Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc – Tần Thủy Hoàng (5): Tôn kính Trời Đất, tín ngưỡng Thần

Tổ nghiên cứu nhân vật anh hùng thiên cổ của văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm (Epochtimes)

[ChanhKien.org]

9. Phong Thiện tế Trời, kính Trời tín Thần

Tần Thủy Hoàng đã năm lần tuần du về phía Đông, và trong lần tuần du cuối cùng ông đã quy thiên. Trong các lần tuần du phương Đông, Tần Thủy Hoàng đều làm lễ Phong Thiện tế Trời, thể hiện sự kính Trời tín Thần.

Phong Thiện là một nghi lễ để các bậc đế vương cổ đại tế cáo Trời Đất. Các thư tịch như Sử ký – Phong Thiện thư, Luận hoànhHàn thi ngoại truyện đều có ghi chép, từ thời Viêm Đế trở lại đã có 72 vua đến làm lễ Phong Thiện tại núi Thái Sơn, các vị vua thánh như Phục Hy, Thần Nông, Viêm Đế, Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Chu Thành Vương… đều đến Thái Sơn làm lễ Phong Thiện. Sử sách có chép, Hoàng Đế đã từng đến Thái Sơn phong thiện. Trước cuộc đại chiến với Xi Vưu ở Trác Lộc, Hoàng Đế cũng chọn chân núi Thái Sơn để tập trung chúng thần. Sử ký – Phong Thiện thư nói: “Mỗi đời hưng thịnh, thì đều cử hành lễ Phong Thiện để báo đáp công đức của Trời, đến thời suy thì ngừng không cử hành nữa”. Bậc đế vương khi nhiếp chính, khiến thiên hạ thái bình, dân sinh yên lành, mới có thể phong thiện, báo công với Trời.

Tần Thủy Hoàng vào năm thứ 28 (năm 219 TCN), dẫn 70 người gồm các đại thần văn võ và các tiến sĩ nho sinh, đến núi Thái Sơn cử hành đại lễ Phong Thiện long trọng. “Phong” là chỉ đàn đất tế Trời, “Thiện” là tế Đất, tức là tế Đất ở nơi bằng phẳng trên quả núi nhỏ dưới núi Thái Sơn. Đồng thời khắc đá, lập bia (bia đá Thái Sơn) viết rằng:

“Hoàng đế đăng vị, định ra chế độ pháp luật sáng suốt, thần hạ nghiêm cẩn tuân thủ thi hành. Năm thứ 26, lần đầu tiên thống nhất thiên hạ, không đâu không thần phục. Nay tự thân tuần thị lê dân phương xa, lên núi Thái Sơn, ngắm nhìn biên cương phía Đông. Tùy tùng quần thần tưởng nhớ chuyện xưa, truy tìm căn nguyên kiến công lập nghiệp, cung kính ca tụng công đức của Hoàng đế. Đạo trị quốc cứ thế vận hành, các ngành sản xuất thích hợp, đều có quy cách tiêu chuẩn. Đạo nghĩa vĩ đại, tốt đẹp, an ổn, truyền lại làm gương đời sau, con cháu cứ thế kế thừa chớ có thay đổi. Hoàng đế anh minh thánh đạt, dù đã bình định thiên hạ, vẫn giữ mình không dám buông lơi việc nước. Thức khuya dậy sớm, mưu hoạch lợi ích lâu dài cho quốc gia, chuyên chú dạy bảo giáo hóa lê dân. Răn dạy lê dân khắp nơi, bất luận gần xa đều hiểu được trị lý, thi hành thánh chí của Hoàng thượng. Quý tiện phân rõ, nam nữ làm việc theo lễ, mỗi người đều tận chức trách. Quang minh phổ chiếu gần xa, khắp nơi thanh tịnh an ổn, chế độ này cần kéo dài tới con cháu các đời sau, giáo hóa tới vô cùng. Con cháu đời sau nên tuân thủ di chiếu của Thủy Hoàng, vĩnh viễn noi theo những lời dạy quan trọng này”.

Tần Thủy Hoàng đi tuần du, đã tới núi Cửu Nghi (cũng có tên là núi Thương Ngô, phía Nam huyện Ninh Viễn, Hà Nam ngày nay), làm lễ vọng bái Ngu Thuấn, tương truyền sau khi Ngu Thuấn chết thì an táng ở núi này. Tần Thủy Hoàng còn lên núi Cối Kê (ở giữa Thiệu Hưng, huyện Thặng, Chư Kị, Đông Dương, tỉnh Chiết Giang ngày nay), tương truyền Đại Vũ năm xưa đã đại hội chư hầu ở đây, vì đó ngọn núi ngày nay có tên “Cối Kê”. Tần Thủy Hoàng lên núi này để ngắm trông biển Nam Hải, do đó còn có tên núi “Tần Vọng Sơn”.

