Thành Cát Tư Hãn (4): Chinh phục thảo nguyên

[ChanhKien.org]

Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh: Epoch Times)

Sau khi đánh bại người TaTar, Thiết Mộc Chân quay về việc đầu tiên là thảo phạt người Chủ Nhi Cần thuộc bộ lạc Khất Nhan. Bởi vì trong lúc Thiết Mộc Chân giao tranh với người TaTar, người Chủ Nhi Cần vốn đã nhận lời xuất binh không chỉ nghe lời dèm pha, bội tín quên nghĩa, mà còn tranh thủ cơ hội chiếm đoạt đại bản doanh của ông.

Họ đã giết chết mười mấy thuộc hạ, cướp đi 50 bộ y phục, đồng thời chiếm đoạt tài sản của ông. Điều này khiến Thiết Mộc Chân rất tức giận, thêm vào đó trước kia người Chủ Nhi Cần vi phạm quy định của người Mông Cổ, dùng kiếm đâm trọng thương Biệt Lặc Cổ Đài một cách đê hèn. Thiết Mộc Chân sau khi đánh xong người TaTar, liền phát động chiến tranh với người Chủ Nhi Cần và bắt sống được thủ lĩnh Tát Sát Biệt Khất và người em của ông ta là Thái Xuất.

Xét xử công khai ở Hốt Lý Lặc Đài – Thiết Mộc Chân tăng thêm trợ lực

Điều đáng chú ý là, Thiết Mộc Chân đã cải biến cách làm trước kia, tức là ông không để các thành viên bộ lạc bại trận chạy thoát để tìm cách phản công lại, mà tổ chức đại hội Hốt Lý Lặc Đài, chủ trì công khai xét xử Tát Sát Biệt Khất và Thái Xuất. Ông nói, “Trước đây khi tổ chức yến tiệc bên rừng sông Oát Nan, người của ngươi đã đánh đầu bếp, lại còn chém vào xương bả vai của Biệt Lặc Cổ Đài. Ta xét trên tình huynh đệ, đã không truy cứu thêm, mà muốn chung sống hòa bình. Nay đến lúc báo thù lớn của tổ tiên, các ngươi là thủ lĩnh đứng đầu, lại quên mất kẻ thù gia tộc, đợi sáu ngày vẫn không thấy đến, không đi báo thù thì thôi, các ngươi lại giúp đỡ kẻ thù, coi người nhà như kẻ địch. Ngày đó các ngươi bầu ta là Khả Hãn, nói với ta những gì, thì hãy theo lời thề của các ngươi lúc đó mà thực hiện đi.”

Người anh hùng trên thảo nguyên Thiết Mộc Chân (Ảnh: Epoch Times)

Tát Sát Biệt Khất và Thái Xuất trong lòng hổ thẹn, đành đưa đầu chịu chết. Hành động này của Thiết Mộc Chân không chỉ là cảnh cáo đối với tất cả các quý tộc đồng minh, cũng là để nói cho các thuộc hạ của mình về tầm quan trọng của sự trung thành.

Sau đó, Thiết Mộc Chân chiếm cứ lãnh địa của người Chủ Nhi Cần, đồng thời phân công lại các thành viên Chủ Nhi Cần trong gia tộc của họ, cho họ trở thành thành viên trong “Khiếp Tiết”, thuộc đội ngũ riêng của ông. Ông còn đem một cô nhi là Bác Nhĩ Hốt của người Chủ Nhi Cần về cho mẫu thân Hạ Ngạch Luân nhận làm con nuôi, trở thành Lục đệ của ông. Trước đó, ông cũng thu nhận nuôi dưỡng các đứa trẻ từ các bộ tộc bại trận là Miệt Nhi Khất Dịch, người Thái Diệc Dịch Ô, người TaTar, mỗi nơi một đứa trẻ, bọn họ đều trở thành em trai của ông.

Cho dù những hành động này xuất phát từ nhân tố tình cảm hay nhân tố chính trị, thì Thiết Mộc Chân đều thể hiện rõ chí hướng khoan dung nhân từ của mình, tức là ông tiếp nhận những người không có quan hệ huyết thống vào gia tộc của mình, cho dù họ là người của bên thua trận, rồi chia sẻ quyền lợi với họ. Tác dụng của điều này thể hiện rất rõ ràng đối với việc đoàn kết các bộ tộc trên phạm vi to lớn hơn.

