Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm (1): Thất chính và Tam tài

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Giới thiệu về cuốn sách Ấu Học Quỳnh Lâm

Ấu Học Quỳnh Lâm được xuất bản vào cuối triều Minh và đầu triều Thanh, là cuốn sách nổi bật nhất trong số nhiều sách giáo khoa nhập môn. Lúc bấy giờ có người nói: “Học xong Tăng Quảng (Tăng Quảng Hiền Văn) sẽ biết cách nói chuyện, học xong Ấu Học (Ấu Học Quỳnh Lâm) thì có thể đi khắp thiên hạ”, điều này có thể cho thấy mức độ được coi trọng của cuốn sách. Nội dung của nó trên từ thiên văn và thần thoại, dưới đến địa lý và nhân văn, đề cập đến quy tắc nhân luân và đạo trị quốc, bao quát hết thảy vạn tượng, rất phong phú, có thể nói đây là một cuốn bách khoa toàn thư đơn giản để trau dồi các tài năng toàn diện, bởi vì nó bắt nguồn từ vũ trụ quan to lớn thiên nhân hợp nhất của cổ nhân, nội hàm rộng lớn, thần bí xa xưa, khiến mọi người không thể bỏ qua. Người lớn thời đại chúng ta ngày nay đọc xong sẽ vô cùng kinh ngạc và thán phục, thật khó để tưởng tượng những đứa trẻ thời cổ đại, lại có thể tiếp thụ nền giáo dục trí tuệ vĩ đại như vậy, thật xứng đáng là người dân Thần Châu đại quốc hùng mạnh với nền văn minh năm nghìn năm.

Ấu Học Quỳnh Lâm ban đầu được gọi là Ấu Học Tu Tri, về tác giả cuốn sách có thuyết cho rằng nó được biên soạn bởi Trình Đăng Cát (tự Doãn Thăng) ở Tây Xương vào cuối thời nhà Minh, một thuyết khác cho rằng được biên soạn bởi Tiến sĩ Khâu Tuấn đời Minh. Vào thời Càn Long nhà Thanh, Trâu Thánh Mạch bổ sung và đổi tên là Ấu Học Cố Sự Quỳnh Lâm, gọi vắn tắt là Ấu Học Quỳnh Lâm.

Do nội dung phong phú của Ấu Học, chúng tôi sẽ chọn các chương thích hợp và giới thiệu tới mọi người, để độc giả có thể hiểu được sự bác đại tinh thâm của văn hóa truyền thống Trung Quốc, sống lại niềm tự hào và tự tin về một nền văn minh cố quốc.

Nguyên văn chữ Hán

混沌初開,乾坤始奠。氣之輕清上浮者為天,氣之重濁下凝者為地。日月五星,謂之七政;天地與人,謂之三才。

Bính âm

Hùn dùn chū kāi, qián kūn shǐ diàn. Qì zhī qīng qīng shàng fú zhě wéi tiān, qì zhī zhòng zhuó xià níng zhě wéi dì. Rì yuè wǔ xīng, wèi zhī qī zhèng; tiān dì yǔ rén, wèi zhī sān cái.

Âm Hán Việt

Hỗn độn sơ khai, càn khôn thủy điện. Khí chi khinh thanh thượng phù giả vi thiên, khí chi trọng trọc hạ ngưng giả vi địa. Nhật nguyệt Ngũ tinh, vị chi Thất chính; Thiên địa dữ nhân, vị chi Tam tài.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 混沌 (Hỗn độn): trạng thái trước khi trời đất chưa được khai mở.

(2) 乾 (Càn): Trời, thuộc Dương.

(3) 坤 (Khôn): Đất, thuộc Âm.

(4) 奠 (Điện): Định, đặt định.

(5) 凝 (Ngưng): Sự kết tụ.

(6) 五星 (Ngũ tinh): dùng để chỉ năm ngôi sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

(7) 政 (Chính): sự vận hành của nhật nguyệt và ngũ tinh là cội nguồn và tham chiếu để hình thế của nhân loại, quốc gia, chính sự được rõ ràng, rành mạch, có trật tự, nên được gọi là “chính”.

(8) 才 (Tài): tài năng.

Bản dịch tham khảo

Khi trời và đất chưa được hình thành thì ở trạng thái một khối hỗn mang, khi sự hỗn mang tách ra thì trời và đất được hình thành. Khí trong nhẹ bốc lên tạo thành bầu trời, khí đục nặng chìm xuống và ngưng kết lại tạo thành mặt đất. Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ được gọi là Thất chính; Thiên, Địa, Nhân (Trời, Đất, Con người) được gọi là Tam tài.