10. Tuần du thị sát thiên hạ, cho khắc bia đá để ca tụng công đức

Tần Thủy Hoàng năm thứ 28 (năm 219 TCN) đi tuần du về phía Đông. Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ có chép: “Tần Thủy Hoàng đi tới phía Nam, lên núi Lang Nha, vô cùng yêu thích nơi này, ở lại ba tháng. Vì thế, lệnh cho ba vạn hộ dân các nơi tới sống ở dưới núi Lang Nha. Lại xây Lang Nha đài, lập bia đá (bia đá Lang Nha), ca tụng công nghiệp của triều Tần, thể hiện chỗ đắc ý của bản thân”, đại ý rằng:

“Năm thứ 26, Hoàng đế đăng cơ. Đặt ra pháp luật chế độ ngay thẳng, công bằng, vạn vật đều có kỷ cương. Quan hệ nhân luân rõ ràng, phụ tử hợp lực đồng tâm. Thánh thượng cơ trí nhân nghĩa, tuyên giảng đạo lý sáng suốt rõ ràng. Phía Đông vỗ yên biên thổ, thị sát quan binh. Đại nghiệp đã định, vì thế tuần hành quốc thổ tới tận ven biển. Đây là công lao của Hoàng đế, chăm chỉ tài năng, khuyến nông ức thương, là phúc của lê dân. Khắp nơi trong thiên hạ đều làm tốt chức trách công việc của mình. Thống nhất chế độ đo lường, thống nhất văn tự. Phàm là những nơi Mặt Trời Mặt Trăng soi sáng, nơi xe thuyền đi lại, không ai không tuân thánh lệnh, dân chúng đều được hưởng sung túc, như ý. Thuận theo sự thay đổi bốn mùa hành sự, là Đại Tần Hoàng đế. Sửa đổi, chỉnh đốn phong tục bỉ lậu, khơi sông thông núi, tiếc thương xương máu lê dân, sớm tối không ngơi nghỉ. Bỏ đi pháp lệnh khiến người nghi hoặc, xác định pháp luật từng điều rõ ràng, để mọi người đều biết mà tránh phạm hình phạt. Quận thủ các nơi đều tận chức trách, các vấn đề xử lý nhanh chóng, đơn giản. Các hành động biện pháp thực thi thỏa đáng, mọi việc sắc nét. Hoàng đế thánh minh, tuần sát tứ phương. Các loại người quý tiện đều theo tôn ti, không dám vượt cấp. Kẻ gian tà ác nghiệt không làm điều Tần pháp không dung, bách tính đều mong mỏi người chính đạo thiện lương. Bất luận việc lớn việc nhỏ, mọi người đều nỗ lực không nề hà. Bất luận người ở gần xa, nơi hoang vu hẻo lánh, đều nghiêm túc trang trọng. Đôn hậu trung thành, mọi việc theo phép, sự nghiệp mới có thể trường cửu. Đức của Hoàng đế, an định tứ phương. Tru loạn trừ hại, hưng lợi tạo phúc. Tiết kiệm của dân, các ngành phát triển, bách tính an cư lạc nghiệp, không động binh đao. Lục thân thân cận hài hòa, không có cường đạo trộm cắp. Mọi người vui vẻ tuân phụng giáo hóa, đều hiểu rõ luật lệnh. Giữa thiên địa, khắp bốn phương đều là lãnh thổ của Hoàng đế. Phía Tây qua Lư Sa, phía Nam tới Bắc Hộ, Đông có Đông Hải, Bắc qua Đại Hạ. Nơi nào có dấu tích con người, không ai không xưng thần. Công lao Hoàng đế vượt qua Ngũ đế, ân trạch tới cả ngưu mã. Người người đều được nhờ ân đức, nơi nơi an cư lạc nghiệp.

Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, lập ra danh hiệu Hoàng đế, rồi tuần du phương Đông đến Lang Nha. Có Liệt hầu Vũ Thành hầu Vương Ly, Liệt hầu Thông Vũ hầu Vương Bôn, Luân hầu Kiến Thành hầu Triệu Hợi, Luân hầu Xương Vũ hầu Thành, Luân hầu Vũ Tín hầu Phùng Vô Trạch, Thừa tướng Ngỗi Lâm, Thừa tướng Vương Quán, Khanh Lý Tư, Khanh Vương Mậu, Ngũ đại phu Triệu Anh, Ngũ đại phu Dương Cù theo hầu, cùng nghị sự trên bờ biển, nói rằng: “Các bậc đế vương xưa, đất chẳng quá ngàn dặm, các chư hầu tự bảo vệ đất phong, có người vào triều kiến, có người không vào triều kiến, xâm chiếm lẫn nhau, công phạt thương hại không dứt, mà vẫn khắc bia bảng ghi lại công nghiệp bản thân. Xưa Tam Vương Ngũ Đế, trí năng giáo hóa khác nhau, chế độ pháp lệnh không rõ, chỉ dựa uy linh quỷ thần, để bức hiếp nơi xa, sự thực không xứng với danh hào, do đó không lâu dài. Người còn đang tại vị mà chư hầu đã làm phản, pháp lệnh không được thi hành. Nay Hoàng đế thống nhất thiên hạ, đặt ra các quận huyện, thiên hạ hòa bình. Rạng ngời tông miếu, tuân theo đạo nghĩa, thực thi đức hành, tôn hiệu Hoàng đế xác thực đầy đủ. Quần thần cùng ca tụng công đức Hoàng đế, hơn nữa khắc lời ca tụng đó lên bia vàng, làm điển phạm cho đời sau”.

Chữ “hoàng” (皇) trong Thuyết văn giải tự nghĩa là “to lớn, là tòng tự (自), tự cũng là bắt đầu”. Sau này chữ “tự” giản hóa thành chữ “bạch” (白). Trên chữ “vương” (王) đội lên chữ “bạch” (mang nghĩa vị vương đội trên đầu mũ trắng), tức “vị vua huy hoàng”, để phân biệt với vị “vương” bình thường. Các bậc xưng Hoàng đầu tiên là Tam Hoàng, họ đều là những vị đại quân chủ. Sách Thượng thư – tự sơ gọi Hoàng, là cái danh to lớn tốt đẹp, là danh xưng lớn hơn Đế. “Hoàng” cũng là chỉ về một chủng Thần trong thần thoại.

Danh xưng “Hoàng đế” của Trung Quốc bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng. Các bậc Thiên tử sau đời Tần đều dùng theo danh xưng này. Sáng Thế Chủ đã an bài Tần Thủy Hoàng là “Thủy – Hoàng – Đế” đầu tiên của kỷ nguyên mới, đã phú cho ông vinh diệu và uy phong ngạo nghễ nhìn trời đất, không cần nói cũng biết. Hơn nữa, xu thế tổng thể của đạo đức nhân loại là đang trượt dốc, mỗi một “Thiên cổ anh hùng” đều là thụ thiên mệnh riêng của mình. Đến thời Tần, đạo đức con người đã kém xa thời Nghiêu, Thuấn, nếu vẫn dùng cách trị vì năm xưa thì không thể có tác dụng nữa, Thủy Hoàng Đế cần phải có các biện pháp, pháp luật của hoàng triều Đại Tần trị vì thiên hạ, giáo hóa con dân. Do vậy, công tích của Tần Thủy Hoàng rất khổng lồ, ân đức rất lớn, không kém gì Tam Hoàng Ngũ Đế vậy.

Một phần “Bia đá Lang Nha Đài” bản khắc đời Tống (Nguồn internet)

Trong khi Tần Thủy Hoàng tuần du Lang Gia phía Đông, gặp “Thiên Tuế Ông” An Kỳ Sinh ở Lao Sơn. An Kỳ Sinh theo sư phụ Hà Thượng Công. An Kỳ Sinh và Tần Thủy Hoàng “đàm đạo ba ngày đêm” về đạo tu luyện dưỡng sinh. An Kỳ Sinh còn để lại sách cho Tần Thủy Hoàng rồi ra đi, đồng thời nói, ngàn năm sau “tìm tôi ở núi Bồng Lai” (trích trong Hán – Lưu Hướng – Liệt tiên truyện, Tấn Hoàng Phủ Mật Cao sĩ truyện).

Năm sau, Tần Thủy Hoàng lại tuần du vùng Lang Nha, Chi Phù, sau khi leo núi Chi Phù, cũng khắc bia đá (bia đá Chi Phù). Trên bia đá ghi đại ý là: “Năm thứ 29, vào dịp giữa xuân, khí dương hòa. Hoàng đế tuần du phương Đông, lên núi Chi Phù, nhìn ngắm biển lớn. Đại thần tùy tùng ngắm nhìn cảnh đẹp, hồi tưởng công tích sự nghiệp vĩ đại của Hoàng đế, ca tụng cảnh sáng nghiệp. Bậc thánh nhân trị vì quốc gia, xây dựng pháp độ, làm rõ kỷ cương. Đối ngoại răn dạy chư hầu, thực thi ân huệ rộng khắp, dùng lý nghĩa soi sáng. Quân chủ lục quốc tà ác tham lam vô sỉ, bạo ngược bách tính, chém giết không thôi. Hoàng đế thương cảm bách tính, xuất quân thảo phạt, tỏ rõ võ đức. Tru phạt vì chính nghĩa, hành sự bằng chính tín, nên uy đức vang xa, khiến muôn nơi thần phục. Hoàng đế tiêu diệt cường bạo, cứu vớt bách tính, an định khắp gầm trời. Thực thi pháp độ nghiêm minh khắp nơi, trị lý thiên hạ, trở thành khuôn phép mãi mãi”.

