Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc: Tần Thủy Hoàng (7): Chân tướng sự kiện “Đốt sách chôn Nho”

Tổ nghiên cứu nhân vật anh hùng thiên cổ của văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm (Epochtimes)

12. Đốt những sách tạp loại của bách gia chư tử, chôn các loại Nho thuật lừa người dối đời

Hậu thế có rất nhiều người hễ nói đến Tần Thủy Hoàng liền nghĩ đến việc “Đốt sách chôn Nho”, đồng thời coi đó là chứng cứ buộc tội Tần Thủy Hoàng tàn bạo hủy hoại văn hóa lịch sử, mà không biết được ngọn nguồn của sự kiện lịch sử này. Để có góc nhìn đúng đắn, trả lại diện mạo chân thực cho lịch sử, phần này sẽ thuật rõ chi tiết sự thật lịch sử “Đốt sách chôn Nho”, cũng như đưa ra nguyên do và ý nghĩa của sự việc này.

“Đốt sách chôn Nho” là hai biện pháp quan trọng mà Tần Thủy Hoàng thực thi sau khi diệt sáu nước nhằm thống nhất tư tưởng, bảo vệ văn hóa chính thống Thần truyền, bảo vệ tu luyện chính Đạo. Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, Thần an bài Đạo và Nho bước đầu được truyền ra. Do lý tương sinh tương khắc, lẽ tất nhiên sẽ xuất hiện cục diện vàng thau lẫn lộn, chính tà cùng truyền. Ở thế gian, đây chính là thời mà hậu thế gọi là “bách gia chư tử”. Lúc đó chư hầu phân tranh, chiến loạn liên miên, văn hóa tư tưởng phát triển chưa từng có, các loại trào lưu tư tưởng, đoàn thể học thuật tới tấp ra đời. Chỉ riêng các phái học thuyết mà nói, đã có cái gọi là “Cửu lưu thập gia”. Trong đó có những người do Thần phái xuống để khai mở văn hóa, làm phong phú nội hàm tư tưởng nhân loại; nhưng cũng người lại cực lực phá hoại văn hóa Thần truyền chốn nhân gian, khiến tốt xấu lẫn lộn, thật giả khó lường.

Tần Thủy Hoàng tuy dùng vũ lực chinh phục sáu nước, nhưng vì lòng nhân từ nên ông đã không đuổi tận giết sạch, bởi thế trong sáu nước vẫn có người mưu đồ khôi phục lại thế lực đã mất. Họ lợi dụng can nhiễu về tư tưởng, văn hóa để lừa dối, phỉ báng nền chính trị mới, can nhiễu chính Đạo, ôm mộng khôi phục lại chư hầu sáu nước. Đó thực sự là những thách thức nghiêm trọng mà Tần Thủy Hoàng phải đối mặt. Bởi vậy, bảo vệ văn hóa chính thống và thống nhất quy phạm văn hóa cho dân chúng sáu nước là xu thế tất yếu.

Trong tám năm, kể từ năm Tần Thủy Hoàng thứ 26 (tức 211 TCN) bắt đầu kiến lập chính quyền thống nhất đến năm Tần Thủy Hoàng thứ 34 (tức 213 TCN) khi Hoàng đế thực thi cái gọi là đốt sách, Tần Thủy Hoàng đã thu thập từ cung đình và dân gian sáu nước một lượng văn hiến cổ điển rất lớn. Đồng thời, Thủy Hoàng cũng tuyển chọn hơn 70 vị học giả, trao cho chức quan Bác sĩ. Ông lại triệu tập hơn 2000 học sinh đặt dưới các quan Bác sĩ, gọi là Chư sinh. Những người này có nhiệm vụ thanh lý, đánh giá các văn hóa cổ điển, bỏ cái ngụy, giữ cái chân, bảo vệ văn hóa chính thống.

