Trong nơi u minh có định số: Tần Thuỷ Hoàng

Tác giả: Sử Nhiên chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Tần Thủy Hoàng là con trai của Trang Tương Vương, họ Doanh, tên Chính, là người kế thừa ngôi vị của Trang Tương Vương, kế vị trở thành Tần Vương. Sau khi lên ngôi Tần Thủy Hoàng trải qua 26 năm đông chinh tây phạt, thôn tính sáu nước, thống nhất thiên hạ. Sách Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ có ghi chép rằng: “Tần vương còn lòng tham lam hèn hạ, hành sự tự theo ý mình, không tin công thần, không kết thân với dân sĩ, phế bỏ vương đạo, lập ra quyền riêng, dùng hình pháp tàn khốc và cấm văn thư, trước dùng sức mạnh sau mới tính tới nhân nghĩa, lấy bạo ngược để thống trị thiên hạ”. Một ông vua tàn bạo như thế ắt khó tránh bị trời trừng phạt.

Năm Thuỷ Hoàng thứ 36 (năm 221 TCN), sao Hỏa Tinh (sao Huỳnh Hoặc) xâm nhập vào khu vực của sao Tâm (Tâm Tú), đây là điềm báo từ thiên tượng rằng đế vương sẽ gặp tai hoạ. Lúc ấy có mảnh thiên thạch rơi xuống Đông Quận, sau khi rơi xuống đất thì biến thành đá, có ai đó đã khắc lên hòn đá một câu rằng: “Thủy Hoàng đế chết thì đất bị chia”. Tần Thủy Hoàng biết được tin ấy đã phái ngự sử tra hỏi từng nhà một, [nhưng] không có ai đứng ra thừa nhận, Thủy Hoàng bèn ra lệnh bắt tất cả những cư dân sống gần hòn đá ấy giết hết, lại còn thiêu chảy tiêu hủy cả hòn đá.

Một ngày mùa thu năm đó, đêm nọ có sứ giả đang đi từ Quan Đông qua Hoa Âm trên đường Bình Thư (nay là phía bắc huyện Hoa Sơn tỉnh Thiểm Tây), gặp một người trên tay có cầm viên ngọc bích, người ấy chặn đường sứ giả và nói: “Hãy thay ta dâng viên ngọc bích này cho Thủy Thần”. Người cầm ngọc còn nhân cơ hội nói: “Năm nay thì Tổ Long chết” (tổ nghĩa là cái đầu tiên, cũng giống như thủy, long hay rồng đại biểu cho quân vương một nước, Tổ Long chết ám thị rằng Thủy Hoàng sắp chết). Sứ giả hỏi tại sao thì người ấy đã biến mất, để lại viên ngọc bích ở đấy.

Sứ giả trở về triều, dâng viên ngọc bích lên và bẩm báo đầu đuôi câu chuyện mình đã trải qua cho Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng nghe xong trầm mặc rất lâu rồi nói: “Quỷ núi chẳng qua chỉ biết việc xảy ra trong một năm mà thôi”. Lúc ấy đương là mùa thu, Thủy Hoàng nói những ngày của năm nay chẳng còn bao nhiêu nữa, câu nói ấy chưa chắc đã ứng nghiệm. Đến lúc tan chầu, Thủy Hoàng lại nói: “Tổ Long đó là tổ tiên của loài người”. Ông ta cố ý giải thích chữ “Tổ” thành tổ tiên, mà tổ tiên là những người đã khuất rồi, thế nên câu “Tổ Long chết” không có liên hệ gì với ông ta. Rồi Thủy Hoàng lệnh cho ngự phủ xem xét viên ngọc, không ngờ rằng, viên ngọc ấy là viên ngọc mà nhà vua sơ ý đánh rơi xuống sông khi vượt qua Trường Giang vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 28.

Ngày quý sửu tháng mười năm Thủy Hoàng thứ 37 (năm 210 TCN), Thủy Hoàng ra ngoài tuần du. Một hôm Thủy Hoàng mộng thấy mình cùng Thần biển giao chiến, bèn mời một vị thầy giải mộng đến xem xét giấc mộng, vị thầy nói: “Thủy thần vốn không thể để người trông thấy được, nên hiện thành con đại ngư giao long. Hiện tại hoàng thượng thờ phụng chu đáo cung kính nhưng lại xuất hiện ác thần, vậy phải nên trừ bỏ ông ta thì thiện Thần mới thực sự đến được”. Thủy Hoàng liền hạ lệnh ra biển lùng bắt cá lớn, tự mình còn mang theo cung nỏ bắn được nhiều phát đợi đến khi có cá lớn xuất hiện thì bắn, nhà vua đi từ Lang Gia đến núi Vinh Thành nhưng không phát hiện ra cá lớn. Khi đến Chi Phù (nay là vùng đông bắc huyện Phúc Sơn tỉnh Sơn Đông) thì bắn chết một con cá lớn.

Khi tuần du về phía Tây đến bến Bình Nguyên thì Thủy Hoàng đổ bệnh, bệnh tình ngày một trầm trọng, đến ngày bính dần tháng bảy, Thủy Hoàng vì bệnh mà băng hà tại Bình Đài thuộc đất Sa Khâu (nay là đông bắc huyện Bình Hương tỉnh Hà Bắc).

Dựa theo “Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ [1]” của Tư Mã Thiên

[1] Sử ký của Tư Mã Thiên có chia làm một số phần lớn như bản kỷ, thế gia, liệt truyện. Trong đó các cuốn bản kỷ là nói về những nhân vật có tước ngang hoàng đế như Tần Thủy Hoàng, Hạng Vũ, Lưu Bang.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/24445