Luân hồi ký sự: Đại mạc cuồng sa

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Tên tranh: Desert Scene
Tác giả: Francisco Lameyer (1825 – 1877)
Nguồn hình: Wikimedia

Vào thời Hoàng đế Đường Cao Tông, một ngày nọ, ở khu vực Cửu Tuyền, tỉnh Cam Túc bỗng xuất hiện một đoàn lạc đà khổng lồ đến từ Tây Vực, đi đầu đoàn là một nữ nhân trông rất mỹ lệ, nhưng nhìn thì nữ nhân này:

Tứ thập xuất đầu dung nhan mỹ;

Thủy linh đại nhãn triển nga mi;

Thủ trì bảo kiếm hành tứ phương;

Khoa hạ đà nhi linh âm tuyệt.

Tạm dịch:

Dung mạo xinh đẹp, tuổi ngoài bốn mươi;

Đôi mắt long lanh, chân mày ngài;

Tay cầm bảo kiếm hành tẩu tứ phương;

Cưỡi trên lạc đà chuông ngân vang.

Xem chừng mọi người đi đường đã thấm mệt, khuôn mặt lộ rõ sự mệt mỏi. Lúc này là giữa trưa, nên cô cho người tìm một chỗ kín gió dừng lại nghỉ chân.

Sau khi nghỉ ngơi được một lúc, khi sắp sửa lên đường tiếp tục hành trình, họ nhận thấy cách đó không xa có một đoàn người trong trang phục phương Nam đang tiến tới. “Hãy cẩn thận!”, nữ nhân lên tiếng nhắc nhở họ, vì khi đó nơi đây thường xuyên có trộm cướp. Đợi khi đoàn người tiến đến gần, sau khi hỏi thăm mới biết rằng đoàn người này muốn đến Lương Châu nên đi ngang qua nơi đây. Sau khi chào hỏi xong, hai đoàn người đường ai nấy đi, không lâu sau đó thì trên bầu trời bắt đầu nổi lên một trận cuồng phong dữ dội.

Trận cuồng phong kỳ lạ này khiến trời đất trở nên tối sầm, tất cả bọn họ đều bị thổi bay. Khi cơn gió qua đi, nữ nhân phát hiện đoàn người của cô không thấy nữa, chỉ còn lại một mình cô giữa biển cát mênh mông. Cô cưỡi lạc đà đi trong vô định, đi được cả một ngày thì gặp được một người thanh niên trông có vẻ quen thuộc. Nhưng gặp người này thì:

Tị trực khẩu phương mi mục tú;

Khiêm khiêm quân tử hiển phong lưu;

Tế bì nộn nhục bất cấm phong;

Mê mang song nhãn hiển oán vưu.

Tạm dịch:

Mũi thẳng, miệng vuông, đôi mắt thanh tú;

Quân tử khiêm nhường rõ phong lưu;

Da mỏng thịt mềm không chắn được gió;

Mơ màng đôi mắt rõ oán than.

Nữ nhân suy nghĩ một cách thận trọng, thì ra đây chính là một thành viên trong đoàn người phương Nam mà cô đã gặp trước khi trận cuồng phong thổi đến. “Xem ra anh ta có vẻ không quen với hoàn cảnh nơi này, mình nên kết bạn cùng anh ta, cùng nhau thoát ra khỏi biển cát mênh mông này”, nữ nhân nghĩ trong lòng như vậy.

Người thanh niên nhìn thấy có người đến, thoạt đầu xem chừng có vẻ kinh ngạc, nhưng sau đó lại tỏ ra rất đỗi vui mừng nên đã chủ động chào hỏi vị nữ nhân. Sau đó hai người họ trở thành bạn đồng hành.

Họ cùng nhau đi trong ba ngày ba đêm cũng chưa ra khỏi được sa mạc. Vào ngày thứ tư, khi mặt trời vừa ló dạng, họ cảm thấy quả thật quá mệt nên đã tìm một nơi kín gió để nghỉ một chút. Khi tỉnh lại, người thanh niên nhìn thấy phía trước hình như có một tòa tháp Phật lúc ẩn lúc hiện. Vị nữ nhân không tin: “Đó là “ảo ảnh”, không phải là thật”. Người thanh niên nói rằng: “Cho dù đó là thật hay giả, ta cứ theo hướng đó mà đi, dù sao thì chúng ta cũng lạc đường rồi”.

Nữ nhân suy nghĩ một lát rồi cũng đồng ý. Vậy nên họ đã tiếp tục đi thêm gần một ngày nữa, đến khi chập choạng tối họ tìm được một cổ thành bị bỏ hoang.

Tòa cổ thành này rất nhỏ, chỉ có mấy tháp Phật, tượng Phật và vài ngôi nhà. Có mấy cái cây không biết là cây gì dường như vẫn sống một cách ngoan cường. Có thể là do sa mạc không ngừng xâm lấn nên nơi đây trở nên thiếu nước nghiêm trọng, dân chúng không thể không rời đi.

