Khoa học màu sắc và văn hóa tu luyện (Phần 1)

Tác giả: Arnaud H.

[ChanhKien.org]

Trong giới mỹ thuật thường có câu như thế này: Nghệ thuật là một hình thức tu luyện. Các nghệ sĩ đa phần đều quen với việc truyền tải những cảm ngộ về nhân sinh và suy nghĩ, tâm trạng của mình vào trong tác phẩm, coi sáng tác nghệ thuật như một phương tiện để thổ lộ tình cảm, để biểu đạt tâm tình của họ. Tuy nhiên rất nhiều người làm nghệ thuật cho rằng cái mà họ gọi là “tu luyện” chỉ là một cách ví von hoặc biện pháp tu từ, không liên quan nhiều đến việc tu luyện theo nghĩa truyền thống. Nhưng trên thực tế, nếu truy tìm nguồn gốc của nghệ thuật truyền thống, chúng ta có thể thấy rằng giữa mỹ thuật với một số phương pháp tu luyện và lý luận tôn giáo có mối liên quan rất chặt chẽ. Mối liên quan này không chỉ giới hạn trong các đề tài nghệ thuật và phạm vi của các tác phẩm, mà còn bao hàm nhiều cấp độ, thậm chí có liên quan mật thiết với các chất liệu màu và kỹ pháp được sử dụng trong hội họa.

Trong bài viết trước “Bí ẩn của màu sắc truyền thống”, tác giả đã giới thiệu sơ lược về một số màu sắc truyền thống, chẳng hạn như màu vàng kim của Phật gia, màu tím của Đạo gia, v.v. Những ví dụ này trực tiếp chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa màu sắc truyền thống và văn hóa tu luyện. Vậy văn hóa tu luyện đã được thể hiện như thế nào trong lý luận mỹ thuật và thực tiễn cụ thể của nó? Hôm nay, chúng ta sẽ nói về bí ẩn đằng sau đó từ một góc độ khác.

Nhìn nhận về Đan thanh

Văn hóa truyền thống Trung Quốc là văn hóa Thần truyền bác đại tinh thâm, mà mỹ thuật lại là một bộ phận quan trọng cấu thành nên văn hóa Thần truyền, nên nó cũng có nội hàm rộng lớn. Ở Trung Quốc cổ đại, hội họa cũng được gọi là “Đan thanh”, danh xưng này kỳ thực không đơn giản như mọi người nhìn thấy biểu hiện bề ngoài. Những người khác nhau có cách lý giải khác nhau, người ở các tầng thứ khác nhau cũng có những cảm ngộ khác nhau. Văn hóa truyền thống nhận thức về sự vật là một kết cấu thời không đa chiều, lập thể, nên nó cũng ẩn chứa tầng tầng cơ chế.

Trước tiên chúng ta hãy nói đơn giản về một số nhận thức thông thường trong lĩnh vực mỹ thuật thế gian. Người ta thường cho rằng đan thanh vốn chỉ hai loại khoáng chất có màu thời cổ đại là “đan” và “thanh”. Theo cách nói thông thường thì “đan” là màu đỏ (một loại màu đỏ hơi ngả vàng, tương đối dịu), còn “thanh” là màu xanh lam (tùy theo quy trình sản xuất khác nhau sẽ có một số khác biệt về sắc độ), những độc giả không chuyên về nghệ thuật có thể hiểu đơn giản là màu đỏ và màu xanh. Hai màu này được sử dụng phổ biến trong các bức tranh cổ của Trung Quốc, vì vậy “đan thanh” đã trở thành cách gọi khác của nghệ thuật hội họa.

Thực ra, những người có chút hiểu biết về mỹ thuật truyền thống đều biết rằng hội họa của Trung Quốc cổ đại không chỉ có hai màu thường dùng này, mà họ quen dùng “năm màu chính”, tức là màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng tương ứng với ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, (xem chi tiết ở bài viết trước “Bí ẩn của màu sắc truyền thống”), hầu hết đều lấy màu trắng và đen làm chủ đạo, tức là chủ yếu sử dụng màu mực. Vì vậy, một số người cho rằng cách gọi “đan thanh” có thể chú trọng nhiều hơn vào bản thân màu sắc: xét từ góc độ tương phản màu sắc thì đỏ là màu nóng còn xanh là màu lạnh.

