[Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc] Vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (3): Hồng hoang hạo kiếp

[ChanhKien.org]

1. Hồng thủy sơ hiện

Những năm cuối thời Đế Nghiêu, trong thiên hạ xảy ra trận đại hồng thủy. Trận đại hồng thủy này xảy ra cùng thời với trận đại hồng thủy xảy ra vào thời Noah được ghi chép trong Kinh Thánh.

Lúc đó thiên hạ được phân thành chín châu là Ký Châu, Dự Châu, Duyện Châu, Thanh Châu, Từ Châu, Dương Châu, Kinh Châu, Lương Châu, Ung Châu. Bên ngoài cửu châu được gọi là tứ hải, bên ngoài tứ hải chính là bát hoang. Thuyết Uyển – Biện Vật chép về Trung Quốc cổ đại như sau: “Bên trong bát hoang có tứ hải, bên trong tứ hải có đảo cửu châu”.

Ký Châu là nơi có kinh đô của vua, Ký (冀) cũng đọc giống Kỳ (畿: nghĩa là kinh đô), đây là nơi đặt đế đô, chỉ có nó mới có thể đại biểu cho “Trung Quốc” và “thiên hạ”. Do đó Lộ Sử có nói: “Trong cửu châu thì duy có Ký Châu là không nơi nào sánh bằng, sai bảo tám châu mà tự quản mình, vì lẽ đó mà phân ra thành đế đô mà cũng lại hợp với tám châu là một thể nhất thống”.

Vào thời xưa, vùng đất là Mông Cổ ngày nay vẫn là một biển rộng lớn mênh mông vô biên, còn được gọi là Bắc Hải. Phía Tây của Ký Châu và Dự Châu là Ung Châu, nay là Thiểm Tây, Ninh Hạ và phía Đông Cam Túc. Từ phía Tây của Ung Châu đến phía Bắc của núi Chung Nam là Sơn Hải cổ đại. Nước từ Lương Sơn chảy ra, liên miên bất tận đổ vào Sơn Hải. Phía Tây Sơn Hải chính là Tây Hải, đó là một vùng đất rộng lớn gồm Cam Túc, Thanh Hải, Tân Cương, Tây Tạng v.v. Phía Đông của Sơn Hải chính là một đầm sâu, tức là đầm Dương Vu, nằm ở thượng du của Hoàng Hà (thời đó gọi Hoàng Hà là Đại Hà). Bờ biển Đông Hải lúc bấy giờ (tức là Đông Hải, Hoàng Hải, Bột Hải ngày nay) vẫn nằm tại Tào Kinh, Từ Kinh ở Thượng Hải ngày nay; kéo đến Đông Đài, Liên Thủy và Liên Vân Cảng ở Tô Bắc; cho đến Khu Miêu Trang, Tiểu Vương Trang ở Thiên Tân. Vùng đất của Âu Mân ở Chiết Giang và Phúc Kiến lúc đó vẫn còn là biển.

Sau khi trận hồng thủy xảy ra, nước biển ở Tây Hải và Sơn Hải không có đường thoát, đều chảy vào đầm Dương Vu, còn nước ở đầm Dương Vu vì bị núi Hạ Lan và núi Âm Sơn chặn lại nên không thể chảy ra Hãn Hải (nay là sa mạc Gobi), chỉ có thể chảy đến núi Mạnh Môn (cách Thác Hồ Khẩu trên sông Hoàng Hà không xa), sau đó lại từ phía Bắc và Nam của Lữ Lương Sơn đổ xuống, làm ngập các cánh đồng màu mỡ, phá hủy nhà cửa, giết chết lượng lớn người và động vật. Đặc biệt ở Ung Châu, vì có núi cao ngăn cản nên nước bị tắc ở đó.

