Nghĩa giải tam quốc (18): Thấy nghĩa cử của Tào Tháo, liên quân lập thệ

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Trong Tam quốc diễn nghĩa, cho dù Tào Tháo bị khắc họa thành gian hùng (cũng giống như Chu Du, hai người này tương ứng trở thành đối thủ ngang tầm với Lưu Bị và Gia Cát Lượng, khác biệt hoàn toàn so với nhân vật chân thực trong lịch sử), nhưng tác giả cũng không thể không thừa nhận, Tào Tháo là người đầu tiên khởi lên ngọn cờ lớn trung nghĩa, là anh hùng hiệu triệu thiên hạ chư hầu cùng nhau thảo phạt nghịch tặc. Do đó, việc làm vì chính nghĩa lần này, Tào Tháo được khắc họa một cách hết sức chính diện, sau khi thích sát Đổng Trác thất bại, ông chạy đến Trần Lưu, một mặt phát lời hiệu triệu (mượn danh nghĩa của chiếu thư) liên hệ chư hầu các nơi, một mặt chiêu mộ nghĩa quân. Các phương nghĩa sĩ do đó mau chóng tụ tập.

Mặc dù lần khởi nghĩa quy mô toàn quốc này đã mô tả hai trận đánh lớn tiến đến Lạc Dương, trảm Hoa Hùng ở cửa Dĩ Thủy và chiến đấu với Lã Bố ở cửa Hổ Lao, ba anh em Lưu Bị nhờ đó vang danh thiên hạ, nhưng trong quá trình đó, là xoay quanh chủ đề nghĩa mà dần dần triển khai. Trận chiến diễn ra tuy rằng đặc sắc, nhưng toàn bộ quá trình khởi nghĩa mới là trọng điểm trong việc triển hiện phương thức tư duy của người xưa. Thông qua lần nghĩa cử này của Tào Tháo, tác giả giả muốn để người đọc thấy được tâm chí chung các giới nghĩa sĩ trong thiên hạ. Trong đó bao gồm cả thương nhân.

Tào Tháo khởi nghĩa, triển hiện tâm chí của toàn dân

Chúng ta biết rằng, Lưu Bị lúc đầu vì để tiêu diệt giặc Khăn Vàng chiêu mộ nghĩa binh, đã dựa vào tấm lòng trọng nghĩa khinh tài của Trương Phi và các thương nhân khác, (đương nhiên sau đó Chu Du của Đông Ngô cũng nhận được sự giúp đỡ to lớn của Lỗ Túc). Còn về Tào Tháo, cũng được cự phú Vệ Hoằng giúp đỡ, “tận xuất gia tài, mua sắm áo giáp cờ phiên”. Điều biểu hiện ra ở đây là nho thương cổ đại Trung Quốc với tiết tháo và đại chí “thành đạt kiêm tế thiên hạ”, họ hoàn toàn khác biệt so với thương nhân thời nay, điều họ giảng ra chính là trọng nghĩa khinh tài, họ không coi trọng kim tiền, có thể dùng tiền tài cứu trợ quốc gia, đó mới là giá trị nhân sinh mà những người như họ coi trọng. Đây là đức hạnh rất phổ biến vào thời cổ đại, tác giả cho dù viết đến bất kỳ câu chuyện nào trong tam quốc, cũng đều không quên ghi lại hành động trượng nghĩa của các gia tộc phú thương, đại biểu cho tiết tháo và tâm chí khi đối diện với quốc nạn của các giới dân chúng thời xưa không phải binh tướng. Đây mới là hình ảnh nguyên gốc của dân tộc Trung Hoa.

Chúng ta xem nguyên văn sau đây:

Tháo bèn đặt một tiệc rượu, mời Vệ Hoằng đến nhà nói với Hoằng rằng: “Nay nhà Hán vô chủ, Đổng Trác lộng quyền, dối vua hại dân, thiên hạ ai ai cũng nghiến răng tức giận. Tôi muốn hết lòng khuông phò xã tắc, hiềm vì sức không đủ. Ngài là người trung nghĩa, rất mong ngài giúp đỡ cho”. Vệ Hoằng nói: “Tôi có lòng ấy đã lâu, giận rằng chưa gặp ai là người anh hùng. Nay Mạnh Đức đã có chí lớn, tôi xin đem hết của cải ra giúp”. Tào Tháo mừng lắm, làm ngay tờ hiệu triệu thông báo khắp nơi, sau đó chiêu tập nghĩa binh, rồi dựng một lá cờ trắng, đề hai chữ: “Trung nghĩa”. Chưa được mấy ngày mà nhân sỹ kéo đến ứng mộ đông như nước chảy.

Lại miêu tả “bốn phương tặng lương thực, không thể tính đếm”.

Tất cả các đoạn miêu tả đều đang nói với mọi người rằng, vì đại nghĩa quốc gia, mọi người có thể quyên tận gia tài, lương thực, và sinh mệnh, trong tâm của người xưa thì trung nghĩa được coi trọng hàng đầu, cái nghĩa này là chính lý phải tuân theo, là chuẩn tắc hành động của những người thời đó. Khi tìm thấy anh hùng có thể tin tưởng, thì tất nhiên không tiếc hết thảy, quyên tận gia tài.

Hịch văn và thệ ước

Chúng ta lại xem lại hịch văn hiệu triệu chư hầu thiên hạ cùng khởi nghĩa thảo phạt quốc tặc của Tào Tháo.

