Nghĩa giải tam quốc (17): Tào Tháo một mình giết tặc, nghĩa cử vang danh thiên hạ

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Ngũ Phu đương triều giết tặc, hy sinh vì đại nghĩa, Tào Tháo nối gót theo sau, cuối cùng dẫn khởi toàn quốc cùng nhau khởi nghĩa thảo phạt nghịch tặc. Cuộc khởi nghĩa quy mô lớn này là do Tào Tháo khởi xướng, tuy không đạt được mục đích cuối cùng diệt trừ Đổng Trác, nhưng đã trở thành vũ đài triển hiện uy danh của ba đại anh hùng Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi trước mặt các chư hầu. Trong con mắt tác giả, ba người này mới là vai chính của khởi nghĩa toàn quốc. Tại ải Tỵ Thủy trảm Hoa Hùng và tại ải Hổ Lao đại chiến Lã Bố, quân chư hầu đều phải dựa vào ba người này mới có thể giành được thắng lợi, không có họ thì kiểu gì cũng sẽ thất bại. Biểu hiện vô năng của các chư hầu chỉ để làm nổi bật thần uy của tam anh. Mặt khác nghĩa dũng của Tào Tháo, cơ trí hơn người và tấm lòng cũng như quan điểm anh hùng không kể xuất thân của ông cũng được thể hiện đầy đủ. Có thể nói, một trường đại chiến khởi nghĩa, ngoài việc làm nổi bật những nhân vật quan trọng, thì cũng triển hiện một cách tinh tế và sâu sắc chí hướng và cảnh giới của các lộ chư hầu.

Liên minh quân chư hầu cuối cùng bỏ cuộc giữa chừng, tuy thắng mà bại, để mặc Đổng Trác bức ép thiên tử và bách tính dời đô đến Trường An, thiêu thành Lạc Dương thành một mảnh đất khô cằn, kỳ thực đó là ý trời, Đổng Trác đã được ấn định rằng trước khi bị trời trừng phạt thì hoàn tất việc định hình hình mẫu “hiệp thiên tử lệnh chư hầu”. Từ nay thiên tử phải theo quyền thần mà đi, phiêu bạt bốn phương, khiến cho vở kịch lớn sau này, trong đó Lưu Bị quật khởi, phò trợ Hán thất cứu nước, cuối cùng hình thành đại kịch tam quốc diễn “nghĩa”, trở thành một bộ kịch “lịch sử trường thiên” dài đằng đẵng, lưu lại cho người đời sau.

Chúng ta trước hết xem Tào Tháo làm cách nào để thích sát Đổng Trác.

Mượn bảo đao, Tào Tháo vào tướng phủ giết tặc

Tào Tháo và Viên Thiệu đều là cấm quân hiệu úy của triều đình. Viên Thiệu do trước đây phản đối Đổng Trác phế đế, sớm đã bị đuổi ra khỏi Lạc Dương, đóng quân tại Bột Hải, sau khi Ngũ Phu bị Đổng Trác giết hại, ông căm giận Đổng Trác chuyên quyền, không thể dung nhẫn, lệnh cho người đưa mật thư cho tư đồ Vương Doãn, trách tư đồ rằng thân là trọng thần của triều đình thì không thể trừng mắt nhìn Đổng Trác hành ác mà vẫn mặc kệ, khuyên ông dẫn đầu lập mưu tính kế, cùng nhau thảo phạt ác tặc. Lúc đó Đổng Trác đang dò xét quần thần, Vương Doãn do đó trong lòng lo như lửa đốt, vì muốn tránh sự nghi ngờ của Đổng Trác, ông dùng việc chúc tụng sinh nhật làm lý do, mời những vị quan mà mình tín nhiệm đến nhà, bí mật lập mưu trừ hại, Tào Tháo cũng ở trong đó. Nhưng mọi người bàn bạc nhiều mà lại không có kế sách khả thi nên cùng khóc nức nở, lúc này, Tào Tháo dũng cảm bước ra, nguyện ý mượn nhờ một thanh bảo đao tổ truyền cực kỳ sắc bén của nhà Vương Doãn, một mình đi trước thích sát Đổng Trác. Ông nói, bản thân mình bao lâu nay một mực trước mặt lấy lòng Đổng Trác, kỳ thực là muốn nhẫn nhục chờ thời, lấy được tín nhiệm của Đổng Trác, đợi thời cơ tốt diệt trừ quốc tặc. Đến nay đã có hiệu quả, Đổng Trác đối với ông mười phần tín nhiệm, lưu ông lại bên thân, ông có thể ra vào tướng phủ của Đổng Trác bất kỳ lúc nào, tức là có thể trực tiếp đến nhà Đổng Trác tìm thời cơ giết hắn. Vương Doãn nghe vậy rất vui mừng, không tiếc thanh bảo đao chút nào, lập tức đưa cho Tào Tháo, đây chính là nguyên do hành động thích sát của Tào Tháo.

