Trải nghiệm cận tử xác nhận sự tồn tại của chiều không gian khác

Tác giả: Lưu Hiểu

[ChanhKien.org]

Kể từ khi thuật ngữ “trải nghiệm cận tử” được đưa ra vào năm 1975 bởi Bác sĩ Y khoa người Mỹ Raymond Moody trong cuốn sách Life After Life (Tạm dịch: Sự sống sau cái chết) của tác giả cùng tên, nhiều nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu về lĩnh vực này và ghi nhận được một số lượng lớn các trường hợp.

“Trải nghiệm cận tử” là trạng thái khi cơ thể cực kỳ yếu và cận kề cái chết, nó sẽ kích hoạt một loạt các phản ứng như: cơn đau biến mất, cảm giác bản thân thoát ly khỏi cơ thể, phiêu đãng bay lên, nhìn thấy người thân và bạn bè đã qua đời, hồi tưởng lại cuộc đời của chính mình, đi xuyên qua một đường hầm tối tăm, cuối đường hầm là ánh sáng rực rỡ, và trong ánh sáng đó, cảm nhận mạnh mẽ “tình yêu, niềm vui, sự bao dung và yên bình”, v.v.

Vào những năm 1990 cá nhân tôi đã trực tiếp nghe hai trường hợp. Khi tôi còn là một nghiên cứu sinh, một người bạn cùng lớp ở cùng ký túc xá đã kể cho tôi trải nghiệm cận tử của chính cô ấy. Cô trở lại trường sau hơn mười năm đi làm. Cô ấy nói rằng khi sinh em bé, cô đã bị chảy rất nhiều máu, linh hồn (nguyên thần) của cô ấy đã rời khỏi thân thể, sau đó từ từ bay về phía một cánh cửa đang mở. Nhưng cuối cùng, thay vì bước qua cửa, cô quay lại nhìn vị bác sĩ đang cấp cứu cho mình, rồi quay trở lại cơ thể của mình.

Một câu chuyện khác là từ một người bạn của bạn tôi. Cô cũng bị chảy rất nhiều máu khi sinh con, nguyên thần của cô đã rời khỏi thân thể. Cô đã bay lên, bay đến một thế giới vô cùng mỹ hảo. Cô rất hạnh phúc và không còn muốn quay lại nữa. Lúc này, một thanh âm đầy yêu thương cất lên với cô: “Hãy mau trở về, con cô vẫn cần cô chăm sóc”. Sinh mệnh cao cấp đang nói với cô liền gạt những đám mây sang một bên rồi bảo cô nhìn xuống bệnh viện. Cô thấy các bác sĩ vẫn đang bận bịu cấp cứu cho cô, còn chồng cô thì ôm đứa con mới sinh đang cầu nguyện. Lúc này, tâm cô bỗng dịu xuống, và cô bay nhanh trở lại thân thể của mình.

Ngoài ra, truyền thông Đại Lục cũng từng đăng tải một số trường hợp trải nghiệm cận tử. Ví dụ, vào tháng 7 năm 1998, Lưu Tuyền Khai, một bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Nam Xương, đã rơi vào tình trạng hôn mê liên tục do bệnh viêm gan nặng. Trong trạng thái hôn mê, ông đã có một trải nghiệm kỳ diệu. Sau đó, ông đã viết về trải nghiệm cận tử của mình trong một luận văn được đăng trên tạp chí Tự Sự Y Học.

Ông viết: “Tôi sớm đã rơi vào trạng thái vô tri vô giác, suy nghĩ của tôi dường như thoát ly khỏi cơ thể, nhẹ nhàng bay lên, xuyên qua một đường hầm tối tăm, phía trước là ánh sáng đỏ. Tôi nhìn thấy bà nội và cha tôi, bà nội đưa cho tôi món khoai lang sấy khô và đậu phộng chiên mà tôi yêu thích. Tôi vui mừng khôn xiết nhưng không thể đưa tay ra, như thể bị dây thừng trói chặt. Tôi muốn kêu cứu mà không thể kêu lên. Cha tôi liền ném thức ăn lên không trung, trong tích tắc, những bông tuyết từ trên không trung rơi xuống. Bà nội và cha tôi đột nhiên biến mất. Vừa mãn nguyện, vừa tiếc nuối, tôi quay người đuổi theo họ, và trôi về phía một ngã tư tối tăm nhưng không đáng sợ, nơi dường như có thứ gì đó đang chặn tôi và kéo tôi trở lại với thực tại phũ phàng. Sự phấn khích, niềm vui và sự thanh thản mà tôi đã trải qua khi gặp gỡ những người thân yêu của mình đều tan biến không dấu vết”.

Vào tháng 5 năm 1993, tạp chí Y Học Đại Chúng đã đăng một bài báo có tiêu đề “Trải nghiệm cận tử: Bí ẩn có thể đo lường” do một bác sĩ từ Bệnh viện An Định Thiên Tân viết. Mười năm sau trận đại địa chấn ở Đường Sơn năm 1976, ông và các đồng nghiệp đã thực hiện một cuộc khảo sát về trải nghiệm cận tử trên 100 người sống sót sau trận động đất nói trên và nhận được 81 dữ liệu khảo sát hợp lệ, bao gồm 43 nam và 38 nữ. Hầu hết họ là những người sống sót sau những ngôi nhà bị sập. Trong số 81 trường hợp được nghiên cứu, 47 người trong số đó có những thay đổi về tính cách sau trải nghiệm cận tử.

