Tài liệu giảng dạy bộ môn văn hóa (cao cấp): Tướng Tướng hòa (*) – Liêm Pha vác roi tạ tội (Câu chuyện lịch sử)

Tác giả: Ban biên tập tài liệu giảng dạy môn văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Lời bình của người biên tập: Vì để truyền rộng văn hóa truyền thống Trung Quốc, thanh trừ ảnh hưởng của văn hóa tà đảng, các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục đã dùng những chính kiến có được nhờ tu luyện Đại Pháp để bắt đầu biên soạn bộ Tài liệu giáo dục văn hóa chính thống Trung Quốc. Do đây là những bước đi đầu tiên nên khó tránh khỏi có sự thiếu sót, chúng tôi rất cần các đệ tử Đại Pháp tại các nơi trên thế giới, đặc biệt là các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục có thể góp sức và giúp chỉ ra chỗ thiếu sót. Chúng tôi chân thành hy vọng những đồng tu sử dụng bộ giáo trình này có thể phản hồi với chúng tôi những vấn đề gặp phải trong quá trình giảng dạy, cũng như các ưu khuyết điểm của bộ giáo trình, giúp chúng tôi không ngừng chỉnh sửa và đề cao, để bộ giáo trình ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng hoan nghênh thêm nhiều đồng tu có mong muốn tham gia vào việc biên soạn giáo trình có thể gia nhập đội ngũ, cùng nhau hoàn thành việc biên soạn bộ giáo trình này.

◇◇◇ ◇◇◇ ◇◇◇

Nguyên văn

既罷歸國,以相如功大,拜為上卿,位在廉頗之右(1)。廉頗曰:「我為趙將,有攻城野戰(2)之大功,而藺相如徒以口舌為勞,而位居我上;且相如素賤人(3),吾羞,不忍為之下!」宣言(4)曰:「我見相如,必辱之。」相如聞,不肯與會。相如每朝(5)時,常稱病,不欲與廉頗爭列。已而相如出,望見廉頗,相如引車避匿(6)。於是舍人相與諫曰:「臣所以去親戚(7)而事君者,徒慕君之高義(8)也。今君與廉頗同列,廉君宣惡言而君畏匿之,恐懼殊甚,且庸人(9)尚羞之,況於將相乎!臣等不肖,請辭去。」藺相如固止之(10),曰:「公之視廉將軍孰與秦王?」曰:「不若也。」相如曰:「夫以秦王之威,而相如廷叱(11)之,辱其群臣,相如雖駑(12),獨畏廉將軍哉?顧吾念之,強秦之所以不敢加兵於趙者,徒以吾兩人在也。今兩虎共鬥,其勢不俱生。吾所以為此者,以先國家之急而後私讎(13)也。」廉頗聞之,肉袒負荊(14),因賓客至藺相如門謝罪。曰:「鄙賤之人,不知將軍寬之至此也。」卒相與笙(15),為刎頸之交(16)。(出自《史記・廉頗藺相如列傳》)