Đọc sách luận bút

Tổ tiên người Trung Quốc cho rằng mảnh đất của họ là Thần Châu, là Trung Nguyên, là trung tâm của nền văn hóa Thần truyền. Bản thân là hậu duệ của Nữ Oa, thiên địa vạn vật đều do Thần tạo ra, con người và văn hóa đều do Thần truyền lại, nên được gọi là văn hóa Thần truyền. Biết rằng tất cả những thứ của nhân loại đều đến từ Thiên thượng. Vì vậy, tư tưởng cơ bản mà cuốn sách Ấu Học Quỳnh Lâm phản ánh chính là quan niệm về vũ trụ quan truyền thống, quan niệm về thiên nhân hợp nhất. Mãi cho đến trước cách mạng văn hóa, quan niệm của người Trung Quốc đều là như thế, nên từ đời sống, lịch sử, văn hóa đến trị quốc, đều xuyên suốt nhất thể với trời đất, tin rằng tất cả mọi thứ của con người đều tương ứng với trời đất; từ bách tính đến Thiên tử, cũng đều hiểu việc tôn trọng và hành xử theo lẽ trời, hình thành kính úy trời đất, trọng đức hành thiện, có trật tự rõ ràng, làm theo phong thái đại quốc về lễ nghĩa.

Do đó mọi người thời bấy giờ đều biết đạo lý của Âm Dương Ngũ hành. Đoạn này là phần mở đầu nói về nguồn gốc của thiên địa vạn vật, nhằm trình bày cụ thể cho trẻ em những kiến thức cơ bản nhất về thiên địa và nhân văn có liên quan mật thiết đến đời sống mà con người trực tiếp nhìn thấy được như Âm Dương, Ngũ hành và Tam tài, để con người không quên nguồn gốc và sứ mệnh của bản thân được Trời ban cho. Do đó, người Trung Quốc từ xa xưa đã sống với tư tưởng vĩ đại, trí tuệ tuyệt vời và nền văn hóa bác đại tinh thâm, họ tuyệt đối sẽ không bao giờ tách rời thiên nhiên đất trời.

Cái gọi là Nhật nguyệt và Ngũ tinh, theo cách nói ngày nay chính là trung tâm của hệ Mặt Trời, Ngũ tinh đại biểu cho Ngũ hành, Mặt Trời và Mặt Trăng đại biểu cho Âm Dương, Âm Dương Ngũ hành tạo thành vạn sự vạn vật trong vũ trụ, các bậc thánh vương thời xưa quản lý đất nước đều phải ngưỡng vọng (ngước lên nhìn) thiên văn thiên tượng, thông hiểu thiên ý và đạo Âm Dương Ngũ hành, thuận theo thiên ý mà cai quản muôn dân và đất nước, làm người cần phải luôn tuân theo đạo lý Ngũ thường “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”.

Và biểu hiện bên ngoài trực tiếp nhất là học theo sự sắp xếp của nhật nguyệt ngũ tinh, khiến cho trong quốc gia thì quân thần ai ở vị trí ấy, người nào thực hiện bổn phận trách nhiệm người ấy, thuận theo thiên ý mà làm, mọi người đều biết rằng trên đầu ba thước có Thần linh, nhờ đó quốc gia ở trong thời kỳ hưng thịnh của vương triều, đạo đức tổng thể được duy trì trong trạng thái nhân đức và có trật tự khá cao.

Vì vậy theo Tam tài thiên địa nhân thì con người cần hợp với trời đất làm một, trực tiếp thể hiện rõ vũ trụ quan Thiên nhân hợp nhất, cho rằng con người là do trời đất sinh ra, cũng cho thấy loài người có tài trí liên thông với trời đất. Vì vậy người Trung Quốc từ xưa đến nay không bao giờ dám làm trái thiên ý, không dám muốn gì làm nấy, cũng rất biết quý trọng sinh mệnh, cho rằng số mệnh của con người liên quan đến Trời. Vì vậy nền văn hóa năm nghìn năm nhờ kính thiên trọng đức mà được huy hoàng xán lạn, được thế giới tôn là nền văn hóa của thiên triều.

