Thành Cát Tư Hãn (7): Ban bố Đại Trát Tát – Tín ngưỡng Trường Sinh Thiên nhập pháp điển

[ChanhKien.org]

Thành Cát Tư Hãn lệnh cho Tháp Tháp Thống A đem một loạt Trát Tát lệnh được ban bố trước và sau khi xây dựng nước Đại Mông Cổ quốc, lựa chọn biên soạn thành văn bản, đóng làm sách xanh (sách bằng thanh tre), tức “Đại Trát Tát”. Hình ảnh núi Lang Cư Tử thuộc dãy núi Khentii Mountains – nơi nghỉ dưỡng của Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh: Epoch Times)

Tại Hội nghị Hốt Lý Lặc Đài vào năm 1206, Thành Cát Tư Hãn ban bố pháp luật căn bản của nước Đại Mông Cổ, cũng là Đại Pháp lệnh “Đại Trát Tát”. “Đại Pháp lệnh” còn được gọi là “Thành Cát Tư Hãn pháp điển”. Cho dù là Hoàng Đế, quý tộc, hay quan, quân, dân đều phải thống nhất tuân theo. Bộ pháp điển này được coi là bộ pháp điển bằng văn tự đầu tiên trên thế giới được ứng dụng rộng rãi nhất, cũng được coi là văn kiện có tính hiến pháp sớm nhất trên thế giới.

Trong ngôn ngữ Mông Cổ, “Trát Tát” có nghĩa là quân lệnh, pháp lệnh. Thông thường trước mỗi trận chiến, tướng lĩnh Mông Cổ đều hiệu lệnh cho binh sĩ một số mệnh lệnh, trong đó có một số quân lệnh và pháp lệnh bắt buộc phải tuân thủ, những lệnh này áp dụng với tất cả mọi người. Từ đó người Mông Cổ dần dần đem một số quân lệnh và pháp lệnh này đưa lên thành chế độ tương ứng, yêu cầu mọi người tuân theo.

Ví như năm 1202, trước khi diễn ra chiến dịch Thành Cát Tư Hãn dẫn quân tấn công người TaTar, ông đã từng ban bố quân lệnh như sau: “Khi chiến thắng quân địch, không được tham lam của cải. Chiến thắng kẻ địch, toàn bộ của cải đó đều thuộc về chúng ta, chúng ta sẽ cùng nhau phân chia. Nếu như bị kẻ địch tấn công phải rút lui, lui đến chỗ trận địa ban đầu xuất phát thì phải phản công; người lui đến chỗ trận địa ban đầu xuất phát mà không phản công, sẽ xử trảm!” Mục đích chính của quân lệnh là các thuộc hạ sau khi giành được thắng lợi sẽ phân phối chiến lợi phẩm, không phải vì cướp đoạt chiến lợi phẩm mà để cho kẻ thua trận có cơ hội chạy trốn, dẫn đến việc bọn họ có thể tập hợp phản kích lại.

Ví như năm 1204, Thành Cát Tư Hãn ban bố Trát Tát lệnh liên quan đến việc biên chế tổ chức Thiên hộ, Bách hộ, Thập hộ, cắt cử quan quân sư, tổ chức quân Khiếp Tiết.

Hai quân lệnh nêu trên đều được thu thập trong “Đại Trát Tát”. Từ khi còn rất sớm, Thành Cát Tư Hãn có lẽ đã nhìn thấy con đường thống nhất Mông Cổ, cho nên ông bắt đầu chính thức suy nghĩ đến pháp điển và chế độ của quốc gia.

