Người xưa và cây cối

Tác giả: Nhất Đẩu  

[ChanhKien.org] 

Triển Cầm sống vào thời Xuân Thu, trước nhà ông trồng nhiều cây liễu. Vì ông giúp người làm rất nhiều việc huệ đức nên người ta gọi ông là “Liễu Hạ Huệ”.

Mạnh Tử nói với Lương Huệ Vương rằng: “Được năm mẫu đất ở, nếu xung quanh trồng dâu, thì người 50 tuổi có quần áo để mặc”.

Năm Hà Bình thứ nhất thời Hán Thành Đế, vì đại hạn nên lúa mạch mất mùa, bách tính tranh nhau ăn vỏ cây du.

Danh nhân triều Hán là Từ Nhụ Tử lúc còn nhỏ, người hàng xóm vì muốn chặt cái cây nên đã nói: “Sân nhà ta đương vuông vắn, có thêm cái cây này vào thành ra chữ khốn (困), thật không may mắn”. Từ Nhụ Tử đáp: “Nếu như chặt cái cây đi thì khi ở trong sân, bác sẽ thành phạm nhân trong chữ tù (囚)”. Người ấy nghe vậy bèn không chặt cây đi nữa.

Hà Tùy thời Tam quốc nhà có một vườn trúc, có người đến đào trộm măng trúc trong sân bị Hà Tùy bắt gặp, Hà Tùy e rằng người kia vì hoảng sợ mà giẫm đạp cây trúc nên đã mang cả giày rón rén bước đi.

Tướng nhà Tấn là Hoàn Ôn khi dẫn quân ngang qua huyện Kim Thành, nhìn thấy cây liễu mình trồng 30 năm trước giờ đã to cỡ mấy người ôm liền cảm khái nói: “Cây còn to như vậy hỏi người sao lại chẳng già?”

Trương Nguyên người thời Nam – Bắc triều lúc còn nhỏ, người hàng xóm ở phía Nam nhà ông trồng hai cây mơ to, nhiều quả mơ chín rụng xuống nhà Trương Nguyên. Những đứa trẻ đến tranh nhau nhặt ăn, chỉ có Trương Nguyên đem những quả mơ nhặt được trả lại nhà hàng xóm.

Vào triều Tùy, ba anh em Điền Chân muốn phân nhà và định đem gia tài chia đều nhau. Trước nhà họ có một cây tử kinh. Hôm trước ba anh em bàn nhau ngày mai sẽ chia ba gia tài, đến hôm sau thì cây tử kinh đã chết khô như bị ai đốt. Anh em Điền Chân thấy thế thất kinh, quyết định sẽ không chia gia tài nữa.

Vương Nghĩa Phương thời Đường sau khi nhậm chức ngự sử đã mua một ngôi nhà. Vài ngày sau vì yêu thích cái cây trong sân nên ông đã gọi gia chủ đến nói: “Cái cây này đẹp quá, ông không thể bán ngôi nhà rẻ vậy được”. Nói rồi đưa thêm tiền cho gia chủ.

Ngô Việt Vương thời Ngũ đại Thập quốc thường hay đi dạo trong viên phủ, thấy người làm vườn là Lục Chương Nhân trồng cây rất chăm chút bèn ghi nhớ người này. Sau này khi quân Hoài Nam bao vây thành Tô Châu, Ngô Việt Vương đã phái Lục Chương Nhân vào thành đưa thư, quả nhiên ông ấy đã mang được thư hồi âm về.

Vương Điếu thời Tống có ba người con trai, ông đã trồng ba cây hoè trong sân và nói: “Con trai ta nhất định sẽ giữ chức tam công”. Quả thật sau này con trai ông là Vương Đán đã làm đến chức tể tướng.

(Theo Thái Bình ngự lãm)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/33999