Trong cuộc khảo sát, gần một nửa số người cảm thấy rằng ý thức của họ đã bị tách rời khỏi thân thể. Họ cảm thấy như hình tượng bản thân thoát ly khỏi thân thể và bay lên không trung, một số người gọi đó là “linh hồn xuất khiếu”. Ở giữa không trung hoặc trên trần nhà, họ “nhìn thấy” cơ thể của chính mình. Một người được khảo sát đã mô tả như sau, “Lúc đó, tôi cảm thấy cơ thể mình bị chia thành hai phần, một phần nằm trên giường, là một cái vỏ rỗng, phần còn lại là cơ thể của tôi, nhẹ hơn không khí, lắc lư phiêu đãng trong không trung, cảm giác rất thoải mái”.

Khoảng một phần ba số người có một cảm giác kỳ lạ rằng họ đang đi qua một đường hầm hoặc không gian giống như đường hầm, đôi khi kèm theo một số tiếng động lạ và có cảm giác như đang bị kéo hoặc bị ép lại. Khoảng một phần tư số người tham gia khảo sát cho biết vào thời điểm đó, cơ thể dường như không còn thuộc về bản thân họ, các bộ phận khác nhau của cơ thể nằm rải rác trong không gian, và sau đó giống như đang chìm xuống vực sâu vạn trượng, bóng tối bao trùm.

Khoảng một phần tư số người cũng cho biết họ đã “gặp” những hình tượng linh hồn hoặc người không có thật, hầu hết là người thân đã khuất hoặc người quen khi còn sống hoặc những người xa lạ đã đoàn tụ với họ ở một không gian khác. Một số thậm chí đã xuống âm phủ.

Hơn một nửa số người hồi tưởng lại rằng khi gặp nạn, họ không hề cảm thấy sợ hãi. Thay vào đó, đầu óc trở nên rất tỉnh táo, tâm trạng bình tĩnh và nhẹ nhõm lạ thường, cũng không có cảm giác hoảng sợ. Một số người thậm chí còn cảm thấy có chút vui mừng, sảng khoái. Lúc này, những sự việc trong đời giống như một cuốn phim, các cảnh tượng diễn ra nhanh chóng, và hầu hết đều là những cảnh vui vẻ dễ chịu, chẳng hạn như những câu chuyện thời thơ ấu, hôn nhân và tình yêu, thành tựu trong công việc, v.v.

Tin rằng bản thân đã chết hoặc sắp chết là một cảm giác nội tâm phổ biến của những người sống sót. Tuy nhiên, trải nghiệm càng kéo dài, họ càng ít tin rằng bản thân mình thực sự sẽ chết. Một số người tỏ ra mâu thuẫn trong trạng thái tử vong, tức là họ tin chắc rằng nhục thân đã chết, nhưng bản thân vẫn trải nghiệm niềm vui khi được sống trên đời.

Nhiều người nổi tiếng trên thế giới đã từng trải qua trạng thái cận tử như cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Kinh Quốc, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, nhà văn Mỹ nổi tiếng Ernest Hemingway, đại thi hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe, “Vua Tiểu thuyết” người Pháp Guy de Maupassant, nhà văn Nga nổi tiếng Fyodor Dostoevsky, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Edgar Allan Poe, nhà văn Anh nổi tiếng David Herbert Lawrence, v.v.

Một nghiên cứu của Hà Lan được công bố trên tạp chí The Lancet vào năm 2001 phỏng vấn 344 bệnh nhân đã được hồi sức thành công sau khi ngừng tim, trong số này 62 trường hợp (tương đương 18%) đã trải qua trải nghiệm cận tử điển hình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người từng trải qua trải nghiệm cận tử có sự phân bố đa dạng ở các khu vực địa lý, chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và nền tảng văn hóa khác nhau trên thế giới. Theo một cuộc khảo sát thực hiện bởi Gallup, Inc., một công ty thống kê nổi tiếng của Mỹ, chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, đã có ít nhất 13 triệu người trưởng thành còn sống đã từng trải qua trải nghiệm cận tử. Nếu tính cả trẻ em, con số sẽ còn ấn tượng hơn.

Phùng Chí Dĩnh từ Bệnh viện An Định Thiên Tân cũng cho rằng không chỉ những người có tôn giáo tín ngưỡng mới có trải nghiệm cận tử mà cả những người theo quan điểm vô thần cũng vậy. Mặc dù phương Đông và phương Tây có sự khác biệt rất lớn về truyền thống văn hóa cũng như tôn giáo, nhưng trải nghiệm cận tử của họ là gần như tương đồng.

Rất nhiều người trên thế giới đã trải qua trải nghiệm cận tử, điều này chắc chắn muốn nói với thế nhân rằng: linh hồn thực sự có tồn tại, các chiều không gian khác cũng thực sự tồn tại. Cái chết không phải là sự kết thúc của sinh mệnh. Con người tại các không gian khác nhau sẽ có những phương thức sinh tồn khác nhau. Như vậy cũng có nghĩa là thiên đường, địa ngục, và Thần Phật cũng không phải là huyễn hoặc. Điều này có thể khiến những người dân Trung Quốc đại lục vốn bị đầu độc bởi chủ nghĩa vô thần cần suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa của sinh mệnh.

Dịch từ:

http://www.pureinsight.org/node/7729

http://www.zhengjian.org/node/277844