Luân hồi ký sự: Thanh phong lãnh nguyệt

Tác giả: Tiểu Liên

[ChanhKien.org]

Đây là câu chuyện về một cô gái tu thành Quan Thế Âm.

Chúng ta đều biết rằng đảo Hải Nam, Trung Quốc là một vùng đất tuyệt đẹp với rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: núi Ngũ Chỉ Sơn, sông Vạn Tuyền, đền Ngũ Công, khu du lịch Thiên Nhai Hải Giác, công viên Lộc Hồi Đầu v.v… Các cô gái ở nơi đây cũng rất xinh đẹp, hơn nữa quần đảo nhỏ này lại có nhiều đặc sản như chuối, dừa,… Nhưng vào thời Tống Nguyên, nơi đây lại bị xem là vùng đất yên chướng (vùng đất âm u, ẩm ướt, nhiều bệnh tật). Vì vậy đây cũng là nơi lưu đày những người mắc tội nặng.

Chuyện kể rằng vào thời nhà Nguyên, ở Huệ Châu, Quảng Đông, Trung Quốc có một chàng trai trẻ vốn xuất thân nghèo khó nhưng rất giỏi giang. Anh được một thương nhân để mắt đến và hết lòng giúp đỡ, chẳng bao lâu sau công việc của anh trở nên phát đạt. Vì một lòng muốn làm tốt công việc buôn bán nên anh chẳng mảy may chú tâm đến chuyện thành gia lập thất, cũng có nhiều người mai mối giới thiệu cho anh những cô gái tốt nhưng anh hoàn toàn không để tâm, có lúc lại do công việc thực sự rất bận nên quên cả việc kết thân, nên đến tận năm 30 tuổi mà anh vẫn một thân một mình.

Bấy giờ khi đến Sán Đầu làm ăn, một người bạn giao thương đã giới thiệu cho anh một cô gái có điều kiện tốt về mọi mặt, anh nghe xong liền gượng cười và nói:

– Người ta có điều kiện tốt như vậy còn tôi nay đây mai đó, cũng không có nơi cố định để dừng chân, liệu người ta có thể đợi tôi không? Chẳng giấu gì anh, trước đây tôi cũng nhiều lần định rõ ngày kết thân, nhưng khi có việc giao thương đến đành phải đi ngay, lúc tôi quay về thì họ đã được gả đi cả rồi, có người thậm chí đã có con rồi. ‘Ai bảo anh hễ đi là một mạch mấy tháng tới mấy năm!’, đối phương chế giễu tôi như vậy đó.

– Nhưng hôm nay tôi giới thiệu cho anh một người mà anh sẽ hết sức yên tâm, dù có thành thân được hay không, chỉ cần anh gật đầu thì cô ấy sẽ sắt son chờ đợi, quyết không thay lòng!

– Thật sao? Trên đời này thực sự có người cam tâm chịu cảnh cô đơn phòng không chiếc bóng sao?

Điều này khiến anh vô cùng hứng thú:

– Xin hỏi cô ấy tên gì?

– Hâm Liên.

– Là con gái nhà ai?

– Gia đình rất giàu có nhưng cô ấy sẵn lòng sống cuộc sống nghèo khó và cô độc. Người ta nói rằng cô ấy từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ ăn thịt, suốt ngày giam mình trong nhà.

– Cô ấy có bị bệnh gì không?