Tượng Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh: Shutterstock)

Tháp Tháp Thống A sáng tạo ra chữ viết Mông Cổ – Biên soạn “Đại Trát Tát”

Trên thực tế, vào thời kỳ đầu người Mông Cổ hoàn toàn không có chữ viết của mình, vì thế Trát Tát lệnh không có ghi chép rõ ràng, mà dựa vào phương thức truyền miệng và ghi nhớ để truyền đạt. Mãi cho đến năm 1204 khi Thành Cát Tư Hãn tấn công bộ lạc Nãi Man, quan giữ ấn của bộ tộc Nãi Man là Tháp Tháp Thống A người Úy Ngột Nhi bị bắt làm tù binh sáng tạo ra chữ viết, mới có sự thay đổi.

Căn cứ vào ghi chép trong “Nguyên sử”, Tháp Tháp Thống A bụng đầy kinh sách, thông minh cơ trí, ăn nói khéo léo, tinh thông văn tự Hồi Hột của nước Nãi Man, được triều đình Nãi Man trọng dụng. Ông không chỉ được Thái Dương Hãn tôn là quốc sư, mà còn là đại thần giữ kim ấn của triều đình Thái Dương Hãn, đồng thời quản lý tiền tài và lương thảo.

Khi Thành Cát Tư Hãn tiến đánh bộ tộc Nãi Man, Thái Dương Hãn bị thương mà chết, quý tộc và đại thần Nãi Man chạy trốn khắp nơi. Tháp Tháp Thống A cũng ôm giữ ấn vàng của nước Nãi Man chạy trốn, bị người Mông Cổ bắt sống. Ông bị đưa đến trước trướng của Thành Cát Tư Hãn, Thành Cát Tư Hãn vốn đã từng nghe nói về tài năng của ông ta, quyết định đích thân thẩm vấn ông.

Thành Cát Tư Hãn hỏi: “Đất đai và bách tính của Nãi Man đều đã thuộc về ta, ông ôm ấn vàng chạy trốn thì có tác dụng gì?” Tháp Tháp Thống A đáp, “Đây là chức trách của ta, ta không tiếc cái chết để hoàn thành chức trách này, sao có thể dám có cách nghĩ khác được!”

Sau khi nghe xong, Thành Cát Tư Hãn cảm thán Tháp Tháp Thống A là một quân thần trung trinh, ông tiếp tục hỏi về tác dụng của kim ấn, Tháp Tháp Thống A nói: “Những giấy tờ quan trọng về quốc khố như xuất nhập tiền tài và lương thực, việc triều đình Hãn bổ nhiệm nhân sự … đều phải dùng kim ấn làm ấn giám, để làm bằng tín.” Thành Cát Tư Hãn rất tán thành.

Từ đó về sau, nước Đại Mông Cổ cũng bắt đầu sử dụng con dấu, dùng đại ấn triều Hãn để xử lý các sự việc trọng đại. Thành Cát Tư Hãn còn bổ nhiệm Tháp Tháp Thống A làm ngự tiền đại thần, quản giữ đại ấn Đại Hãn Mông Cổ. Vì khí phách của Thành Cát Tư Hãn cùng lòng cảm phục mà Tháp Tháp Thống A từ đó trở thành tả hữu đi theo Thành Cát Tư Hãn, thành tâm cống hiến sức lực của mình.

Thành Cát Tư Hãn còn cho Tháp Tháp Thống A – người biết rõ văn tự Úy Ngột Nhi (còn gọi là “Cao Xương Hồi Hột”) truyền dạy cho các Vương tử chữ viết Hồi Hột, lấy “chữ Úy Ngột Nhi ghi lại ngôn ngữ Mông Cổ”, cũng lệnh cho ông lấy chữ cái Hồi Hột sáng tạo ra chữ viết Mông Cổ kiểu Hồi Hột. Loại văn tự này viết từ phải qua trái, từ trên xuống dưới. Trong “Mông Thát bị lục”, Mạnh Củng thời Nam Tống đã gọi văn tự này tựa như “Trung Hoa địch phổ tự dã”. Miêu tả của một vị người Tống khác là Bành Đại Nhã trong tác phẩm “Hắc Thát sự lược” càng thêm thú vị: “Kỳ sự thư chi dĩ mộc trượng, như kinh xà khúc dẫn, như thiên thư phù triện, như khúc phổ ngũ phàm công xích…”

Thành Cát Tư Hãn còn lệnh cho Tháp Tháp Thống A đem một loạt Trát Tát lệnh được ban bố trước và sau khi xây dựng nước Đại Mông Cổ quốc, lựa chọn biên soạn thành văn, đóng làm sách xanh (sách bằng thanh tre), cất trong rương vàng, tức “Đại Trát Tát”.

