận cuồng phong và mưa lớn, thần thông của Ứng Long hoàn toàn không thể thi triển. Thấy tình hình căng thẳng, Hoàng Đế ra lệnh cho Thiên nữ Nữ Bạt giáng trần, trên người Nữ Bạt có sức nóng rất lớn, đi đến đâu thì cơn bão dữ dội lập tức biến mất không dấu vết, và mặt trời chói chang trên không. Sau khi kết thúc trận chiến này, Ứng Long và Nữ Bạt không thể về trời được nữa, Ứng Long sống ở vùng núi sâu và thung lũng phía nam nên phía nam thường có mưa. Còn nơi mà Nữ Bạt ở không còn mưa nữa và trở thành một nơi khô hạn.

Để nâng cao tinh thần binh sĩ nhằm đánh bại Xi Vưu, Hoàng đế còn làm một chiếc trống trận đặc biệt. Trên núi Lưu Ba ở Đông Hải có một con quái thú tên là “Quỳ” có hình dạng giống một con bò, nhưng trên đầu không có sừng, có thể tự do đi lại trên biển, bất cứ khi nào nó đến và đi đều sẽ tạo ra mưa to gió lớn, vẩy nó lấp lánh phát ra ánh sáng như mặt trăng mặt trời, tiếng gầm rú của nó vang như sấm nổ. Sau khi Hoàng Đế cử người đến bắt nó, thì đem tấm da của nó phơi khô làm thành mặt trống. Dùi trống được làm bằng khúc xương lớn nhất trong thân con thú. Khi trống trận đánh lên, âm thanh rung trời, đứng cách năm trăm dặm vẫn nghe thấy hết sức rõ ràng. Cuối cùng Hoàng Đế đã chiến thắng.

Sau khi Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, tương truyền Thần tằm từ trên trời giáng xuống, dâng lên tơ tằm, Hoàng Đế đã ra lệnh cho người dệt thành vải lụa và cắt làm thành quần áo, vừa nhẹ vừa mềm. Vợ của Hoàng Đế là Luy Tổ phát hiện ra rằng những con tằm cũng có thể nhả ra những sợi tơ giống như thế, vì vậy bà bắt đầu nuôi tằm và đem phương pháp này dạy cho bách tính trong nhân gian.

Trong Thần thoại viễn cổ, Hoàng Đế là bậc toàn năng. Khi ông tập hợp thần quỷ khắp trong thiên hạ ở núi Thái Sơn, ông cũng tự mình sáng tác ra một bản nhạc tên là “Thanh Giác”. Đây là một bản “Thiên nhạc” thật sự, khí thế phi phàm, có thể làm “kinh thiên động địa, quỷ thần phải rơi lệ”, người phàm không nghe nổi. Hoàng Đế từng ra lệnh cho người đúc gương, làm nồi nấu cơm, chế tạo xe, thuyền, cũng như phát minh ra trò chơi đá cầu. Hoàng Đế ra lệnh cho Thương Hiệt tạo chữ; Linh Luân chế tạo âm luật; Lôi Công và Kỳ Bá chỉnh lý y dược và viết thành sách y học.

Hoàng Đế đã từng khai thác đồng ở núi Thủ Sơn và đúc một chiếc bảo đỉnh (vạc quý) dưới chân núi Kinh Sơn. Xung quanh chiếc bảo đỉnh được chạm khắc hình các quỷ thần, các loài chim và thú quý hiếm ở tứ phương. Khi hoàn thành chiếc bảo đỉnh và đang tiến hành giữa buổi lễ mừng công cúng tế trời thì một con rồng thần từ trên trời sà xuống, nghênh đón Hoàng Đế và các vị Thiên Thần vốn theo Hoàng Đế cùng hạ phàm để trở lại Thiên đình.

Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/247814