Vua Nghiêu hỏi ai có thể khống chế lũ lụt, Hoan Đâu tiến cử Cộng Công Khổng Nhâm. Nghiêu Đế nói: “Cộng Công người này lời nói khéo léo, kỳ thực bằng mặt mà không bằng lòng, dung mạo nhìn có vẻ cung kính, nhưng lại trái với Đạo Trời, khinh mạn Thần linh, không thể dùng người này trị thủy được”. Viên quan Đại tư Nông Tắc cũng nói hiện tại không chọn được người nào tốt hơn, nên để Khổng Nhâm thử sức xem, vua Nghiêu bất đắc dĩ giao cho Khổng Nhâm đi trị thủy.

Vua Nghiêu cử Đại tư Nông Tắc đến núi Côn Luân hỏi Tây Vương Mẫu, Tây Vương Mẫu nói với Tắc rằng, đại hồng thủy lần này chính là Thiên ý, đã có định số, gồm cả người trị thủy và thời điểm trị được thủy cũng đều có định số, phải chờ 20 năm sau, mới có thể phái Thần Vũ xuống trị thủy, khi đó lũ lụt mới có thể hoàn toàn bình ổn, đến lúc ấy Vương Mẫu cũng sẽ giúp đỡ trị thủy.

Huyền cơ của thiên địa, kiếp số trời định.

2. Thảo phạt Tam Miêu

Nhân lúc lũ lụt khắp nơi, Tam Miêu ở phương Nam thừa cơ làm loạn. “Tam Miêu” thuộc về hậu duệ của tộc Cửu Lê Xi Vưu. Vào thời điểm đó, họ chủ yếu phân bố giữa hồ Động Đình và hồ Bành Lê (nay là hồ Bà Dương ở Giang Tây), tức là khu vực phía Nam khu vực trung du sông Trường Giang. Tam Miêu có thế lực lớn, vùng này cũng là phong quốc của cha con Hoan Đâu. Hai cha con Hoan Đâu hành vi tàn bạo bất nhân, băng hoại truyền thống.

Hai cha con Hoan Đâu từ lâu đã có tâm không phục, từ lâu đã âm mưu làm loạn, nhiều lần gây loạn. Lúc đó lợi dụng lũ lụt khắp nơi, họ đã xâm lược khắp nơi và thôn tính các nước nhỏ yếu. Vua Nghiêu ra lệnh cho Tắc chinh phạt Tam Miêu, trong trận chiến tại sông Đan Thủy đã hàng phục được Tam Miêu. Ông cũng yêu cầu Tam Miêu loại bỏ tất cả các loại chính sách bạo ngược và hình phạt tàn khốc, tôn sùng Đạo của các vị Thánh cổ xưa, trả lại các vùng đất đã bị thôn tính cho các quốc gia, và sau đó đày Hoan Đâu đến núi Tung Sơn.

3. Truyền thuyết và những ghi chép liên quan đến đại hồng thủy

Thượng Thư – Nghiêu Điển có ghi chép: “Hồng thủy cuồn cuộn tràn khắp nơi, ầm ầm dâng ngập núi đồi, mênh mông đến tận chân trời”. Hồng thuỷ ngập trời, bủa vây núi lớn, xông lên đồi cao, che lấp hết bình nguyên, người dân không chốn an cư.

Sử thi Hồng thủy ký của dân tộc Di đã mô tả việc Thần tạo ra thiên địa và con người, sau đó con người dần dần bại hoại sa đọa rồi bị Thần dùng hồng thủy hủy diệt, lưu lại một người tốt và tái tạo nền văn minh nhân loại.

Xét về quy mô và phạm vi của hồng thủy, trận đại hồng thủy thời vua Nghiêu là trận hồng thủy mang tính toàn cầu, toàn bộ Bắc bán cầu bị ngập lụt. Có 254 dân tộc trên thế giới có văn tự ghi lại hoặc những câu chuyện truyền miệng về trận hồng thuỷ này, hơn nữa những câu chuyện và truyền thuyết đó đều có rất nhiều điểm tương đồng.