Tần Thủy Hoàng nói: “Ta trước đây thu thập sách thiên hạ, cái gì không được sử dụng thì bỏ hết đi, tận lực mời rất nhiều kẻ sĩ văn học thuật phương, muốn để chấn hưng nền thái bình”. Tần Thủy Hoàng đặc biệt lễ độ đối đãi các quan Bác sĩ, “Hoàng đế ban cho lễ rất hậu” (Theo Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ).

Tần Thủy Hoàng năm thứ 34 (năm 213 TCN), trong một lần yến tiệc ở cung Hàm Dương, quan Bác sĩ Thuần Vu Việt đề xuất phế bỏ quận huyện, lập lại phân phong, cho rằng “việc không học người xưa mà có thể lâu dài, chưa từng nghe vậy”. Đây chính là muốn Tần Thủy Hoàng khôi phục lại cái xưa kia của sáu nước, mượn xưa để chế giễu nay, phỉ báng nền chính trị mới.

Tần Thủy Hoàng cho quần thần thương nghị, Thừa tướng Lý Tư cho rằng đó là nói năng sai lầm, từ ngữ vụng về, dâng thư lên Hoàng đế rằng: “Xưa thiên hạ phân tán hỗn loạn, không ai có thể thống nhất, vì thế các chư hầu mới thôn tính lẫn nhau, những lời nói ra đều là đạo pháp cổ đại, phê bình đương thời, giả vờ khiêm tốn nhiễu loạn danh thực, mỗi một người đều tán thưởng học vấn đã học được, không nghị luận chính lệnh triều đình ban bố. Như nay Hoàng đế thống nhất thiên hạ, phân biệt rõ trắng đen mà định ra ngôi chí tôn duy nhất. Nhưng kẻ đọc sách vẫn theo lệ cũ tư học, đám đông tụ tập không nghị luận pháp lệnh của triều đình, vừa nghe thấy lệnh ban ra, liền dựa vào những thứ bản thân học được mà phê bình chính triều một phen, khi vào triều thì trong lòng phản đối, khi thoái triều thì lại nghị luận như mưa trong ngõ xóm. Bọn họ dùng những lời khoa trương hòng át đi đức tính khiêm tốn tốt đẹp của Hoàng đế, làm ra những hành động kỳ quái lại lừa gạt bằng thanh danh cao, dẫn dắt đại thần và bách tính ở dưới nói điều nhạo báng. Nếu những việc như thế không cấm được, thì quyền uy của Hoàng đế sẽ bị hạ thấp, nơi triều đình sẽ hình thành bè đảng. Vì thế, nên ngăn cấm họ. Thần thỉnh cầu Hoàng thượng hạ lệnh cho sử quan, cho đốt tất cả các điển tịch không phải do Tần triều biên soạn. Trừ khi do các quan Bác sĩ nắm giữ, còn lại những sách Kinh Thi, Kinh Thư và các điển tịch bách gia chư tử do tư nhân thu giữ nhất loạt đều phải giao cho quan địa phương đốt sạch. Kẻ nào dám tụ tập đàm luận “Thi”, “Thư” đều xử chết tại chợ. Kẻ nào lấy cổ mà nhạo báng đương thế thì tru diệt toàn tộc. Quan lại biết mà không xử thì xử cùng tội. Mệnh lệnh ban ra 30 ngày mà vẫn không đốt, thì thích chữ lên mặt, xung quân chốn biên cương, xây dựng Trường Thành. Những sách không phải đốt là những sách y dược, bốc phệ, trồng trọt. Nếu ai muốn học pháp lệnh văn tự, phải tới quan phủ, học theo quan lại” (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ). Tần Thủy Hoàng đã tiếp thu kiến nghị này.

Từ bức thư Lý Tư dâng lên có thể thấy, lúc đó tất cả các thư tịch ở nước Tần, bao gồm cả những thư tịch có lệnh thông báo rõ phải tiêu hủy, thì ở trong triều đình vẫn giữ những bộ sách hoàn chỉnh. Chu Hy đời Tống cũng nói: “Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, chỉ là lệnh cho người trong thiên hạ đốt, triều đình ông vẫn lưu trữ. Như đã nói “Không phải thư tịch nước Tần biên soạn và các thư tịch mà các quan Bác sĩ giữ thì tất cả đều phải đốt sạch”, thế thì những thư tịch như lục kinh, ông vẫn lưu giữ như xưa, nhưng người trong thiên hạ thì không có. Nếu như có ai muốn tra tìm, nghiên cứu, học tập, ở chỗ các quan lại và các quan Bác sĩ đều có giữ những bộ hoàn chỉnh”.

