Một ngày trong động, ngàn năm mặt đất

Tác giả: Âu Dương Tử Vân chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Câu nói “Một ngày trong động, ngàn năm mặt đất” chỉ việc người trần ngẫu nhiên gặp được Thần tiên, chỉ ở với họ trong chốc lát vậy mà quay về nhân gian đã trôi qua mười mấy năm, thậm chí 100 năm, 1000 năm. Thần tiên sở dĩ được gọi là Thần tiên vì họ không sống trong tầng không gian nơi người thường chúng ta đang sống, thời gian của họ tất nhiên cũng sẽ khác với thời gian của tầng không gian này của con người chúng ta, thời gian của họ trôi nhanh hơn thời gian ở nhân gian. Có câu chuyện về Văn Quảng Thông ngẫu nhiên gặp được Thần tiên, chỉ cùng uống một ly rượu mà quay về lại nhân gian đã 12 năm trôi qua.

Văn Quảng Thông là người thôn Đằng, huyện Thần Khê (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Huyện này thuộc Thần Châu. Từ Thần Châu chèo thuyền ngược dòng về thượng nguồn khoảng 100 dặm, ở phía bờ Bắc con sông có một nơi gọi là thôn Đằng, nhà của Văn Quảng Thông ngụ ở đó. Vào thời Hán triều, huyện Thần Khê gọi là huyện Thần Lăng.

Theo ghi chép trong “Vũ Lăng Ký”, vào năm Nguyên Gia thứ 26 thời Tống Văn đế Nam triều (năm 424 – 454), có một lần Văn Quảng Thông bắt gặp một con heo rừng đang ăn hoa màu trên mảnh đất nhà mình nên anh ta liền giương cung bắn. Con heo rừng trúng tên chảy máu rồi bỏ chạy. Văn Quảng Thông lần theo vết máu, đuổi theo được khoảng mười mấy dặm thì tiến vào trong một cái động, vào trong động đi khoảng hơn 300 bước thì thấy động dần trở nên rộng rãi sáng sủa hơn, lúc này trước mắt Văn Quảng Thông bỗng nhiên xuất hiện mấy trăm căn nhà, Văn Quảng Thông không biết đây là nơi nào, anh ta lại tiếp tục đi tìm con heo mà mình đã bắn trúng, nó đã chạy vào trong chuồng heo của một người dân trong thôn. Một lát sau, có một ông lão từ trong nhà bước ra hỏi Văn Quảng Thông: “Có phải là anh đã bắn vào con heo của tôi không?” Văn Quảng Thông đáp: “Tôi vốn không có ý định bắn nó, là do nó ăn hoa màu trên đất nhà tôi nên tôi mới bắn.” Ông lão nói: “Dắt trâu dẫm lên hoa màu trong ruộng nhà người ta là không đúng, nhưng lại vì như vậy mà cướp cả trâu nhà người ta đi thì lại càng không đúng.” Văn Quảng Thông nghe vậy liền vội vàng tiến về phía ông lão cúi đầu tạ lỗi. Ông lão nói: “Biết sai rồi thì sửa, như vậy sẽ không còn sai nữa. Do con heo này trong đời trước có tội, kiếp này nên gặp phải báo ứng như vậy, anh cũng không cần phải tạ tội với tôi nữa.”