Nghiên cứu màu sắc và quang học hiện đại đã thiết lập ra khái niệm ba màu RGB. Nếu xếp chồng ba màu ánh sáng gồm đỏ (Red), lục (Green) và lam (Blue) theo các tỷ lệ khác nhau, thì đối với mắt người mà nói, có thể hình thành rất nhiều cảm thụ màu sắc tương đương với các loại tần số ánh sáng mà mắt thường nhìn thấy được, tương ứng với việc tạo ra các màu sắc phong phú, trong giới chuyên môn gọi là “hệ màu RGB”. Theo đó, ba màu đỏ – lục – lam được xác định là “ba màu cơ bản”.

Trong quang phổ của ánh sáng tự nhiên, màu lục nằm giữa màu đỏ và lam; còn quang phổ của màu đỏ và màu lam có cự ly xa nhau hơn. Do đó, từ góc độ màu sắc mà nói, màu thiên về đỏ thuộc hệ thống màu nóng, trong khi màu thiên về lam thuộc hệ thống màu lạnh. Như vậy, hai màu đỏ và lam có thể bao quát toàn diện khái niệm về màu sắc.

Hình ảnh: Trên quang phổ, trong hệ RGB thì màu đỏ và lam nằm ở hai bên của màu lục.

Y học hiện đại biết được rằng có một số loại tế bào hình chóp trong mắt người cho phép con người cảm nhận được màu sắc, những tế bào này có phản ứng mạnh nhất đối với màu vàng lục, lục và tím. Do đó, cần lưu ý là hệ màu RGB chỉ là một phương thức thuận tiện mà nhân loại dùng để thể hiện màu sắc trong giai đoạn hiện tại. Trên thực tế, nó không phù hợp với sự nhạy cảm về màu sắc của tế bào hình chóp trong mắt người, cũng không phải là quy luật màu sắc chân thực trong tự nhiên, mà nó là một bộ các thứ do con người định ra dựa trên cơ sở kỹ thuật hiện có của nhân loại.

Trong mỹ thuật, hệ màu CMYK và hệ màu RGB nói trên hoàn toàn khác nhau, nhưng về nguyên tắc thì giống nhau, những quy định của chúng đều có tính chủ quan nhất định và tính hạn chế về mặt kỹ thuật. Vài thập niên trước, nó còn được giới mỹ thuật tôn sùng là lý thuyết ba màu cơ bản “đỏ, vàng, lam” chuẩn mực, trong các sách giáo trình mỹ thuật ngày nay nó đã được thay thế bằng hệ thống “thanh (xanh lơ), hồng cánh sen, vàng”. (Chú thích: “Thanh” ở đây là màu xanh theo khái niệm hiện đại, và nó không giống với màu xanh “đan thanh” thời cổ đại). Bởi vì về mặt lý thuyết mà nói, cái gọi là màu cơ bản không thể được tạo ra từ việc trộn lẫn các màu khác. Nhưng người ta phát hiện rằng khi trộn màu hồng nhạt với màu vàng có thể thu được màu đỏ phiên bản cũ, trộn màu xanh và đỏ nhạt có thể tạo ra màu lam; ngược lại, điều chỉnh màu đỏ, vàng và lam không thể tạo ra màu hồng nhạt và màu xanh. Do đó, màu đỏ và lam trước đây bị giáng cấp từ màu cơ bản xuống thành màu trung gian.

Hình ảnh: Đồ thị lý thuyết pha trộn các chất liệu màu hiện nay. Xanh, hồng nhạt, vàng trở thành ba màu cơ bản của thế hệ mới; màu vàng trộn với màu hồng nhạt tạo ra màu đỏ, màu xanh trộn với màu vàng tạo ra màu xanh lục, và màu hồng trộn với màu xanh tạo ra màu lam; màu đỏ, lục, lam đã trở thành các màu phối hợp của thế hệ tiếp theo. Về lý thuyết, ba màu cơ bản có thể được trộn lẫn để tạo ra màu đen, nhưng trên thực tế, do đặc tính khác nhau của các chất liệu màu, nó chỉ có thể tạo thành một số màu xám.

