Tứ đại phát minh của Trung Quốc cổ đại: Kỹ thuật in ấn

Tác giả: Lữ Văn Thiên

[ChanhKien.org]

1. Bản in sớm nhất

Bản in sớm nhất còn lại đến nay là bản in kinh Phật đời nhà Đường. Kinh Chú Đại Bi là một trong những bản in kinh Phật giáo Tây Tạng sớm nhất trên thế giới hiện còn tồn tại. Kinh Chú dài 34cm, rộng 31cm, được in trên loại giấy làm từ tơ tằm nổi tiếng. Đặc trưng của bản in này là mỏng và trong mờ, độ đàn hồi cao. Chính giữa bản in có một ô vuông nhỏ, giữa ô vuông có in hình một vị Bồ Tát sáu tay, tay cầm các loại Pháp khí. Xung quanh khắc những vòng tròn chữ Phạn, bên ngoài các chữ Phạn có hai lớp đường viền, bốn góc và các bên khắc tượng Bồ Tát, ở giữa có hình ảnh vật cúng tế. Phía bên phải của bản khắc Kinh Chú có cột chữ bằng tiếng Hán: “Cuốn Kinh Chú được in và bán ở phường Long Trì, huyện Thành Đô, phủ Thành Đô đời nhà Đường”, đây là bản in cuối đời nhà Đường.

Ở Trung Quốc còn phát hiện một bản in có niên đại được xác định sớm nhất là Kinh Kim Cương được in vào đời Đường, trên bản in ghi rõ “Năm thứ 9 Hàm Thông” tức năm 868, “Ngày 15 tháng 4, Vương Kiệt vâng mệnh song thân in ra để hoằng Pháp”. Quyển kinh sách này có dạng cuộn, dài 4877mm, rộng 244mm. Ngoài quyển sách có bức tranh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Pháp tại Jetavanavihara (một thánh địa Phật giáo nổi tiếng), phần sau là toàn văn của Kinh Kim Cương. Cuốn sách này được khắc rất tinh xảo, nét chữ mộc mạc, chắc chắn, nét khắc khéo léo, mực in trên cuốn sách đậm, đều, rõ ràng, nổi bật.

Bộ Kinh Kim CươngChú Đại Bi in vào đời Đường này là những bản in sớm nhất vẫn còn được lưu giữ ở Trung Quốc đến ngày nay, có thể gọi là bảo vật quý hiếm trong lịch sử in ấn cổ đại.

2. Nguồn gốc của chữ Hán

“Thời thượng cổ cai trị bằng cách thắt nút dây thừng, sau này các thánh nhân đã sử dụng chữ viết để thay thế” (Kinh Dịch). Chữ Hán có nguồn gốc từ chữ tượng hình thời cổ đại cách đây 5000 năm. Những ghi chép đầu tiên liên quan đến việc “Thương Hiệt tạo chữ” được đề cập tại chương thứ 2 tập 17 sách Lã Thị Xuân Thu.

Truyền thuyết nói rằng Thương Hiệt là sử quan của Hoàng Đế, sinh ra đã biết chữ, thông minh, trí tuệ, phải chăng khải ngộ đầy đủ quẻ Trạch Thiên Quải? (Quẻ này ngụ ý rằng: Các bề tôi nên phò tá quân vương, giúp vua cai trị tốt). “Ông quan sát các đường nét trên móng vuốt của chim thú, nhận biết được sự tương đồng và khác biệt để tạo ra chữ vết. Dùng cái nghệ của trăm nghề, quan sát vạn vật phẩm, dựa vào hình ảnh của sự vật mà vẽ ra hình tượng, cho nên gọi là văn (文). Về sau kết hợp với âm đọc (hình thanh) gọi là tự (字). Văn tự ngày càng nhiều lên, viết trên tấm lụa hoặc thẻ tre gọi là sách.” (Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận thời Đông Hán)

Trong hơn 2.000 năm từ thời đại Ngũ Đế (Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Nghiêu, Thuấn) đến thời nhà Tần, các đời vua và vương triều khác nhau lại thay đổi hình dạng chữ theo các cách khác nhau mà không có sự tương đồng, nhiều kiểu chữ viết từng được lưu truyền như chữ Giáp Cốt, chữ Kim, chữ Triện, chữ Lệ, và nhiều kiểu chữ khác. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên vào năm 221 trước Công nguyên, chữ Triện và chữ Lệ được quy định là loại chữ thông dụng.