Thành Cát Tư Hãn quy định, mỗi khi có tình huống như Đại Hãn mới lên kế vị, các Vương tập hợp bàn bạc đại sự và quân đội điều động, … đều phải tụ tập đông người đọc “Đại Trát Tát”, dựa vào đó chấp hành. Nghi thức này đã được bảo lưu rất tốt.

Dùng chữ cái Mông Cổ viết từ “Mông Cổ”. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

 Nội dung chủ yếu của “Đại Trát Tát”

Thời cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh, Đại Trát Tát bị hủy trong chiến loạn, thất truyền hơn 600 năm, nội dung của nó bị tản mác ở trong rất nhiều tư liệu lịch sử. Các tư liệu lịch sử, văn hiến không những nhiều, phức tạp mà còn liên quan đến tám loại chữ viết như tiếng Anh, chữ Mông Cổ kiểu cổ, chữ Mông Cổ hiện đại, và chữ Hán v.v., Việc khôi phục nội dung quay trở lại như cũ là công việc rất khó khăn.

Năm 2007, sau khi trải qua 14 tháng nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Luật Cổ điển và Xã hội học Nội Mông Cổ đã hoàn chỉnh được nội dung chủ yếu của “Đại Trát Tát”, trong đó đề cập đến rất nhiều phương diện như chế độ nhà nước, chế độ quản lý xã hội, chế độ lao dịch thuế khóa, chế độ trạm dịch, pháp luật quân sự, pháp luật về hành vi, pháp luật tố tụng…

Điều thứ nhất của “Đại Trát Tát” chính là “Thần ban cho Thành Cát Tư Hãn Đại Trát Tát (pháp lệnh) là không thể nghi ngờ”, một lần nữa minh xác rằng quyền lực của Thành Cát Tư Hãn đến từ Thượng Thiên. Điều thứ hai yêu cầu tất cả người Mông Cổ phải tuân theo Đại Trát Tát, “Như vậy Trường Sinh Thiên sẽ phù hộ chúng ta hoàn thành đại nghiệp”, “Đại Trát Tát không thể cải biến, nhất định phải ngàn năm, vạn năm, đời đời tuân thủ”.

Từ điều thứ 3 đến điều thứ 8, “Đại Trát Tát” xác lập chế độ Hốt Lý Lặc Đài (đại hội), tức Đại Hãn nhất định phải được đề cử tại đại hội, bất kỳ thành viên gia đình nào chưa qua đề cử mà cướp ngôi Hãn vị, đều bị xử tử hình. Ngoài ra, yêu cầu các nhi tử của nước Đại Mông Cổ quốc phải học chữ viết Úy Ngột Nhi; người nam tròn 15 tuổi có nghĩa vụ lao dịch trong quân đội; mỗi người bất luận giàu nghèo hay sang hèn đều bình đẳng tham gia lao động; mỗi người đều có tự do tín ngưỡng, tôn trọng bình đẳng với tất cả các tôn giáo, tôn giáo nào cũng không được hưởng đặc quyền.

Điều thứ 9 và điều thứ 10, quy định các tổ chức xã hội thực hành chế độ thập tiến, tức là phân ra Thập hộ, Bách hộ, Thiên hộ và Vạn hộ. Thành lập chế độ hộ tịch, tức mỗi người đều thuộc về sự quản lý của Thập hộ, Bách hộ, Thiên hộ, không được tùy ý di chuyển, đồng thời tham gia lao dịch.