Kinh Thánh – Sáng Thế Ký viết như sau: “Chuyện này xảy ra vào ngày 17 tháng 2. Ngày hôm đó, cửa trời mở rộng và mưa lớn trong bốn mươi ngày đêm. Núi cao ở khắp nơi đều bị nhấn chìm”. Noah và vợ lái một con thuyền lớn, sau hơn 40 ngày trôi theo dòng lũ lớn, thì mắc lại trên đỉnh núi cao, đến ngày thứ 150 thì lũ mới hoàn toàn rút hết.

Trong số các dân tộc ở Trung Quốc, dân tộc duy nhất không có truyền thuyết về hồng thủy là dân tộc Lạc Ba. Người Lạc Ba chủ yếu sống ở vùng Sơn Nam và Lâm Chi, với độ cao trung bình 3.000 mét. Đại hồng thủy không đạt đến độ cao này.

Tranh “Đại hồng thủy” (The Duluge) của Gustave Doré. Nhiều dân tộc ở khắp nơi trên thế giời đều có những truyền thuyết hoặc những ghi chép về trận đại hồng thủy này. (nguồn internet)

4. Độ cao của trận đại hồng thủy

Khi Đại Vũ trị thủy, đã dựng bia trên đỉnh núi Hành Sơn, bia được dựng trên một vách đá tự nhiên, tương truyền nơi dựng bia chính là vị trí mực nước lúc bấy giờ, tức là độ cao của mực nước lúc đó cao ngang với dãy núi Hành Sơn.

Thủy Kinh Chú viết: “Sông Giang đi suốt hẻm núi, chảy về phía Đông, đi qua mé dưới núi Sáp Táo ở huyện Nghi Xương. Bờ bên trái sông Giang, vách núi dựng đứng đến vài trăm trượng, chim bay không đậu lại ở đấy được. Có một thanh củi cháy dở, cắm vào giữa vách đá, dài đến vài thước. Các phụ lão truyền miệng rằng, lúc hồng thủy xảy ra, mọi người đỗ thuyền ở cạnh vách núi, lấy củi cháy thừa cắm vào bên vách núi, đến nay vẫn còn, vì vậy trước sau theo nhau gọi đấy là Sáp Táo (bếp cắm)”.

Nghệ Văn Loại Tụ có ghi chép: “Cách huyện Di Lăng, Nghi Đô 80 dặm về phía Tây có núi Cao Khuông. Tương truyền từ thời xa xưa, lúc xảy ra trận lũ lớn thời vua Nghiêu, núi này chưa được gọi là Khuông Sơn, sau đó bị ngập trông như cái sọt tre, do đó mới đặt tên như vậy”. Nghi Đô hiện nay là một thành phố nhỏ ở vùng lân cận Nghi Xương, Hồ Bắc.

Theo truyền thuyết của tộc người Cao Sơn ở Đài Loan, hồng thủy dâng cao đến khoảng 2.000 mét.

Theo truyền thuyết của dân tộc Triều Tiên, có hai huynh muội trôi dạt đến đỉnh núi Bạch Đầu Sơn (núi Trường Bạch) mới thoát nạn, núi Trường Bạch có ngọn núi chính là đỉnh Tướng Quân, xung quanh có nhiều đỉnh núi cao trên 2000 mét so với mực nước biển. Tức là nước lũ dâng lên đến từ 2000 mét trở xuống.

Theo truyền thuyết của Philippines, trong trận đại hồng thuỷ chỉ còn lại hai huynh muội sống sót là Wigan và Bugan. Những ngọn núi cao dưới 2.000 mét đều bị nhấn chìm.

Trong câu chuyện thần thoại Hy Lạp về Deucalion và Pyrrha, từ những tình huống trong câu chuyện mà xét thì những núi cao dưới 2000 mét đều bị nhấn chìm.

