Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (34)

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn

披(1)蒲編(2),削(3)竹簡(4),

彼(5)無書,且知勉(6)。

頭懸(7)梁(8),錐(9)刺股(10),

彼不教(11),自勤苦(12)。

Bính âm

披(pī) 蒲(pú) 编(biān),削(xuè) 竹(zhú) 簡(jiǎn),

彼(bǐ) 無(wú) 書(shū), 且(qiě) 知(zhī) 勉(miǎn)。

頭(tóu) 懸(xuán) 梁(liáng), 錐(zhuī) 刺(cì) 股(gǔ),

彼(bǐ) 不(bú) 教(jiào), 自(zì) 勤(qín) 苦(kǔ)。

Chú âm

披(ㄆ一) 蒲(ㄆㄨˊ) 編(ㄅ一ㄢ),

削(ㄒㄩㄝˋ) 竹(ㄓㄨˊ) 簡(ㄐ一ㄢˇ),

彼(ㄅ一ˇ) 無(ㄨˊ) 書(ㄕㄨ),

且(ㄑ一ㄝˇ) 知(ㄓ) 勉(ㄇ一ㄢˇ)。

頭(ㄊㄡˊ) 懸(ㄒㄩㄢˊ) 梁(ㄌ一ㄤˊ),

錐(ㄓㄨㄟ) 刺(ㄘˋ) 股(ㄍㄨˇ),

彼(ㄅ一ˇ) 不(ㄅㄨˊ) 教(ㄐ一ㄠˋ),

自(ㄗˋ) 勤(ㄑ一ㄣˊ) 苦(ㄎㄨˇ)。

Âm Hán Việt

Phi bồ biên, Tước trúc giản,

Bỉ vô thư, Thả tri miễn.

Đầu huyền lương, Trùy thứ cổ,

Bỉ bất giáo, Tự cần khổ.

Tạm dịch

Xé lá cỏ bồ bện lại, tước vỏ tre thành thẻ,

Họ không có sách, nhưng biết nỗ lực.

Cột tóc lên xà nhà, lấy dùi đâm vào đùi,

Họ không cần người khác dạy, tự cần cù gian khổ học tập.

Từ vựng

(1) phi (披): xé ra, tách ra.

(2) bồ biên (蒲編): bện lá cỏ bồ thành sách.

(3) tước (削): tước bỏ vỏ cây tre.

(4) trúc giản (竹簡): thẻ tre, những tấm tre được tước bỏ vỏ.

(5) bỉ (彼): anh ấy, họ

(6) miễn (勉): nỗ lực, cố gắng.

(7) huyền (懸): treo trên không trung.

(8) lương (梁): xà nhà.

(9) trùy (錐): cái dùi, dụng cụ bằng sắt, dài nhỏ, đầu nhọn.

(10) cổ (股): đùi.

(11) bất giáo (不教): không cần người khác dạy bảo.

(12) cần khổ (勤苦): cần cù chịu khó học tập.

Dịch nghĩa tham khảo

Lộ Ôn Thư thời Tây Hán xé lá bồ bện thành sách, mượn sách “Thượng Thư” chép lại để đọc; Công Tôn Hoằng tước bỏ vỏ tre chế thành thẻ tre, mượn sách “Xuân Thu” chép lại để đọc. Hai người này đến sách vở còn không có, mà lại biết cần cù chịu khó đọc sách, học tập.

Tôn Kính triều Tấn hàng ngày đều đọc sách đến tận đêm khuya, vì sợ ngủ gật mà cột tóc treo lên xà nhà; Tô Tần thời Chiến Quốc cần cù đọc sách, đêm khuya sợ ngủ gật bỏ dở việc đọc sách, liền lấy cái dùi đâm vào đùi mình. Hai người này không cần người khác dạy bảo đốc thúc, vẫn biết phải cần cù chịu khó đọc sách.

Đọc sách luận bút

Bài học trước lấy ví dụ về thánh hiền Khổng Tử và tể tướng Triệu Phổ, để giảng về thái độ tu dưỡng, nghiên cứu học vấn của bậc thánh hiền và danh tướng thời cổ đại. Còn bài học này lại lấy ví dụ về hai vị cổ nhân thân thế nghèo khổ, xuất thân thấp hèn, điều này cho thấy ai ai cũng có thể cầu học, chỉ cần có quyết tâm thì dù hoàn cảnh ra sao cũng không ngăn cản được bước chân của người cầu học, đều có thể đạt được thành công. Ở đây cũng cho thấy, người Trung Quốc xưa không cho rằng thân phận và địa vị là quan trọng, ai cũng có thể học tập và có tư cách học tập, họ không hề có quan niệm đẳng cấp, học vấn cũng không thuộc đặc quyền của giai cấp nào.