Lại khắc một bia đá ở Đông Quan (bia đá Đông Quan), đại ý là: “Năm thứ 29, Thủy Hoàng du xuân. Quần thần tùy tùng đều cảm tạ đạo trị quốc anh minh. Thánh pháp mới hưng thịnh, bên trong trị vì bờ cõi, bên ngoài tiêu diệt cường bạo. Uy danh quân đội hiển hiện khắp chốn, chấn động hoàn vũ, cuối cùng diệt sáu nước. Nhất thống thiên hạ, tận diệt họa hoạn, vĩnh viễn dừng chinh chiến. Hoàng đế minh đức, trị vì khắp cõi, xem xét lắng nghe không chút lơi lỏng. Làm các việc đại nghĩa, đặt rõ quy củ, căn cứ rõ ràng. Quần thần đều tuân theo chức phận, ai làm phận nấy, công việc rõ ràng không hiềm nghi. Bách tính được giáo hóa thay đổi tập quán xấu, khắp nơi xa gần đều tuân theo phép tắc, xưa nay chưa từng có. Chức phận đã định, kế tự theo đại nghiệp, mãi mãi giữ nền thánh trị”.

Để kỷ niệm người tu luyện Đạo gia đã phi thăng là Mao Mông, Tần Thủy Hoàng đổi tên lễ Lạp tế vào tháng 12 hằng năm thành Gia Bình, sách Sử ký tập giải của Tống Bùi Nhân đời Nam triều dẫn Thái nguyên chân nhân Mao Doanh Nội kỷ viết:

“Ngày Canh Tý tháng 9 năm Tần Thủy Hoàng thứ 31, cụ tổ của Mao Doanh là Mao Mông, ở trong núi Hoa Sơn, cưỡi mây cưỡi rồng, bạch nhật thăng thiên. Lúc đó trong ấp của ông có bài đồng dao rằng: “Người đắc Thần Tiên Mao mới thành, cưỡi rồng bay lên cung Thái Thanh, lúc xuống Huyền Châu bỡn Xích Thành, đời tiếp mà đi là Doanh mình, vua nếu học đổi Lạp Gia Bình”. Thủy Hoàng nghe được đồng dao, hỏi nguyên do, các phụ lão đều khẳng định đồng dao về Tiên nhân này, khuyên vua cầu thuật trường sinh. Do đó đổi lễ Lạp tế thành “Gia Bình””.

Con trai của Mao Mông làm thị tòng bên Tần Thủy Hoàng, do đó Tần Thủy Hoàng nắm rõ chuyện Mao Mông ở núi Hoa Sơn, cưỡi mây cưỡi rồng, bạch nhật thăng thiên như lòng bàn tay. Đời sau của Mao Mông là Mao Doanh, Mao Cố, Mao Trung, đều tu luyện thành Tiên, chính là Tam Mao Chân Quân mà các đời Đạo gia tôn sùng.

Tần Thủy Hoàng năm thứ 32 (năm 215 TCN), Thủy Hoàng lần thứ tư đi tuần hành, từ quận Thượng (Du Lâm, Thiểm Tây ngày nay), đi qua Cửu Nguyên, Vân Trung, Nhạn Môn, Thượng Cốc, Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, đến Kiệt Thạch, và có khắc “Kiệt Thạch Môn từ” nổi tiếng.

Bài từ viết: “Xuất quân dụng binh, diệt trừ vô đạo, kẻ phản nghịch đều bị tiêu diệt hết. Dùng võ diệt trừ bạo ngược, lấy lại lẽ công bằng cho người vô tội, lòng dân quy phục. Luận công phong thưởng, ân trạch đến cả loài trâu ngựa, đất đai trở nên phì nhiêu. Hoàng đế oai phong, lấy đức nghĩa thống nhất chư hầu, thiên hạ thái bình. Dỡ bỏ thành cũ, đào thông sông ngòi, dẹp bằng hiểm trở. Địa thế đã bằng phẳng, dân không phải phục dịch, thiên hạ yên ổn. Đàn ông vui vẻ cày cuốc, đàn bà chăm chỉ việc nhà, mọi việc rành mạch. Ân huệ phủ bách nghiệp, hiệp lực cày cuốc, không ai không an cư. Quần thần kính tụng sự nghiệp vĩ đại, kính cẩn khắc bia này, để lưu lại quy củ mẫu mực mãi mãi”.

(Còn tiếp)