Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc – Tần Thủy Hoàng (6): Tu hành, hoằng dương tu luyện

Tổ nghiên cứu nhân vật anh hùng thiên cổ của văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm

11. Dốc sức tu hành, hoằng dương tu luyện

Thời thượng cổ là thời mà nhân Thần đồng tại, thần tích thường hiển hiện. Ở thời đó, chuyện con người tín Thần, tu luyện, đắc Đạo thành Tiên không phải là việc hiếm thấy; trong các danh sơn đại xuyên có cả những người tu luyện đắc Đạo sống lâu mấy nghìn tuổi. Các bậc thánh hoàng cổ đại như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Hoàng Đế, họ ngoài việc là bậc quân chủ trị vì thiên hạ, thì việc gặp Tiên hỏi Đạo, tu thân dưỡng tính đối với họ cũng được coi là việc tự nhiên. Khi sứ mệnh của họ ở chốn nhân gian kết thúc, thì cũng là lúc họ tu luyện thành công, viên mãn phi thăng, những trường hợp như vậy cũng không phải là ít.

Người đời sau, trong bối cảnh lễ băng nhạc hoại, đạo đức tụt dốc, con người ngày càng rời xa Thần linh, Thần cũng ngày càng không hiển thị thần tích với người đời. Tu luyện thành Tiên dần dần trở thành việc “bí mật” của người tu luyện xuất thế, thậm chí dần dần bị người đời cho là “thần thoại”, dường như là việc không thể.

Nhưng Sáng Thế Chủ không vứt bỏ con dân của Ngài, vì vậy đã không ngừng phái các sứ giả đến để thức tỉnh con người rằng: tu luyện đề cao, trở lại thiên đường là mục đích chân chính của đời người và là nơi trở về tốt nhất. Văn hóa tu luyện tu thân dưỡng tính, phản bổn quy chân, đó là một bộ phận đáng trân quý, đáng giữ gìn nhất trong văn hóa Thần truyền Trung Hoa.

Pháp môn tu luyện Đạo gia đa phần là mật truyền và đơn truyền, không hiển lộ cho người ngoài. Tu luyện là việc cá nhân của người tu luyện, người không tu luyện sao có thể biết được thần diệu trong đó? Rất nhiều người viết sử không hiểu tu luyện, họ dùng quan niệm hẹp hòi của mình lọc bỏ các sự thật lịch sử, khiến cho rất nhiều thần tích tu luyện chân thực không được ghi chép và lưu truyền lại trong sử sách. Rất nhiều sử sách cho rằng Tần Thủy Hoàng giao tiếp, đàm đạo với các Thần Tiên là không có căn cứ, cho rằng Tần Thủy Hoàng dốc sức tu hành, truyền bá rộng rãi tu luyện, phản bổn quy chân, tu Đạo thành Tiên là tham sống sợ chết, chỉ mong tìm thuốc trường sinh bất lão. Họ đã dẫn ra một loạt các kết luận hoang đường, gây hiểu nhầm cho người đời sau.

Thực ra, Tần Thủy Hoàng mỗi lần tuần hành phía Đông đều để lại rất nhiều truyền thuyết thần tích.

Tần Thủy Hoàng đối đãi với người tu luyện rất trọng thị, thường cùng họ thảo luận về đạo lý tu luyện, Thần Tiên, Chân Nhân và trường sinh. Thủy Hoàng đã từng nói: “Ta ngưỡng mộ Chân Nhân, sẽ tự xưng “Chân Nhân” không xưng là “Trẫm”” (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ). Ông không chỉ tự mình chuyên tâm tu luyện, dốc sức tu hành, mà còn dốc sức hoằng dương tu luyện, truyền bá chính đạo. Không chỉ đề xướng nơi dân gian, cung đình vùng đất Hoa Hạ, ông còn nhiều lần phái người vượt biển hoằng dương.

