Tài liệu giảng dạy môn văn hóa (cao cấp): Y Doãn (Câu chuyện lịch sử)

Tác giả: Ban biên tập tài liệu giảng dạy môn văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Lời bình của người biên tập: Vì để truyền rộng văn hóa truyền thống Trung Quốc, thanh trừ ảnh hưởng của văn hóa tà đảng, các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục đã dùng những chính kiến có được nhờ tu luyện Đại Pháp để bắt đầu biên soạn bộ Tài liệu giáo dục văn hóa chính thống Trung Quốc. Do đây là những bước đi đầu tiên nên khó tránh khỏi có sự thiếu sót, chúng tôi rất cần các đệ tử Đại Pháp tại các nơi trên thế giới, đặc biệt là các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục có thể góp sức và giúp chỉ ra chỗ thiếu sót. Chúng tôi chân thành hy vọng những đồng tu sử dụng bộ giáo trình này có thể phản hồi với chúng tôi những vấn đề gặp phải trong quá trình giảng dạy, cũng như các ưu khuyết điểm của bộ giáo trình, giúp chúng tôi không ngừng chỉnh sửa và đề cao, để bộ giáo trình ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng hoan nghênh thêm nhiều đồng tu có mong muốn tham gia vào việc biên soạn giáo trình có thể gia nhập đội ngũ, cùng nhau hoàn thành việc biên soạn bộ giáo trình này.◇◇◇ ◇◇◇ ◇◇◇

Nguyên văn

伊尹名阿衡(1)。阿衡欲奸湯而無由(2),乃為有莘氏媵臣(3),負鼎俎(4),以滋味說(5)湯,致(6)於王道。或曰:伊尹處士(7),湯使人聘迎之,五反然後肯往從湯,言素王(8)及九主(9)之事。湯舉任以國政。伊尹去湯適夏。既丑有夏(10),復歸於亳(11)。入自北門,遇女鳩、女房(12),作《女鳩》、《女房》(13)。(出自《史記卷三・殷本紀》

Hán Việt

Y Doãn danh A Hoành (1). A Hoành dục gian Thang nhi vô do (2), nãi vi Hữu Sằn thị dằng thần (3), phù đỉnh trở (4), dĩ tư vị thuyết (5) Thang, trí (6) vu vương đạo. Hoặc viết: Y Doãn xử sĩ (7), Thang sử nhân sính nghênh chi, ngũ phản nhiên hậu khẳng vãng tòng Thang, ngôn Tố Vương (8) cập Cửu Chủ (9) chi sự. Thang cử nhậm dĩ quốc chính. Y Doãn khứ Thang thích Hạ. Ký sửu Hữu Hạ (10), phục quy vu Bạt (11). Nhập tự Bắc môn, ngộ Nhữ Cưu, Nhữ Phòng (12), tác 《Nhữ Cưu》, 《Nhữ Phòng》 (13). (Trích từ 《Sử Ký • Quyển Tam n Bản Kỷ 》)

Chú thích

(1) A Hoành(阿衡): có người cho rằng Y Doãn tên là Chí, A Hoành là quan hàm, tương đương với chức quan tể tướng.

(2) Dục gian Thang nhi vô do(欲奸湯而無由): muốn cầu kiến vua Thương Thang nhưng không có đường. Gian (奸): nghĩa là cầu kiến. Do(由): con đường, lối đi.

(3) Dằng thần(媵臣): người đi theo trong lễ hồi môn (người hầu) cho con gái nhà quý tộc thời cổ đại khi xuất giá. Phi tử của vua Thương Thang là con gái của bộ lạc Hữu Sằn, nên Y Doãn tự nguyện làm nô tài đi theo lễ hồi môn để có thể gặp được vua Thương Thang.

(4) Đỉnh trở(鼎俎): dụng cụ nấu nướng thời cổ đại. Đỉnh(鼎): là dụng cụ dùng để nấu thức ăn, thường có dạng tròn, có hai tai cầm và ba chân. Trở(俎): cái thớt gỗ dùng để cắt thịt.

(5) Thuyết(說): khuyên nhủ

(6) Trí(致): gửi đến, ở đây có nghĩa là góp ý, góp lời.

