Luân hồi ký sự: Bão táp mưa sa (4)

Tác giả: Tiểu Liên

[ChanhKien.org]

Hôm nay chúng ta sẽ cùng theo dõi câu chuyện luân hồi của Hiểu Vân vào thời Đông Hán.

Vào thời Đông Hán, có một nam sinh tên là Hiểu Vân, cậu theo chân một vị sư phụ Đạo gia học Đạo từ năm 22 tuổi.

Đạo gia tuyển đồ đệ rất nghiêm khắc, lúc đó có ba người cùng đến xin học, bao gồm cả Hiểu Vân.

Vị Đạo nhân này vân du bốn bể, không có nơi ở cố định, có một lần tại Trung Nam Sơn, vị Đạo nhân nói với ba người bọn họ rằng: “Ba ngươi chia ba hướng khác nhau mà đi, đi năm dặm đường. Gặp được gì thì phải mang về, dù là thứ gì cũng phải mang về đây cho ta”. Ba người nhận lệnh, chia nhau ra đi theo ba hướng.

Người thứ nhất đi về hướng Đông không xa thì gặp phải một con sói và bị truy đuổi, anh ta liền cấp tốc chạy trở về, con sói thấy vậy không đuổi theo nữa, mà đứng đó nhìn theo. Sau lần này anh ta không dám đi đâu nữa.

Người thứ hai đi theo hướng Tây, đi được năm dặm, anh ta không gặp gì cả, đành tay không trở về.

Hiểu Vân nhằm hướng Nam mà đi, đi được quãng đường ba dặm rưỡi thì cậu gặp một cô gái trẻ, cô nói rằng mình bị lạc đường, lại vừa mệt vừa đói. Hiểu Vân không biết làm sao đành để cô cùng mình quay về. Trên đường họ gặp phải con sói, nhưng cô gái đi quá chậm, trong tình thế cấp bách, Hiểu Vân phải cõng cô gái trên lưng mà chạy như điên trở về. Kể ra con sói này cũng thật kì lạ, nó đuổi theo được mấy bước rồi cũng không đuổi theo nữa, sau đó ngồi lặng thinh nhìn họ khuất dạng.

Khi ba người quay trở về, Đạo nhân nói: “Các ngươi mang được gì về nào?”, hai người đầu đều nói là trở về tay không, Đạo nhân lắc lắc đầu. Hiểu Vân nói: “Con mang về một cô nương…” Hai người kia nghe thấy liền bật cười.

Đạo nhân nghiêm khắc nói với hai người kia: “Hai ngươi căn bản đã không làm theo yêu cầu của ta. Các ngươi có thể xuống núi về nhà rồi! Hiểu Vân ngươi ở lại”.

Hai người kia không còn cách nào khác đành phải xuống núi. Nhìn bọn họ đi rồi, Đạo nhân nói với Hiểu Vân và cô gái: “Hai người kia căn bản không làm theo lời ta nói, lại còn thiếu tín sư. Ví như bị sói đuổi, đuổi thì đuổi thôi, về được đây là qua được quan này. Đi cả chặng đường cũng không gặp được gì, nhưng nắng và gió chẳng phải đều mang về được sao? Ngộ tính thực không giống nhau!”

Lời của Đạo nhân giúp Hiểu Vân và cô gái thụ ích không ít. Hiểu Vân hỏi cô gái: “Nhà cô ở đâu? Tôi đưa cô về nhé?” Cô gái thưa rằng: “Sư phụ bảo tôi đợi anh trên đường, để anh đưa tôi về đây”. Đạo nhân mỉm cười: “Sư phụ của ngươi có phải đã đến đây trước rồi chăng?” Đang nói thì nghe thấy ngoài cửa có tiếng người nói: “Sư huynh lâu nay vẫn ổn cả chứ?” Đạo nhân nghe thấy thì nói nhỏ với Hiểu Vân và cô gái rằng: “Tiểu sư muội khó đối phó nhất đến rồi đấy”. Nói xong vẫn giữ nguyên nét mặt tươi cười ra nghênh đón.

“Sư muội bao năm nay ổn chứ?” “Nhờ phúc của sư huynh, tất cả vẫn ổn”. Sư huynh, sư muội chào hỏi hàn huyên xong thì vào trong phòng, cô gái đảnh lễ với sư phụ, Hiểu Vân cũng bước đến bái kiến sư cô.

Nữ Đạo nhân gặp được sư huynh liền nói rằng: “Huynh đã nguyện ý thu nhận Hiểu Vân làm đồ đệ thì ta cũng thu nhận Hiểu Hồng này làm đệ tử, chúng ta cùng xem mức độ tín sư của hai người họ ra sao nhé”.

Đạo nhân nói: “Chuyện này chúng ta cũng đừng quá nóng vội, trước tiên dạy chúng một vài phương pháp tu luyện, đợi khi cảnh giới đề cao rồi, lại thử thách chúng cũng không muộn”.

Nói xong, nữ Đạo nhân dẫn cô gái đi. Hiểu Vân theo Đạo nhân bắt đầu tu hành.

