Câu chuyện lịch sử: Kết cục bi thảm của Ngô Khởi

Tác giả: Tần Tự Tỉnh

[ChanhKien.org]

Ngô Khởi (mất năm 381 TCN) là một nhà quân sự thời Chiến quốc. Ông là một người chuyên sửa người khác mà không tu sửa chính mình (nghĩa là ông ta dùng lý để sửa người khác, chứ không dùng lý để sửa bản thân mình).

Đầu tiên, xin hãy xem Ngô Khởi đã dùng lý lẽ để tu chỉnh người khác như thế nào:

Có một lần Ngụy Vũ Hầu thả thuyền xuôi dòng Tây Hà, ở giữa dòng, quay lại nhìn nói với Ngô Khởi: “Thật là tráng lệ, núi sông hiểm trở như thế, đây đúng là của quý đối với nước Ngụy!”

Ngô Khởi cười, đáp: “Quốc gia là dựa vào đức để trị, chứ không phải dựa vào địa thế hiểm yếu. Xưa nước Tam Miêu có bên trái là hồ Động Đình, bên phải là con rạch lớn Bành Lãi. Nhưng vì họ không trau dồi đạo đức nhân nghĩa nên bị Vua Đại Vũ diệt. Đô thành của vua Hạ Kiệt, bên trái là sông Hoàng Hà, sông Tế, bên phải là núi Thái Sơn, núi Y Khuyết ở phía Nam, núi Dương Trường ở phía bắc. Nhưng vua Hạ Kiệt khi chấp chính thì không nghĩ đến nhân ái. Cuối cùng ông ta bị vua Thương Thang bắt đi đày. Kinh đô của Trụ vương, bên trái là núi Mạnh Môn, bên phải là núi Thái Hành Sơn, núi Hằng Sơn ở phía bắc, sông Hoàng Hà chảy ở phía nam. Nhưng thời Trụ vương chấp chính thì không thi hành việc ân đức, nên Chu Vũ Vương đã diệt ông ta. Từ đó thấy rằng, giữ nước là ở chỗ đức chứ không phải ở chỗ địa thế hiểm trở. Nếu như quân vương ngài không làm tốt việc dùng đức trị nước, thì những người ngồi trên thuyền hiện giờ đều sẽ biến thành địch nhân của ngài vậy”. Ngụy Vũ Hầu đáp: “Nói rất hay!”

Ngô Khởi muốn người khác học tập việc lấy đức trị nước, học tập nhân ái, thực thi rộng việc ân đức. Nhưng bản thân ông ta lại tham lam công danh lợi lộc, thậm chí còn “sát thê cầu tướng” [1]. Sau khi làm được tướng quân, Ngô Khởi lại tranh công danh với người khác, tham luyến nữ sắc. Thời còn theo học thầy Tăng Tử, mẫu thân của Ngô Khởi lâm trọng bệnh, ông ta đã không về nhà hiếu dưỡng; mẫu thân mất rồi, ông ta cũng không về nhà chịu tang, giữ hiếu. Tăng Tử đã khinh bỉ và đoạn tuyệt mối quan hệ thầy trò với ông ta. Có thể thấy Ngô Khởi quả thực đã không thể dùng đạo đức để ước thúc chính mình.

Thái Sử Công Tư Mã Thiên đã nói trong Sử ký rằng: “Thế tục khi khen tài năng quân sự đều nói đến mười ba thiên của Tôn Tử. Sách binh pháp của Ngô Khỏi thế gian nhiều người có, nên không bàn, chỉ bàn những sự việc các ông ấy làm. Tục ngữ nói: ‘Người làm được chưa chắc đã nói được; người nói được chưa chắc làm được’. Tôn Tẫn trù tính đối phó với Bàng Quyên thật rõ ràng. Thế nhưng vẫn không thể sớm tự lo cứu mình khỏi bị hình phạt. Ngô Khởi bàn với Vũ Hầu rằng hình thế không quan trọng bằng đức; nhưng khi thi hành ở Sở, thì lại vì khắc bạc, ít ân đức, mà bỏ thân mình (Ngô Khởi bị những người phản đối bắn chết bằng loạn tiễn). Đáng thương thay!”

Ấy chính là:

“Nhân giai tri địch kỳ khí, mạc tri tẩy kỳ tâm (Tạm dịch: Người ta đều biết rửa sạch các đồ vật bẩn, nhưng lại không biết tẩy tịnh cái tâm của mình – học giả thời Trung Đường Mã Tổng)

“Cẩu năng dĩ công nhân chi tâm công kỷ, tắc quá thất bất thắng kỳ công hĩ” (Tạm dịch: người ta nêu có thể dùng cái tâm thái phê bình người khác để phê bình mình thì những lỗi lầm mình mắc phải sẽ rất dễ sửa chữa – thi nhân thời Bắc Tống Vương Lệnh)

“Kiến lợi tư nghĩa, kiến hiền tư tề” (Tạm dịch: Thấy lợi thì suy nghĩ tới đạo nghĩa, thấy bậc hiền tài thì suy nghĩ cách để mình cũng được như họ – Cổ Huấn)

“Thân gia nhất nhật trường, tâm giác khứ niên phi” (diễn nghĩa, vào những ngay cuối năm, cứ một ngày qua đi, trong tâm lại cảm thấy như một năm cũ đã sắp hết, nhà triết học thời Đường Lưu Vũ Tích)

[1] sát thê cầu tướng: Giết vợ để được làm tướng: Ngô Khởi lấy vợ là người nước Tề, khi ông ta muốn làm tướng nước Lỗ, người nước Lỗ nghi ngờ ông thân với nước Tề, ông ta đã giết vợ mình để được vua nước Lỗ tin dùng.

(Dựa theo Sử ký Tư Mã Thiên)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/77996