Kể chuyện

Bàn Cổ khai thiên tịch địa

Tương truyền, thuở sơ khai chưa có trời đất và vạn vật, trong vũ trụ khắp nơi đều là một vùng hỗn độn, giống như một quả trứng tròn. Trong khối vật chất tròn đó đã thai nghén ra người sáng tạo thế giới là Bàn Cổ.

Bàn Cổ đã ngủ trong khối vật chất tròn đó suốt 18.000 năm. Khi tỉnh dậy, ông thấy trước mặt là một khối đen kịt, ông duỗi tay đạp chân thì quả trứng tròn bị vỡ. Khí Dương nhẹ trong bốc lên biến thành bầu trời xanh cao rộng; khí Âm nặng đục hạ xuống và biến thành đất rộng bao la. Kể từ đó, vũ trụ được phân chia thành trời và đất.

Bàn Cổ đứng sừng sững giữa trời đất. Từ đó về sau, bầu trời mỗi ngày tăng cao thêm một trượng, mặt đất mỗi ngày dày thêm một trượng, và Bàn Cổ mỗi ngày cũng cao thêm một trượng. Cứ như thế thời gian lại trôi qua 18.000 năm, trời không thể cao hơn được nữa, đất không thể dày hơn được nữa, bản thân Bàn Cổ đã trở thành một người khổng lồ dài chín vạn dặm đội trời đạp đất, nâng đỡ trời và đất khiến chúng không quay trở lại tình trạng hỗn mang khi xưa.

Sau khi Bàn Cổ khai thiên tịch địa, giữa trời đất chỉ có một mình ông ấy. Trời đất tùy theo tâm trạng của ông mà thay đổi. Khi ông cao hứng thì muôn dặm không có mây, khi ông tức giận thì thời tiết u ám; khi ông khóc thì trời mưa, rơi xuống mặt đất tụ lại thành sông, hồ, biển; khi ông thở dài thì trên mặt đất nổi cuồng phong; khi ông nháy mắt thì bầu trời xuất hiện những tia chớp; khi ông ngáy thì trên không trung vang lên tiếng sấm ầm ầm.

Không biết đã trải qua bao nhiêu năm, giữa trời và đất không còn cần đến Bàn Cổ nữa, và Bàn Cổ nằm trên đất. Cơ thể của ông đã tạo cho vũ trụ có hình dạng, đồng thời cũng tạo ra các vật chất trong vũ trụ. Đầu của ông biến thành Đông Sơn, chân biến thành Tây Sơn, thân biến thành Trung Sơn, cánh tay trái biến thành Nam Sơn và cánh tay phải biến thành Bắc Sơn. Năm ngọn núi thần thánh này định ra bốn góc và trung tâm của mặt đất hình vuông. Những ngọn núi đó mỗi một ngọn chống đỡ một góc trời.

Bàn Cổ đã sử dụng cơ thể của mình để biến thành trời đất vũ trụ.

Nữ Oa tạo ra con người

Một nữ Thần xuất hiện giữa trời và đất tên là Nữ Oa.

Một ngày nọ, Nữ Oa tìm thấy một hồ nước trong vắt, bà dùng nước hòa với hoàng thổ (đất sét vàng), chiểu theo hình dáng bản thân để nặn ra những hình người đất nhỏ gồm cả nam lẫn nữ. Bà thổi một luồng khí vào những tượng người này, vừa đặt chúng xuống mặt đất, những tượng đất này lập tức sống động, có thể chạy nhảy, nói chuyện cười vui.

Nữ Oa rất chăm chỉ mỗi ngày dùng hoàng thổ để tạo ra nhiều người đất nhỏ, nhưng nặn bằng tay vẫn quá chậm, vì vậy Nữ Oa đã nhúng sợi dây vào trong bùn vàng, sau đó chỉ cần kéo sợi dây ra khỏi bùn, sau khi những giọt bùn văng xuống đất, tất cả lập tức biến thành những người sống to nhỏ khác nhau.

Tuy nhiên, tuổi thọ của những con người nhỏ bé này khá ngắn ngủi, vì không muốn để con người tuyệt chủng, người mẹ nhân từ này của nhân loại đã thiết lập mối quan hệ hôn nhân cho loài người, cho phép họ phối đôi với nhau để sinh con đẻ cái, tiếp tục sinh sôi nảy nở từ thế hệ này đến thế hệ khác.

(Chú thích: Phỏng theo sách giáo khoa văn hóa truyền thống Ấu Học Quỳnh Lâm của zhengjian.org, thêm phần luận bút, để hiểu nội dung của văn bản)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/247809