Sử sách có nói người Chủ Nhi Cần có hào khí, gan dạ, dũng cảm, không ai địch nổi. Sau khi Thiết Mộc Chân thu phục được bọn họ, lại cho họ làm đội bảo vệ riêng cho mình, thì như hổ mọc thêm cánh, đã làm mạnh mẽ lực lượng của ông. Đây cũng là một nhân tố quan trọng để ông có thể thống nhất các bộ lạc Mông Cổ. Ngoài ra, trong lúc chinh phạt người Chủ Nhi Cần, Mộc Hoa Lê trong “Mông Cổ tứ kiệt” cùng em trai và mấy người không cùng đẳng cấp cũng đến gia nhập đội ngũ của Thiết Mộc Chân. Sau này Mộc Hoa Lê cùng Bác Nhĩ Thuật là những cánh tay đắc lực của Thành Cát Tư Hãn. Họ trầm ổn cương nghị, nhiều mưu lược, giỏi bắn cung.

Tượng điêu khắc Mộc Hoa Lê ở thành phố Ulan Bator, Mông cổ. (Ảnh: Shutterstock)

Xác định chiến thuật để phá từng kẻ địch

Sau khi đánh bại người Chủ Nhi Cần, đồng thời thu nhận bọn họ vào đội bảo vệ riêng, Thiết Mộc Chân dẫn thuộc hạ bắt đầu xuống hạ lưu sông Khắc Lỗ Luân. Nơi sông Khắc Lỗ Luân khởi nguồn là núi Kent thuộc Mông Cổ ngày nay, là một nhánh của hồ Hô Luân trong hệ thống sông Ngạch Nhĩ Cổ Nạp thượng nguồn Hắc Long Giang. Thiết Mộc Chân ở chỗ hợp lưu của sông Tang Cô Nhi và sông Khắc Lỗ Luân xây dựng doanh trại chính. Sau này ở đây trở thành đô thành, được gọi là “Khúc điêu A Lan”. Nơi đây gần sông nước, lại có đồng cỏ chăn nuôi rộng lớn, hơn nữa cách nơi sinh của Thiết Mộc Chân và Thánh sơn Bất Nhi Hãn Hợp Lặc Đôn không xa. Ngọn núi Thánh Sơn này có ý nghĩa rất đặc thù trong cuộc đời của Thiết Mộc Chân. Tại nơi ở mới, Thiết Mộc Chân tiếp tục phát triển lớn mạnh lực lượng của mình, quy mô của bộ lạc tiếp tục được mở rộng.

Khi đội ngũ của Thiết Mộc Chân mới lớn mạnh, Trát Mộc Hợp và Thái Diệc Dịch Ô đã dự định liên hợp với bộ lạc Miệt Nhi Khất Dịch và Nãi Man, hình thành vòng tròn bao vây tiêu diệt Thiết Mộc Chân. Nhưng vì cách nghĩ của các bộ lạc không giống nhau, đều hy vọng bộ lạc khác ra tay trước, bản thân mình là ngư ông đắc lợi, cho nên chưa thể hình thành “đồng minh công thủ”. Sau khi Thiết Mộc Chân đánh bại người TaTar, Trát Mộc Hợp sinh ra lo lắng, bèn một lần nữa liên hợp các bộ lạc lại để xây dựng đồng minh quân sự.

Đối với việc này, Thiết Mộc Chân cũng lo lắng bị tấn công ba mặt, vì thế quyết định dùng chiến thuật phá vỡ từng cái một. Ông cùng với Vương Hãn bàn bạc quyết định tấn công bộ lạc Miệt Nhi Khất Dịch trước. Sau chiến thắng, ông trang bị cho quân đội của Vương Hãn trước, còn mình quay trở về bản doanh, đề phòng Trát Mộc Hợp và Thái Diệc Dịch Ô tập kích. Trát Mộc Hợp và người Thái Diệc Dịch Ô bị ép phải bỏ ý định tấn công, điều này khiến cho người Miệt Nhi Khất Dịch sinh oán hận trong lòng và lại một lần nữa khiến cho đồng minh quân sự tan rã.