Hán Việt

Ký bãi quy quốc, dĩ Tương Như công đại, bái vi thượng khanh, vị tại Liêm Pha chi hữu (1). Liêm Pha viết: “Ngã vi Triệu tướng, hữu công thành dã chiến (2) chi đại công, nhi Lạn Tương Như đồ dĩ khẩu thiệt vi lao, nhi vị cư ngã thượng; thả Tương Như tố tiện nhân (3), ngô tu, bất nhẫn vi chi hạ!” Tuyên ngôn (4) viết: “Ngã kiến Tương Như, tất nhục chi.” Tương Như văn, bất khẳng dữ hội. Tương Như mỗi triều (5) thời, thường xưng bệnh, bất dục dữ Liêm Pha tranh liệt. Kỷ nhi Tương Như xuất, vọng kiến Liêm Pha, Tương Như dẫn xa tị nặc (6). Vu thị xá nhân tương dữ gián viết: “Thần sở dĩ khứ thân thích (7) nhi sự quân giả, đồ mộ quân chi cao nghĩa (8) dã. Kim quân dữ Liêm Pha đồng liệt, Liêm quân tuyên ác ngôn nhi quân uý nặc chi, khủng cụ thù thậm, thả dung nhân (9) thượng tu chi, huống vu tướng tương hồ! Thần đẳng bất tiêu, thỉnh từ khứ.” Lạn Tương Như cố chỉ chi (10), viết: “Công chi thị Liêm tướng quân thục dữ Tần Vương?” Viết: “Bất nhược dã.” Tương Như viết: “Phu dĩ Tần Vương chi uy, nhi Tương Như đình sất (11) chi, nhục kỳ quần thần, Tương Như tuy nô (12), độc uý Liêm tướng quân tai? Cố ngô niệm chi, cường Tần chi sở dĩ bất cảm gia binh vu Triệu giả, đồ dĩ ngô lưỡng nhân tại dã. Kim lưỡng hổ cộng đấu, kỳ thế bất câu sinh. Ngô sở dĩ vi thử giả, dĩ tiên quốc gia chi cấp nhi hậu tư thù (13) dã.” Liêm Pha văn chi, nhục đàn phù kinh (14), nhân tân khách chí Lạn Tương Như môn tạ tội. Viết: “Bỉ tiện chi nhân, bất tri tướng quân khoan chi chí thử dã.” Tốt tướng dữ sênh (15), vị vẫn cảnh chi giao (16). (Trích từ Sử Ký Liêm Pha Lạn Tương Như Liệt Truyện)

Chú thích

(*) Tướng tướng hòa: Một chữ Tướng là tướng quân (Liêm Pha), chữ tướng thứ hai là tể tướng (Lạn Tương Như), chữ hòa trong chữ hòa khí.

(1) Vị tại Liêm Pha chi hữu(位在廉頗之右): vị thứ lúc vào chầu (thượng triều) là ở trên Liêm Pha. Hữu(右)(bên phải): thứ bậc trên. Từ nhà Tần Hán trở về trước thì coi bên phải là tôn quý hơn bên trái.

(2) Dã chiến(野戰): quyết chiến với quân địch tại các vị trí chiến trận trọng yếu hoặc ngoài trận địa.

(3) Tương Như tố tiện nhân(相如素賤人): Lạn Tương Như ban đầu là tùy tùng của tổng quản Mậu Hiền, ý chỉ xuất thân của ông thấp kém.

(4) Tuyên ngôn(宣言): công khai tuyên bố với mọi người.

(5) Triều(朝): chỉ vua và quần thần cùng họp mặt trên triều đình bàn việc quốc sự.

(6) Nặc(匿): trốn tránh.

(7) Khứ thân thích(去親戚): rời xa thân bằng quyến thuộc.

(8) Cao nghĩa(高義): cao thượng vượt hơn hẳn hành động, đạo nghĩa của con người.

(9) Dung nhân(庸人): người bình thường, chỉ người dân bình thường.

(10) Cố chỉ chi(固止之): kiên quyết ngăn cản bọn họ rời khỏi.

(11) Đình sất:(廷叱) trách mắng trước triều đình nước Tần. Đình(廷): chỉ hoàng cung nước Tần.

(12) Nô(駑): con ngựa xấu, kém, ý ví von khả năng vụng về.

(13) Tư thù(私讎): hận thù cá nhân. Thù/cừu(讎): đồng nghĩa với thù/cừu(仇).

(14) Nhục đàn phù kinh(肉袒負荊): nhục đàn(肉袒): cởi áo để trần, phù kinh(負荊): vác cây roi.

(15) Sênh(笙): đồng nghĩa với hoan(歡), quan hệ thân thiết tốt đẹp.