3. Khởi nguồn của kỹ thuật in ấn

Kỹ thuật in ấn nguyên bắt nguồn từ con dấu và in dập thời cổ đại. Các con dấu thời Chiến Quốc hầu hết là các chữ chìm khắc vào trong ấn, đến thời Lưỡng Hán (Đông Hán và Tây Hán) chữ khắc nổi dần dần trở nên phổ biến. Từ việc sử dụng con dấu, người xưa đã phát minh ra phương pháp khắc chữ nổi viết ngược để tạo ra chữ viết xuôi, tức là phương pháp khắc chữ nổi.

Kỹ thuật in dập bắt đầu xuất hiện vào thời Đông Tấn, người xưa dùng giấy ướt ép chặt lên bia đá, đợi giấy khô rồi dùng mực chà lên các chữ viết hay hình vẽ, gọi là “dập đá”. Kỹ thuật in dập đá là chữ chìm viết xuôi, tức bản in ra là chữ trắng trên nền đen, còn dùng con dấu chữ khắc nổi thì cho ra bản in là chữ đen trên nền trắng. Sau này phương pháp khắc chữ chìm viết xuôi mô phỏng theo con dấu đã được thay thế bằng phương pháp khắc chữ nổi viết ngược, bôi mực đen lên con dấu rồi đóng lên mặt giấy, gọi là kỹ thuật khắc in. Khắc in là sự kết hợp hai phương pháp con dấu và in dập, kỹ thuật này bắt nguồn từ thời nhà Đường.

4. Bối cảnh văn hóa của kỹ thuật in ấn

Sau khi nền văn hóa rực rỡ thời Tây Hán kết thúc, văn hóa Trung Nguyên vốn tôn sùng Nho giáo và Đạo giáo, bắt đầu du nhập tư tưởng Phật giáo. Vào năm Vĩnh Bình thứ 10 triều đại Đông Hán (năm 67), Hán Minh Đế cử sứ thần triều đình đi về phía Tây tới nước Thiên Trúc lễ Phật, từ đó Phật giáo bắt đầu truyền đến phía Đông, tức truyền vào Trung Nguyên. Sự truyền bá của Phật giáo ở Đông Thổ vừa vặn cùng thời với sự xuất hiện của nghề làm giấy. Vào năm 105, Thái Luân phát minh ra giấy Thái Hầu, từ đây thời đại dùng vải lụa để chuyển tải chữ viết đã tiến sang thời đại dùng giấy để chuyển tải chữ viết, phương thức truyền bá văn hóa cũng thay đổi từ việc giáo dục một thầy một trò của thời kỳ dùng vải lụa sang giáo dục rộng rãi vào thời kỳ dùng giấy. Các phương tiện in ấn cơ bản đã được hoàn thiện.

Văn hóa Đôn Hoàng trong thời Đại Đường bước vào thời kỳ hoàng kim, đây là kho báu chứa đựng tinh hoa tượng trưng cho nền văn hóa Thần truyền của Trung Nguyên. Việc phát minh ra kỹ thuật in ấn vào thời nhà Đường có nguyên nhân sâu xa từ sự hồng truyền các kinh sách Phật giáo. Vào năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627), hòa thượng Huyền Trang đi đến nước Thiên Trúc ở phía Tây để cầu Pháp thỉnh kinh, sau 18 năm ông trở về Trường An, ở lại chùa Hoằng Phúc để dịch kinh Phật. Đường Huyền Trang từng in rất nhiều “tranh Phổ Hiền Bồ Tát” và phân phát cho các tín đồ. Vào năm Đường Vĩnh Huy thứ ba (năm 652), Huyền Trang tấu xin vua cho xây dựng Nhạn Tháp để cất giữ kinh và tranh. Trong cuộc đời mình, hòa thượng Huyền Trang đã dịch khoảng 75 bộ kinh Phật, tổng cộng là 1.335 quyển.

Cùng với sự hồng truyền của Phật giáo, các cao tăng Phật giáo cũng lần lượt xuất hiện. Vào năm Đường Tiên Thiên thứ hai, tức năm năm Công nguyên 712, lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông viên tịch ở chùa Quốc Ân, nhục thân của ông không bị tiêu hủy mà vẫn tồn tại cho đến ngày nay, hiện ở chùa Nam Hoa, Tào Khê.