Trong Thập di ký của Vương Gia đời Đông Tấn có chép chuyện Tần Thủy Hoàng gặp dị nhân Uyển Cừ: “Có người dân Uyển Cừ, cưỡi thuyền ốc đến. Thuyền hình vỏ ốc, có thể lặn xuống đáy biển mà nước không chảy vào, thuyền ốc này còn được gọi là thuyền Luân Ba. Người Uyển Cừ cao 10 trượng, bện lông chim da thú che thân. Thủy Hoàng đàm luận với người Uyển Cừ, nói đến những chuyện trời đất thủa sơ khai, người đó nói ra như thể là tận mắt nhìn thấy vậy. Dị nhân nói: “Khi tôi còn trẻ đã từng ngự không mà đi, mỗi ngày có thể đi vạn dạm (một dặm Trung Quốc là 0.5 km). Đến khi già ngồi một chỗ cũng có thể nhìn thấy những chuyện bên ngoài trời đất. Nước tôi nằm cách Hàm Trì nơi Mặt Trời hạ xuống chín vạn dặm, một ngày ở chỗ tôi là một vạn năm ở đây. Bình thường nước tôi được bao phủ bởi một màn sương mù, vào ngày trời nắng, mây trên trời như bị tách khai ra, ánh sáng chiếu đến sáng như sông Trường Giang, Hán Thủy, khi ấy sẽ có hắc long hắc phượng bay lượn rồi hạ xuống. Đêm đến, dùng đá lửa chiếu sáng thay cho Mặt Trời. Loại đá này có nguồn gốc từ núi Nhiên Sơn, đất đá trên núi Nhiên Sơn đều có thể phát ra ánh sáng, đánh vào nhau liền vỡ, đá lửa có hình dạng như một hạt gạo nhỏ, mỗi một viên có thể chiếu sáng cho một gian phòng. Khi xưa, Viêm Đế cũng dùng loại lửa đó để thay đổi tập quán ăn thịt sống của con người. Nay người dân nước tôi dâng lên Hoàng đế loại đá đó. Có người ném loại đá này vào suối làm nước sôi sục tỏa ra khói hòa với nước chảy xa 10 dặm, người ta gọi nước đó là “Tiêu Uyên”.

Nước tôi cách núi Phần Sơn của Hiên Viên Hoàng Đế mười vạn dặm, khi xưa con cháu của tộc Thiếu Điển là Hoàng Đế khai thác đồng xanh ở núi Thú Sơn và đúc đồng ở núi Kinh Sơn. Tôi đã nhìn thấy ở trong nước của ông có khí của vàng và lửa vận động, tôi đến xem thì đỉnh đồng đã được đúc xong. Lại thấy Ký Châu có khí lạ, ứng với điềm có thánh nhân ra đời, sau đó quả nhiên Khánh Đô sinh ra Nghiêu. Lại thấy mây đỏ bay vào Phong Hạo, tôi cũng đến xem thì thấy đó là điềm báo cát tường hưng thịnh. Tần Thủy Hoàng nói: “Quả là Thần nhân!” Thủy Hoàng lại càng tin vào chuyện Thần Tiên và thuật Thần Tiên hơn nữa”.

Tần Thủy Hoàng năm đó ở Kiệt Thạch sai Hàn Chung (còn có tên gọi khác là Hàn Chúng, Hàn Chủng) đi biển cầu Tiên tầm dược, đồng thời hoằng dương văn hóa tu luyện Hoa Hạ. Thành phố Tần Hoàng Đảo ngày nay là đặt theo tên Tần Thủy Hoàng, bởi vì năm xưa Tần Thủy Hoàng đã từng tuần du đến đây. Chuyện Hàn Chung tu luyện thành Thần, cũng được ghi chép lại trong lịch sử. Tư Mã Thừa Trinh đời Đường viết trong Động thiên phúc đại ký rằng: “Động thứ 23 Chân Khư – ở huyện Trường Sa, Đàm Châu, là nơi Tây nhạc Chân Nhân Hàn Chung tu luyện”. Tên gọi Thần (Tần) Hàn xưa của nước Hàn Quốc cũng có tên bắt nguồn từ Hàn Chung. Nước Tân La trên bán đảo Triều Tiên cổ đại cũng là phát triển lên trên cơ sở nước Thần (Tần) Hàn. Lý Diên Thọ viết trong Bắc sử rằng: “Người Tân La, tổ tiên của họ chính là chủng người Thần (Tần) Hàn vậy”.

Tần Thủy Hoàng tuần du núi Vinh Thành cũng để lại rất nhiều di tích, truyền thuyết cho hậu thế. Di tích Tần Kiều còn có tên Tần Hoàng Kiều, ở trên biển phía Nam đầu núi Thành Sơn, được cấu thành bởi bốn tảng đá tự nhiên lớn trên biển. Do các mỏm đá cao chót vót, chỗ liền chỗ đứt, tùy theo thủy triều lên xuống mà ẩn hiện trên mặt biển, hình dáng như cây cầu, như được con người bắc vậy.