Giáo dục của Trung Quốc cổ đại là do Khổng Tử tổng kết lại văn hóa mà các bậc thánh vương thời thượng cổ lưu lại, rồi truyền rộng ra, cho nên hầu hết người Trung Quốc cổ đại đều chú trọng nghiên cứu học vấn, thậm chí có người có thể khắc phục mọi khó khăn cũng không từ bỏ. Bởi vì mọi người đều có cơ hội được giáo dục bình đẳng, ngoài ra lý do lớn nhất là người xưa đều hiểu bản thân mình rốt cuộc vì sao cần phải học tập. Khổng Tử thiết lập giáo dục, dẫn dắt các đệ tử để đào tạo nên những bậc quân tử tu dưỡng đạo đức nhân nghĩa, giúp họ hiểu được làm thế nào an bang trị quốc, giáo hóa bách tính, phúc trạch vạn dân. Vậy nên Nho sinh thời cổ đại đều có chí hướng trị quốc an bang, tế thế cứu dân, đây chính là chí hướng căn bản vĩnh viễn bất biến của họ. Không có cái chí hướng này thì không gọi là Nho sinh. Cho nên về căn bản, mọi người đều phải mang chí hướng này mà nghiên cứu đọc sách, mới có thể có được quyết tâm lớn lao và ý chí gian khổ tìm cầu học vấn. Nếu như không hiểu rõ mục đích đọc sách của cổ nhân và chí hướng của Nho sinh, thì chúng ta sẽ không lý giải được những hành động cụ thể “cột tóc lên xà nhà, lấy dùi đâm vào đùi” và ý chí hơn người của họ.

Chữ Chí (志) gồm chữ Sĩ (士) bên trên và chữ Tâm (心) bên dưới. Nói cách khác, lập chí chính là lập nên tâm nguyện của sĩ phu, đây là nghĩa gốc của chữ “Chí” . Sĩ phu là giai tầng có học vấn và tu dưỡng Nho học, chí hướng lớn nhất của họ chính là an bang trị quốc, đức hóa thiên hạ, giúp cho thiên hạ thái bình, bách tính an cư lạc nghiệp.

Mà giai tầng sĩ phu này cũng không phải là cố định, ai cũng có thể nhờ đọc sách mà có được học vấn, có học vấn rồi thì có thể bước vào giai tầng này. Lấy ví dụ ngày nay học tiểu học xong thì vào trung học cơ sở, phổ thông trung học, cuối cùng thi vào đại học, tốt nghiệp đại học rồi thì có thể thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ v.v.. trở thành người trí thức có học vị, có lẽ những người có học vị trên đại học hiện nay là tương đương với bậc sĩ phu thời xưa. Nhưng đây chỉ là ví dụ cho dễ hiểu, thực tế không giống như vậy. Cũng có nghĩa là bản chất và mục đích của giáo dục thời cổ đại khác với giáo dục ngày nay, trọng tâm của giáo dục học vấn thời xưa là giáo dục đạo đức, dạy con người trở thành người vô tư vị tha, chí hướng cao xa, được người khác kính trọng. Cho nên các học sinh hoàn toàn xuất phát từ nội tâm tích cực cầu học, tích cực theo đuổi giá trị nhân sinh.

Câu chuyện “Lộ Ôn Thư, Công Tôn Hoằng gian khổ học tập”

Lộ Ôn Thư là người Cự Lộc thời Tây Hán, gia cảnh bần cùng, đành phải đi chăn dê cho người khác. Ông rất thích đọc sách, nhưng lại không mua nổi sách vở. Khi đó Trung Quốc còn chưa phát minh ra giấy, người ta viết chữ lên thẻ gỗ, thẻ tre hoặc tơ lụa, cho nên lúc đó sách rất đắt, chỉ có con cháu nhà quan và nhà giàu mới mua được sách để đọc.

Một hôm trong lúc chăn dê, ông thấy đầm nước mọc đầy cỏ bồ, đột nhiên linh cơ khẽ động, ông thầm nghĩ, tại sao mình không dùng cỏ bồ bện thành vở để viết chữ nhỉ? Thế là ông hái rất nhiều cỏ bồ, cắt thành mảnh nhỏ, bện lại với nhau thành cuộn sách, rồi đi mượn sách “ Thượng Thư” chép lại. Lộ Ôn Thư cứ như vậy gian khổ chịu khó học tập, sau này được đề cử làm Hiếu liêm, ông làm đến quan Thái thú ở Lâm Hoài, trở thành một người rất nổi danh.

Cùng thời kỳ này, có một người tên là Công Tôn Hoằng, cũng vì nhà nghèo không thể học hành tử tế nên mãi đến hơn 40 tuổi ông vẫn còn phải đi chăn heo cho người khác. Lúc này, ông cảm thấy mình tuổi đã lớn mà lại cả ngày chỉ biết làm bạn với heo, chẳng làm nên trò trống gì, ông bèn hạ quyết tâm học tập, nhưng ông không có tiền mua sách, bởi vậy ông rất buồn phiền. Một hôm đang ở trong rừng tre chăn heo, ông đột nhiên nghĩ ra cây tre dùng để viết thật là tốt, thế là ông chặt rất nhiều cây tre, lột bỏ vỏ xanh, chế thành từng thẻ tre nhỏ buộc thành tấm, lại mượn người ta sách “Xuân Thu” chép tại trên thẻ tre, nhân lúc nhàn rỗi ông thường mở ra đọc. Sau này ông cũng trở thành một học giả, làm quan đến chức Thừa tướng.

Hai nhân vật này tuy gia cảnh rất nghèo khó nhưng lại có thể tự mình nỗ lực học tập, họ là tấm gương khích lệ cho những người hay ca thán hoàn cảnh khách quan không tốt, đồng thời cũng chứng tỏ người Trung Quốc xưa có tư cách và cơ hội được giáo dục bình đẳng.

Video: http://www.youtube.com/watch?v=g_F0Gi_ACzo&list=PLnr5-kA_zchCVCD35ZUFQ3SFrrj5JmYeY&index=35

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/246066