Khi họ đến được đây thì trời cũng đã tối, do quá mệt, họ tìm đến một ngôi nhà bỏ hoang, khi vào đến bên trong họ liền nằm xuống và ngủ thiếp đi. Vào lúc nửa đêm, vị nữ nhân không biết vì sao lại tỉnh dậy, lúc này bên ngoài gió lớn đã ngừng thổi. Dường như có tiếng nước nhỏ tí tách, truyền đến tai cô. Họ sớm đã uống hết số nước mang theo bên người trong mấy ngày qua. Trên trời trăng đã tròn, nữ nhân bước ra khỏi phòng đi về hướng con đường trong thành, hy vọng có thể tìm được nguồn nước. Khi cô mới bước đi được vài bước thì liền bị thứ gì đó ngáng chân té ngã. Trong lúc dùng tay chống đất đứng dậy, cô cảm thấy có gì đó ươn ướt ở phía dưới. Cô vui mừng quá đỗi, hớn hở chạy đến phòng bên cạnh gọi người thanh niên dậy, họ cùng nhau đi tìm nguồn nước. Quả nhiên, ở vũng trũng cách đó không xa có một khe suối nhỏ đang có tiếng nước chảy tí tách. Họ làm sạch hết bùn cát xung quanh, rồi đào một cái hố nhỏ [để dẫn nước vào], sau đó nằm soài người ra đó mà uống một cách thỏa thích!

Buổi sáng ngày hôm sau họ đi khắp nơi trong thành tìm xem có thứ gì ăn được không. Khi đến trước tượng Phật, họ phát hiện có chút đồ cúng dường đã bị gió thổi khô từ lâu, ngẩng đầu nhìn tượng Phật đã bị cát bụi phủ kín, họ quyết định quét dọn sạch sẽ tượng Phật.

Thật không dễ dàng, phải mất nửa ngày mới quét dọn xong mấy tượng Phật, họ ngồi xuống nghỉ ngơi rồi cùng nhau kể về những trải nghiệm của bản thân, khi nói ra cũng rất cảm khái:

Vị nữ nhân vốn là con gái của một vị đại vương trên núi gần phủ Lương Châu, từ nhỏ đã ở cùng đám trộm cướp, nên luyện được công phu rất khá. Sau đó vị đại vương này chết trong trận đánh với một toán cướp khác. Cô liền trốn khỏi nơi đó đến Lương Châu; may thay cô được một vị viên ngoại họ Lý rất giàu có thu nhận và trở thành con gái nuôi của ông. Lý viên ngoại dù giàu có nhưng đã gần 60 mà vẫn không có con, vậy nên đã đối đãi với cô như con gái ruột. Viên ngoại đặt tên cho cô là Kim Hoa. Lúc Kim Hoa 20 tuổi, thông qua mai mối giới thiệu, hứa hôn cho cô với một vị tú tài rất có học vấn tên Trương Nguyên.

Trương Nguyên có tài văn chương rất giỏi, hơn nữa lại thích nghiên cứu tài liệu văn hóa và cổ vật cổ đại. Dùng ngôn ngữ hiện đại mà nói, Trương Nguyên chính là người có niềm đam mê với khảo cổ.

Tính cách của Kim Hoa thuộc loại hiếu động, thấy chồng cả ngày làm bạn với Tần thư Hán sách (thẻ tre), trong lòng dần dần sinh bất mãn. Sau đó vừa hay có người muốn thành lập thương đoàn tiến vào Trung Nguyên mua bán. Kim Hoa cũng tham gia vào thương đoàn này, sau mười mấy năm, cô trở thành thủ lĩnh của thương đoàn. Gia nghiệp cũng từ từ lớn mạnh. Lúc này cô và chồng càng không có cùng sở thích, cô hoàn toàn đặt cả thân và tâm vào việc làm ăn. Ngày hôm đó không may gặp phải cơn cuồng phong kỳ lạ, rơi vào hoàn cảnh sống chết không đoán biết được.

Người thanh niên đến từ phương Nam kia tên Tề Vân, là một nhân sĩ Dương Châu. Anh từ nhỏ chịu ảnh hưởng của gia đình nên rất yêu thích văn thơ, thích đọc sách, phẩm hạnh rất tốt. Lúc còn trẻ được quan địa phương để mắt tới, muốn dẫn dắt bồi dưỡng. Hơn nữa, Tề Vân đã định thân với một cô gái vô cùng xinh đẹp, lần này là cùng đồng hương đi Lương Châu có việc, không ngờ giữa đường gặp phải chuyện thế này. Nói xong Tề Vân liền thở dài một tiếng.