Tuy nhiên sự xuất hiện của ba màu cơ bản trong hệ màu CMYK phiên bản mới đã khiến cho các lý thuyết màu sắc vốn đã dựa vào nhau trong nhiều năm đứng trên bờ vực sụp đổ, sau khi ba màu này thay thế cho hệ thống lý thuyết ban đầu về màu tương đồng, màu tương phản, màu bổ túc, thì chúng không thể tự bào chữa được. Trong hệ màu CMYK, mối quan hệ màu bổ sung mới giữa đỏ và xanh rõ ràng không phù hợp với thị giác, màu lam và màu vàng là màu bổ sung nhưng lại có thể điều chỉnh thành màu lục… Có thể thấy rằng hai hệ thống “ba màu cơ bản” cũ và mới mỗi loại đều có ưu điểm riêng, nhưng cũng tồn tại không ít vấn đề. Những người ủng hộ hệ thống nào cũng cho mình là đúng, họ đưa ra các lý lẽ khác nhau. Do đó, khi vận dụng các quy tắc này, các nhà chuyên môn cần hiểu rằng các khái niệm như “ba màu cơ bản” được dạy trong trường học chỉ là một quy tắc do con người tự định ra, tuyệt nhiên không phải là chân lý.

Hiện tại những tình huống này có thể nói là rối như bòng bong. Bởi vì cùng với sự phát triển của lịch sử, văn hóa cũng như khoa học kỹ thuật ngày nay, các lĩnh vực ngày càng nhiều, các loại kiến thức rắc rối phức tạp mà lại không nhất định chính xác, càng phân chia càng nhỏ hẹp; con đường lý luận dường như đang kéo dài theo hướng tỉ mỉ chi tiết, kỳ thực có nghĩa là con đường càng đi càng hẹp, thậm chí đã đi đến những chi tiết vụn vặt nhất. Theo quan điểm của tác giả, đối với nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, thay vì vùi đầu vào núi sách, dãi gió dầm mưa trong biển vở, bỏ gốc lấy ngọn, chẳng bằng tuân theo minh ngộ tự nhiên với bản tính thông minh trí huệ, nhìn vào đại cục, tìm về cái tốt đẹp nguyên sơ của nghệ thuật, phản bổn quy chân, đưa con đường nghệ thuật quay trở về với truyền thống.

Trên đây nói về màu lam và màu đỏ đại biểu cho màu lạnh và màu nóng trong mỹ thuật, như vậy trong văn hóa truyền thống, chúng chính là thể hiện khái niệm âm dương. Âm dương là bộ phận cấu thành quan trọng trong học thuyết thái cực của Đạo gia, người ta thường cho rằng nếu thái cực đồ được tạo thành bởi hai cái âm dương màu đỏ và màu lam, thì màu đỏ đại biểu cho dương, màu lam đại biểu cho âm. Đương nhiên, đây chỉ là nhận thức tại tầng thứ nhất định, bởi vì tầng thứ khác nhau có đạo lý khác nhau, vì vậy cũng có người cho rằng màu lam đại diện cho dương và màu đỏ đại diện cho âm, mà hình thức tổng thể chính là thể hiện việc lý giải và khái quát của Đại Đạo đối với vũ trụ. Giới tu luyện quy thái cực đồ do hai màu tạo thành này là thái cực Tiên Thiên Đạo Đạo, bởi vậy có sự khác biệt so với màu sắc thái cực đồ của Đạo gia thông thường.

Xét từ góc độ này, đan thanh đại biểu cho nóng lạnh, nóng lạnh thể hiện âm dương, âm dương khái quát vũ trụ. Từ cái nhỏ để thấy cái lớn, từ một điểm nhỏ có thể nhìn thấy sự bác đại tinh thâm của văn hóa truyền thống.

Nói đến vũ trụ, do chịu ảnh hưởng bởi những hình ảnh không gian vũ trụ tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông hiện đại, vũ trụ với những vì sao sáng chói, không gian bao la rộng lớn kỳ thực chỉ là khái niệm “vũ” (宇), mà đó vẫn chỉ là một điểm nhỏ ở lớp vỏ ngoài của “vũ”, bởi vì những thứ mà mắt người có thể nhìn thấy quả thực quá ít. Nhận thức về vũ trụ của Trung Quốc cổ đại là “bốn phương trên dưới được gọi là vũ, từ cổ chí kim được gọi là trụ”. Có nghĩa là, người xưa cho rằng vũ trụ không chỉ là không gian, mà còn có khái niệm thời gian.