– Tuyệt đối không, vì anh chưa gặp cô ấy thôi, gặp rồi thì anh sẽ biết. Mặc dù cô ấy rất ít nói, nhưng chỉ cần anh có thể nói chuyện với cô ấy, anh sẽ bị ấn tượng bởi những đạo lý mà không biết cô ấy nghe được từ đâu. Hơn nữa cô ấy còn có một bài thuốc bí truyền độc đáo không biết học được từ đâu, có thể chữa được rất nhiều bệnh nan y. Nói chung bình thường cô ấy rất ít nói. Vì tôi rất thân với nhà cô ấy, nên mấy hôm trước mẫu thân cô ấy có tìm tôi và nói rằng con gái bà bảo là duyên phận hôn nhân đã đến rồi, nhờ tôi tìm giúp cô ấy một người có phẩm cách và tướng mạo tương xứng, tốt nhất là 30 tuổi trở lên. Lúc đó tôi vội hứa với bà nhưng trong lòng thầm nghĩ: biết tìm một người như vậy ở đâu! Nhưng khi tôi vừa nhìn thấy anh thì mới vỡ lẽ, người ấy chính là anh!

– Thật không? – Chàng trai trẻ có phần nghi ngại.

– Nếu anh không tin, thì khi gặp mặt anh sẽ biết. Ngày mai tôi sẽ thu xếp để anh gặp cô ấy.

Sáng sớm hôm sau, thương nhân đưa hai cha con Hâm Liên đến. Sau khi chào hỏi và sắp xếp chỗ ngồi chủ khách xong, phụ thân của Hâm Liên nói: “Hôm qua con gái tôi bảo rằng, người hôm nay gặp mặt chắn chắn là ‘ý trung nhân’ của nó, đây là nhân duyên đời trước tạo thành”. Khi này chàng trai trẻ mới nhìn Hâm Liên một cách tỉ mỉ: đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu (chỉ tướng phú quý), môi đỏ chúm chím, mặt như hoa đào tâm như ngọc, tâm tĩnh như nước để lộ vẻ uy nghiêm. Thật sự giống như Bồ Tát từ thiên giới hạ phàm. Trong lòng anh thầm nghĩ, mình đã bao năm vào Nam ra Bắc, cũng đã từng gặp nhiều cô gái xinh đẹp, nhưng chưa từng gặp cô nương nào có phong thái khí chất như vậy!

Người bạn giao thương kia thấy anh đang ngẩn ra nhìn bèn nói: “Nếu đã vừa ý vậy ta chọn ngày lành tháng tốt để thành thân có được không?”. “Được được được!”, anh cũng không biết nên nói gì thêm. Hâm Liên cũng nở một nụ cười thật xinh: “Vậy cứ theo lời bá phụ”. Nửa tháng sau tại nhà anh ở Huệ Châu pháo đỏ nổ vang, chiêng trống rộn ràng, Hâm Liên được đón dâu trong những âm thanh tưng bừng náo nhiệt. Sau khi bái thiên địa vào động phòng, đương lúc anh định cùng Hâm Liên “động phòng hoa chúc” thì người nhà đến báo rằng có một vụ làm ăn rất lớn rất đặc biệt cần phải đi ngay trong đêm, không thể để lỡ một khắc, nếu không thương vụ sẽ không thể hoàn thành. Anh vừa nghe xong đã vội mặc lại quần áo rồi lên đường.

Cứ như thế, mỗi lần anh trở về, Hâm Liên nếu không ở nhà họ hàng của anh thì cũng đang ở nơi nhà tranh vách đất nào đó xem bệnh. Chuyện như vậy lặp lại rất nhiều lần. Có lần anh hỏi Hâm Liên: “Lẽ nào nàng không muốn có con?” Hâm Liên đáp lại: “Đến hôm nay có rất nhiều điều thiếp muốn nói rõ với chàng. Thiếp vốn là một La Hán trên thiên giới còn chàng là thị nữ bên cạnh Vương Mẫu Nương Nương. Vì trên thiên giới chàng phạm một lỗi nhỏ mà bị đày xuống phàm trần. Còn thiếp được thiên thượng chọn xuống nhân gian tu hành. Vương Mẫu Nương Nương an bài thiếp đến nhân gian tìm chàng, cùng nhau tu hành, cuối cùng sẽ quay về thiên giới! Chàng có hiểu rõ lời thiếp nói không? Cũng có nghĩa là chàng và thiếp kết hôn không phải để sinh con đẻ cái, mà là để ma luyện chính mình, tu luyện chính mình, nên sau này chàng không cần động đến thiếp, có được không? Vì sao đêm động phòng hôm ấy chàng lại có việc giao thương? Cũng có nghĩa là, chàng chớ tham cảnh sắc nhân gian, buông bỏ cái vui của thế tục, tu hành quay về thiên thượng mới có thể thực sự thoát khỏi khổ nạn chốn nhân gian và thật sự có được điều mỹ hảo chân chính”.