Bia đá Cẩu Lũ được dựng trên đỉnh Cẩu Lũ của núi Nam Nhạc Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam. Tương truyền bia đá đó được dựng để ngợi ca công đức của Đại Vũ, vì vậy còn gọi là “bia đá Đại Vũ”, “bia đá Vũ Vương” hay “bia đá công đức Đại Vũ”. (Zhangzhugang / Wikimedia Commons CC BY-SA 2.0)

5. Núi Nghiêu thần kỳ

Trong quyển 769 của Thái Bình Ngự Lãm có dẫn ghi chép trong Quận Quốc Chí rằng: “Tễ Châu có núi Phù Sơn. Tương truyền rằng, thời vua Nghiêu có mưa lớn, núi này nổi trên mặt nước. Có người neo thuyền vào các vách đá, ngày nay vẫn còn những khóa sắt bị vỡ”.

Huyện Phù Sơn, Sơn Tây nằm ở chân núi phía Nam của núi Thái Nhạc, Nam Lộc và nằm ở bờ Đông của bồn địa Lâm Phần, phía Tây tiếp giáp Lâm Phần, Tương Phần, phía Nam tiếp giáp Dực Thành, phía Đông giáp An Trạch, phía Đông Nam giáp Thấm Thuỷ, phía Bắc liền với huyện Cổ. Bốn phía trong phạm vi 10 km của huyện được bao quanh bởi núi có độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển.

Dân gian ghi chép lại rằng, lúc đó, “Thiên Hà nghiêng đổ, mưa lớn như nước trút, kéo dài không ngớt, nước chảy khỏi Mạnh Môn (huyện Cát). Nước tràn chảy ngược dòng, sông Giang và sông Hoài thông nhau, thiên hạ mang mang một biển nước”. Tức là, lúc đó lượng mưa cực kỳ lớn, lại kéo dài rất lâu, hồng thủy từ đỉnh núi Mạnh Môn ở Lữ Lương đổ ra (cổ sử ghi lại, Mạnh Môn chưa khai, Lữ Lương chưa phát), nước sông Trường Giang và Hoàng Hà tràn lên, khắp nơi đều là biển nước mênh mông, chỉ có ở đây có một núi trôi nổi theo dòng nước cao thấp, nên gọi là Phù Sơn. Vì Nghiêu Đế tránh lũ ở đây nên nó còn được gọi là Nghiêu Sơn. Hồng thuỷ ngập trời, Phù Sơn thành bờ.

Không giống như nhiều địa danh khác có cùng tên “Phù Sơn” ở Trung Quốc, những ngọn núi nổi trên nước ở những nơi đó chỉ là những mảnh đá vỡ từ trên núi phân tán ra các nơi; “Phù Sơn” ở huyện Phù Sơn không như vậy, nó là cả ngọn núi có thể trôi nổi trên dòng lũ. Lúc đó, Trái Đất đang hỗn độn, ngọn núi bị nước lũ vây quanh tứ bề, nhưng điều kỳ lạ từ đầu chí cuối nó không gây hại đến con người sinh sống trên núi. Nguyên do là ngọn núi có thể lên xuống theo dòng lũ dữ, như thể cưỡi một con thuyền tự do dập dềnh theo dòng nước. Câu chuyện cổ trong giai đoạn lịch sử này đã được ghi lại trong Gia Khánh nhất thống chí của triều đại nhà Thanh. Lại có người cho rằng Phù Sơn có nguồn tài nguyên than đá dồi dào, vì than đá có khối lượng riêng nhẹ hơn đá nên có thể nổi trên mặt nước. Nhưng dù sao thì trọng lượng riêng của than đá vẫn lớn hơn nước một chút. Có thể nói, cả ngọn núi có thể theo dòng nước mà chìm nổi, thực sự là một kỳ tích, cũng là Thần tích.