5. Giải thích về kỹ thuật in ấn

Trong những năm Khánh Lịch thời Tống Nhân Tông (năm 1041-1049), Tất Thăng phát minh ra loại bản sắp chữ bằng đất sét có thể di chuyển được. Trong sách Mộng Khê Bút Đàm có ghi chép rằng “Phương pháp in ấn này sử dụng chữ khắc bằng đất sét, mỏng như cạnh đồng tiền, mỗi chữ là một con dấu, dùng lửa nung cho cứng. Đầu tiên chuẩn bị một tấm thép, trên đó có một lớp kết dính bằng nhựa thông hoặc sáp ong trộn với bột giấy. Nếu chỉ in ba hoặc hai bản thì cách in này không đơn giản, nhưng nếu in hàng chục hàng trăm nghìn bản thì sẽ cực kỳ nhanh chóng”.

Chữ in rời bằng đất sét dễ hư hỏng, không dùng lâu được. Trong những năm Đại Đức thời vua Nguyên Thành Tông triều đại nhà Thanh (năm 1297-1308), Vương Trinh đã tạo ra một bộ chữ rời bằng gỗ, hơn nữa còn thiết kế ra một cái giá quay vòng để sắp chữ. Loại chữ rời này được sắp lên giá chữ theo vần, khi sắp chữ thì bánh xe quay, người xếp chữ có thể ngồi để chọn chữ.

Kể từ khi ra đời vào thời nhà Đường, kỹ thuật in ấn luôn sử dụng phương pháp in đơn sắc, thường là màu đen, đôi khi là màu đỏ hoặc xanh lam. Ngoài in văn tự, một lĩnh vực ứng dụng khác của in xen màu là in ảnh. Lúc đầu dùng mấy loại màu để tô lên một tấm chạm khắc, chẳng hạn để in một bức tranh ba màu thì màu nâu đỏ tô trên cành cây, màu xanh lá cây vẽ trên lá và màu hồng vẽ trên hoa. Nhưng in theo cách này thì màu sắc dễ bị lẫn lộn không rõ. Vì vậy người ta lại dựa theo mức độ đậm nhạt và sự tương phản màu trong bản vẽ gốc mà phân loại màu sắc, khắc thành nhiều tấm in, sau đó dựa theo màu sắc mà in xen màu hoặc in chồng màu, để có được màu sắc như ý. Bộ sách Thập Trúc Trai họa phổ vào những năm đầu niên hiệu Thiên Khải, Triều Minh (Minh Hi Tông 1621 – 1627) không chỉ có màu sắc tươi sáng, mà còn nổi bật từng đường nét của mây và sóng nước. Đến lúc này thuật in ấn cổ đại đã bước vào giai đoạn hoàn thiện.

Tệp đính kèm: Ứng dụng của kỹ thuật in màu cổ đại – Tranh Tết Dương Liễu Thanh.

Dẫn lời sư phụ phường tranh Dương Thành Hiệu thuộc dòng tranh Tết Dương Liễu Thanh: Dựa theo tư liệu thì tranh Tết ở Trung Quốc đã có lịch sử hơn 2.000 năm. Tranh Tết Dương Liễu Thanh ở Thiên Tân có lịch sử hơn 400 năm.

Nói đơn giản thì năm quy trình của tranh Tết là: cấu, khắc, ấn, họa và bồi (kết cấu, khắc, in, vẽ, đắp). Tranh khắc trên bản gỗ là khắc ngược, khi in ra sẽ được mặt chính. Quy trình thứ ba của tranh Tết là in tranh, quy trình này có hai nội dung, một là phương pháp vẽ đường mực, tức là vẽ màu trực tiếp sau khi in; hai là in xen màu, in xen năm màu sắc với nhau.

Ở Trung Quốc có rất nhiều câu chuyện dân gian, đặc biệt là tứ đại danh tác của Trung Quốc: Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc diễn Nghĩa, Thủy HửTây Du Ký. Nhất là vào những ngày đông rét mướt, người lớn thường thông qua những bức tranh Tết này để kể cho trẻ con nghe rất nhiều câu chuyện với nội dung đặc sắc. Trẻ con cũng thích nghe, mà người già cũng thích kể, cho nên đó là một trong những lý do khiến mọi người rất yêu thích tranh Tết.

6. Lời kết

Chữ Hán, kỹ thuật làm giấy và kỹ thuật in ấn truyền tải văn hóa Trung Nguyên. Trải qua thời gian khoảng chừng 5000 năm, những phát minh này đã xuất hiện trong ánh hào quang và bụi trần của thế gian, hun đúc nên nội hàm và tư tưởng thâm sâu của văn hóa Trung Nguyên, là kiến chứng cho những vinh quang và suy bại trong lịch sử xa xưa, để chờ đợi hy vọng và tương lai.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/30555