Điều thứ 11 đến điều thứ 13, đề cập đến điều khoản trong chế độ lao dịch và thuế. Để ủng hộ tôn giáo, “Các giáo chủ tôn phái, giáo sĩ được miễn nộp thuế, miễn lao dịch trong quân đội và trong các dịch quán”, “Người dân nghèo, y sư và người có học vấn được miễn nộp thuế”.

Điều thứ 14 đến điều thứ 17, nói về chế độ dịch trạm, chỉ rõ chức trách dịch trạm bao gồm thu thập tình báo, truyền lại tin tức, bảo hộ thông thương, bảo hộ thông hành của quan lại và sứ giả. Dựa vào hệ thống thừa dịch tốc độ nhanh được mệnh danh là “Phi tiễn tin tức”, Thành Cát Tư Hãn không chỉ khiến tin tức nhanh chóng truyền đi các nơi, mà có thể khiến cho người ta nhận kịp thời mệnh lệnh. Người ta nói rằng Mông Cổ có hệ thống trạm dịch kéo dài qua toàn bộ các khu hạt của Đế quốc Đại Mông Cổ, từ dãy núi A Nhĩ Thái Sơn (Altai) ở phía tây đến khu vực phía đông rồi xuyên qua Trường Thành đến khu vực lối vào Trung Nguyên. Điều này khá quan trọng đối với việc Thành Cát Tư Hãn chinh chiến bốn phương.

Trong các điều khoản đề cập đến phương diện quân sự, điều thứ 18 đến điều thứ 21 nói đến săn bắn, “Nước Đại Mông Cổ xây dựng chế độ huấn luyện quân sự lấy săn bắn làm trọng”, trong đó có nội dung “Sau khi săn bắn kết thúc, phải phóng sinh các con vật bị thương, con vật còn nhỏ và các con cái”.

Từ điều 22 đến điều 34, đề cập đến công việc liên quan đến chiến tranh như tuyên chiến, tổ chức quân đội, chức trách của tướng lĩnh, giao chiến, phân phối tài vật, bảo hộ người tử trận, v.v. Điều thứ 35 đến điều thứ 41 nói về chế độ Khiếp Tiết.

Có 18 điều khoản của luật pháp đề cập đến hành vi của người Mông Cổ, như “Dân chúng đối đãi người trong nước phải ôn thuận”, “Những lời nói được ba vị hiền nhân trở lên đồng ý sẽ là lời nói đáng tin cậy”, “Khen thưởng người ít uống rượu, trọng dụng người không uống rượu”, “Giết người sẽ bị xử tử hình”, “Người nam cùng người nữ công khai thông gian hoặc thông gian bị bắt tại chỗ, người thông gian bị xử tử hình”, “Lấy bàng môn tà đạo làm tổn thương người khác, xử tử hình”, “Nói dối xử tử hình”, “Trộm cắp tài sản quan trọng của người khác, xử tử hình”, “Bảo hộ thảo nguyên, bảo hộ ngựa, bảo hộ nguồn nước” v.v. Có thể thấy rõ ràng rằng, người Mông Cổ coi việc tùy ý giết người, thông gian, nói dối là tội nghiêm trọng, và xử những người phạm vào tội này với hình phạt rất nặng.

“Đại Trát Tát” còn đề cập rằng nếu như thành viên gia tộc hoàng kim Mông Cổ vi phạm pháp lệnh, cũng sẽ bị xử phạt. Phương thức xử phạt có giáo huấn bằng lời nói, lưu đày, giam vào ngục và thông qua hội nghị gia tộc đưa ra quyết định xử lý. Gia tộc hoàng kim là chỉ gia tộc Thành Cát Tư Hãn. Việc chấp hành pháp luật và gánh vác trách nhiệm bắt đầu từ tầng cao nhất, từ Đại Hãn và các thành viên gia tộc.