Năm 1199 nhân cơ hội đồng minh quân sự tan rã, Thiết Mộc Chân cùng Vương Hãn tiến đánh bộ tộc Nãi Man. Con thứ của thủ lĩnh bộ tộc Nãi Man là Cổ Xuất Cổ Đôn Bất Diệc Lỗ cho rằng đại quân không thể nào vượt qua núi cao, nên không có sự chuẩn bị. Nhưng Thiết Mộc Chân và Vương Hãn dẫn quân men theo sông mà đến, đột phá được đại bản doanh của Bất Diệc Lỗ. Bất Diệc Lỗ bỏ trốn, Vương Hãn thu được rất nhiều gia súc, tài vật. Lo lắng phải chia chiến lợi phẩm cho Thiết Mộc Chân, Vương Hãn đã cho người thu quân trước.

Thiết Mộc Chân lòng dạ rộng rãi, có ơn tất báo cũng không để tâm. Trong khi truy đuổi Bất Diệc Lỗ, Thiết Mộc Chân và Vương Hãn gặp chiến tướng của Nãi Man là Khả Khắc Tiết Ngột. Trước đêm hai bên giao chiến, Vương Hãn dẫn quân lặng lẽ rút lui, nguyên nhân là nghe người gièm pha nói Thiết Mộc Chân chuẩn bị đầu hàng Nãi Man, là người không thể tin được.

Ngày hôm sau, Thiết Mộc Chân phát hiện bị bỏ lại nên cũng dẫn quân rời đi. Khả Khắc Tiết Ngột truy đuổi quân của Vương Hãn, không chỉ bắt thê tử và những người hầu của người con trai duy nhất của Vương Hãn là Tang Côn, mà còn bắt một nửa dân chúng, bầy ngựa, lương thực ở cửa núi Thiếp Liệt Cách Thốc của Vương Hãn. Vương Hãn hướng tới Thiết Mộc Chân cầu cứu, Thiết Mộc Chân không tính đến hiềm khích, lập tức phái “Mông Cổ tứ kiệt” là Mộc Lê Hoa, Bác Nhĩ Thuật, Bác Nhĩ Hốt và Xích Lão Ôn dẫn binh tiến đánh, cứu được người bị bắt, đem về trả cho Vương Hãn. Tiếp sau đó người em của Thiết Mộc Chân là Hợp Tát Nhi lại tiến đánh Nãi Man một lần nữa, Nãi Man bị thua nặng nề, từ đó thế lực của Nãi Man bị yếu dần.

Khi Thiết Mộc Chân và Vương Hãn giao tranh với bộ tộc Nãi Man, hai người con trai Thoát Hắc Thoát A của thủ lĩnh Miệt Nhi Khất Dịch, đã đầu hàng Vương Hãn, nhân cơ hội chạy thoát về nơi ở của bộ tộc. Bọn họ và người Thái Diệc Dịch Ô chuẩn bị liên hợp lại đợi thời cơ tấn công Thiết Mộc Chân. Quả thực, Thiết Mộc Chân luôn lo lắng khi mình xuất chinh thì hậu phương sẽ bị tập kích, dẫn đến cục diện hai mặt cùng có địch. Vì thế vào năm 1200, ông và Vương Hãn lại một lần nữa xuất binh đánh liên quân Thái Diệc Dịch Ô và Miệt Nhi Khất Dịch.