Sách Tam Tề lược ký thời kỳ Thập Lục Quốc có viết: “Thủy Hoàng làm cầu đá, vượt biển ngắm nơi Mặt Trời mọc, có Thần nhân gọi đá xuống, đá từ 13 ngọn núi ở Thành Dương, trên cao lũ lượt nối nhau mà đi, đá mà không đi nhanh, Thần nhân lấy roi đánh chảy máu, ngày nay đá trên những tảng đá núi được gọi đến đó đều màu đỏ”. “Thủy Hoàng làm cầu ngắm Mặt Trời, Thần Biển bèn xua đá dựng cột. Thủy Hoàng cảm động ân huệ đó, liền cầu kiến. Thần nói: “Tôi xấu xí, đừng vẽ hình tôi, thì sẽ gặp bệ hạ”. Thủy Hoàng xuống dưới biển 40 dặm, gặp Thần. Tùy tùng có kẻ xảo trá, ngầm vẽ chân dung Thần, Thần nổi giận nói: “Bệ hạ bội ước, hãy đi mau đi”. Thủy Hoàng quay ngựa, chân trước vừa bước qua đá ở sau liền sụp đổ, vừa kịp lên bờ”.

Đoạn này miêu tả việc Thần Núi gọi đá xây cầu cho Tần Thủy Hoàng và việc Thủy Hoàng gặp Thần Biển, Thần Biển cũng dùng các cột đá để xây cầu đá cho Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, những người đi theo Tần Thủy Hoàng lúc đó đã bí mật vẽ hình tượng Thần Biển khiến Thần Biển tức giận và phá hủy cây cầu, vì Thần Biển đã có lời từ trước, rằng không được vẽ lại hình ảnh của ông, nếu không vẽ hình thì ông sẽ gặp Tần Thủy Hoàng.

Năm đó, Tần Thủy Hoàng quay ngựa về đến bờ, cây cầu đã xây dựng xong phía sau lưng bắt đầu sụp xuống. Tần Thủy Hoàng vừa bước lên bờ, toàn bộ cây cầu đá chìm xuống đáy biển, chỉ còn sót lại bốn trụ cầu gần bờ, lúc ẩn lúc hiện giữa những con sóng lớn, và được bảo tồn mãi cho đến ngày nay. Cho đến nay, trên những tảng đá màu đỏ đầu núi Thành Sơn đầy những lằn rãnh, đó là những vết roi Thần Núi năm xưa đánh lên đá. Các mỏm đá núi Vinh Thành nhờ Tần Thủy Hoàng mà tiếng tăm truyền xa, được liệt vào một trong tám cảnh đẹp của Vinh Thành, được lưu truyền đến ngày nay.

Tần Thủy Hoàng đi tuần du phía Đông lần thứ năm, lại đến Lang Nha, đến nơi năm xưa gặp An Kỳ Sinh, đồng thời dựng đình thờ An Kỳ Sinh tại mười mấy nơi dọc theo bờ biển, đổi tên Thanh Cốc trong núi Thiên Thai thành suối Vọng Tiên. Những di tích thờ An Kỳ Sinh do Thủy Hoàng Đế năm xưa xây dựng đến nay vẫn còn có thể thấy được.

Gần 1000 năm sau, đại thi nhân đời Đường, thi Tiên Lý Bạch đã hoàn thành ước nguyện gặp lại An Kỳ Sinh của Tần Thủy Hoàng, đồng thời nói đến An Kỳ Sinh trong bài thơ “Ký Vương Ốc sơn nhân Mạnh Đại Dung” (Gửi Mạnh Đại Dung người núi Vương Ốc), thơ rằng:

“Xưa tôi trên Đông Hải, Lao Sơn thưởng tử hà.

Tương kiến An Kỳ Công, ăn táo to như dưa.

Trung niên yết kiến vua, chẳng thỏa chí, hồi gia.

Dung nhan phai xuân sắc, tóc bạc kế sinh nhai.

Hằng mong đắc tiên dược, bay lên cỗ xe mây.

Muốn theo Phu tử lên thiên đàn, cùng với Tiên nhân quét hoa rơi”.

Lý Bạch còn miêu tả cảnh gặp An Kỳ Sinh trong bài thơ “Cổ phong chi thất”:

“Năm hạc Tây Bắc bay, cao vọt chín tầng mây.

Tiên nhân trên mây biếc, tự nói tên An Kỳ.

Hai chú Bạch Ngọc Đồng, vui thổi Tử Loan Sênh.

Bỗng nhiên người biến mất, nhạc trời gió thoảng bay.

Tôi đây vừa muốn hỏi, Sao Băng đã vụt bay.

Muốn ăn kim quan thảo, thọ ngang cùng trời cao”.