Trong lúc đang nói chuyện, họ vô tình nhìn thấy phía chính diện của tượng Phật dường như xuất hiện một chữ “空” (Không), lúc này bốn bề cuồng phong dữ dội, nhưng không hiểu vì sao cát bên ngoài tòa thành nhỏ này lại bay vào không đáng mấy, không cách nào hoàn toàn chôn vùi tòa thành nhỏ này.

Có lẽ cơ duyên tu hành của họ đã chín muồi. Nữ nhân nhìn thấy chữ này, dường như tâm trí được khai thông: “Tất cả những gì tôi có trước đây bây giờ hoàn toàn đã biến mất, mọi thứ của nhân gian đều là vô thường (không tồn tại mãi), nhân gian đâu đâu cũng đầy rẫy hiểm ác; dường như chỉ có tu hành mới có thể giải thoát khỏi bể khổ này”. Tề Vân cũng có chút bất lực nói rằng: “Nếu những điều tốt đẹp vốn có bây giờ đã không còn nữa, sinh mệnh của ta và cô đã nguy trong gang tấc, thế thì giờ đây chúng ta chỉ còn cách duy nhất chính là tu hành. Biển cát mênh mông không có điểm cùng, chính như nhân gian vậy. Mơ mơ màng màng không tìm được đường về nhà, vô tình mà rơi vào hoàn cảnh khốn cùng”.

Kim Hoa nói rằng: “Nếu ngươi cũng đã đồng ý chúng ta cùng nhau tu hành, vậy chúng ta cùng nhau tu thôi”. Tề Vân có chút lưỡng lự: “Cùng tu cũng được thôi, nhưng chúng ta làm thế nào tu đây, ở đây đâu có kinh Phật để xem?” “Điều này…” Câu hỏi này cũng làm khó Kim Hoa rồi.

“Bất luận thế nào, chúng ta đã cùng đến nơi đây, nếu như Phật Đà vĩ đại muốn chúng ta tu hành ở đây, nhất định là có cách để chúng ta biết phải tu thế nào”. Kim Hoa nói một cách kiên định.

Hai ngày sau, lúc họ cung kính quỳ trước tượng Phật Đà hành lễ, thì trước mắt họ hiện ra hình ảnh một ngôi nhà, trong ngôi nhà này có một cối xay, phía dưới cối xay có một cái túi phát ra ánh vàng kim.

Họ phấn khích vô cùng, cảm thấy đây là Đại Phật đang điểm hóa cho họ rằng có thể tìm thấy kinh sách ở đó. Họ liền quỳ tại đó cúi đầu hành lễ rồi đứng dậy đi tìm căn nhà đó. Họ phải tốn nhiều công sức mới tìm thấy căn nhà và cái túi ở một góc nhỏ rất hoang vu phía Nam của tòa thành. Mở cái túi ra quả thực bên trong có một cuốn sách nhỏ. Lại giở ra mấy trang, muốn nhìn kĩ xem nhưng phát hiện ra ngoại trừ mấy chữ xem không hiểu ở trang bìa ra thì cả quyển sách đều không có lấy một chữ!

Cả hai ngớ người ra một lúc, qua mất nửa ngày Kim Hoa liền minh bạch ra rằng: “Người ta nói Thiên thư vô tự (không có chữ), xem ra đúng là thật. Chúng ta phải dùng cái tâm của mình mà thể ngộ sự huyền diệu của Phật Pháp. Ta nghĩ nếu Phật Đà đã điểm hóa để chúng ta tìm được cuốn kinh Phật này, thì nhất định sẽ chỉ dẫn cho chúng ta, sẽ dạy chúng ta hiểu phải tu thế nào”. Tề Vân nửa vui nửa buồn nói: “Nghe cô nói vậy xem ra cũng đúng. Nên để chúng ta minh bạch thì nhất định sẽ để chúng ta minh bạch thôi. Kinh Phật có rồi, nhưng đồ ăn của chúng ta càng ngày càng ít, không lẽ chưa tu thành mà chúng ta đã chết đói ở đây sao?”

Nghe được lời này, Kim Hoa cũng có chút lo lắng, nhưng qua một lúc cô chợt nhớ ra điều gì đó, liền nói: “Chúng ta đến chỗ mấy cái cây còn sống đó xem xem, nói không chừng chúng có quả cũng nên!” Tề Vân bán tín bán nghi đi theo cô đến dưới mấy cái cây, ngẩng đầu lên nhìn, thì thấy trên cây còn sót lại lác đác mấy quả. Lúc này trong lòng họ cảm thấy an tâm hơn.