Thiết Mộc Chân lệnh cho nhóm của Mộc Hoa Lê mai phục trên nhiều quả núi, còn mình dẫn đầu đội quân tinh nhuệ, phục kích người Thái Diệc Dịch Ô, dẫn dụ bọn họ tiến vào vòng vây mai phục. Thủ lĩnh Tháp Nhi Hốt của Thái Diệc Dịch Ô dẫn quân đánh trả rất mãnh liệt. Thiết Mộc Chân vừa đánh vừa lui, để cho bọn họ lọt vào vòng vây. Quân của Vương Hãn đánh vào đoạn giữa của người Thái Diệc Dịch Ô chia cắt họ thành hai nhóm, khiến cho các bộ tộc Thái Diệc Dịch Ô ở phía trước và phía sau không cách nào ứng cứu được nhau. Người Thái Diệc Dịch Ô nhanh chóng tán loạn. Thiết Mộc Chân và Vương Hãn bắt được rất nhiều người, ngựa. Những người còn lại chạy về bộ lạc Nãi Man. Người Thái Diệc Dịch Ô từ đó về sau dựa vào Trát Mộc Hợp và Miệt Nhi Khất Dịch và Nãi Man, không đáng lo ngại.

Mùa thu năm đó, liên quân của Thiết Mộc Chân và Vương Hãn đã đánh tan liên quân của năm bộ lạc là Hợp Đáp Cân, Tán Chích Ngột, Hoằng Cát Lạt, TaTar, Đóa Nhi Biên ở Bổ Ngư Nhi Hải Tử (nay là hồ Baikal). Mùa đông, Thiết Mộc Chân dẫn quân tiến đánh liên quân TaTar, Miệt Nhi Khất Dịch, Thái Diệc Dịch Ô, một lần nữa làm suy yếu lực lượng của bọn họ.

Cuối cùng Thiết Mộc Chân ở chỗ hợp lưu của sông Tang Cô Nhi và sông Khắc Lỗ Luân xây dựng doanh trại chính. Sau này, nơi đây trở thành đô thành, được gọi là “Khúc điêu A Lan”. (Ảnh minh họa: Tranh sắc thu trên sông Khắc Lỗ Luân/Shutterstock)

Giao tranh với Trát Mộc Hợp – Trời giúp Thiết Mộc Chân

Ứng phó với sự nổi lên của Thiết Mộc Chân, những quý tộc Mông Cổ như Trát Mộc Hợp vẫn không chịu thừa nhận vị trí lãnh đạo của Thiết Mộc Chân, hơn nữa còn áp dụng chính sách cô lập đối với ông. Họ nâng đỡ cho các bộ lạc bị Thiết Mộc Chân đánh bại. Vào năm 1201, họ đề cử Trát Mộc Hợp làm “Cổ Nhi Hãn”, tức là thủ lĩnh của thủ lĩnh hoặc Khả Hãn của Khả Hãn. Các thủ lĩnh của các bộ lạc thuộc Trát Mộc Hợp đều thề trung thành với ông ta. Cùng năm đó, Trát Mộc Hợp tổ chức xây dựng liên quân 12 bô lạc. Ông dẫn quân đội chủ lực men theo sông Ngạch Nhĩ Cổ Nạp đi về phía tây nam, đến phía trên cù lao sông San Mộc Liên (nay là sông Căn), tập kết binh lực của các bộ lạc, chuẩn bị tấn công Vương Hãn của bộ lạc Khắc Liệt Diệc Dịch và Thiết Mộc Chân. Liên quân thảo luận và quyết định rằng, các bộ lạc Thái Diệc Dịch Ô, Miệt Nhi Khất Dịch và bộ lạc TaTar sẽ hợp binh tấn công Thiết Mộc Chân từ phía bắc, Trát Mộc Hợp dẫn các bộ lạc còn lại tấn công Thiết Mộc Chân từ phía đông.

Sau khi Thiết Mộc Chân và Vương Hãn nhận được thông tin, họ nhanh chóng bàn bạc làm thế nào để ứng phó với sự khiêu chiến của Trát Mộc Hợp. Không còn nghi ngờ gì, đây là một trận đọ sức để tranh đoạt quyền lãnh đạo người Mông Cổ. Bên nào thắng lợi, đều sẽ cải biến thế cục trên thảo nguyên.