Từ nội dung của “Đại Trát Tát” không khó để nhận ra, trong Đế quốc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn đề xướng tự do bình đẳng, tự do tín ngưỡng, yêu cầu mỗi người dân trên đất Mông Cổ yêu thương kính trọng lẫn nhau, không thông gian, không trộm cướp, không tạo chứng cứ giả, không bỏ chủ và mưu phản, tôn trọng người nghèo khổ, tôn trọng thầy thuốc, người có học vấn và giáo sĩ v.v. Không nghi ngờ gì, pháp điển ẩn chứa nội hàm chế độ dân chủ, nó được coi là chế độ cộng hòa chính thể của quý tộc Mông Cổ.

Thảo nguyên Mông Cổ. (Ảnh: Shutterstock)

Tôn sùng “Trường Sinh Thiên” là tín ngưỡng duy nhất của Thành Cát Tư Hãn

Điều thứ nhất của “Đại Trát Tát” là “Thần ban cho Thành Cát Tư Hãn Đại Trát Tát  (pháp lệnh) là không thể nghi ngờ”, một  lần nữa minh xác quyền lực của Thành Cát Tư Hãn đến từ Thượng Thiên. Điều thứ hai yêu cầu tất cả người Mông Cổ nhất định phải tuân theo Đại Trát Tát, “Như vậy Trường Sinh Thiên sẽ phù hộ chúng ta hoàn thành đại nghiệp”. Có thể nói, tôn sùng “Trường Sinh Thiên” là tín ngưỡng cả đời của Thành Cát Tư Hãn.

Trong “Mông Cổ mật sử”, từ “Trường Sinh Thiên” cùng với “Thượng Thiên” hoặc “Thiên” thường xuyên xuất hiện, trong đó từ “Trường Sinh Thiên” tổng cộng xuất hiện 14 lần. Lần đầu tiên xuất hiện ở tiết thứ 172, khi Thành Cát Tư Hãn mắc bẫy Vương Hãn của Khắc Liệt Diệc Dịch. Quân đội gặp phải đột kích, bỏ chạy tán loạn, Thành Cát Tư Hãn nhìn thấy Bác Nhĩ Thuật đấm vào ngực nói: “Trường Sinh Thiên biết!” Lần cuối cuối cùng xuất hiện vào tiết thứ 275, Ba Đặc Nhĩ nói: “Được Trường Sinh Thiên phù hộ” công phá thành Miệt Cách Dịch, bắt được người dân Oát Lỗ Tốc Dịch, khiến cho dân của 11 nước quy thuận. Oát Lỗ Tốc Dịch là tổ tiên của một số người thuộc về các nước Nga, Belarus, Ukraina ngày nay.

Trong 14 lần xuất hiện, ngoại trừ một lần nói “Trường Sinh Thiên biết” ra, tổng cộng có bốn lần nói “Được Trường Sinh Thiên phù hộ”, có năm lần nói “khí lực của Trường Sinh Thiên”, tổng cộng có ba lần nói “Trường Sinh Thiên làm chủ” và “Thánh chỉ của Trường Sinh Thiên”, còn có một lần nói “Trường Sinh Thiên mở rộng then cửa cho chúng ta”.