Thể hiện của thời gian trong nền văn minh nhân loại chính là lịch sử, sử sách cổ đại Trung Quốc chú trọng đến việc dùng “đan sách” (sách đỏ) để ghi chép công trạng, “thanh sử” (sử xanh) là ghi chép lại sự thật lịch sử, vì vậy nói “đan thanh” cũng là một ẩn dụ, bởi vì hai loại màu này đều là màu từ khoáng vật, không dễ phai mờ, vì vậy các ghi chép có tính ẩn dụ này có thể tồn tại lâu dài, trước sau không thay đổi.

Theo một ý nghĩa nào đó mà nói, văn hóa truyền thống thực ra là một loại văn hóa tu luyện. Bản thân “đan” trong đan thanh là một danh từ trong văn hóa tu luyện, và giới tu luyện còn có một từ gọi là “lô hỏa thuần thanh” (dày công tôi luyện). Từ này cũng có nguồn gốc từ tu luyện đan đạo thời cổ đại, lô là chỉ lò luyện đan, luyện đan yêu cầu nhiệt độ đủ cao, tương truyền khi lửa của lò luyện đan chuyển sang màu lam thì mới có thể luyện thành đan tốt. Giới tu luyện cũng dùng luyện thép để hình dung ra việc tu luyện, đạo lý cũng tương tự như vậy. Dưới điều kiện thời cổ đại, muốn để ngọn lửa trong lò đạt tới thuần thanh, cần phải đạt được chân truyền, nắm vững bí pháp, đồng thời tự thân nỗ lực tu luyện, cũng không phải là chuyện tùy tiện có thể làm được.

Đương nhiên, ngọn lửa màu lam được đề cập ở đây hoàn toàn khác với lửa xanh được tạo ra bởi các phản ứng hóa học như lửa của khí đốt hóa lỏng và nến. Bởi vì tu luyện vốn chính là sự thể hiện năng lượng vũ trụ nơi con người này, nên nếu nói dùng thứ gì để so sánh, thì màu sắc của các vì sao trong vũ trụ và màu của lửa trong lò đều có cùng một nguyên lý.

Hình ảnh: Các vì sao trong vũ trụ cũng có các màu sắc khác nhau. Bức ảnh cho thấy cụm sao Hộp Ngọc (Jewel Box) được chụp bởi kính viễn vọng Rất lớn (VLT), một kính thiên văn quang học lớn thuộc Đài quan sát thiên văn phương nam của châu Âu (ESO) được xây dựng ở Chile. Trong cụm sao này có các ngôi sao có màu sắc khác nhau rõ ràng, sở dĩ được đặt tên như vậy vì ánh sáng rực rỡ của chúng giống như những hạt châu ngọc trên một chuỗi trang sức lớn được trang trí công phu.

Các lý thuyết vật lý học hiện nay cho rằng tần số ánh sáng càng cao thì năng lượng càng lớn. Và ánh sáng của các màu sắc khác nhau có tần suất khác nhau, số liệu tần suất của 7 màu ánh sáng mà người ta thường nói trong quang phổ học hiện đại cơ bản như sau:

Màu tím: 668–789THz

Màu lam: 630–668THz

Màu lục lam: 606–630THz

Màu lục: 526–606THz

Màu vàng: 508–526THz

Màu cam: 484–508THz

Màu đỏ: 400–484THz

Qua những số liệu này, có thể thấy rằng năng lượng ánh sáng đỏ là thấp nhất, sau đó từng cấp tăng lên, năng lượng ánh sáng tím là mạnh nhất. Bởi vì giữa các tầng thứ khác nhau cũng tồn tại một loại quan hệ đối ứng, cho nên tương ứng với lý thuyết tu luyện, công ở các tầng thứ khác nhau hiển hiện ra năng lượng của các màu sắc khác nhau, năng lượng này từ thấp đến cao thông thường cũng sẽ thể hiện theo thứ tự các màu đỏ, cam, vàng, lục, lục lam, lam, tím (tạm thời không bàn đến những mức cao hơn), mà năng lượng ở tầng cao mạnh hơn năng lượng ở tầng thấp.