Có thể là cơ duyên tu hành đã đến nên sau khi nghe xong chàng trai lập tức minh bạch được rất nhiều điều. Anh vừa định gọi nương tử, nhưng thấy cách xưng hô này thật nhân tình hoá, bèn nói: “Vậy Hâm Liên, chúng ta nên làm thế nào?” Hâm Liên đáp lời: “Dễ thôi, người ngoài nhìn thì thấy chúng ta ở cùng một nhà, nhưng chúng ta không ai động đến ai, ở nơi thế tục này chúng ta cần tu tốt chính mình, đồng thời cần tích đức hành thiện, quan trọng hơn là, khi gặp phải việc không như ý cần phải nhớ lấy nhẫn nhục làm trọng! Cần làm được không ghen ghét không oán hận! Hết thảy đều được trời định sẵn rồi”.

Anh dần dần cũng bắt đầu tu hành. Trong việc kinh doanh anh làm rất tốt nhưng cái tâm tiền tài vẫn mãi chưa buông bỏ được. Hâm Liên không nói nhiều với anh, vì cô biết rằng sắp tới sẽ có một đại nạn, cái nạn này sẽ giúp anh vứt bỏ chấp trước đối với tiền tài.

Quả nhiên đến nửa năm sau, khi làm một việc kinh doanh lớn anh đã đắc tội với một kẻ vô lại. Tên vô lại này đã câu kết với quan phủ khám xét tịch thu gia sản của anh, rồi áp giải anh đày đến Hải Nam. “Đúng lúc” ấy Hâm Liên đang khám cho một bệnh nhân nghèo khó ở cách đấy hàng trăm dặm. Khi Hâm Liên trở về và nghe tin này, cô đã chủ động lên thuyền đến đảo Hải Nam.

Vì rất nhiều người trong vùng đều biết anh là người như thế nào và cũng biết tên vô lại kia là kẻ xấu xa, nên đến cách Huệ Châu không xa, các sai dịch liền cởi xiềng xích cho anh và “tháp tùng” anh như bạn bè đến đảo Hải Nam.

Khi thuyền vượt biển đến nơi lưu đày thì “đúng lúc” Hâm Liên cũng đến, cô nói với các lính canh: “Cảm ơn các anh trên đường đi đã luôn chiếu cố đến anh ấy, hôm nay các anh đã tích được việc công đức, có thể miễn trừ rất nhiều khổ nạn cho các anh sau này, thậm chí có thể thăng lên thiên giới! Khi các anh trở về nhất định phải hành thiện tích đức, thiện đãi bách tính, đừng bao giờ giúp kẻ ác làm hại một ai!”

Người đứng đầu trong số họ nói: “Lâu nay nghe nói cô hiểu biết đạo lý rất thâm sâu, tôi nghĩ có thể cho chúng tôi ở lại cùng các vị được không, những ác quan ấy chúng tôi không muốn hầu hạ chút nào!”

Hâm Liên đáp: “Tu hành là việc rất khổ, rất cô độc tịch mịch, các anh có chịu được không? Hơn nữa các anh đều có người nhà trên già dưới trẻ, có thể yên tâm ở đây tu hành sao?”

“Việc ấy dễ thôi, chúng tôi cho người quay về báo tin, rằng chúng tôi đã ở bên ngoài xuống tóc tu hành, không quay về nữa”.