Vì ở huyện Bình Định cũng có ngọn Đông Phù Sơn nên trong một số cuốn sách người ta gọi ngọn núi “Phù Sơn” đặc biệt ở huyện Phù Sơn này là “Tây Phù Sơn”. Vào năm Vũ Đức thứ hai thời Đường Cao Tổ Lý Uyên (năm 619) bắt đầu gọi nó là “Phù Sơn”. Chuyện kể rằng vào năm sau (năm 620), có người nhìn thấy “Thần nhân” ở chân núi Dương Giác nên đổi tên huyện đó là huyện “Thần Sơn”. Vào năm thứ 7 niên hiệu Đại Định triều Kim (năm 1167), lại khôi phục lại tên cũ, gọi là “huyện Phù Sơn”.

Kỳ thực, theo truyền thuyết dân gian ở nơi này, cái tên “Thần Sơn” từ thời Nghiêu Đế thượng cổ đã có rồi. Thử nghĩ xem, cả một ngọn núi có thể nổi trôi theo dòng nước, khiến dân chúng được an toàn, sớm đã hiện lộ Thần tích mười mươi như vậy, nếu núi đó không có “Thần” bảo hộ thì ai có thể làm được?

6. Nguồn gốc của đại hồng thuỷ

Trận đại hồng thuỷ lớn như vậy, có phạm vi bao phủ toàn cầu này có nguồn gốc từ đâu?

Trong Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời (Thần Jehovah) thấy con người trên mặt đất tội lỗi cùng cực, nên đã cảnh báo rằng sẽ dùng hồng thuỷ để huỷ diệt các loài sinh vật trên thế gian, không ai còn sống sót”. Mưa lớn từ trên trời đã giáng xuống trong bốn mươi ngày đêm.

Theo thần thoại Hy Lạp, Thiên đế (tức Thần Zeus) thấy nhân loại càng lúc càng tàn nhẫn vô đạo, hoàn toàn không còn chính nghĩa và lễ tiết, nên quyết định dùng hồng thuỷ để nhấn chìm nhân loại.

Trong sách nổi tiếng Popol Vuh của người Maya có ghi chép như sau, vào thời khai thiên tịch địa Thần đã tạo ra loài người, sau này con người quên mất sự tồn tại của Đấng sáng tạo, không còn tôn kính Thần, nên các vị Thần quyết định sẽ tạo ra một trận hồng thuỷ để huỷ diệt nhân loại.

Từ những ghi chép và truyền thuyết của các dân tộc khác nhau mà xét, thì chính vì đạo đức con người đã băng hoại, nên các vị Thần mới giáng xuống đại hồng thuỷ để trừng phạt nhân loại, chỉ còn rất ít người lương thiện mới có thể tiếp tục sống sót.

Trận đại hồng thuỷ lần này có thể là mưa lớn trút xuống và nước biển dâng lên, những thảm họa mà nó mang lại là rất khủng khiếp, theo Sơn Hải Kinh ghi chép, sau khi đại hồng thuỷ xảy ra, rất nhiều nơi cây cỏ không thể sinh trưởng.

Trận đại hồng thuỷ này gần như đã phá hủy toàn bộ nền văn minh nhân loại thời kỳ này, nền văn minh phương Tây gần như bị tận diệt hoàn toàn; nền văn minh Trung Hoa cũng bị tàn phá nặng nề, nhưng có một số nền văn minh vẫn được lưu lại, vì thế mà con người ở Trung Quốc có được nội hàm văn hoá thâm sâu. Có người cho rằng trận đại hồng thuỷ vào thời vua Nghiêu là ranh giới phân chia giữa hai nền văn minh. Thật vậy, Trung Quốc có sách Thượng thư (còn gọi là Kinh thư), đây là một trong những sách cổ hiện còn được lưu lại đến ngày nay, là cuốn sách duy nhất ghi chép các sự kiện lịch sử kể từ thời Nghiêu. Điều này nói lên rằng, những ghi chép có hệ thống chân chính về dân tộc Trung Hoa được bắt đầu từ thời đại Nghiêu-Thuấn-Vũ, tức là thời đại xảy ra đại hồng thủy.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.epochtimes.com/b5/16/3/29/n7471607.htm