“Anh em Tào Tháo chúng tôi kính đem nghĩa lớn, bố cáo thiên hạ: Tặc thần Đổng Trác, lừa đất dối trời, giết vua phá nước; Làm ô uế chốn cung cấm, tàn hại sinh linh; Bạo ngược bất nhân, tội ác chồng chất! Nay vâng tờ mật chiếu của thiên tử, họp quân nghĩa binh, thề quét sạch cả Hoa Hạ, tiêu trừ mọi quân hung bạo. Rất mong các nơi đều dấy nghĩa binh, cùng hả lòng công phẫn để phò trợ vương thất, cứu lấy lê dân. Hịch văn đến ngày, lập tức thi hành!”

Ba anh em Lưu Bị ban đầu vì muốn tiêu diệt giặc Khăn Vàng, cứu quốc an dân, nên ba người kết nghĩa, còn Tào Tháo lại kết nghĩa với chư hầu thiên hạ, chỉ có điều đây là hịch văn. Đối tượng của việc thảo phạt quốc tặc là Đổng Trác. Đợi đến khi liên quân tập hợp đầy đủ, thì các chư hầu cùng nhau lập thệ ước.

Sau khi hịch văn được phát ra, bắt đầu từ Viên Thiệu, Viên Thuật, Khổng Dung, Công Tôn Toản, Tôn Kiên,… tổng cộng mười bảy lộ chư hầu, lần lượt hưởng ứng, liên hợp với Tào Tháo thành mười tám lộ đại quân, mấy chục vạn người, trở thành liên minh quân sự, bọn họ cùng nhau tôn Viên Thiệu làm minh chủ, lập ra thệ ước, thống nhất tuân lệnh.

Thệ ước viết: “Nhà Hán chẳng may, phép vua lơi lỏng. Tặc thần Đổng Trác, nhân cơ hội làm ác, vạ đến ngôi vua, hại ra trăm họ. Thiệu và các lộ chư hầu… sợ rằng xã tắc tiêu vong nên phải tụ họp nghĩa binh, cùng nhau cứu nạn nước. Phàm đã là người đồng minh, ai cũng phải dốc lòng hết sức để giữ lấy đạo làm tôi không được hai lòng. Ai trái lời thề này, sẽ chết mất mạng, tuyệt tự cháu con. Xin hoàng thiên hậu thổ, tổ tông minh linh chứng giám cho!”

Thệ ước này tương đồng với nội dung hịch văn của Tào Tháo, có một khác biệt duy nhất, đó là đây là lời thề, nói rằng người nào trái lời thề thì sẽ bị mất mạng, để tổ tông thần minh làm chứng giám. Mục đích báo quốc cứu dân và hậu quả của việc vi phạm lời thề trong đó thật giống với thệ ước kết nghĩa của ba anh em Lưu Bị. Tôn Kiên của Đông Ngô sau này chính vì vi phạm lời thệ ước sau khi tiến vào Lạc Dương, che giấu ngọc tỷ, có tâm phản nghịch không đúng với bổn phận một thần tử, lại phát ra lời thề độc, mới dẫn đến việc rất nhanh sau đó bị chết dưới loạn tiễn.

Đến đây, chúng ta có thể hiểu ra rằng, người hiệu triệu là Tào Tháo, còn minh chủ thống nhất chỉ huy lại là Viên Thiệu, Viên Thiệu chỉ có hư danh, “hảo mưu vô đoán”, chính là có thể xuất ra nhiều mưu kế, biết hoạch định sách lược, nhưng đến thời khắc quan trọng thì không có dũng khí và cách nhìn sự việc quyết đoán. Ông lại chú trọng xuất thân gia môn, khi dùng người thì đa nghi, tin dùng thân tộc, nhất định là khởi nghĩa lần này giữa đường mà hỏng, nhưng lại thành toàn cho ba anh em Lưu Bị. Do đó hai trận đại chiến đều đã trở thành vũ đài để họ vang danh trước mặt chư hầu thiên hạ.

Liên quân xuất quân, liên tục thất bại

Để liên quân chư hầu có thể công nhập Lạc Dương, thì trước hết phải chiếm lấy ải Dĩ Thủy, Tôn Kiên nhận mệnh làm tiên phong, vội vàng tới trước cửa thành. Một lộ chư hầu khác là Bào Tín vì muốn chiếm công đầu, bèn mật sai em mình Bào Trung đem quân đi đường tắt, giao chiến trước với người được Đổng Trác phái ra trận là Hoa Hùng, không ngờ nhanh chóng bị Hoa Hùng dùng đao chém chết. Về phần Tôn Kiên, lại vì Viên Thuật quản quân lương sợ rằng Tôn Kiên đắc thế nên cự tuyệt cung ứng quân lương, Tôn Kiên lòng quân tan rã, bị Hoa Hùng nửa đêm bao vây, chạy thoát mạng, thảm bại quay về, chư hầu thất kinh. Tôn Kiên được mệnh danh là mãnh hổ Giang Đông, cực kỳ dũng cảm, vang danh thiên hạ, không ngờ rằng lần đầu ra quân lại bị lay động tinh thần, các chư hầu không ai dám lên tiếng nhận lệnh giao chiến với Hoa Hùng. Hoa Hùng thừa thế phản công liên quân, hai chư hầu Viên Thuật và Hàn Phức trước sau cùng phái thượng tướng giao chiến với Hoa Hùng, nhưng đều bị Hoa Hùng dùng đao chém hạ chỉ sau vài hiệp giao đấu. Chúng quân thất sắc, hết đường xoay sở. Điều này dẫn đến việc Quan Vũ bước ra. Nhờ đó mà thể hiện được uy danh như thần tướng của Quan Vũ. Nhưng cơ hội lần này lại đến từ Tào Tháo.

Có nghĩa là, lời hiệu triệu của Tào Tháo đã kết thành liên minh, cũng là huệ nhãn của Tào Tháo đã cho Quan Vũ cơ hội được thể hiện tài năng.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/255235