(7) Xử Sĩ(處士): chỉ người có tài đức nhưng ẩn cư không ra làm quan.

(8) Tố Vương(素王): chỉ các đế vương thời viễn cổ. Còn một cách nói khác là chỉ những người không có những danh hiệu như “Vương”, “Hoàng” nhưng lại có đức cao vọng trọng như bậc vương, hoàng, do không có danh hào nên gọi là “Tố Vương”.

(9) Cửu Chủ(九主): chỉ Tam Hoàng, Ngũ đế và Đại Vũ.

(10) Sửu Hữu Hạ(丑有夏): cho rằng cách thức chính trị của Hữu Hạ tàn ác thậm tệ. Sửu(丑): cho là xấu ác, đáng căm ghét. Hữu Hạ(有夏): chỉ nhà Hạ.

(11) Phục quy vu Bạt(復歸於亳): Y Doãn từng đến đất Hạ để nhậm chức, nhưng thấy vua Kiệt ngang ngược vô đạo, làm trái với luân thường đạo lý, nên ông lại quay về đất Bạt.

(12) Nhữ Cưu, Nhữ Phòng(女鳩、女房): hai vị quan thần hiền đức của vua Thang.

(13) 《Nhữ Cưu》, 《Nhữ Phòng》(《女鳩》、《女房》): hai tác phẩm này đã bị thất truyền. 《Tập Giải》 dẫn lời của Khổng An Quốc rằng: “Nhị biên ngôn sở dĩ sửu Hạ nhi hoàn chi ý dã” (Hai thiên nói về lý do rời khỏi Hạ Kiệt xấu xa để trở về)

Bản dịch tham khảo

Y Doãn tên gọi là A Hoành. Ông muốn cầu kiến vua Thương Thang, nhưng khổ nỗi lại không có cách nào để diện kiến nhà vua, thế nên ông bèn tình nguyện làm nô tài đi cùng của hồi môn của bộ lạc Hữu Sằn, vác theo bộ dụng cụ nấu nướng mà đến diện kiến vua Thương Thang, lấy hương vị từ việc chế biến món ăn làm ví dụ cho phương pháp trị quốc, đem điều đó đề đạt với nhà vua, khuyên nhủ vua thực hành phương pháp trị quốc theo Vương Đạo. Còn có người nói rằng Y Doãn vốn là người tài đức nhưng lại không muốn làm quan, vua Thương Thang từng sai người dùng lễ đến mời ông, nhưng phải đến lần thứ năm ông mới đồng ý ra gặp mặt. Y Doãn đàm luận với vua Thương Thang về sự tích của các vị đế vương thời viễn cổ và hành động, việc làm của chín vị quân chủ. Vua Thương Thang sau đó đã đề bạt ông quản lý việc chính sự. Y Doãn từng rời khỏi Thương Thang để đến chỗ Hạ Kiệt, nhưng ông thấy rằng Hạ Kiệt bạo ngược vô đạo, khiến ông vô cùng căm ghét, vậy nên ông đã quay lại Bạt Thành – kinh đô của nhà Thương. Sau đó, khi Y Doãn từ cổng Bắc tiến vào Bạt Thành, ông đã gặp được hai vị quan thần hiền đức là Nhữ Cưu, Nhữ Phòng, thế là ông đã viết ra hai tác phẩm “Nhữ Cưu”, “Nhữ Phòng”, thuật lại những tâm tư, suy ngẫm của ông khi rời khỏi Hạ Kiệt để quay về lại đất Bạt – kinh đô nhà Thương.