Ông lão mời Văn Quảng Thông vào trong phòng ngồi nói chuyện, Văn Quảng Thông thấy trong phòng có mười mấy vị nho sinh, trên đầu đội mũ Chương Phủ [1], mặc bộ áo mỏng tay áo rộng, còn có một vị tiến sĩ ngồi một mình trên chiếc giường nhỏ, mặt hướng về phía nam đang bình luận kinh sách của Lão Tử. Văn Quảng Thông lại thấy trong căn phòng phía tây có mười mấy người ngồi đối diện nhau đang gảy đàn, âm điệu du dương êm tai. Lúc này, có một vị tiểu đồng tiến lên rót rượu, mời Văn Quảng Thông uống. Văn Quảng Thông uống đến mức nửa tỉnh nửa say, thân thể vô cùng thư thái, liền khước từ không uống nữa. Khi Văn Quảng Thông bước ra khỏi căn nhà, quan sát kỹ người và vật trên đường thì thấy không khác mấy với thế giới bên ngoài, nhưng anh vẫn cảm thấy nơi đây cách xa trần thế, có một vẻ hư ảo, thanh tịnh, đúng là một nơi thắng cảnh hiếm có, vì vậy trong lòng không nỡ rời đi. Nhưng ông lão lại không dám giữ chân Văn Quảng Thông ở lại, chỉ đành tiếc nuối mà phái một đứa trẻ dẫn đường tiễn anh ta ra ngoài, đồng thời căn dặn đứa trẻ khóa chặt cổng lớn, đề phòng có người ngoài đi vào. Trên đường quay trở ra, Văn Quảng Thông liền hỏi đi hỏi lại đứa trẻ xem rốt cuộc là chuyện gì khiến anh ta không được ở lại nơi này nữa, đứa trẻ đáp rằng: “Những người trong căn nhà kia đều là các bậc thánh hiền, năm xưa vì vua Kiệt thời Hạ quá tàn bạo vô đạo mà họ đã đến nơi này, nhờ học đạo mà đã đắc đạo thành tiên. Vị tiến sĩ ngồi một mình trên giường đàm luận kinh sách Lão Tử kia chính là Hà Thượng Công. Tôi là Vương Phụ Tự, người Sơn Dương thời Hán triều, đến đây để thỉnh giáo Hà Thượng Công một số nghi vấn trong kinh sách của Lão Tử. Tôi đã làm nô bộc quét tước cho họ ở đây được 10 kỷ rồi (một kỷ là 12 năm) mới lên được chức người giữ cửa này, đến bây giờ tôi vẫn còn chưa lĩnh hội được yếu lĩnh trong quyển ‘Đạo Đức Kinh’, nên chỉ có thể ở đây giữ cửa thôi.” Trong lúc nói chuyện, họ đã đến được cửa động, cả hai người đều lưu luyến không nỡ từ biệt, ai cũng biết về sau sẽ không còn cơ hội gặp lại nữa.

Văn Quảng Thông đến được nơi dẫn vào trong cửa động thì phát hiện cây cung dùng để bắn con heo rừng đã mục nát. Anh chỉ ở trong động một chốc lát, vậy mà trên mặt đất đã trôi qua 12 năm rồi. Người nhà của Văn Quảng Thông cho rằng anh đã qua đời từ lâu, nên năm ấy còn tổ chức tang lễ cho anh, bây giờ lại thấy Văn Quảng Thông quay trở về, vậy nên toàn bộ người trong thôn khắp trong nhà ngoài ngõ ai nấy đều kinh hãi khiếp sợ, cảm thấy hết sức nghi hoặc. Ngày hôm sau, Văn Quảng Thông cùng những người trong thôn tìm đến nơi cửa động kia, chỉ thấy cửa động đã bị lấp kín bởi một tảng đá lớn, mặc dù mọi người đã cố sức đào bới nhưng không thể tìm thấy cửa động nữa, tảng đá lớn kia đã dính liền với núi.

Tư liệu tham khảo:

– Truyện cổ Thần tiên: Hà Thượng Công http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/10/8/18819.html

– Thái Bình Quảng Ký

Dịch từ: http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/shenxianstories/sx01.html

Chú thích của người dịch:

(1) Mũ Chương Phủ: là loại lễ phục thời cổ đại, được làm bằng vải đen, là mũ hay được các nho sinh thời xưa đội, bắt đầu được dùng vào thời nhà Ân, sau khi nhà Ân kết thúc thì tồn tại đến đời Tống.