Tài liệu giảng dạy môn văn hóa (cao cấp): Thái Giáp hối lỗi (Câu chuyện lịch sử)

Tác giả: Ban biên tập tài liệu giảng dạy môn văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Lời bình của người biên tập: Vì để truyền rộng văn hóa truyền thống Trung Quốc, thanh trừ ảnh hưởng của văn hóa tà đảng, các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục đã dùng những chính kiến có được nhờ tu luyện Đại Pháp để bắt đầu biên soạn bộ Tài liệu giáo dục văn hóa chính thống Trung Quốc. Do đây là những bước đi đầu tiên nên khó tránh khỏi có sự thiếu sót, chúng tôi rất cần các đệ tử Đại Pháp tại các nơi trên thế giới, đặc biệt là các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục có thể góp sức và giúp chỉ ra chỗ thiếu sót. Chúng tôi chân thành hy vọng những đồng tu sử dụng bộ giáo trình này có thể phản hồi với chúng tôi những vấn đề gặp phải trong quá trình giảng dạy, cũng như các ưu khuyết điểm của bộ giáo trình, giúp chúng tôi không ngừng chỉnh sửa và đề cao, để bộ giáo trình ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng hoan nghênh thêm nhiều đồng tu có mong muốn tham gia vào việc biên soạn giáo trình có thể gia nhập đội ngũ, cùng nhau hoàn thành việc biên soạn bộ giáo trình này.

◇◇◇ ◇◇◇ ◇◇◇

Nguyên văn

帝太甲既立三年,不明,暴虐,不遵湯法,亂德,於是伊尹放之於桐宮(1)。三年,伊尹攝(2)行政當國(3),以朝諸侯(4)。

帝太甲居桐宮三年,悔過自責,反(5)善,於是伊尹乃迎帝太甲而授之政。帝太甲修德,諸侯咸歸殷,百姓以寧。伊尹嘉(6)之,乃作《太甲訓》三篇(7),褒(8)帝太甲,稱太宗。(出自《史記・殷本紀第三》)

Hán Việt

Đế Thái Giáp ký lập tam niên, bất minh, bạo ngược, bất tuân Thang pháp, loạn đức, vu thị Y Doãn phóng chi vu Đồng Cung (1). Tam niên, Y Doãn nhiếp (2) hành chính đương quốc (3), dĩ triều chư hầu (4).

Đế Thái Giáp cư Đồng Cung tam niên, hối quá tự trách, phản (5) thiện, vu thị Y Doãn nãi nghênh Đế Thái Giáp nhi thụ chi chính. Đế Thái Giáp tu đức, chư hầu hàm quy ân, bách tính dĩ ninh. Y Doãn gia (6) chi, nãi tác Thái Giáp Huấn tam thiên (7), bao (8) Đế Thái Giáp, xưng Thái Tông. (Trích từ Sử Ký • Ân Bản Kỷ Đệ Tam)

Chú thích

(1) Đồng Cung(桐宮): hành cung của nhà Thương, cách huyện Yển Sư, tỉnh Hà Nam ngày nay năm dặm về phía Tây Nam. Còn có cách nói khác là ở gần lăng mộ của vua Thang.

(2) Nhiếp(攝): tạm thời thay mặt.

(3) Đương quốc(當國): phụ trách quản lý chính quyền của đất nước.

(4) Triều chư hầu(朝諸侯): tiếp kiến các nước chư hầu.

(5) Phản(反): đồng nghĩa với phản (返), hướng về.

(6) Gia(嘉): khen ngợi, tán thưởng.

(7) Thái Giáp Huấn tam thiên(《太甲訓》三篇): tập Thượng Thư cổ văn có ba quyển Thái Giáp thượng, trung, hạ.

(8) Bao(褒): tán dương.

Bản dịch tham khảo

Thái Giáp lên ngôi được ba năm, không sáng suốt anh minh, đối xử với dân chúng hung tàn bạo ngược, không tuân theo những quy chế, phép tắc của vua Thương Thang, đạo đức suy đồi bại hoại, vậy nên Y Doãn đành phải đày ông đến Đồng Cung, nơi đặt phần mộ của vua Thương Thang. Trong ba năm sau đó, Y Doãn tạm thời chấp trưởng triều chính, chủ trì việc nước, tiếp kiến chư hầu các phương.