Lời của Tào Tháo biểu hiện rõ ràng nghĩa cử thảo phạt gian tặc trừ hại của ông, thuộc phương thức hành nghĩa thứ hai là nhẫn nhục vì đại sự. Mặc dù sau khi Ngũ Phu thất bại, mất đi sinh mệnh, Đổng Trác đã đề phòng cảnh giác, phòng vệ nghiêm mật, nhưng Tào Tháo vẫn dám tự mình dũng cảm thực thi hành động nguy hiểm như vậy, chỉ dựa vào điểm này, có thể kết luận ông tuyệt đối không phải kẻ tham sống sợ chết, mà là nghĩa dũng song toàn, có dũng có mưu, là một anh hùng có thể cơ trí ứng biến. Quá trình thích sát này được viết ra cực kỳ chi tiết, không chỉ làm nổi bật sự cảnh giác của Đổng Trác, mà cũng triển hiện mười phần đầy đủ sự bình tĩnh và cơ trí của Tào Tháo.

Tào Tháo mang theo bảo đao, đi vào tướng phủ hầu phụng Đổng Trác, do có mưu kế thích sát, nên hiển nhiên đến chậm hơn một chút, vì việc này, Đổng Trác bèn truy vấn Tào Tháo vì sao lại đến trễ. Tào Tháo trả lời rất cơ trí rằng bởi vì con ngựa mình cưỡi quá gầy ốm rồi, đi quá chậm. Đổng Trác thấy ông trả lời không hề do dự như vậy, mới không cảnh giác, gọi Lã Bố – nghĩa tử vừa mới nhận, đi chọn một con ngựa tốt tặng cho Tào Tháo. Tào Tháo thấy kẻ có thực lực nhất là Lã Bố đã rời khỏi Đổng Trác, Đổng Trác lại vì quá to béo nằm xuống nghỉ ngơi, thế là chớp thời cơ rút đao, đang lúc chuẩn bị hành thích Đổng Trác thì Đổng Trác lại phát hiện qua tấm gương, thế là hỏi Tào Tháo, muốn làm gì đây? Tào Tháo lập tức có thể tùy cơ ứng biến, thay đổi thành quỳ xuống dâng tặng bảo đao, ông rõ trong lòng, Đổng Trác có sức lực rất lớn, Ngũ Phu chính là thất bại vì lý do này. Hơn nữa Lữ Bố cũng chọn xong ngựa tốt, lập tức quay trở về rồi.

Do đúng là bảo đao, Tào Tháo chỉ mới rút ra, chứ chưa hạ thủ, lời nói cũng trôi chảy không một chút sơ hở, nên Đổng Trác tuy rằng trong lòng sinh nghi, cũng chỉ có cách không biểu lộ tức giận, bảo Lã Bố đem ngựa cho ông. Tào Tháo thấy ngựa trong tay, bèn lập tức ra quyết định, lừa Đổng Trác rằng muốn thử ngựa, vội vàng đánh roi cưỡi ngựa, tháo chạy khỏi cung, muốn về quê hương chiêu tập nghĩa quân, hiệu lệnh các nơi chư hầu, cùng nhau thảo phạt ác tặc.

Nhờ bị truy nã toàn quốc, nghĩa cử được vang danh thiên hạ

Đổng Trác thấy Tào Tháo tháo chạy, chứng tỏ là ông muốn thích sát hắn, thế là cực kỳ tức giận, mượn danh nghĩa thiên tử lệnh toàn quốc viết thông báo truy bắt Tào Tháo. Hơn nữa còn treo thưởng ngàn vàng, phong vạn hộ hầu. Nếu giúp Tào Tháo tháo chạy hoặc che giấu, thì đồng tội với Tào Tháo. Tào Tháo muốn thoát được bị bắt, trừ phi được trời giúp.