Lý Bạch viết trong Lư Sơn dao – Ký Lô thị ngự hư chu rằng:

“Xưa kia mồ hôi chảy cõi đất xa, muốn dẫn Lư Ngạo dạo Thái Thanh”.

Trong thơ, Lư Ngạo chính là một nhà bác học ở bên Tần Thủy Hoàng năm xưa. Năm xưa, Lư Ngạo chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tần Thủy Hoàng, từ quan ẩn cư, tìm gặp được Chân Nhân, được truyền thụ bí quyết tu luyện thành Tiên, bèn bỏ đi xa, ẩn cư nơi núi sâu tu luyện, đạo tu thành phi thăng. Hán Vũ Đế đời sau vào năm Nguyên Đỉnh thứ tư, để kỷ niệm Lư Ngạo, đã lập huyện Lư Thị ở Hà Nam.

Tần Thủy Hoàng tại Lang Nha đã sai Từ Thị (còn gọi là Từ Phúc) đi ra biển về phương Đông cầu Tiên tìm thuốc tiên, đồng thời truyền bá rộng rãi đạo tu luyện Trung Hoa. Sách Thái bình quảng ký chép rằng, thời Tần Thủy Hoàng, “ở Đại Uyển (một nước ở Tây Vực), người chết oan đầy đường, có chim tha cỏ để lên mặt người chết, liền sống lại. Có quan địa phương báo lên, Tần Thủy Hoàng sai đem cỏ đó hỏi Quỷ Cốc tiên sinh. Tiên sinh nói: “Giữa biển lớn có 10 châu, là Tổ Châu, Doanh Châu, Huyền Châu, Viêm Châu, Trường Châu, Nguyên Châu, Lưu Châu, Quang Sinh Châu, Phượng Lân Châu, Tụ Quật Châu, cỏ này là Bất tử thảo ở Tổ Châu. Sinh trưởng ở Quỳnh Điền, cũng có tên là Dưỡng thần chi. Lá nó như nấm, không mọc theo bụi, mỗi cây có thể cứu sống 1000 người”. Tần Thủy Hoàng nghe Quỷ Cốc tiên sinh nói, bèn sai Từ Thị đi biển tìm Ngọc sơ kim thái và cỏ tiên”. Tương truyền Từ Thị là đồ đệ của Quỷ Cốc Tử, do đó Tần Thủy Hoàng sai Từ Thị ra biển đi về phía Đông để tìm. Ở Nhật Bản, Từ Thị được tôn xưng là Thần nông, Thần dâu tằm, Thần y dược. Nghiên cứu lịch sử Nhật Bản xác nhận, Từ Thị chính là Thần Vũ Thiên Hoàng của Nhật Bản.

Hàn Chung, Từ Thị không chỉ đem theo văn tự và các loại kỹ thuật Trung Hoa mà còn còn đem theo văn hóa Thần truyền Trung Hoa đưa vào Hàn Quốc, Nhật Bản, khiến cho văn hóa Thần truyền Trung Hoa cắm rễ vào nhiều quốc gia lân cận. Hàn Quốc, Nhật Bản cho đến nay vẫn còn rất nhiều văn hóa tu luyện và di tích năm xưa Hàn Chung, Từ Thị vượt biển để lại, mở ra khởi đầu tốt đẹp để nhân dân các quốc gia này sau này đắc Chính Pháp, tu đại Đạo.

Rất nhiều minh quân thánh chủ đời sau cũng giống như Tần Thủy Hoàng, không chỉ bản thân kính Thần tu luyện, thái dược luyện đan, mà cũng phái người vượt biển, đem văn minh Trung Hoa, đạo tín Thần tu luyện truyền đến các nước và người dân xung quanh, đây thực sự là việc thiện lớn nhất vậy.

Ngoài ra, cầu Tiên tầm Đạo, luyện đan thái dược, là bộ phận quan trọng trong tu luyện dưỡng sinh. Trong rất nhiều môn phái Đạo gia, uống thuốc ăn đan, để đẩy các chất phế thải, chất độc trong cơ thể bài tiết ra ngoài, thân thể nhẹ nhàng khỏe mạnh, sau đó đến các bước tu luyện tiếp theo, là nguyên lý cơ bản của tu luyện. Chỉ là đời sau, đặc biệt là người cận đại, bị tác hại sâu sắc của thuyết vô thần, xa rời Thần linh, đạo đức bại hoại, không những không tín Thần kính Trời, trái lại còn chê cười cổ nhân mà thôi.

Dịch từ: http://www.epochtimes.com/b5/16/4/7/n7531516.htm

(Còn tiếp)