Những thư tịch bị đốt thuộc vào hai trường hợp: hoặc là sử ký các nước trước khi thống nhất hoặc là các sách “Thi”, “Thư” và điển tịch của bách gia chư tử mà tư nhân lưu giữ. Về sử sách nước Tần, thư tịch các quan Bác sĩ lưu giữ và các sách bách tính lưu giữ về y dược, chiêm tinh toán quẻ, trồng trọt, nghệ thuật, thì không nằm trong danh sách đốt này. Các sách bị cấm trong vòng 30 ngày phải giao nộp cho quan phủ sở tại thiêu hủy. Về việc này còn đặt ra một loạt các pháp luật, như: kẻ nào dám tụ tập đàm luận “Thi”, “Thư” đều xử chết tại chợ; kẻ nào lấy cổ mà nhạo báng đương thế thì tru diệt toàn tộc; quan lại biết mà không xử thì xử cùng tội; mệnh lệnh ban ra 30 ngày mà vẫn không đốt, thì thích chữ lên mặt, xung quân chốn biên cương, xây dựng Trường Thành…

Vũ đài Trung Hoa là một triều Thiên tử, một triều văn hóa, một triều chúng sinh. Tần Thủy Hoàng xây dựng hoàng triều Đại Tần, thay Trời, đổi Đất, thì tất nhiên sẽ mang đến văn hóa hoàn toàn mới.

Mà những thứ tạp loại trong “bách gia chư tử” lại bị một số phương sĩ, thuật sĩ và các cựu thần, quý tộc sáu nước có dụng ý riêng sử dụng làm công cụ nhằm khôi phục sáu nước, nhiễu loạn nền chính trị mới, can nhiễu chính niệm của con người. Tần Thủy Hoàng chính là thiêu hủy tạp loại của bách gia chư tử, bảo hộ văn hóa chính thống.

Một năm sau khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, lại phát sinh sự việc mà hậu thế gọi là “chôn Nho”. Hai sự kiện này, nhìn như khác nhau, nhưng lại có liên hệ với nhau, vẫn cần phải quy kết cho những người gọi là “Nho sinh” lúc đó. Các “thuật sĩ, phương sĩ, hủ Nho” không chỉ còn là tuyên truyền một loại tư tưởng nữa, những điều họ làm là đòi hỏi quyền lực, nhằm khôi phục lại thế lực của các nước cũ của mình. Họ “khi vào triều thì trong lòng phản đối, khi thoái triều thì lại nghị luận như mưa trong ngõ xóm”, đã là có tội nhưng vẫn chưa có chuyện chôn giết. Có thể thấy Tần Thủy Hoàng lúc đó chỉ là cấm ngôn luận mà chưa áp dụng hình phạt. Mãi cho đến khi những thuật sĩ, phương sĩ và hủ Nho này bị phát hiện dùng phương thuật lừa bịp, phỉ báng nền chính trị, mới làm cho Tần Thủy Hoàng nổi giận, đem 467 tên “thuật sĩ, phương sĩ và hủ Nho” chôn tại Hàm Dương.

