Thơ Lý Bạch và sự an bài của Thiên Thượng

Tác giả: Thanh Lăng

[ChanhKien.org]

Nhà Đường là một triều đại vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc, đó là thời kỳ hưng thịnh của lịch sử Trung Quốc, đã từng được vạn quốc đến chầu, tứ phương thần phục. Nhà Đường có khí thế khoáng đạt, khoan dung rất lớn, hầu hết các bậc quân vương đều sáng suốt, tướng sĩ dũng cảm, tự do tín ngưỡng, khoa học kỹ thuật phát triển, văn hóa phồn vinh. Đồng thời nhà Đường còn có “tam tuyệt”, đó là: thơ của Lý Bạch, nghệ thuật múa kiếm của Bùi Mân, thư pháp của Trương Húc, cho đến nay chưa có ai vượt qua được tam tuyệt này, họ đã đạt đến được đỉnh cao tột bậc.

Khi Lý Bạch 26 tuổi, ông đeo kiếm ngao du khắp nơi, gặp đạo sĩ Tư Mã Thừa Trinh, người có địa vị cao và được các hoàng đế của ba triều đại tiếp nhận. Ông nhận xét về Lý Bạch như sau: “Hữu tiên phong đạo cốt, khả dữ thần du bát cực chi biểu” (Lý Bạch là người tiên phong đạo cốt, đọc thơ văn ông dường như có thể xuyên việt thời không thần du khắp vũ trụ).

Hạ Tri Chương đã đọc bài thơ “Thục đạo nan” của Lý Bạch và trực tiếp gọi ông là một “Trích Tiên nhân”, tức là một ông Tiên bị giáng xuống trần gian. Khi gặp Lý Bạch, ông liền kéo Lý Bạch đi uống rượu, nhưng lượng bạc không đủ nên ông cởi đai lưng rùa vàng (để bán, cược… lấy tiền) đi uống rượu.

Khi Lý Bạch và Đỗ Phủ gặp nhau, Lý Bạch đã nổi tiếng khắp thiên hạ, lúc đó ai cũng biết ông là nhân vật số một trong nền thơ ca Đại Đường, còn Đỗ Phủ thì chưa có tiếng tăm gì nhiều. Nhưng Lý Bạch không hề coi thường ông, hai người quý mến nhau và tôn sùng nhau. Đỗ Phủ có câu thơ: “Bạch thi dã vô địch, Phiêu nhiên tứ bất quần” (Tạm dịch nghĩa: Thơ Lý Bạch không có ai là địch thủ, Tứ thơ phơi phới nhẹ nhàng không ai bằng được); “Bút lạc kinh phong vũ, Thi thành khấp quỷ thần” (Tạm dịch nghĩa: Nét bút hạ xuống khiến gió mưa kinh sợ, Thơ thành làm quỷ thần cũng khóc). Những vần thơ đó đã dành cho Lý Bạch sự ca ngợi tột cùng.

Hàn Dũ – người đứng đầu Bát đại gia của Đường Tống, cũng đánh giá cao về ông: “Lý Đỗ văn chương tại, Quang diệm vạn trượng trường” (Tạm dịch nghĩa: Văn chương của Lý Bạch – Đỗ Phủ còn hiện diện, thì như ngọn lửa sáng cao vạn trượng). Quả là không ai sánh nổi.

Lý Bạch đã giao du khắp thiên hạ, sáng tác rất nhiều thơ, kết bạn với rất nhiều người, trên đến vương hầu quan tướng, dưới đến văn nhân bình thường; vừa cao ngạo lại vừa khiêm tốn. Như ông đã thể hiện: “Khí ngạn dao lăng hào sĩ tiền, Phong lưu khẳng lạc tha nhân hậu” (Tạm dịch nghĩa: Khí phách vượt trên bao hào kiệt, phong lưu chẳng rớt lại phía sau); “Xuất tắc dĩ bình giao tướng hầu, Độn tắc dĩ phủ thị Sào Hứa” (Tạm dịch nghĩa: Ra ngoài sánh với vương hầu, Lui về thì nhìn bao quát các danh sĩ ẩn dật); “An năng tồi mi chiết yêu sự quyền quý, Sử ngã bất đắc khai tâm nhan” (Tạm dịch nghĩa: Sao lại cúi đầu khom lưng thờ quyền quý, Khiến ta không nở được mặt mày!).

Khi ông đến du ngoạn ở lầu Hoàng Hạc, nhìn thấy bài thơ “Du Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu, ông đã hết lời ca ngợi: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Tạm dịch nghĩa: Trước mắt thấy cảnh không tả được, vì Thôi Hiệu đã đề thơ ở trên đầu). Ông là người khiêm nhường và không buông thả, họ tôn sùng ngưỡng mộ lẫn nhau.

Ông đã du hành đến núi Cửu Hoa và viết: “Diệu hữu phân nhị khí, Linh sơn khai Cửu Hoa” (Tạm dịch nghĩa: Diệu hữu phân trời đất, Linh sơn nở chín hoa). Chính vì câu thơ này mà tên của ngọn núi Cửu Tử đã được đổi thành núi Cửu Hoa, trở thành một ngọn núi nổi tiếng thiên hạ, trở thành đạo tràng của Phật gia.

Khi ông bất đắc chí, lúc ở Trì Châu, tỉnh An Huy ông đã viết một loạt bài “Thu Phố ca”.

Thu Phố viên dạ sầu,

Hoàng Sơn kham bạch đầu.

Thanh Khê phi Lục Thủy,

Phiên tác đoạn trường lưu.