Có học giả nước ngoài cho rằng, cách nhìn đối với Thượng Thiên của người Mông Cổ là được kế thừa từ quan niệm “Thượng Thiên” của bộ tộc Hung Nô và Đột Quyết, ví như trong bia văn của Đột Quyết có cách nói trời sinh Khả Hãn. Quan sát cụ thể khái niệm “Trường Sinh Thiên” mà Thành Cát Tư Hãn tôn sùng, mặc dù không có nội hàm tư tưởng phong phú giống “Thiên mệnh quan” của người Hán, nhưng hẳn là cũng có nội dung như Thượng Thiên làm chủ, Thượng Thiên phù hộ, Thượng Thiên chỉ định quân chủ trong nhân gian. Những điều này cũng nói lên vì sao trong nghi thức đăng cơ Thành Cát Tư Hãn phải tiếp nhận mệnh lệnh tuyên cáo của “Trường Sinh Thiên”, vì sao “Trường Sinh Thiên” được viết trong “Đại Trát Tát”. Đó chính là Thành Cát Tư Hãn cùng người kế nhiệm thậm chí toàn thể người Mông Cổ đều phải nhớ kỹ, quyền lực của Đại Hãn Mông Cổ đến từ Thượng Thiên, chỉ có tuân theo ý chỉ của Thượng Thiên mới được Thượng Thiên bảo hộ.

“Đại Trát Tát” theo bước chân Mông Cổ tây chinh

Sau đó, “Đại Trát Tát” cũng truyền nhập vào thế giới phương Tây, những nơi đội quân Mông Cổ đến, đặc biệt nơi họ kiến lập Hãn quốc, tất phải phổ biến luật pháp của Thành Cát Tư Hãn.

Sau khi đội quân Mông Cổ kết thúc tây chinh lần thứ nhất, Thành Cát Tư Hãn đem đất đai bao la mở mang được phong cho bốn đích tử (con của chính thất), trong đó đất phong của con trưởng Truật Xích ở Khâm Sát. Sau khi đại quân Mông Cổ tây chinh lần thứ hai, con trai của Truật Xích là Bạt Đô kiến lập Khâm Sát Hãn quốc (cũng gọi là Kim Trướng Hãn quốc) định đô ở thành Tát Lai (Sarai, nay là nơi sông Volga đổ ra biển Caspi), bắt đầu sự thống trị 200 năm của người Mông Cổ đối với La Tư (một khu vực gần hoặc thuộc Nga ngày nay).

Cảnh quân Mông Cổ chinh chiến trong tập tranh Ba Tư tinh tế được lưu trữ tại thư viện quốc gia Berlin (Diez Album). (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Sau khi Bạt Đô thành lập Kim Trướng Hãn quốc tại La Tư, ông dốc sức phổ biến “Đại Trát Tát”. Trong đất phong của Truật Xích thì Mạc Tư Khoa (Mátxcơva)-La Tư chỉ là một mảnh đất phong rất nhỏ, nhưng người Mông Cổ tại đất La Tư đã gây dựng hệ thống bưu chính cỡ lớn, đăng ký nhân khẩu, chỉnh đốn quân chế, trưng thu thuế má, cải thiện tin tức giao thông của bình nguyên Đông Âu, do đó thúc đẩy Mátxcơva-La Tư phát triển thành Đế quốc Nga sau này (Nga La Tư).

40 năm sau khi Hội nghị Hốt Lý Lặc Đài năm 1206 được cử hành, nhà truyền giáo người Ý Plancarpin từ Mông Cổ trở về, trong tác phẩm “Sử Mông Cổ” (Plancarpin hành ký) có viết: “So với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, thì người Mông Cổ phục tùng người thống trị của mình hơn hết. Họ sùng kính cấp trên, không dám bịa đặt, giữa người với người ít có tranh cãi hoặc mưu sát, chỉ có hành vi trộm cắp nho nhỏ. Nếu trong bọn họ có người bị mất gia súc, người nhặt được rất có thể sẽ trả lại cho chủ cũ, không chiếm thành của riêng. Nữ nhân coi trọng tiết tháo, cho dù họ trong lúc vui đùa thỏa thích cũng thế”. Đây là sự thay đổi to lớn do Thành Cát Tư Hãn ban bố “Đại Trát Tát” mang tới.

Xem tiếp: Thành Cát Tư Hãn (8): Tam chinh Tây Hạ đắc trợ lực – Kiếm chỉ Đại Kim Quốc

Bản gốc: http://www.epochtimes.com/b5/20/10/14/n12475583.htm