Sự kiện khởi nguồn từ hai tên phương sĩ sợ tội chạy lưu vong. Tần Thủy Hoàng bản thân vốn tu luyện, dưỡng sinh, cho nên đối với phương thuật và thuật sĩ thì đều rất tôn trọng, thường cùng với họ thảo luận về đạo lý Thần Tiên, Chân Nhân, tu luyện trường sinh. Một số phương sĩ, thuật sĩ như Hầu Sinh, Lô Sinh lấy danh nghĩa Tần Thủy Hoàng thái dược luyện đan, tìm phép Tiên, đã phung phí tiền tài, nhiều lần lừa dối. Tần Thủy Hoàng quy định: “Không đắc được phương pháp, không linh nghiệm, thì phải chết”. Hầu Sinh, Lô Sinh thấy thuật lừa bịp bị bại lộ, bí mật sửa soạn bỏ chạy lưu vong. Trước khi bỏ trốn, trong Sử ký có chép, bọn Hầu Sinh, Lô Sinh đã phỉ báng Tần Thủy Hoàng như sau: “Thủy Hoàng là người chuyên dùng bọn quan ngục, bọn quan ngục được ân sủng. Quan Bác sĩ tuy có 70 người, chỉ là cho có mà thôi”, “Hoàng thượng thích dùng hình và giết chóc để tạo uy”. Đây đều là những lời phỉ báng, nhục mạ Tần Thủy Hoàng.

Tần Thủy Hoàng biết chuyện nổi giận: “Ta đối với đám Lô Sinh vô cùng tôn kính, ban thưởng hậu hĩnh, nay lại dám phỉ báng ta, vu cáo ta không có đức. Phương sĩ ở Hàm Dương rất nhiều, ta cho người đi tra xét, xem có kẻ nào dùng lời gian xảo mê hoặc làm loạn dân đen”. Thế là sai ngự sử xét hỏi các phương sĩ này, họ tố giác lẫn nhau, đích thân Thủy Hoàng phán quyết 460 người phạm pháp, tất cả đều bị chôn ở Hàm Dương, để cho thiên hạ đều biết, để răn đe người sau” (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ).

Tu luyện quy chân là mục đích của đời người, dùng phương thuật lừa người, khiến cho con người mất niềm tin vào tu luyện trở về Trời là gây hại độc ác nhất đối với con người, Thiên lý không tha. Tần Thủy Hoàng nghiêm khắc trừng trị bọn thuật sĩ, hủ Nho dùng phương thuật lừa bịp người là “để răn đe người sau” nhắc nhở họ chớ phạm phải cái sai này, cũng là việc làm bảo hộ cái gốc gác của con người.

Người đời sau luôn luôn ghép sự kiện này cùng với “đốt sách”, gọi là “Đốt sách chôn Nho”. Tra cứu cội nguồn, “chôn Nho” chính là một lần thanh trừ bọn thuật sĩ, phương sĩ, hủ Nho lừa người, lừa tiền của, làm loạn nền chính trị mới: “Chôn Nho sĩ, khởi nguồn từ việc các chư sinh xảo ngôn mê hoặc nhân dân”. Tần Thủy Hoàng “Đốt sách chôn Nho” đã thanh lý tạp loạn văn hóa tư tưởng do bách gia làm rối loạn gây ra, thanh trừ hủ Nho và thuật sĩ lừa đảo bịp bợm, khiến cho nền văn hóa chính thống được lưu truyền cho hậu thế mãi không đứt đoạn, công lao vĩ đại ấy không thể xóa nhòa.

Thần sáng tạo ra nhân loại, rồi Thần lại hạ thế giảng Đạo, truyền Pháp, độ nhân, truyền cấp cho nhân loại các loại văn hóa như quân sự, binh pháp, âm nhạc, y học, nghệ thuật, các loại kỹ thuật, công nghệ… thì Thần tất cũng sẽ an bài phương cách bảo hộ nền văn hóa ấy như thế nào. Không chỉ Tần Thủy Hoàng quyết đoán thanh lý rác rưởi, mà các minh quân, hiền vương các đời sau cũng đều như thế. Đây là tính tất yếu của lịch sử.

13. Hoàn thành sứ mệnh, rút khỏi vũ đài

Thống nhất thiên hạ, vì chính Đạo chốn nhân gian đã quét sạch chướng ngại, đặt định ra đại nghiệp nghìn năm, Tần Thủy Hoàng hoàn thành sứ mệnh của triều đại mình, tới đây đã đến lúc viên mãn và thoái xuất ra khỏi vũ đài lịch sử. Văn hóa Thần truyền Trung Hoa đang chờ được mở ra một chương mới, xác lập địa vị chính thống ngoại Nho nội Đạo, một đời chúng sinh Thiên quốc đang chờ đợi xuống mảnh đất Thần Châu kết duyên, diễn dịch một triều văn hóa mới.

