Dạo trong rừng hạnh: Câu chuyện về những vị thầy thuốc triều Minh

Tác giả: Nhất Đẩu

[ChanhKien.org]

Thời trẻ, Lăng Vân có lần đi về phía Bắc đến núi Thái Sơn, thấy trước ngôi miếu cổ có một người mắc bệnh nặng, trông như sắp chết, Lăng Vân thấy rất thương cảm cho người ấy nên ngồi bên cạnh cảm thán một hồi lâu. Bỗng nhiên có một vị Đạo nhân hỏi Lăng Vân: “Ngươi muốn cứu anh ta sao?” Lăng Vân đáp phải. Vị Đạo nhân bèn dùng kim châm vào chân trái người bệnh, người ấy lập tức tỉnh lại. Đạo nhân nói: “Người này bị khí độc xâm nhập vào thân nhưng vẫn chưa chết, làm cho khí độc chạy xuất ra thì khỏi”. Vị Đạo nhân còn đem phương pháp châm cứu truyền lại cho Lăng Vân, ông dùng cách ấy chữa cho bệnh nhân, đều rất hiệu nghiệm.

Thịnh Dần tiên sinh là ngự y của triều đình, y thuật của ông rất cao siêu. Một đêm nọ ông mơ thấy có người đem ớt đến gửi ở nhà mình rất lâu, ông rất muốn ăn nên đã mở gói ớt ra lấy ăn một ít. Sau khi tỉnh giấc ông tự trách mình: “Có phải vì lòng nhân nghĩa của ta không đủ nên mới xảy ra chuyện như vậy?” Ông không ngủ lại được nữa, bèn ngồi đó đến khi trời sáng.

Tuần phủ Giang Nam là Trâu Lai Học cảm thấy thân thể nặng nề, nghe nói tiên sinh Diêu Mông của Ngô Tùng giỏi y thuật bèn cho triệu Diêu Mông đến. Trâu công thấy mặt mũi ông méo xệch bèn hỏi: “Ngài cũng mắc bệnh sao?” Diêu Mông chỉ cười đáp là mình mắc bệnh phong. Trâu công lại hỏi: “Nếu là mắc bệnh phong, tại sao không chữa trị?” Diêu Mông đáp rằng ông bị bệnh phong từ lúc còn trong bụng mẹ. Diêu tiên sinh sau khi xem mạch cho tuần phủ Trâu xong thì trầm ngâm: “Phía trên căn khiếu (đầu chỗ tiểu tiện) của đại nhân có một khiếu khác bị chảy mồ hôi”. Trâu công vô cùng kinh ngạc hỏi: “Đây là căn bệnh mà ta không tiện kể ra, ngài làm sao biết được?” Diêu tiên sinh nói: “Từ mạch tượng mà xét, mạch quan của tay trái tuy lưu thông nhưng chậm, trên lá gan thứ tư có lỗ hổng thông xuống bên dưới”. Trâu công mặt biến sắc, cầu xin Diêu Mông kê cho mình toa thuốc chữa bệnh. Diêu Mông tiên sinh nói: “Không cần dùng thuốc, cứ đến Nam Kinh sẽ hết”. Diêu tiên sinh còn bấm tay tính toán, nói: “Hôm nay là mùng bảy, đi trong  ngày 12 là có thể đến Nam Kinh”. Trâu công nói: “Tôi biết rồi”. Trâu công liền xuất phát, quả nhiên sau ngày 12 đã đến Nam Kinh, khi vào trong hội quán thì mất [1].

[1] Bản gốc tuất 卒: Quan đại phu chết gọi là tuất, thọ khảo cũng gọi là tuất. Bây giờ thông dụng như chữ tử 死, như sinh tuất 生卒 sống chết.

Theo Minh Sử

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/35201