(16) Vẫn cảnh chi giao(刎頸之交): tình bằng hữu chí cốt sống chết có nhau.

Bản dịch tham khảo

Kết thúc cuộc hội kiến ở Mãnh Trì, vua Triệu về nước. Do Tương Như có công lao lớn nhất, vua bèn phong ông làm thượng khanh, cấp bậc trên cả Liêm Pha.

Liêm Pha nói: “Ta thân là tướng quân nước Triệu, nhờ công phá thành trì, đánh trận trên sa trường lập nên chiến công hiển hách, còn Lạn Tương Như chỉ nhờ vào miệng lưỡi lập được chút công, thế mà lại được địa vị cao hơn ta. Hơn nữa, Lạn Tương Như vốn xuất thân thấp hèn, việc phải ở dưới ông ta khiến ta cảm thấy nhục nhã.” Thế rồi, Liêm Pha bèn công khai khiêu khích rằng: “Nếu ta gặp được Tương Như, nhất định sẽ sỉ nhục ông ta một phen.” Tương Như sau khi nghe được, bèn không muốn gặp mặt Liêm Pha.

Vào mỗi buổi lên triều, Tương Như đều cáo bệnh không vào chầu, không muốn tranh hơn thua với Liêm Pha. Không lâu sau đó, khi Tương Như đi ra ngoài, từ đằng xa trông thấy Liêm Pha đang đi tới, bèn cho xe đi vào con ngõ bên cạnh tránh đi. Đám môn khách của ông thấy vậy bèn cùng nhau can gián mà rằng: “Chúng tôi sở dĩ rời xa thân bằng quyến thuộc đến theo hầu tiên sinh là vì kính ngưỡng ngài có nghĩa khí, đức cao vọng trọng. Hiện tại ngài và Liêm Pha làm quan cùng triều, Liêm tiên sinh công khai nói lời ác công kích, mà ngài lại sợ sệt, tránh né ông ta, sợ đến như vậy, ngay cả người dân bình thường cũng thấy đây là sự sỉ nhục, huống hồ ngài còn là bậc quan tướng! Chúng tôi đây không có được hàm dưỡng như ngài, thứ cho chúng tôi xin cáo từ!” Lạn Tương Như kiên quyết giữ bọn họ lại, nói rằng: “Các ông thấy Liêm tướng quân so với vua Tần thì thế nào?” Đám người thân tín đáp: “Đương nhiên là không bằng vua Tần rồi.” Tương Như nói: “Lấy quyền uy của vua Tần, ta còn dám trách mắng ông ta ngay trước mặt triều đình nước Tần, sỉ nhục đám thần tử của ông ta. Tương Như ta dù có vô dụng, há nào lại sợ Liêm tướng quân sao? Nhưng ta nghĩ nước Tần mạnh, lại sở dĩ không dám phát động chiến tranh với nước Triệu, là vì có hai người chúng ta. Bây giờ nếu như hai hổ đấu nhau, tất sẽ dẫn đến lưỡng bại câu thương (hai bên cùng bại và bị thương). Ta sở dĩ nhún nhường như vậy, chẳng qua là vì lo nghĩ cho an nguy của quốc gia trước, đặt tư thù ra sau mà thôi.”

Liêm Pha sau khi biết được điều đó thì vô cùng xấu hổ, bèn cởi áo để trần, vác cây roi cùng đi với các tân khách đến nhà Lạn Tương Như xin tạ tội. Ông nói: “Kẻ tiểu nhân bỉ ổi hèn mọn, không biết được tấm lòng của tướng quân độ lượng đến vậy.” Cuối cùng, Liêm Pha và Lạn Tương Như kết tình thâm giao, trở thành bạn bè sinh tử có nhau.