Họ quay lại chỗ tượng Phật bắt đầu toàn tâm toàn ý tu hành. Mỗi khi đến cảnh giới nào đó họ cần được chỉ dẫn, thì cuốn kinh Phật lại hiện ra mấy chữ hoặc mấy hàng chữ, khiến họ minh bạch ra mà từ đó càng vững bước hơn trên con đường tu hành. Đói thì đến cây hái mấy quả ăn lót dạ, khát thì uống chút nước suối. Thuận theo thời gian tu hành kéo dài và sự đề cao cảnh giới, họ dần dần minh bạch ra rằng trái cây và nước suối này không phải là thứ bình thường, ăn một quả thì hơn nửa tháng cũng không thấy đói, uống ngụm nước suối thì cảm thấy phấn chấn vô cùng, thân thể giống như được một lần tịnh hóa vậy.

Vì họ từ trong người thường mà bắt đầu tu hành, hơn nữa lại trong hoàn cảnh khốn cùng này, lâu ngày giữa họ sản sinh chút tình cảm lúc nào không hay. Những lúc như vậy, khi họ đả tọa liền không nhập tĩnh được, nước suối cũng cạn khô, quả trên cây cũng biến mất. Họ cảm thấy mình đã sai rồi, không nên có những thứ này, những thứ trong người thường cái gì cũng đã mất rồi, lại trong hoàn cảnh khốn cùng sinh tử này còn cần cái tình này mà làm gì? Khi họ ngộ ra được điểm này, nước suối lại chảy thành dòng trở lại, quả cũng lại xuất hiện trên cây.

Mặc dù nơi đây cách xa chốn người thường, nhưng trên bước đường tu hành vẫn không thiếu sót điều gì. Ví như lúc họ xuất hiện tâm hoan hỷ, họ liền phát hiện thân thể mình bị nhiễm lên những thứ bất hảo. Một lần khi Kim Hoa xuất hiện tâm tranh đấu, liền nhìn thấy cảnh tượng tường hòa tĩnh lặng hiển hiện ra trong kinh Phật. Cô lập tức hiểu ra rằng bản thân nên triệt để tiêu trừ cái tâm bất hảo này.

Tề Vân yêu thích văn thơ, thuận theo việc đề cao cảnh giới, anh bắt đầu thể hiện tài văn chương mà không tự biết, mỗi khi như vậy anh sẽ nhìn thấy trong kinh Phật triển hiện ra hàng loạt “Kê ngữ” (Lời hát trong kinh Phật), liền cảm thấy thơ văn của mình quả là không cách nào so được với Phật Pháp vô biên.

Cứ như thế hai mươi mấy năm trôi qua, một lần khi Tề Vân và Kim Hoa đang chia sẻ nội dung kinh Phật mà mình thấy được, anh thật kinh ngạc phát hiện ra, những gì mình nhìn thấy được không hề giống những gì Kim Hoa nhìn thấy! Anh chấn động vô cùng! Cuối cùng anh cũng minh bạch ra rằng anh và Kim Hoa không cùng trong một tầng thứ cảnh giới, nên nội dung thấy được đương nhiên là không giống nhau. Đây vốn cũng là một loại thể hiện của của Phật Pháp vô biên!

Thời gian thấm thoát trôi qua, 20 năm nữa lại qua đi, Kim Hoa đã hơn 80 tuổi, một ngày nọ khi cô vô tình cầm cuốn kinh Phật lên xem, không ngờ kinh Phật lúc đó, đối với cô mà nói đã không còn là “Thiên thư vô tự”, từ đầu đến cuối đều là chữ. Cô đem kinh Phật cho Tề Vân xem, Tề Vân vẫn như cũ không thấy chữ nào cả. Kim Hoa liền nói với Tề Vân rằng: “Xem ra đối với ta mà nói bộ kinh Phật này đều triển hiện rồi, có lẽ ta cũng đã tu thành, nên đi rồi. Ngươi nhất định phải thật tinh tấn nhé! Dù sao cũng không được lười biếng đâu”. Tề Vân gật gật đầu. Không lâu sau, trên trời xuất hiện một loại Thần điểu và hoa sen, Kim Hoa bay lên trời, chân dẫm hoa sen và Thần điểu rồi bay đi.

Tề Vân càng cảm thấy sự thù thắng của tu luyện, sự vô thường của trần thế và càng gia tăng nỗ lực tu hành. Qua khoảng thời gian chừng mười năm, khi mà bộ kinh Phật hiển hiện hết toàn bộ văn tự, Tề Vân cũng đạt đến tiêu chuẩn tu hành viên mãn mà bay lên Cửu Thiên.

Đây chính là :

Đại mạc tuyệt địa khổ tu hành;

Cuồng sa tứ ngược bạn ngã hành;

Trần thế vô thường xả chí tận;

Mang mang thương vũ nhiệm ngã hành.

Tạm dịch:

Đại mạc tuyệt địa khổ hạnh tu;

Cuồng sa bạo ngược cùng ta đồng hành;

Trần thế vô thường xả bỏ tận;

Vũ trụ bao la mặc ý ta tung hoành.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/278305