Phân tích

Y Doãn (sinh năm 1648 TCN – mất năm 1549 TCN), tên là Chí. Ông vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi do bộ lạc Hữu Sằn nhặt được trong rừng dâu. Bởi do mẹ nuôi của ông sống bên bờ sông Y, vậy nên ông được lấy tên con sông làm họ, Doãn nghĩa là hữu tướng. Tuy rằng ông có vóc người thấp bé, khuôn mặt cũng không nổi bật, nhưng lại vô cùng túc trí đa mưu, thông minh xuất chúng, chí lớn vươn xa. Để thực hiện hoài bão của mình, ông đã đi theo làm nô tài trong lễ hồi môn của bộ lạc Hữu Sằn, đến chỗ vua Thương Thang làm đầu bếp, sau đó ông lại lợi dụng cơ hội dâng thức ăn cho vua Thương Thang, phân tích hình thế của thiên hạ. Vua Thương Thang tán thưởng ông, bỏ đi thân phận nô tài, đồng thời đề bạt cất nhắc ông. Ông khuyên nhủ vua Thương Thang thực hành đạo trị quốc theo Vương Đạo, từ đó có được sự quý mến và kính trọng của bá tánh thiên hạ, khiến ông trở thành vị thừa tướng, nhà chính trị gia nổi danh những năm đầu triều đại nhà Thương.

Y Doãn tổng cộng đã trải qua hơn 50 năm làm quan qua năm đời vua: Thương Thang, Ngoại Bính, Trọng Nhâm, Thái Giáp, Ốc Đinh. Trong thời gian ông nhậm chức thừa tướng, ông đã chỉnh đốn quan liêu, thấu suốt tình cảnh của người dân, có công khiến cho nền kinh tế những năm đầu triều đại nhà Thương phát triển phồn vinh, nền chính trị trong sạch. Vào năm Ốc Đinh thứ tám (năm 1549 TCN), Y Doãn qua đời, hưởng thọ 100 tuổi. Vua Ốc Đinh đã dùng lễ của Thiên tử để mai táng ông bên cạnh lăng tẩm của vua Thương Thang, biểu dương những cống hiến của ông cho triều đại nhà Thương.

Nhìn chung cả một đời Y Doãn đã hết lòng phụng sự cho năm vị đế vương, trong lịch sử có thể nói trước sau đều là độc nhất vô nhị. Các vị đế vương trong thời đầu triều đại nhà Thương có thể có được sự phò tá của ông, cũng là phúc phận của nhà Thương. Đặc biệt ngay từ lúc đầu, Y Doãn đã khuyên nhủ vua Thương Thang phải thực hành Vương Đạo, noi theo “Tố Vương cập Cửu chủ” (các vị đế vương thời viễn cổ và chín vị quân chủ), lấy đức cai quản thiên hạ, lập nên tấm gương tốt đẹp cho triều đại nhà Thương, cả một triều đại Ân Thương đã tiếp tục kéo dài khoảng 500 năm, Y Doãn với công lao to lớn không thể phai nhòa khiến ông sau khi qua đời có thể hưởng vinh dự được an táng cạnh lăng của vua Thương Thang.

Mở rộng suy ngẫm

1. Y Doãn ôm chí lớn vươn mình, không tiếc nương thân làm nô tài, vì để có được cơ hội vào cung diện kiến vua Thương Thang. Ông làm được “nhẫn”, nếu là bạn, liệu có thể buông bỏ phong thái, làm được như vậy chăng? Xin hãy nói rõ lý do.

2. Những người vào thời viễn cổ xa xưa, y dược không phát triển được như ngày nay, vì sao có thể trường thọ như vậy? Xin hãy nói lên cách nghĩ của bạn.

3. Y Doãn từ chỗ của Hạ Kiệt lại quay về với nhà Thương, có thể nói là “chim khôn chọn cây tốt mà đậu”, nếu bạn phải giúp đỡ một tập thể hay một cá nhân, bạn sẽ suy xét từ những phương diện nào? Liệu có đáng để giúp đỡ không?

Tư liệu tham khảo

1. Tứ Thư Ngũ Kinh Chi Lộ.

2. 《Sử Ký Bản Kỷ (Thượng)》nguyên tác Tư Mã Thiên, Vương Lợi Khí, Trương Liệt biên dịch và chú thích, xuất bản lần đầu vào tháng 12 năm 1992 bởi nhà xuất bản Ngũ Nam.

3. 《Bạch Thoại Sử Ký》 do Tạ Vũ Hùng biên dịch, xuất bản vào tháng 3 năm 1968 bởi nhà xuất bản Hà Lạc Đồ Thư.

4. http://zh.wikipedia.org/wiki/%E4%BC%8A%E5%B0%B9

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/47961