Từ điểm này mà nhìn, thì hành vi cơ trí tận hết nỗ lực bảo toàn tính mạng của Tào Tháo tuyệt không phải tham sống sợ chết, ông vì không muốn chết uổng, lưu lại tấm thân hữu dụng, mới có thể gây dựng lực lượng, mới lại có cơ hội trừ ác, tại thời kỳ đặc thù đó, đây cũng là một loại phương thức báo quốc điển hình mà không có lựa chọn khác. Nếu như không phải ông đã buông bỏ được sinh tử từ lâu, hiểu được sinh tử có mệnh, thì ông thực sự sẽ không dám một mình đi hành thích, vì hễ thất bại, rất có khả năng sẽ mất mạng. Tào Tháo nếu như một chút giác ngộ này cũng không có thì sẽ không thể đi hành thích. Chúng ta thấy được rằng, ông chạy đến huyện Trung Mâu, bị huyện lệnh Trần Cung nhận ra, bắt ông vào ngục. Nếu như Trần Cung tham thưởng nghìn vàng và tước vị vạn hộ hầu thì sẽ áp giải ông đến kinh thành nhận thưởng, có lẽ Tào Tháo sẽ mất mạng. Cho dù trong lịch sử có lẽ là một người khác thả Tào Tháo, nhưng bất kể chân tướng thế nào, thì hành động thích sát của Tào Tháo đã được đông đảo quần chúng công nhận, do vậy, đây là hành động thuận thiên lý, hợp nhân tâm, ông được quan địa phương giúp đỡ, mệnh chưa phải chết, cuối cùng chạy thoát ra ngoài. Trần Cung chính là đại biểu cho những vị quan địa phương có lương tri, ông được an bài cứu Tào Tháo trong vở kịch lớn diễn nghĩa này, ông bỏ đi chức quan huyện lệnh, mạo hiểm nguy cơ đồng tội bị truy bắt, muốn cùng Tào Tháo khởi nghĩa.

Chúng ta thấy được rằng, cho dù là trong tiểu thuyết diễn nghĩa thì tác giả cũng viết, Tào Tháo bị Trần Cung nhận ra, lúc Trần Cung giả ý bắt ông giải về kinh lĩnh thưởng, nghĩa là lúc thật sự không có cơ hội thoát mạng, thì Tào Tháo cũng vẫn không cúi đầu. Chúng ta xem đoạn nguyên văn dưới đây:

Ðến nửa đêm, quan huyện sai người thân tín xuống gọi Tào Tháo lên, bảo dẫn vào nhà sau để hỏi. Tháo vào, quan huyện hỏi rằng: “Ta nghe nói thừa tướng hậu đãi ngươi, sao ngươi lại tự chuốc lấy vạ vào thân?” Tháo nói: “Ngươi như chim sẻ biết đâu được chí chim hồng! Đã bắt được ta thì cứ đem nộp mà lãnh thưởng.” Quan huyện (Trần Cung) bèn đuổi cả tả hữu đi rồi bảo Tháo rằng: “Ông đừng coi thường tôi. Tôi đây không phải là bọn tục lại đâu, cũng vì chưa gặp được chủ đấy thôi.” Tháo nói: “Ông cha ta, đời đời ăn lộc nhà Hán. Nếu ta không biết nghĩ cách báo quốc, có khác gì giống muông thú! Ta phải hạ mình thờ thằng Ðổng Trác là muốn tìm cơ hội thuận tiện giết nó. Nay việc không xong, cũng là ý trời!” Quan huyện nói: “Mạnh Đức (tên tự Tào Tháo) chuyến này muốn đi đâu?” Tháo nói: “Ta sẽ về cố hương, phát lời kêu gọi, kêu gọi tất cả chư hầu trong thiên hạ khởi binh giết Ðổng Trác. Ðó là sở nguyện của ta.”

Đoạn này cho thấy tâm chí dám bỏ mạng vì nghĩa tuyệt không hối hận của Tào Tháo, nói rất rõ ràng, khuất thân lấy lòng Đổng Trác, mục đích là vì nước trừ hại, nếu không phải thực lòng sẽ không dám hành thích, đoạn này cũng nói rõ một câu nói của ông, đó là ông tin rằng giết tặc không thành công là ý trời. Quả nhiên, sau khi ông được phóng thích, đúng là đã về quê nhà, dựng cờ hiệu khởi nghĩa.

Tào Tháo tuy rằng thích sát thất bại, nhưng ông chính là thuận ứng với thiên tượng “Đổng Trác tội ác chồng chất, ai ai cũng hận”. Do đó, việc Đổng Trác trắng trợn truy bắt trên toàn quốc, là đang khảo nghiệm tâm chí của Tào Tháo trong khó nạn, nhưng vô tình cũng là đem nghĩa cử của Tào Tháo công bố cho toàn quốc, một cách tự nhiên đã khiến cho nghĩa cử của Tào Tháo giành được nhân tâm của thiên hạ. Chính như vậy ông đã giành được sự hưởng ứng và ủng hộ của các quan lại và các chư hầu toàn quốc, thuận lợi hình thành nên liên minh quân sự toàn quốc đại quy mô lần này. Trong việc này, Tào Tháo do thuận thiên ứng nhân, nên có được cái lợi thiên thời và nhân hòa một cách tự nhiên.

Tiếp đó, liên minh chư hầu khởi nghĩa, chính là sẽ tập trung triển hiện uy danh của Lưu Quan Trương. Khởi nghĩa tuy không có kết quả, nhưng lại khiến ba anh em Lưu Bị như tiềm long quật khởi, cùng vang danh thiên hạ.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/255078