Thái Giáp ở Đồng Cung ba năm, ăn năn hối cải về những lỗi lầm của mình, phản tỉnh, hồi tâm hướng thiện, tu sửa tâm tính. Y Doãn biết được, bèn rước đón ông trở lại triều đình, trao lại việc nước cho ông. Từ đó về sau, vua Thái Giáp bắt đầu tu dưỡng phẩm hạnh, các nước chư hầu đều quy thuận đối với triều Ân, người dân cũng nhờ vậy mà được yên ổn, sung túc. Y Doãn vì để khen ngợi và khích lệ Thái Giáp, bèn viết ra ba quyển Thái Giáp Huấn, tán dương Đế Thái Giáp, đồng thời tôn xưng ông là Thái Tông.

Phân tích

Khổng Tử nói: “Tri quá năng cải, thiện mạc đại yên” (một người sau khi phạm lỗi, có thể nhận thức và sửa lại lỗi lầm thì chính là điều tuyệt vời nhất), Nhan Hồi nói: “Bất nhị quá” (không tái phạm), đều là để khuyên con người nên dũng cảm nhận lỗi. Thái Giáp thân là vua của một nước, có thể làm được việc sửa chữa lỗi lầm, xác thực là việc không dễ dàng, vậy nên có thể thấy Y Doãn đưa ông đến Đồng Cung để ông hối lỗi trong ba năm là quyết định chính xác. Mà trong ba năm này, Y Doãn “nhiếp chính đương quốc” (chấp trưởng triều chính), “triều chư hầu” (tiếp kiến chư hầu các phương), khiến cho đất nước không đến nỗi “nước không vua như hổ vô đầu”, lâm vào tình cảnh hỗn loạn. Mà càng đáng quý hơn là, Y Doãn không ham tiếc quyền lực chức vị, danh lợi, một khi thấy Thái Giáp sửa chữa lỗi lầm, tu sửa tâm tính, Y Doãn vẫn có thể trao trả chính quyền cho ông, hoàn toàn không giống như các chính khách sau này, tự mình soán ngôi đoạt vị lên làm hoàng đế.

Câu chuyện này lưu truyền thật lâu qua hàng đời, nói lên được Y Doãn đã cố gắng không ngừng nghỉ để kế tục thực thi trọn vẹn các sách lược trị quốc của vua Thương Thang, khiến cho triều đại nhà Thương đạt được an ổn và yên trị dài lâu, Y Doãn cũng có được thanh danh “Đại Nhân” (nhân đức lớn), “Đại Nghĩa” (nghĩa lớn).

Một người có thể lưu danh thiên cổ hay để lại tiếng xấu muôn đời, tất cả chỉ trong một niệm. Người coi trọng đạo đức thì nắm được cái gì nên và không nên làm, biết tiến biết lùi; còn người chỉ coi trọng danh lợi thì tầm nhìn hạn hẹp, chỉ thấy cái lợi trước mắt, có thể tai họa cũng lần lượt nối gót mà ập đến, thậm chí vĩnh viễn bị người đời thóa mạ. Y Doãn có thể được năm vị đế vương trọng dụng, ắt do ông vốn có nhân cách vượt xuất khỏi người thường.

Mở rộng suy ngẫm

1. Khi bạn phạm lỗi, bạn sẽ tìm lý do để tự bào chữa, quy đổ cho lý do đó, hay là thật sự tự nội tâm kiểm điểm sai lầm của bản thân? Bạn hãy nhân cơ hội này suy xét lại bản thân mình thật tốt.

2. Người có trí huệ, khi gặp vấn đề liền có thể đưa ra lựa chọn chính xác. Khi bạn gặp phải sự việc quan trọng thì thường đưa ra quyết định như thế nào?

3. Danh lợi thường khiến cho con người trở nên mụ mị, quên đi mất luân thường đạo lý nên phải giữ. Khi bạn đứng trước danh lợi, làm thế nào để vẫn giữ vững được khí tiết của mình?

Tư liệu tham khảo

1. Tứ Thư Ngũ Kinh Chi Lộ

2. Sử Ký Bản Kỷ (Thượng) nguyên tác Tư Mã Thiên, Vương Lợi Khí, Trương Liệt biên dịch và chú thích, xuất bản lần đầu vào tháng 12 năm 1992 bởi Nhà xuất bản Ngũ Nam.

3. Bạch Thoại Sử Ký do Tạ Vũ Hùng biên dịch, xuất bản vào tháng 3 năm 1968 bởi Nhà xuất bản Hà Lạc Đồ Thư.