Câu chuyện Thần tiên: “Nam phong” – khúc đàn hội ngộ tri âm

Tác giả: Chu Nguyệt Minh chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Thời trẻ, em trai của Tiêu Phục không thích theo đuổi con đường làm quan mà thích tu luyện trường phái Đạo gia. Cậu thường ăn linh chi, đan quế, lại biết chơi đàn, sở trường đặc biệt là gảy khúc nhạc cổ “Nam phong”.

Một lần Tiêu Sinh du ngoạn đến Hàm Dương tỉnh Hồ Nam, khi neo thuyền ở bờ sông thì thấy một ông lão đang đọc sách, tay ôm đàn. Tiêu Sinh đến vái chào ông lão và hỏi: “Lão bá chơi đàn giỏi, vậy lão có thể gảy khúc Nam phong không?” Ông lão đáp: “Ta gảy khúc Nam phong rất tuyệt”. Tiêu Sinh thỉnh mời ông lão chơi đàn, vừa nghe đã thấy tiếng đàn hay tuyệt diệu bèn thỉnh giáo ông lão hãy truyền bí quyết gảy đàn cho mình, ông lão liền đem tất cả bí quyết truyền lại cho Tiêu Sinh. Khi Tiêu Sinh cùng ông lão uống rượu, hỏi ông lão nhà ở đâu, ông chỉ cười mà không đáp.

Sau đó Tiêu Sinh trở về nhà ở phương Bắc, đến cửa sông Nguyên Giang thì đậu thuyền bên bờ rồi đem đàn ra gảy khúc Nam phong. Lúc ấy có một cô gái búi tóc song kế (kiểu búi tóc hai bên) đi qua, trong tay cầm một cái giỏ tre nhỏ, nói với Tiêu Sinh rằng: “Nương tử nhà tôi ở gần đây, cô ấy cũng thích chơi đàn, bây giờ tôi sẽ đi nói với cô ấy”. Tiêu Sinh hỏi cô vì sao đi đến đây, cô bảo là đi hái quả. Cô gái đi được một lúc rồi quay trở lại nói: “Nương tử nhà tôi mời ông đi một chuyến”. Tiêu Sinh đã ở trên thuyền rất lâu rồi, đang muốn lên bờ đi dạo một chút, vậy nên đã đồng ý đi cùng cô gái.

Một lúc sau có một lão bộc vẫy một chiếc thuyền xinh đẹp lại, Tiêu Sinh bước lên thuyền. Thuyền đi được một dặm thì đến bờ, sau đó họ đi vào một dinh phủ hoa lệ. Tiêu Sinh được mời đến một căn phòng lớn, thấy có hai mỹ nhân ngồi phía trên bèn tiến đến bái kiến họ. Một mỹ nhân nói: “Xin đừng trách chúng tôi đã gọi ngài đến. Biết ngài chơi khúc Nam phong rất hay, chúng tôi cũng thích chơi khúc này, chỉ là lâu rồi không đàn nên quên mất một nửa, xin ngài hãy chỉ giáo cho!”. Tiêu Sinh bèn gảy khúc đàn và vị mỹ nhân cũng mang đàn đến.

Sau khi Tiêu Sinh đàn xong khúc Nam phong, hai vị mỹ nhân và gia nhân tả hữu hai bên đều ôm mặt khóc. Một mỹ nhân hỏi ai đã truyền thụ ngón đàn này cho ông, Tiêu Sinh nói rằng đó là một ông lão, và còn tả lại tướng mạo của ông lão ấy. Mỹ nhân lại rưng rưng nước mắt nói: “Ông lão ấy chính là vua Thuấn! Đây cũng là ý chỉ của thiên đế để ông ấy truyền tuyệt kỹ lại cho ngài và ngài lại truyền lại cho chúng tôi. Hai người chúng tôi là hai phi tử của vua Thuấn. Từ khi vua Thuấn làm quan tư đồ trên thiên giới đến nay đã cách biệt 1000 năm. Tuy rằng chúng tôi đã từng học qua khúc đàn này, nhưng do quá lâu rồi nên cũng quên mất”. Sau đó họ mời Tiêu Sinh ở lại uống mấy chén trà rồi mới để Tiêu Sinh cáo biệt rời đi. Vị mỹ nhân dặn dò rằng: “Hãy hết sức trân trọng tuyệt kỹ mà ngài đã học được và cũng đừng nói cho ai biết về chuyện này”. Rồi Tiêu Sinh lên thuyền quay trở lại bờ sông nơi mà ông đã đánh đàn.

Ngày hôm sau Tiêu Sinh quay lại tìm đến vị trí dinh phủ ấy nhưng chẳng còn thấy gì nữa.

(Theo Dật sử)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/26351