Thi tiên Lý Bạch đi tìm tri kỷ

Tác giả: Tường Long

[ChanhKien.org]

Lý Bạch được mọi người biết đến với phong cách thơ phóng khoáng, siêu phàm thoát tục, vì vậy ông được thế nhân tôn là Thi tiên. Trong những năm cuối đời của ông, có một câu chuyện rất thú vị về việc nhờ thơ mà ông tìm được tri kỷ.

Những năm cuối đời, Lý Bạch rời kinh đô, ông thường một mình du ngoạn đến các nơi như Tuyên Thành, Nam Lăng, huyện Hấp, Thải Thạch… và một số danh sơn đại xuyên gần đó để gặp gỡ bằng hữu, uống rượu làm thơ. Một buổi sáng sớm, Lý Bạch đến một quán rượu trên phố ở huyện Hấp để mua rượu, bỗng ông nghe thấy ở tiệm bán củi bên cạnh có tiếng người nói chuyện: “Lão nhân gia, ông là người nơi nào? Sao lớn tuổi rồi mà còn gánh nhiều củi đem bán vậy?” Ông lão nghe hỏi liền cười một tràng sảng khoái rồi ngâm lớn một bài thơ: “Phụ tân triều xuất mại, cô tửu nhật tây quy. Tá vấn gia hà xứ? Xuyên vân nhập thúy vi!” (Tạm dịch: Gánh củi đi bán sáng, mua rượu chiều tà về. Hỏi nhà ở nơi nào, xuyên mây vào núi xanh!) Lý Bạch nghe xong vô cùng kinh ngạc, không biết ai lại có thể tùy cơ ứng khẩu ngâm ra những câu thơ cảm động lòng người vậy! Lý Bạch bèn hỏi chủ quán rượu về lão nhân gia, chủ quán rượu đáp: “Đó là một ông lão ẩn cư trong núi sâu, tên là Hứa Tuyên Bình, ông ấy thường hay đến vùng này du ngoạn, mỗi lần gánh củi vào thị trấn đều là khi trời vừa hửng sáng, trên gánh củi treo một cái bầu hồ lô và cây gậy trúc cong cong, bán củi xong thì mở bầu rượu ra uống, vừa đi vừa uống, say rồi thì ngâm thơ viết đối, ai không biết còn tưởng ông ấy là người điên”. Nghe chủ quán nói thế Lý Bạch như phảng phất nhìn thấy hình bóng của chính mình, trong lòng bỗng có cảm giác như tìm được tri âm bèn lập tức quay người ra cửa đi tìm ông lão. Thấy ông lão đã đi qua cây cầu nhỏ trên phố, từng bước chậm rãi khó khăn đi về phía trước, Lý Bạch sải bước băng băng đuổi theo phía sau. Khi đuổi đến khỏi cây cầu nhỏ, xuyên qua một rừng trúc, rồi vòng qua nhánh sông (ngã ba sông), Lý Bạch mệt đến mức thở không ra hơi, lưng mỏi chân đau, vừa định thần nhìn lại thì ông lão đã biến mất không thấy đâu nữa. Lý Bạch giẫm chân thở dài tiếc nuối: “Lẽ nào ta đã thực sự gặp được tiên nhân rồi!”

Đêm hôm ấy Lý Bạch chẳng tài nào chợp mắt được. Hồi tưởng lại phần lớn cuộc đời ngoại trừ vài người bạn thơ như Đỗ Phủ ra, thì ông chưa từng gặp được một bạn thơ nào có thể gọi là tri kỷ như ông lão hôm nay, cơ hội hạnh ngộ tri âm như thế này quyết không thể bỏ lỡ. Sáng sớm hôm sau Lý Bạch đến trước cửa tiệm củi đợi cho đến khi mặt trời ngả về Tây mà chẳng thấy tung tích ông lão đâu, liên tục ba ngày liền đều như vậy. Không đành lòng, Lý Bạch quyết định mang bình rượu và lương khô chuẩn bị đi vào núi tìm ông lão. Lý Bạch lần lượt trèo qua những ngọn núi ngọn đồi mỹ lệ, lội qua nhiều con sông con suối chảy xiết. Hơn một tháng trời mà chưa tìm thấy chút bóng dáng của ông lão, tuy thế Lý Bạch vẫn không nản lòng, vẫn đi đi lại lại quanh những ngọn núi con sông xinh đẹp này để tìm người bằng hữu tri kỷ của mình. Buổi hoàng hôn hôm ấy ráng chiều nhuộm đỏ cả một bầu trời tráng lệ, dòng suối trong xanh và khu rừng trúc xanh biếc trong núi cùng nhau hiện lên trên nền trời rực rỡ ấy khiến quang cảnh nơi đây đẹp đẽ lạ thường. Lúc này Lý Bạch vừa thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên vừa lê tấm thân mệt mỏi xuống phía chân núi Tử Dương gần dãy Hoàng Sơn, khi trèo qua miệng núi, Lý Bạch phát hiện khối nham thạch khổng lồ trước mặt dường như có khắc chữ, sau khi nhận rõ kỹ càng thì hoá ra là một bài thơ: “Ẩn cư tam thập tải, trúc thất Nam Sơn điện; Tĩnh dạ ngoạn minh nguyệt, nhàn triều ẩm bích tuyền; Tiều phu ca lũng thượng, cốc điểu hý nham tiền; Lạc hĩ bất tri lão, đô vong giáp tử niên” (Tạm dịch: Ẩn cư ba mươi năm, nhà trúc đỉnh Nam Sơn; Đêm tĩnh thưởng trăng sáng, sáng nhàn uống suối xanh; Tiều phu ca trên nương, chim rừng đùa trước đá; Vui chơi chẳng biết già, đã quên ngày tháng trôi.) Tuy rằng Lý Bạch đã làm thơ mấy chục năm, nhưng một bài thơ toát lên hương vị hoa rừng cỏ núi thế này thì lần đầu tiên ông được lĩnh hội, sau khi đọc một mạch ba lượt bài thơ ông đã không nén được mà thốt lên: “Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Thật là một tác phẩm thần tiên!” Rồi Lý Bạch nhìn thấy đống thóc đang phơi trên bãi đất bằng bên cạnh tảng nham thạch, bèn đứng sang một bên ngắm cảnh trí trên núi trong lúc chờ người đến gom thóc.