Trong dân gian đã có câu dự ngôn từ rất sớm rằng: “Năm thứ 36, xuất hiện Huỳnh Hoặc thủ tâm. Có sao rơi xuống Đông Quận, khi rơi xuống đất thành đá, người dân nhìn thấy trên đó khắc rằng: Thủy Hoàng Đế tử nhi địa phân” (tức là Thủy Hoàng băng, ắt có chiến tranh) (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ).

Tần Thủy Hoàng quy Tiên tháng 7 năm thứ 38 (tức năm 209 TCN) trong lần đi tuần du phía Đông thứ năm. Chỉ ba năm sau đó, triều Tần kết thúc. Sau đó, phong vân lại nổi lên, chiến hỏa lại bùng cháy, Sở Hán tương tranh, quần hùng nổi dậy, vở kịch lịch sử lớn tiếp theo mở ra bằng màn binh Thánh Trung Hoa là Hàn Tín nghênh chiến Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ anh dũng vô song.

Tần Thủy Hoàng với thế gió cuốn mây tàn, đã kết thúc 500 năm chiến tranh thời Xuân Thu – Chiến Quốc, nhất thống Trung Hoa. Giai đoạn lịch sử này, nhìn bề ngoài là đan xen phức tạp, rối loạn, nhưng kỳ thực đều là sự an bài vô cùng tỉ mỉ, có trật tự của Thần.

Thần cũng lợi dụng giai đoạn lịch sử này dạy bảo thế nhân chủ trì chính nghĩa, kính Trời tôn Đạo, xử lý phân tranh như thế nào; đồng thời dạy bảo con người rằng: Thiên ý không thể trái được. Thiên hạ thống nhất là Thiên ý, kẻ mưu đồ cản trở, phá hoại an bài của Thần ắt sẽ thất bại, ắt chịu trừng phạt. Tu thân quy chân là văn hóa, cũng là hy vọng mà Thần cấp cho con người, kẻ mưu đồ hủy hoại hy vọng này, ắt sẽ bị trừng phạt.

Tần Thủy Hoàng thuận theo Thiên thời, ứng với Địa lợi, phù hợp với nhân hòa, trong thời gian ngắn trị trăm mối loạn, vì nghìn năm Hoa Hạ bảo vệ chính Đạo, củng cố nền móng, là đệ nhất thiên cổ Hoàng đế hùng tài đại lược, gan dạ phi phàm. Ông nhân từ khoan dung, thành thật đối đãi người vượt xa các đế vương thông thường.

Tần Thủy Hoàng diệt sáu nước, thay đổi thể chế, xây cung điện lăng tẩm, đắp Trường Thành, làm đường giao thông thủy, tuy hợp với Thiên ý, lợi cho văn hóa, tạo phúc vạn đời, nhưng không tránh khỏi đụng chạm đến lợi ích của rất nhiều người đời. Bởi vậy, tự nhiên sẽ có người vì nỗi hận mất nước, hoặc vì cái oán tư lợi đã lợi dụng tất cả các lý do mà bóp méo sự thật, thậm chí thêu dệt ra câu chuyện, viết sách phỉ báng, bôi nhọ, chửi rủa ông. Hậu thế có một số người, hoặc do không rõ chân tướng, hoặc muốn mượn thời xưa châm biếm thời nay, luôn luôn lặp lại các ngôn từ bóp méo, phỉ báng này. Dần dà, Tần Thủy Hoàng trong mắt hậu thế đã trở thành danh từ thay cho “bạo quân”, “Đốt sách chôn Nho” cũng trở thành danh từ thay cho “hủy hoại lịch sử, văn hóa”. Thực ra đó đều không phải là lịch sử chân thực.