Tình huống trên thiên thượng cũng tương tự như thế, vì vậy nhìn chung hành tinh màu cam so với hành tinh màu đỏ nhiệt độ cao hơn, nhiệt độ của hành tinh màu vàng lại cao hơn hành tinh màu cam… Đạo lý này cũng có thể thể hiện trong màu sắc của ngọn lửa, ví dụ, khi mới bắt đầu đốt lò sưởi, ngọn lửa thiên về màu đỏ bởi nhiệt độ khá thấp; khi ngọn lửa bùng cháy mạnh thì nhiệt độ tăng cao, ngọn lửa thường chuyển sang màu da cam; và thường khi ngọn lửa sắp tắt thì nhiệt độ lại bắt đầu giảm xuống, nhiệt lượng giảm bớt, vì vậy những tàn lửa nhỏ li ti sẽ chuyển trở lại màu đỏ.

Nhưng tại không gian này, khi nhiệt độ của ngọn lửa trong lò tăng dần lên, người ta thực sự không nhìn thấy ngọn lửa trọn vẹn 7 màu, các màu có thể quan sát được đại thể được chia thành mấy loại từ thấp đến cao gồm đỏ, cam, vàng, trắng, trắng xanh và lam. Trên bầu trời cũng như thế, cho đến nay những ngôi sao mà con người có thể quan trắc được cũng chỉ có mấy màu này.

Tình huống này cùng với các quy tắc vật lý của không gian này và các đặc điểm cảm quang của thị giác con người, rất nhiều nhân tố liên quan đến nhau, bàn chi tiết thì rất phức tạp, nhưng để độc giả dễ hiểu, người viết cố gắng tránh dùng tất cả các lý thuyết học thuật phức tạp, chỉ biểu đạt bằng cách nói đơn giản, phổ thông, dễ hiểu nhất. Mặc dù chỉ có thể hình dung được không hoàn toàn chính xác, nhưng có thể giúp hầu hết người đọc hiểu được ý nghĩa cơ bản.

Như đã nói ở trên, cùng với sự biến đổi của nhiệt độ, màu sắc của ánh sáng cũng phát sinh biến đổi. Một trong những người sáng lập cơ học lượng tử cận đại, nhà vật lý nổi tiếng người Đức Max Planck (1858 – 1947) cũng đã tiến hành nghiên cứu sâu về vấn đề này. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của ông, trên phạm vi đồ thị màu sắc mà mắt người có thể nhìn thấy, nhiệt độ màu sắc khác nhau mà chúng ta đang nói đến có thể được hiển thị trực quan thông qua một đường cong quỹ tích, giới học thuật gọi là “quỹ tích Planckian” (Planckian locus). Nói một cách đơn giản, nếu ngọn lửa trong lò liên tục nóng lên, tất cả màu sắc mà đường cong quỹ tích này quét qua, về cơ bản chính là sự thay đổi màu sắc thể hiện ra trong quá trình ngọn lửa nóng lên. Hiện tại, toàn bộ quang sắc của các hành tinh có nhiệt độ khác nhau mà con người có thể quan sát được cũng đều nằm trên đường cong này. Qua hình ảnh dưới đây, mọi người có thể hiểu rõ một cách trực quan.

Hình ảnh: Phần toàn bộ hình vẽ có màu sắc trong hình này được gọi là không gian màu, thuộc phạm vi dải màu mà mắt người có thể cảm nhận được, do Ủy ban Chiếu sáng Quốc tế (CIE) quy định năm 1931. Đường cong quỹ tích từ vùng màu đỏ đến vùng màu lam ở giữa bản đồ màu được gọi là “quỹ tích Planckian”, chữ số trên đường cong biểu thị nhiệt độ của nguồn bức xạ.

Chúng ta thấy rằng đường cong quỹ tích xuất phát từ phạm vi màu đỏ, dần dần đi qua các vùng màu đỏ, cam, vàng, cuối cùng đến vùng màu lam. Nhưng khi ở giữa dải màu lục, màu mà đường cong đi qua kỳ thực là một vùng rất sáng nằm bên cạnh nơi giao thoa mấy màu quang sắc, cảm giác màu sắc không rõ ràng. Cho nên ở độ sáng cực cao, màu sắc mà con người nhìn thấy trở thành một mảng sáng có xu hướng vô sắc, mọi người coi nó là màu trắng. Do đó, sau màu đỏ, cam, vàng thì màu mà chúng ta nhìn thấy không phải là màu lục.