Hâm Liên xem chừng cơ duyên tu hành của những người này đã đến, bèn đồng ý với họ. Những lính canh phái một người quay về Huệ Châu nói với ác quan rằng, những người trên đường vượt biển trở về bị chết đuối cả, còn lại mỗi anh, anh muốn đến nhà người họ hàng ở bên ngoài tìm công việc sai lại khác, không muốn làm ở đây nữa. Tên ác quan đồng ý với yêu cầu của anh và còn gửi đến nhà mỗi lính canh “gặp nạn” 22 lượng bạc, xem như một khoản tiền bồi thường. Mọi người đều mắng rằng tên cẩu quan keo kiệt. Tạm thời không nhắc đến hắn.

Khi người lính canh đến nhà những lính canh khác nói rằng họ đã xuống tóc tu hành, nhiều người thân của họ không lý giải được, nhưng cũng có không ít người thấu hiểu. Nhiều người còn muốn anh dẫn họ đi tìm người nhà của mình, và cũng muốn tu hành theo. Trong đó có một gia đình dẫn theo hai đứa trẻ một trai một gái chưa đầy một tuổi đi cùng. Anh chỉ còn cách mang họ quay về đảo Hải Nam. Trên núi Ngũ Chỉ Sơn, Hâm Liên dẫn dắt mọi người cùng nhau tu hành. Sau đó hai đứa bé nghiễm nhiên thành hai đồng tử hầu hạ bên cạnh Hâm Liên. Những lúc rảnh rỗi Hâm Liên thường chữa bệnh giúp người dân địa phương, qua thời gian lâu cô trở nên rất có danh tiếng ở đó.

Tu luyện cần một cái tâm thanh tịnh và ngộ tính cũng cần phải tốt. Trong số họ có những người mà tâm không được thanh tịnh cho lắm và ngộ tính không phải lúc nào cũng được tốt. Còn Hâm Liên cũng dần dần thể ngộ được những pháp lý tại các cảnh giới khác nhau; khi cô có những nút thắt không giải khai được trong tâm, thì khi ở trên núi, hoặc khi trên đường đi chữa bệnh cho người dân, hoặc trong giấc mộng đều thấy được những cảnh tượng điểm ngộ [giải mê], như thế cô càng thêm tinh tấn và cố gắng tiến bước trên con đường tu hành. Riêng phu quân của Hâm Liên cũng lại như thế. Chẳng hạn lúc mới đến anh chưa quen điều kiện ở đây, trong tâm rất khó chịu, một mặt vì tiền tài của anh đã bị tịch thu, mặt khác đối với kẻ vô lại và tên ác quan thì anh vẫn còn ôm giữ tâm oán hận. Lúc này Hâm Liên bèn nói với anh: “Sở dĩ gia sản của chàng bị tịch thu là vì cái tâm tiền tài chàng chưa buông xuống được. Còn tên vô lại kia là đứa con của chàng ở nhiều kiếp trước, vì chàng cả ngày bận rộn việc công, khi đứa bé sinh ra bị mắc bệnh mà không được chữa trị kịp nên đã chết, kiếp này nó đến tìm chàng để đòi nợ”.

Cứ thế trải qua 20 năm, vào một đêm mùa thu thanh phong lãnh nguyệt (gió mát trăng lạnh), Hâm Liên biết rằng con đường tu hành của mình đã kết thúc, bèn tập hợp mọi người và những hàng xóm lân cận lại nói: “Nhân gian rất khổ, không chỉ là những chuyện ân oán không như ý mà còn phải trong lục đạo luân hồi chờ đợi một cách vô cùng khổ sở, nếu không tu hành thì vĩnh viễn sẽ không được siêu thoát, do đó chúng ta phải nhớ rằng: nhất định phải tu hành thật tốt, không được chểnh mảng!…”