Lời kết: Đệ nhất thiên cổ Hoàng đế, tượng đài cho muôn đời sau

Người đời xem lịch sử thường bỏ qua một sự thật căn bản là: Lịch sử do Sáng Thế Chủ và chúng Thần ở các tầng thứ khác nhau an bài, mà không phải nhân loại sáng tạo ra. Thành bại hưng suy, thảy đều có nhân duyên.

Tần Thủy Hoàng ứng vận mà sinh, nhất thống thiên hạ, đem chúng sinh một thiên triều đến kết duyên với xứ Thần Châu, đồng thời đã thanh lý hoàn cảnh, đặt định cơ sở để hồng truyền chính Đạo chốn nhân gian.

Tần Thủy Hoàng trong thời gian ngắn trị trăm mối loạn, kết thúc mấy trăm năm chiến loạn, “binh chinh thiên hạ, vương giả trị quốc”, lập nên Đại Tần nhất thống giang sơn, sáng lập ra “Hoàng quyền” đầu tiên ở Thần Châu. Tần Thủy Hoàng sau khi nhất thống thiên hạ, ngựa không thả ở Nam Sơn, binh khí không nhập kho, mà tiếp tục Nam chinh Bắc phạt, thu dung Bách Việt, mở mang cương thổ, ngăn chặn Hung Nô, xây dựng Trường Thành, bảo hộ và hoằng dương văn hóa Thần truyền Trung Hoa; lại phế bỏ chế độ phân phong, đặt ra các quận huyện, xây dựng nền tảng cho các hoàng triều trăm đời; thực hiện chuẩn mực đạo đức phép tắc chung, chữ viết chung, dựng xây thể chế văn hóa nghìn năm. Lấy quan lại làm thầy, lấy pháp luật giáo hóa dân chúng, chỉnh sửa phong tục tập quán của dân, giáo hóa chúng sinh. Phong Thiện kính Trời, bản thân dốc sức thực hiện, hồng dương tu luyện. Đốt hết rác rưởi của bách gia chư tử, chôn bọn thuật sĩ lừa người dối đời, phục hưng xây dựng sơn hà từ đống đổ nát thời Xuân Thu, gây dựng bách nghiệp, thu xếp chỉnh đốn chỉnh tề.

Tần Thủy Hoàng hùng tài đại lược, đã sáng lập ra vô số cái nhất trong lịch sử, đã dựng lên vô số bia đá. Quả thực rất xứng với danh hiệu “Đệ nhất thiên cổ Hoàng đế”.

Nhân đức cũng thế, mà tàn bạo cũng thế, chuyện Thủy Hoàng Đế quét sạch sáu nước với khí thế gió thổi mây tàn đã chấn động xưa nay. Thành cũng vậy, mà bại cũng vậy, Thủy Hoàng Đế xuống biển cầu Tiên, tìm phép trường sinh cũng đã lưu truyền kim cổ. Tự cổ bao nhiêu chuyện, đều trong sự an bài!

(Hết toàn văn)

Các sách tham khảo chủ yếu:

Đạo đức kinh, Lý Nhĩ, thời Xuân Thu

Tả truyện, Tả Khâu Minh, thời Xuân Thu

Sử ký – Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ, Tư Mã Thiên, thời Hán

Tân liệt quốc chí, Phùng Mộng Long, thời Minh

Đông chu liệt quốc chí, Sái Nguyên Phóng, thời Thanh

Sử ký – Phong Thiện thư, Tư Mã Thiên, thời Hán

Hậu Hán thư – Ban bưu truyện, Phạm Diệp, thời Nam triều

Thi – Tiểu Nhã – Bắc Sơn, không rõ tác giả, thời Tiên Tần

Thập di ký, Vương Gia, thời Tấn

Liệt tiên truyện, Lưu Hướng, thời Hán

Cao sĩ truyện, Hoàng Phủ Mật, thời Tấn

Vinh thành huyện chí, Lý Thiên Chất, thời Thanh

Tam tề lược ký, Phục Sâm, thời Tấn