Khi mặt trời sắp khuất núi, Lý Bạch bỗng nghe tiếng sóng nước từng đợt từng đợt truyền đến. Đang nhìn quanh thì thấy một chiếc thuyền nhỏ từ bên kia sông chèo sang, một ông lão râu tóc phất phơ cầm mái chèo đứng ở mũi thuyền. Lý Bạch vội đứng dậy hỏi thăm ông lão: “Xin hỏi lão nhân gia, ngài có biết lão ông Hứa Tuyên Bình ở đâu không?” Kỳ thực vị lão nhân này chính là ông lão Hứa Tuyên Bình mà Lý Bạch muốn tìm, lần trước ở thị trấn tại huyện Hấp thấy Lý Bạch mình mặc cẩm bào vua ban đuổi theo, ông còn tưởng rằng đó là triều đình phái người tìm ông để ra làm quan, nên ông không quay trở lại huyện Hấp nữa, không ngờ rằng người này lại càng theo sát ông hơn. Thế nên ông chỉ vào hàng rào trước mũi thuyền mà đáp một cách thờ ơ rằng: “Môn khẩu nhất can trúc, tiện thị Hứa ông gia!” (Hàng rào trúc trước cửa, đó là nhà Hứa ông). Lý Bạch ngước mắt nhìn những ngọn núi với cỏ cây chen chúc rậm rạp lại hỏi: “Xứ xứ giai thanh trúc, hà xứ khứ trảo tầm?” (Toàn là trúc với trúc, biết đâu để mà tìm?) Lão ông quan sát tỉ mỉ vị khách vẻ đầy phong trần, mồ hôi đang ướt đẫm cả mặt rồi hỏi lại: “Ông là ai?” Lý Bạch lặng lẽ cúi đầu chào lão ông và nói: “Tôi là Lý Bạch”. Lão ông nghe vậy thì ngây người ra: “Ông là Lý Bạch đến để tìm tôi?” Lý Bạch vội giải thích tâm nguyện của mình khi đến đây. Lão nhân chắp hai tay nói: “Ông là Thi tiên đương thời! Tôi có là gì đâu, chẳng qua chỉ sánh bằng một giọt nước trong biển thơ mà thôi. Biển cả như ông mà đi tìm một giọt nước, tôi không dám nhận đâu!” Nói xong liền chống thuyền quay trở về. Lý Bạch khẩn khoản: “Lão nhân gia, tôi vất vả bôn ba suốt ba tháng trời đi tìm ngài, cũng không dễ dàng gì mới gặp được, lẽ nào ngài từ chối tôi mà quay về?” Lời nói chân thành khẩn thiết của Lý Bạch đã làm lão ông xúc động. Từ đó, dù là trong lúc bình minh hay trong hay ánh hoàng hôn rực rỡ, người ta vẫn thường thấy Lý Bạch và lão ông uống rượu, ngâm thơ trên phiến đá xanh lớn bên dòng suối. Từ nơi ấy tiếng ngâm thơ, tiếng cười nói rộn rã cùng với tiếng thác đổ hoà quyện vào nhau và được dòng suối đang trôi nhanh đưa đi xa đến hơn trăm nghìn dặm…

Ngày nay, nhiều du khách khi đến dãy Hoàng Sơn vẫn luôn thích tìm kiếm những dấu vết của chuyến đi của Lý Bạch dọc theo dòng suối đang ào ào chảy. Liệu họ có tìm thấy được không? Khi đi qua khỏi con suối Minh Huyền trên núi Hổ Đầu Nham sẽ thấy một tảng đá khổng lồ có khắc hai chữ “Tuý thạch”, đó là nơi Lý Bạch và lão ông đã cùng nhau thưởng ngoạn sơn cảnh, uống rượu ngâm thơ, còn dòng suối nơi mà hai người họ rửa bát uống rượu thì được người đời sau gọi là “Tẩy bôi tuyền” (suối rửa chén).

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/79271