Khi cô vừa dứt lời thì trên không trung vang lên tiếng pháp nhạc, sau đó là những cảnh tượng tráng quan thiên nữ trải hoa xuất hiện, hai tiểu đồng tử tự nhiên trở thành người hầu bên cạnh Hâm Liên, họ từ từ bay lên không. Lúc này rất nhiều người ngẩn ra nhìn, cũng có người quỳ xuống cầu xin Hâm Liên nói thêm vài câu. Hâm Liên đưa tay lập chưởng trước ngực, đứng trên bảo toạ liên hoa đang từ từ bay lên, nói:

Vi tu chính quả hạ phàm gian

Triển chuyển luân hồi hứa đa niên

Kim triều tu hành hồi thiên chuyển

Cáo tố chúng sinh sổ chân ngôn:

Nhân gian khổ hải bất trường cửu

Danh lợi ân oán thử trung cầu

Bất liêu bách niên hà năng lưu

Chỉ hữu lưỡng nghiệp tùy thân tẩu

Mê trung tỉnh lai phương giác mộng

Bổn tính tiệm ngộ quy Phật thừa

Tu hành khổ lai tâm khước cam

Lộ đáo tẫn đầu chung phi thăng

Đoạn khứ nhân tình liễu ân oán

Tự tại tiêu dao Pháp vô biên

Từ bi vạn vật minh chân ý

Vĩnh sinh vĩnh nhạc thiên địa huyến

Dịch nghĩa:

Vì tu chính quả mà hạ phàm

Chuyển trong luân hồi biết bao năm

Hôm nay tu thành trở về trời

Nói với chúng sinh mấy chân ngôn:

Nhân gian bể khổ không dài lâu

Danh lợi ân oán truy cầu đó

Sau này trăm tuổi lưu được chăng

Chỉ có hai nghiệp [1] đeo bên thân

Trong mê tỉnh lại biết là mộng

Bản tính tiệm ngộ quy Phật thừa

Tu hành chịu khổ lánh nhàn hạ

Cuối đường tu luyện bay lên trời

Đoạn dứt nhân tình hết ân oán

Tiêu dao tự tại Pháp vô biên

Từ bi vạn vật minh chân ý

Vĩnh sinh vĩnh lạc thiên địa huyến [2]

Lúc ấy có người hỏi: “Thế Pháp hiệu của cô là gì?” Khi này cô chỉ mỉm cười, mang theo hai đồng tử bay lên. Một lúc sau từ trên không trung có tiếng vọng xuống: “Ta vốn là La Hán trên thiên thượng, vì ở đó ta muốn tu đến cảnh giới Bồ Tát, nên nguyện xuống nhân gian tu hành, hơn nữa ta lại cùng lúc hạ giới với một nữ hầu bên cạnh Vương Mẫu Nương Nương bị phạm lỗi. Ở đời này khi ta muốn tu hành xuất thế, một vị nữ Bồ Tát đã đến dạy ta tu hành. Khi ta tu đến một tầng thứ nhất định, bà ấy bảo ta khi tu thành hãy lấy Pháp hiệu là ‘Quan Thế Âm’. Bây giờ ta đã tu thành quả vị Bồ Tát, các vị hãy gọi ta là Quan Thế Âm Bồ Tát’! Các vị nhất định phải tu hành thật tốt, không được chểnh mảng! Nhớ lấy! Nhớ lấy!……”

Nhiều năm sau, rất nhiều người trong số đó đều đã tu thành chính quả, trong đó có cả phu quân của Hâm Liên. Ở đây chúng tôi sẽ không nói chi tiết.

Câu chuyện của cô gái chúng tôi chỉ kể đến đây.

Ghi chú:

[1] hai nghiệp: ở đây chỉ hai chủng thiện nghiệp và ác nghiệp

[2] thiên địa huyến: chỉ nơi cảnh giới vô cùng mỹ hảo tươi sáng, bởi vì tầng tầng không gian trong vũ trụ đều có thiên và địa.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/271116