Bàn về mối quan hệ giữa bộ ba kinh điển vỡ lòng truyền thống Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh và Thiên Tự Văn (Phần 2)

Tác giả: Đổng Hân

[ChanhKien.org]

2. Quy tắc đệ nhất thiên hạ – phong thái Đệ Tử Quy

Đệ Tử Quy được ca ngợi là “Nhân sinh đệ nhất bộ, thiên hạ đệ nhất quy” (Bước đi đầu tiên trên đường đời, quy tắc đệ nhất thiên hạ), bộ sách thực sự vô cùng quan trọng. Đối với các giáo trình kinh điển giáo dục trẻ em truyền thống của chúng ta, bộ sách này là nền tảng của nền tảng, bởi bộ sách chú trọng hành vi cụ thể, nên rất thích hợp với con người hiện đại.

Nói đến Đệ Tử Quy, rất nhiều người lập tức liên tưởng đến chữ Hiếu, khi chúng tôi hỏi một số người yêu thích Đệ Tử Quy, thậm chí cả những người giảng dạy về Đệ Tử Quy rằng cuốn sách giảng về điều gì, họ đều cho rằng cuốn sách nói về chữ Hiếu. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải nói rõ rằng Đệ Tử Quy giảng về “yêu rộng khắp”, Hiếu chỉ là một nội dung trong đó thôi, nhưng cũng rất quan trọng, vì Hiếu là nền tảng, nhưng không phải toàn bộ.

Chúng ta nói một chút về kết cấu của Đệ Tử Quy, bắt đầu bằng “đức hiếu đễ”, rồi phát triển thành “yêu rộng khắp”. Trong “Sơ đồ Thánh đức giáo hóa dân chúng” này, chúng ta thấy rằng mũi tên quay ra ngoài gọi là Thánh đức giáo hóa dân chúng, chúng tôi sẽ bàn luận về sơ đồ này. Thánh nhân giảng đức, nhưng giảng đức thì sẽ có người không hiểu, nên đã phân thành bảy đức hạnh cụ thể như vậy: hiếu, đễ, cẩn, tín, yêu rộng khắp, gần người nhân và có dư sức thì học văn. Thánh giáo hóa bảy đức.

Trí tuệ con người càng nhỏ hẹp thì càng phải giảng cụ thể rõ ràng. Lấy ví dụ: Có đứa trẻ rất nhỏ, quý vị nói với cháu rằng “con phải trọng đức”, nhưng “đức” là gì thì trẻ không hiểu; quý vị nói “con phải hiếu thuận với mẹ”, nhưng hiếu là gì trẻ vẫn nói là không hiểu, nhưng mà quý vị nói “con đi đấm lưng cho mẹ đi”, thì trẻ liền đi ngay. Đây là điểm vô cùng quan trọng, mọi người có thể thử xem. Nếu hiểu được điểm này thì quý vị sẽ rất dễ hiểu câu nói của Lão Tử “Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ” (Dịch nghĩa: Đạo mất rồi sau mới có đức, đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ) và câu nói của Khổng Tử “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân” (Dịch nghia: Để chí vào cái đạo, giữ lấy cái đức, tựa vào cái nhân). Kỳ thực, “Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi” (Bậc thượng sĩ được nghe đạo, chuyên cần thực hành theo), mong mọi người đều là bậc thượng sĩ.

Nếu đứng từ góc độ tu dưỡng mà nói, trong quan hệ giữa cha, con, anh, em,… chúng ta cần bắt đầu từ thực hành cho tốt bảy đức hạnh này, vì vậy tạo nên sơ đồ khác với mũi tên quay vào trong gọi là “Sơ đồ từ thánh tới thiện”, quy về “yêu rộng khắp”. Dùng sơ đồ này để giảng về nội dung của Đệ Tử Quy thì vô cùng rõ ràng, một sơ đồ Đệ Tử Quy phân thành bảy phần, một sơ đồ lấy “yêu rộng khắp” làm trung tâm của Đệ Tử Quy.

Về mối quan hệ tương hỗ giữa bảy phần trong Đệ Tử Quy, chúng ta đã có các bài giảng cụ thể nên ở đây chúng tôi không giảng chi tiết. Chúng tôi sẽ bắt đầu bàn luận từ lời mở đầu của Đệ Tử Quy “Thánh nhân dạy” rồi đến lời kết “Thánh và Hiền, dần đạt đến”, quả đúng là từ đầu chí cuối đều nói về Thánh nhân. Nói về Thánh nhân, “Thánh” là tai trời mắt trời (chữ Thánh 聖 được tạo từ bộ nhĩ 耳, bộ khẩu 口 và chữ vương 王), tức là người thay Trời thuyết giảng. Thánh nhân thời cổ đại còn có thể chia làm hai loại: một là Thánh nhân nhập thế, đại biểu là Thương Thang, Chu Công, Khổng Tử…; hai là Thanh nhân xuất thế, đại biểu là Lão Tử, Thích Ca Mâu Ni, Jesus…

Trong văn hóa truyền thống có cách nói nhập thế và xuất thế, vì thế mới phân chia ra Thánh nhân nhập thế và Thánh nhân xuất thế. Đương nhiên trước thời Lão Tử, Đại Thánh nhân mới là người thống trị tối cao, người nắm quyền lực tối cao trong thiên hạ là người có đạo đức tối cao, chính là Tam Hoàng Ngũ Đế và ba đời minh quân Hạ, Thương, Chu.

Vậy vừa là Thánh nhân, vừa là Thần thánh thì là ai? Đó chính là Hoàng Đế, người khai sáng nền văn minh 5.000 năm Trung Hoa, ngài vừa là Thánh nhân trong xã hội nhân loại, vừa là Thánh nhân xuất thế, ngài là bậc Đại thành. Cũng có nghĩa là ngài làm rất tốt vai trò của đế vương, giúp quốc gia mưa thuận gió hòa, không trộm cướp, thiên hạ giàu có thái bình; còn về tu luyện, ngài cũng tu rất tốt, cuối cùng công thành viên mãn, cưỡi rồng vàng bay lên trời, ngài là Hoàng Đế, tổ tiên của dân tộc Trung Hoa.

Người Trung Quốc sở dĩ kính thờ tổ bởi vì họ coi tổ tiên là Thần, cũng đều bắt nguồn từ đây. Còn Lão Tử là người trong dân gian, Lão Tử không phải là đế vương trị vì thiên hạ thái bình, ngài muốn để con người ngộ Đạo, do đó ngài đã để lại một quyển sách để hậu nhân tham ngộ. Câu “Thánh nhân dạy” trong Đệ Tử Quy là trực tiếp chỉ Khổng Tử, nhưng chúng tôi giảng theo nghĩa rộng hơn, bao gồm các bậc Thánh đức cao từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/152889