Phân tích

Ngay đoạn mở đầu trong câu chuyện đã kể rằng sau cuộc hội họp ở Mãnh Trì, do Lạn Tương Như lập được công lớn, vua Triệu đã phong chức cho ông làm thượng khanh, chức vị trên cả Liêm Pha, khiến cho Liêm Pha không phục. Ông cho rằng Tương Như chỉ dựa vào miệng lưỡi mà lập công, địa vị lại cao hơn ông, vậy nên ông muốn sỉ nhục Tương Như trước bàn dân thiên hạ. Nhưng Tương Như suy xét đến việc nước Tần sở dĩ không dám xâm lược nước Triệu là do sợ hai nhân vật là ông và Liêm Pha. Nếu ông tranh chấp với Liêm Pha thì chẳng khác nào “hai con hổ cùng đấu, tất có con bị thương”, điều này sẽ cho nước Tần cơ hội xâm lược nước Triệu. vậy nên Tương Như đã dựa trên lý tưởng “Tiên quốc gia chi cấp nhi hậu tư thù” (Trước vì quốc gia đại sự, sau mới đến tư thù), không tranh chấp với Liêm Pha. Một Lạn Tương Như chí công vô tư như vậy, cuối cùng đã làm cảm động Liêm Pha, khiến cho ông thấy áy náy mà tự vác roi đến xin chịu tội với Tương Như. Từ đó về sau, hai người trở thành tri kỷ sống chết có nhau.

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy cách ứng xử của hai người đều đáng khen ngợi, tuy tính cách mỗi người khác nhau, nhưng Tương Như vì lo nghĩ chu toàn đại cục mà nhượng bộ lùi bước trước Liêm Pha, khoan dung độ lượng mà làm được “Tiên quốc gia chi cấp nhi hậu tư thù” (Trước vì quốc gia đại sự, sau mới đến tư thù), cách ứng xử của Tương Như đã thể hiện sâu sắc một thái độ dung nhẫn “tiên công hậu tư” (trước vì việc công, sau mới đến chuyện tư), thực sự khiến người khác phải cảm động. Còn Liêm Pha sau khi biết được chân tướng sự việc thì tự vác roi đến tạ tội với Tương Như, là hành vi chính trực dũng cảm nhận sai, cũng vô cùng đáng khen. Hai người họ trên sử sách có thể nói là ví dụ tốt nhất cho việc trở thành tri kỷ chí cốt sống chết có nhau sau khi hiểu lầm được hóa giải, đều là điển hình thể hiện cho mỹ đức truyền thống của Trung Quốc.

Mở rộng suy ngẫm

Tương Như làm được “nhẫn”, vậy chúng ta thường ngày nên tu luyện thế nào mới có thể cũng làm được nhẫn như vậy?

Liêm Pha nhận lỗi là cần có dũng cảm mới làm được. Nếu như bạn phạm lỗi rồi, liệu có dũng cảm để xin lỗi cũng như hoàn toàn buông bỏ hiềm khích trước đó không?

Tục ngữ có câu “trong bụng của tể tướng có thể chèo thuyền”, bạn hãy kể thêm ví dụ về một tấm lòng khoan dung độ lượng khiến người khác cảm phục để chia sẻ với mọi người, đồng thời thảo luận điểm tốt đẹp của nó.

Tư liệu tham khảo

Ký Sử Tuyển Chú do Hàn Triệu Kỳ tuyển chọn biên tập, nhà sách Lý Nhân chỉnh lý và xuất bản lần thứ tư vào tháng 2 năm 1992.

Sử Ký Toàn Bản Tân Chú (Tập 3) do Trương Đại Khả chú thích, xuất bản bởi Nhà xuất bản Tam Tần.

Bạch Thoại Sử Ký do Trần Vũ Hùng biên dịch, xuất bản vào tháng 3 năm 1968 bởi Nhà xuất bản Hà Lạc Đồ Thư.

Sử Ký Tinh Hoa do Trần Việt biên dịch và chú thích, xuất bản lần đầu vào tháng 9 năm 1960 bởi Nhà xuất bản Chính Ngôn.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/47966