Dục khứ bất đắc khứ,

Bạc du thành cửu du.

Hà niên thị quy nhật,

Vũ lệ hạ cô chu.

Tạm dịch nghĩa:

Vượn đêm kêu ai oán trên sông Thu Phố,

Ngay cả núi Hoàng Sơn ở gần đó cũng buồn đến bạc đầu.

Mặc dù Thanh Khê không phải là Lũng Thủy,

Nhưng nó cũng phát ra tiếng thê lương như Lũng Thủy.

Muốn rời khỏi nơi đây nhưng vì có nguyên cớ mà không đi được,

Vốn định đến thăm nơi này tạm thời.

Nhưng đã ở lại đây trong thời gian dài,

Tháng nào năm nào mới có thể về quê đây?

Nghĩ đến đây bỗng dưng lệ tuôn như mưa trên con thuyền cô độc.

(Các độc giả có thể tham khảo các bản dịch khác tại đây:)

Lý Bạch đã dùng những bài thơ của mình để bày tỏ lý tưởng không thể thực hiện được, chế giễu những kẻ quyền quý đương triều, nhưng đều không bị triều đình đương thời trừng phạt hay tấn công, cả đời ông trước sau luôn được tự do.

Lý Bạch tâm luôn nghĩ về thiên hạ, tâm muốn làm quan vô cùng mãnh liệt, ông từng học theo khí phách của Trang Tử, hy vọng thi triển những kế hoạch to lớn, ông viết: “Đại bàng nhất nhật đồng phong khởi, Phù dao trực thượng cửu vạn lý” (Dịch nghĩa: Một ngày nào đó, đại bàng sẽ bay theo gió mát và cùng gió bay thẳng lên chín tầng mây). Cuối cùng khi có cơ hội làm quan, ông đã cực kỳ vui sướng nên đã viết: “Ngưỡng diện đại tiếu xuất môn khứ, Ngã bối khỉ thị bồng khao nhân” (Dịch nghĩa: Ngửa mặt lên trời cười lớn đi ra ngoài, Chúng ta đâu phải kẻ tầm thường!).

Sau khi “loạn An Sử” xảy ra, Lý Bạch quá khát khao tạo dựng sự nghiệp, nên ông đã viết: “Nam phong nhất tảo Hồ trần tĩnh, Tây nhập Trường An đáo nhật biên” (Dịch nghĩa: Gió nam thổi sạch bụi bặm giặc Hồ, Vào Trường An ở phía Tây, đến bên cạnh đức vua). Vì quá khát khao được làm quan, ông đã đầu quân cho Lý Lăng nên bị liên lụy phải vào tù. Theo luật lúc bấy giờ là bị xử trảm, nhưng Đại Đường đã bao dung ông, chỉ bị lưu đày đến Dạ Lang. Trên đường lưu đày, ông đã rất đau buồn và viết: “Dạ Lang vạn lý đạo, Tây thượng linh nhân lão” (Dịch nghĩa: Dạ Lang cách xa hàng ngàn dặm, Đi về phía Tây khiến người ta già đi). Trên đường đi đến Dạ Lang, đã xảy ra một trận hạn hán lớn, Hoàng đế xét lại mình có phải có án oan không, thế là đặc xá cho Lý Bạch, không bị đi đày nữa. Trên đường trở về, tâm trạng ông vui vẻ, từ đại bi đến đại hỷ, ông viết một cách say sưa và lãng mạn: “Triêu từ Bạch Đế thái vân gian, Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn” (Dịch nghĩa: Buổi sáng từ biệt thành Bạch Đế, ở trong làn mây ngũ sắc, chỉ trong một ngày vượt ngàn dặm về tới Giang Lăng).

Trong những năm cuối đời, cuộc sống của Lý Bạch vẫn không khởi sắc lên được, ông rơi vào cảnh khốn khổ thê lương. Trong đau khổ ông đã viết “Lâm chung ca”:

Đại bằng phi hề chấn bát duệ,

Trung thiên tồi hề lực bất tế.

Dư phong kích hề vạn thế,

Du Phù Tang hề quải tả duệ.

Hậu nhân đắc chi truyền thử,

Trọng Ni vong hề thùy vi xuất thế!

Tạm dịch nghĩa:

Đại bàng cất cánh bay chừ,

Tám hướng trời rung chuyển,

Đến giữa trời chừ gẫy cánh sức không bay được.

Phong cách của nó chừ làm cho vạn đời sau cảm kích,

Tới cây phù tang chừ, treo cánh phải.

Người đời sau lưu truyền bài thơ này,

Trọng Ni đã mất chừ, ai sẽ khóc?

Dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng trong thơ vẫn thể hiện chí khí hiên ngang, tràn đầy hăng hái, khi đọc lên vẫn thấy hào khí mênh mông, không mất đi tự do và khí phách hào hùng ở trong tâm.

Nhìn vào cuộc đời của Lý Bạch, có thể thấy sự an bài của Thiên Thượng là để tạo ra một nhà thơ lãng mạn vĩ đại và khai sáng ra thời kỳ hưng thịnh của thi ca. Trải qua nhiều trắc trở, sống trong cuộc đời lang bạt kỳ hồ mới có thể đạt được tài năng thơ ca phi phàm, thơ ca có thể đạt đến cực điểm. Nếu sống một cuộc sống bình lặng, hỗn tạp quan trường sẽ không thể đạt đến đỉnh cao của thơ ca. Dù cảnh ngộ có thế nào đi nữa, sự an bài của Thiên Thượng là tốt nhất.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/276312