Hơn hai năm sau, một hôm Đạo nhân gọi Hiểu Vân đến trước mặt nói rằng: “Hôm nay ta đưa con đến một con đường lớn, trước giờ trưa con gặp xe đưa tang nào nhất định phải chặn lại và mở quan tài ra. Nếu không làm theo con chớ có về đây gặp ta”.

Nói xong Đạo nhân bảo Hiểu Vân nhắm mắt lại, sau đó cậu nghe thấy tiếng gió nổi lên bên tai, lúc mở mắt ra nhìn, phát hiện mình đã ở trên một con đường lớn.

Một lúc sau, một đoàn đưa tang của người làm quan đến, còn dẫn theo quan quân mở đường.

Thấy vậy cậu đành quỳ xuống giữa đường, khóc lóc đau xót nói rằng mình là thân nhân của người đã khuất muốn nhìn mặt lần cuối. Nhân lúc mọi người đang sững sờ, cậu liền xông tới, bật một góc quan tài, nhìn một cái rồi đậy lại, sau đó quỳ lạy cảm tạ mọi người.

Sau khi đoàn người này đi qua lại có một đoàn nữa đến, lần này xem ra là một gia đình giàu có. Hiểu Vân làm theo cách cũ, kết quả bị người ta đánh cho một trận. Sau đó, cậu theo sát phía sau đoàn người này, cảm thấy có chút khả nghi. Cậu liền hét lên rằng: “Quan phủ đến rồi”. Đám người nghe thấy tiếng hô lớn như vậy liền ném quan tài xuống rồi vội vã bỏ chạy.

Cậu tiến về phía trước mở quan tài ra, thấy bên trong có một cô gái vẫn còn sống, liền cứu cô ấy ra ngoài.

Cô gái kể rằng phụ thân cô nợ tiền nhà này, trả không được đành bán cô đi, cô bị thiếu chủ đã có vợ của nhà này để mắt tới, nhưng vợ của anh ta lại bỏ trốn cùng người khác. Bởi vì nhà này giàu có, sợ rằng chuyện xấu này đồn ra ngoài không hay, đồng thời vì để thiếu chủ khỏi vương vấn cô nên lão gia liền nghĩ ra cách đem cô đi chôn sống.

Trong lúc đang nói chuyện, trên đường lại có một đoàn đưa tang đến.

Cậu lại làm theo cách cũ tiến đến đòi mở quan tài, đúng lúc này, một người bên cạnh nhìn lên Mặt Trời rồi nói với một người khác: “Bây giờ đã qua giờ trưa rồi nhỉ?”

Cậu nghe thấy lập tức dừng tay lại, xin lỗi người ta, sau đó đưa cô gái đến một thị trấn lớn, hỏi rõ vị trí nơi này xong mới phát hiện ra nơi đây cách Trung Nam Sơn cả ngàn dặm xa.

Cậu đã làm xong việc sư phụ bảo rồi, nhưng đường về thì sư phụ không nói cho cậu đi thế nào, vậy thì cứ đi thôi.

Do đó cậu dẫn theo cô gái cùng hướng về Trung Nam Sơn mà đi. Lúc đầu hai người họ đi rất chậm, sau thì không biết sao mà càng đi càng nhanh, trong ba ngày đã về đến nơi. Sau khi về, Đạo nhân hỏi cô gái có nguyện ý ở lại đây tu Đạo không? Cô gái trả lời muốn ở lại. Do đó Đạo nhân gọi sư muội đến, bảo sư muội thu nhận cô làm đồ đệ.

Đạo nhân nói với Hiểu Vân rằng: “Đoàn đưa tang đầu tiên là thật; đoàn thứ hai muốn làm việc xấu; đoàn thứ ba là khảo nghiệm xem con có đúng là làm theo yêu cầu của sư phụ hay không. Vì sư phụ dặn là trước giờ trưa. Lúc đó con chọn mở quan tài thì không đúng rồi, vì thời thần đã qua rồi. Nếu mở ra, con sẽ chịu sự trừng phạt. Cũng chính là nói “tín sư” nhất định cần chân tín (thật sự tin) và toàn tín (hoàn toàn tin), chứ không phải chỉ tin một nửa, còn một nửa thì lơ là xem nhẹ, thế thì không được”.

Sau đó Hiểu Vân lại gặp mấy lần khảo nghiệm như thế, nhưng thuận theo sự thăng hoa của cảnh giới tu luyện, ngộ tính và sự tín tâm đối với sư phụ của cậu trên các phương diện đều ngày càng tốt.

Đây chính là:

Trung Nam Sơn trung lai tu luyện;

Vị liễu tu Đạo kinh khảo nghiệm;

Đề cao ngộ tính chân tín sư;

Nhất bộ nhất cảnh chân tướng hiển!

Dịch nghĩa:

Đến tu luyện trong núi Trung Nam;

Vì tu Đạo mà kinh qua khảo nghiệm;

Chân chính tín sư đề cao ngộ tính;

Mỗi bước mỗi cảnh chân tướng dần hiển hiện!

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/279484