Khi đường cong đạt tới ánh sáng màu lam, quỹ tích tránh vùng màu tím, điều này cũng tương ứng với việc con người chưa từng nhìn thấy các ngôi sao màu tím trong không gian vũ trụ hiện hữu, bởi vì về tổng thể thì từ màu đỏ đến màu lam chính là toàn bộ rồi, chứ không phải là đỏ lục hay đỏ tím. Theo nguyên lý tương tự, màu của lửa trong lò luyện ở không gian này cũng chuyển từ đỏ đến lam là kết thúc.

Hình ảnh: Biểu đồ Hertzsprung-Russell cho thấy độ sáng và màu sắc của các ngôi sao, chúng ta thấy rằng tổng thể màu sắc của các ngôi sao được chia thành mấy màu: đỏ, cam, vàng, trắng, trắng xanh và lam.

Xét từ góc độ này, bất luận là lửa trong lò hay sao trên trời, so sánh mà nói, năng lượng thiên về màu đỏ thì lạnh hơn, và năng lượng thiên về màu lam thì nóng hơn, cho nên khi nói về thái cực màu đỏ và xanh lam ở phần trước, có quan điểm cho rằng màu xanh lam thể hiện tính dương còn màu đỏ thể hiện tính âm, điều này trái ngược với nhận thức thông thường.

Những người hiểu biết về âm dương đều biết rằng âm dương kỳ thực không tương ứng với những sự vật cụ thể một cách máy móc và cố định. Ví dụ nhận thức cơ bản của mọi người về âm dương là trời dương đất âm; đồng thời nóng là dương, lạnh là âm. Chúng ta lấy ví dụ hai màu đỏ và lam: bầu trời cao màu lam kỳ thực nhiệt độ rất thấp và rất lạnh; còn nhiệt độ của dung nham màu đỏ dưới lòng đất rất cao và cực kỳ nóng. Vậy hai màu lam và đỏ ở đây thì màu nào thuộc âm và màu nào thuộc dương?

Những hiện tượng này cũng cho chúng ta biết rằng quang sắc từ đỏ đến lam trên tổng thể bao quát toàn bộ màu sắc của các ngôi sao nhìn thấy được trên bầu trời, tượng trưng cho cả vũ trụ; trong môi trường con người mà nhìn, màu lam của bầu trời bao la và màu đỏ của dung nham dưới lòng đất đại diện cho hai cực trên – dưới, tượng trưng cho thiên – địa, càn – khôn; từ góc độ tu luyện mà nói, hai màu đỏ và lam cũng khái quát được màu sắc của ngọn lửa từ lúc ban đầu đốt lò luyện đến khi công thành viên mãn, tượng trưng cho một quá trình tu luyện hoàn chỉnh.

Đương nhiên, đây đều là những màu sắc nhìn từ không gian bề mặt hiện hữu thông qua con mắt thịt, nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng; tại tầng thứ cao hơn còn có nội hàm cao thâm hơn, ở đây chúng tôi không luận bàn luận sâu.

Mỹ thuật truyền thống phương Tây cũng thuộc về văn hóa Thần truyền. Mỹ thuật phương Đông chú trọng biểu đạt cảnh giới và nội hàm tư tưởng, văn hóa; còn mỹ thuật phương Tây lại chú trọng kỹ pháp mỹ thuật, vì vậy cũng chú trọng việc nắm vững và phân tích chất liệu. Là một chất liệu trong mỹ thuật, “đan thanh” không những có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa phương Đông, nó còn có ý một nghĩa đặc biệt từ góc nhìn của văn hóa phương Tây.

Đầu tiên chúng ta hãy xem “đan thanh” cụ thể là gì. Ở Trung Quốc cổ đại, đan thanh dùng để chỉ hai loại khoáng vật là “đan sa” (còn gọi là chu sa) và “thanh hoạch” (khoáng vật màu lam), giới mỹ thuật thường cho rằng thành phần vật chất của nó là chu sa và azurite (khoáng đồng xanh) ngày nay. Nếu nhìn rộng hơn nữa, thành phần của chu sa là thủy ngân sulfua, chính là một hợp chất của lưu huỳnh và thủy ngân, và azurite là một muối cacbonat.