Cuộc chiến đã đến rất nhanh, quân của hai bên gặp nhau ở Khoát Diệc Điền. Hai bên tự bố trí trận địa của mình, đồng thời đều mời các pháp sư biết pháp thuật của đạo Shaman đến trợ giúp cho mình. Pháp sư của bên Thiết Mộc Chân trèo lên một dốc cao, liên tục gõ trống của ông đồng thời gõ vào nham thạch thần bí, để nhận được sự ủng hộ của thần linh và khống chế biến hóa của thời tiết. Còn pháp sư của bên Trát Mộc Hợp thi triển pháp thuật dùng cục đá hô phong hoán vũ, nhưng gió mưa trái lại quay ngược trở lại tấn công bọn họ, khiến bọn họ liên tục rơi xuống khe núi. Binh lính của Trát Mộc Hợp vô cùng hoảng sợ, nói “Trời không phù hộ chúng ta”, họ bỏ chạy tán loạn. Không còn cách nào, Trát Mộc Hợp đành phải hạ lệnh rút quân.

Vương Hãn dẫn thuộc hạ của mình truy đuổi Trát Mộc Hợp và quân chủ lực của ông ta. Thiết Mộc Chân ứng chiến với người Thái Diệc Dịch Ô. Vì không muốn để cho bộ tộc Thái Diệc Dịch Ô có cơ hội vùng lên từ đống tro tàn, Thiết Mộc Chân phân công các tướng, cho họ dẫn quân đi xa, làm một cuộc bao vây lớn đối với các bộ tộc Thái Diệc Dịch Ô, riêng đội quân của ông ở mặt chính diện tấn công người Thái Diệc Dịch Ô. Do các đội quân đi xa, lực lượng đánh trực diện tương đối yếu và mỏng, Thiết Mộc Chân và người Thái Diệc Dịch Ô đã giao tranh rất nhiều hiệp, nhưng không phân thắng bại rõ rệt. Khi trời sắp tối, hai bên tạm thời bãi binh, dựng trại đóng quân trên đồng cỏ mênh mông, đợi ngày mai đánh tiếp.

Trong khi giao đấu lúc chạng vạng tối, Thiết Mộc Chân bị tên bắn vào cổ, máu chảy không ngừng. Sau khi mặt trời lặn sau núi, Thiết Mộc Chân mất đi ý thức, người thị vệ trung thành Giả Lặc Miệt đã ở bên cạnh ông thâu đêm, dùng miệng hút máu đọng ở gần vết thương cho ông. Quá nửa đêm, Thiết Mộc Chân tỉnh dậy, muốn uống sữa tươi. Lúc này trong tay Giả Lặc Miệt chỉ còn ít nước, ông bất chấp nguy hiểm, lõa thể chạy vào doanh trại quân địch tìm ngựa mẹ, may mắn đã tìm được một thùng pho-mai, đem về thành công.

Tại sao lại phải lõa thể? Đối với người Mông Cổ mà nói, lõa thể trước mặt nhiều người là một hành động mất giá trị con người. Nếu như người Thái Diệc Dịch Ô giữa đêm nhìn thấy có người khỏa thân chạy vào doanh trại, bọn họ sẽ nghĩ là người mình thức dậy đi vệ sinh, khả năng sẽ quay mặt đi. Nếu như bọn họ nhận ra Giả Lặc Miệt, ông ta sẽ giả vờ đầu hàng, đồng thời thanh minh là bản thân bị đồng bọn làm nhục mà chạy sang bên này. Bọn họ có lẽ sẽ tin, bởi vì không có một dũng sĩ Mông Cổ nào lại cố ý để bản thân bị bắt khi đang ở trong trạng thái lõa thể.

Sau khi uống nước hòa pho-mai, thể lực của Thiết Mộc Chân dần hồi phục, tinh thần rất tốt, ông đưa ra ý chỉ cảm tạ ơn cứu mạng của Giả Lặc Miệt, và nói “Ta sẽ ghi nhớ mãi trong lòng”. Sự trung thành của Giả Lặc Miệt là hình ảnh thu nhỏ của các tướng lĩnh dưới trướng của Thiết Mộc Chân. Nhìn từ tư liệu lịch sử, cho dù là quá khứ hay tương lai, chưa từng có vị tướng tài đắc lực nào phản bội hoặc vứt bỏ Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân cũng chưa bao giờ trừng phạt hoặc làm hại tới bất kỳ vị tướng tài đắc lực nào. Quân thần đối với nhau tín nhiệm như thế, đây là điều hiếm thấy trong lịch sử.

Có điều, người Thái Diệc Dịch Ô không biết Thiết Mộc Chân bị thương, rất nhiều người trong bọn họ vì sợ hãi, trong đêm lén lút rời khỏi chiến trường. Ngày thứ hai, Thiết Mộc Chân dẫn bộ tướng đánh bại lực lượng còn lại của bên địch, đưa những thành viên đó trở thành thuộc hạ của mình. Sau chiến dịch đó, Thiết Mộc Chân lại có được công thần Nạp Nha A sau này.

Nạp Nha A cùng phụ thân và huynh trưởng của ông, bắt được thủ lĩnh Tháp Nhi Hốt Đài của bộ lạc Thái Diệc Dịch Ô, người từng cứu Thiết Mộc Chân hồi nhỏ. Nhóm của Nạp Nha A chuẩn bị đưa người này đến tặng cho Thiết Mộc Chân. Trên đường đi, Nạp Nha A nói với phụ thân, Thiết Mộc Chân sẽ cho rằng “người có thể ra tay đối với quân chủ của mình” là người không đáng tin, có khả năng sẽ giết bọn họ, vì thế tốt nhất thả Tháp Nhi Hốt Đài đi, đồng thời đến chỗ Thiết Mộc Chân thể hiện sự thành tâm thành ý sẽ hết lòng tận sức. Quả nhiên, sau khi nghe nói bọn họ đã thả Tháp Nhi Hốt Đài, Thiết Mộc Chân rất hài lòng với cách làm của họ, và đã ban thưởng cho Nạp Nha A.

Khi Thiết Mộc Chân đánh bại người Thái Diệc Dịch Ô, Trát Mộc Hợp cũng bị đánh bại. Ông ta và những bộ tộc đi theo, lo sợ bị giết chết, đều đến đầu hàng Vương Hãn. Vương Hãn lo lắng phải phân chia chiến lợi phẩm mà mình thu được với Thiết Mộc Chân, liền phân từng tốp vận chuyển tài vật về hậu phương. Giữa Vương Hãn và Thiết Mộc Chân đã bắt đầu xuất hiện sự rạn nứt.

Thiết Mộc Chân và Giả Lặc Miệt (Ảnh: KoizumiBS/Wikimedia Commons)

Tiêu diệt các bộ lạc TaTar

Đánh bại người Thái Diệc Dịch Ô vào năm 1202, Vương Hãn lệnh cho Thiết Mộc Chân phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào người TaTar. Thiết Mộc Chân dẫn quân tiến đánh các bộ tộc của người TaTar như bộ tộc Sát An, A Lặc Xích, Đô Tháp Ngột Dịch, A Lỗ Hải, v.v. Hai bên giao tranh ở Đáp Lan Niết Mộc Nhi Cách Tư, nơi con sông Cáp Lạp Cáp Hà đổ ra biển. Bộ lạc của Thiết Mộc Chân bị hao tổn rất lớn, nhưng cuối cùng đã giành được thắng lợi.

Từ chiến dịch này, đội quân do Thiết Mộc Chân chỉ huy đã hoàn toàn đánh bại các bộ lạc của TaTar. Bộ lạc TaTar từ đó không thể gượng dậy được nữa.

Sự suy tàn của bộ lạc TaTar đã đánh dấu việc các bộ lạc Mông Cổ phía đông đã bị Thiết Mộc Chân chinh phục. Lúc này, phía đông của Thiết Mộc Chân chỉ còn lại bộ lạc Hoằng Cát Lạt thuộc tộc Đông Hồ, phía tây còn lại bộ tộc Nãi Man và Khắc Liệt Diệc Dịch, các bộ lạc Mông Cổ còn lại, đều đã bị ông chinh phục. Không nghi ngờ gì, Thiết Mộc Chân đang đi trên con đường thống nhất Mông Cổ, ông đã hiển lộ ra hoài bão thống nhất tất cả các bộ tộc trên thảo nguyên.

Xem  tiếp kỳ 5: Thành Cát Tư Hãn (5): Xưng hùng trên thảo nguyên

Bản gốc: http://www.epochtimes.com/gb/20/10/2/n12448572.htm