Đọc đến đây, những người hiểu rõ văn hóa tu luyện phương Tây có thể chú ý đến ba từ quan trọng là lưu huỳnh, thủy ngân và muối. Đúng vậy, trước đây con người không biết quá nhiều các nguyên tố hóa học hiện đại, khái niệm của chúng không hoàn toàn giống ngày nay, nhưng ba loại vật chất này có ý nghĩa đặc biệt trong nền văn hóa trước nền văn minh công nghiệp phương Tây, tương ứng với ba nhân tố lớn tạo nên con người. Chúng chiếm một vị trí nhỏ nhoi thấp kém trong một loạt các lĩnh vực văn hóa truyền thống như triết học tự nhiên, y học cổ truyền và thuật giả kim (còn có tên là: thuật luyện kim) trong lịch sử phương Tây.

Trước khi xuất hiện khoa học hiện đại, hầu hết người phương Tây đều cho rằng vạn vật đều có linh tính nhất định, nhiều ngành học cũng cho rằng có điểm chung giữa vật chất và con người, điều này có phần giống với tư tưởng thiên nhân hợp nhất của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, lưu huỳnh được coi là tương ứng với linh hồn con người đến từ cõi từ bi vì đặc trưng dương tính nóng và ấm của nó; thủy ngân ở nhiệt độ bình thường có thể lỏng như nước, từ xa xưa đã được coi là có tính âm, nó cũng tương ứng với tinh thần của con người vì nó có đặc tính dãn nở và có thể bay hơi; muối vốn là một chất thô ráp, nhưng lại có thể được tinh chế, vì vậy nó tương ứng với cơ thể con người, có thể thông qua tu luyện mà được tịnh hóa.

Có thể rất nhiều người không hiểu được giữa linh hồn và tinh thần có sự khác biệt ra sao. Khi chúng ta nói những từ này trong bối cảnh văn hóa của triết học tự nhiên, kỳ thực đây chỉ là một trong nhiều cách để phân biệt với ý thức. Ngoài ra cần nói rõ đây không phải là thuật giả kim, mặc dù sử dụng những từ ngữ tương tự nhau trong cùng một bối cảnh văn hóa, nhưng nó khác với lý thuyết thuật giả kim.

Ví dụ, bình thường người ta nghĩ gì trong đầu, thì đó là linh hồn (Anima) và tinh thần (Spiritus) cùng khởi tác dụng, vì vậy nhìn chung không cảm nhận được sự khác biệt giữa hai yếu tố này. Tuy nhiên một số báo cáo về trải nghiệm cận tử cho thấy sự khác nhau giữa chúng. Nhiều người được cứu sống lại sau một thời gian ngắn tử vong đều đã trải qua trạng thái này: Họ rất sợ hãi và thậm chí tinh thần rối loạn trong khoảng thời gian trước khi chết; nhưng vào khoảnh khắc của cái chết, họ lại trải nghiệm một cảm giác tích cực của sự thanh thản, giải thoát, thậm chí hưng phấn; và sau khi được cứu sống, họ đã khôi phục trở lại trạng thái tư duy của người bình thường, hoàn toàn khác với cách họ nghĩ khi chết. Vì vậy, tư tưởng lúc tử vong được coi là linh hồn thuần túy, thuộc về tư tưởng ở cao tầng, bất diệt, là bản chất của con người; Còn ý thức bình thường của con người là trạng thái thông thường khi linh hồn và tinh thần kết hợp với nhau, trong đó đã bao hàm tư duy cấu thành từ tế bào nhục thể con người tại tầng nông cạn.

Ba yếu tố này theo mối quan hệ đối ứng về mặt lý thuyết có thể tự do kết hợp lại, mà khi ba yếu tố này thống nhất với nhau thì cấu thành một con người hoàn chỉnh, cũng chính là khái niệm tam vị nhất thể của con người. Trong một số văn hóa tu luyện thời xưa của phương Tây đã có cách nói như vậy.

Từ góc độ này mà xét, đan thanh là sự kết hợp của lưu huỳnh, thủy ngân và muối, mà lưu huỳnh, thủy ngân và muối lại tương ứng với tam vị nhất thể linh hồn, tinh thần và cơ thể của con người. Nếu có thể tiếp tục thăng hoa lên trên, thì tam vị nhất thể của con người lại liên quan đến tam vị nhất thể của các sinh mệnh ở các tầng khác nhau, cho đến khi đạt đến cảnh giới của các vị Thần… Cho nên có thể nói văn hóa truyền thống rất huyền bí, bởi vì nó vốn chính là văn hóa Thần truyền, có thể kết nối thông suốt từ trên xuống dưới, viên dung với kết cấu của vũ trụ, là con đường đúng đắn chân chính để thông lên trời.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/270620